Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Gia đình với văn hóa thay đổi và sự duy trì văn...

Gia đình với văn hóa thay đổi và sự duy trì văn hóa

155
0

Sau nhiều năm tôi tìm cách cho 6 con tôi đi định cư ở Úc và bảo lãnh tôi cùng con gái út vào năm 1990. Tôi còn để lại một con gái và chồng của nó ở Việt Nam. Cuộc sống mới trên xứ người đã gợi ra cho tôi nhiều ý nghĩa từ những kinh nghiệm về gia đình tôi và cộng đồng người Việt ở nước Úc.
 
Sự khác nhau về văn hóa giữa Úc và Việt Nam

Ở Úc, gia đình tôi gặp phải sự khác biệt về văn hóa: ở Việt Nam, văn hóa ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa Trung Hoa cả ngàn năm. Văn hóa này căn cứ trên nguyên lý đạo trưởng và đạo Phật gọi là Văn hóa Đông phương – Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Âu châu, nhưng không nhiều.

Úc là một nước đa văn hóa nhưng văn hóa chính đến từ Âu châu gọi là văn hóa phương Tây.

Văn hóa Đông phương nhấn mạnh đời sống tinh thần của con người, phát triển đạo đức và trí khôn, trong khi văn hóa phương Tây tập trung vào khoa học. Nhờ đó, người phương Tây chinh phục thiên nhiên và khám phá vũ trụ, dẫn đến văn minh thế giới ngày nay.

Đạo Khổng và giá trị phụ nữ

Người khai sáng đạo Khổng là triết gia Trung Hoa tên là Khổng Tử sống cách đây khoảng 2.500 năm. Theo nguyên tắc đạo Khổng thì: Vua là tinh thần của quốc gia và có quyền tối thượng.

Người cha là người lãnh đạo của gia đình. Còn giá trị người đàn bà thì rất thấp sau đây là giá trị phụ nữ theo Khổng giáo.

Tam tòng:

Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử

Tứ đức:

Công – dung – ngôn – hạnh

Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô

Một chứng minh là ngày xưa ở Trung Hoa cũng như Việt Nam, người phụ nữ không được học – một chuyện Tàu kể là bà Mạnh Lệ Quân phải giả trai để học và đi thi. Nhưng ở Việt Nam, kể từ khi văn hóa phương Tây gia nhập thì vai trò phụ nữ có thay đổi. Con gái được đi học. Họ đã thành công nhiều lãnh vực quan trọng trong xã hội.

Sự nứt rạn giữa các thế hệ

Chính sự thay đổi văn hóa gây ra sự nứt rạn này. Ở Việt Nam, học sinh học luân lý và bổn phận công dân ở trường. Cho nên cha mẹ, thầy cô giáo và các bậc tuổi tác được kính trọng. Trong lớp, học sinh phải đứng dậy để phát biểu ý kiến, đứng dậy khi thầy cô giáo hay khách đi vào hoặc đi ra. Trong gia đình, cách xưng hô của mỗi người cũng phân biệt ngôi thứ lớn nhỏ. Ví dụ: bác, chú, anh, chị, em, anh họ, chị họ, em họ …

Văn hóa Việt Nam đánh giá cao đời sống gia đình, trong đó trách nhiệm và sự biết ơn được nhấn mạnh. Ví dụ:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong  nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là chân tu.

Ở Úc, văn hóa dễ dãi với trẻ em. Nhiều người Việt mới qua Úc, gặp phải sự thoái hóa của vai trò cha mẹ, tôi đã từng chứng kiến sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Tôi nghĩ tại vì cha mẹ (thế hệ một) vẫn còn thấm nhuần luân lý Á đông trong khi các con họ (thế hệ thứ 2) thì dễ dàng thân quen với văn hóa Âu Tây ở trường học và chúng nhanh chóng hội nhập vào quốc gia mới.

Vai trò người phụ nữ cũng được nâng cao ở Úc. Điều này thường dẫn đến sự xung đột giữa vợ chồng, gây ra ly thân và ly dị. Theo tôi thì luân lý Á Đông vẫn còn khá tốt để duy trì truyền thống trung thành giữa vợ chồng.

Vài cách giải quyết của tôi

Bảy đứa con của tôi đến Úc từ tuổi 17 trở lên cho nên chúng dễ hội nhập vào văn hóa mới, thích hợp với tuổi trẻ. Nhưng đối với tôi, lúc đầu tôi cảm thấy bị xúc phạm nhất là về việc hôn nhân của chúng. Tôi có 7 con lập gia đình ở Úc. Nhiều khi tôi không vui vì thấy ý kiến chúng tôi khác nhau. Nhưng khi tôi nhớ đến câu nói của Khổng Tử: “Tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ” (phải sửa mình trước, rồi mới giải quyết việc gia đình được, sau đó mới lãnh đạo việc nước và bình trị thiên hạ), tôi bèn trở nên mềm dẻo hơn. Tôi cố gắng hiểu thêm về văn hóa mới. Nhờ kinh nghiệm tuổi tác và sự khôn ngoan, tôi hiểu con tôi hơn chúng hiểu tôi. Tôi nói với chúng:

“Những ý kiến của mẹ là tốt cho các con, chứ không phải cho mẹ, mà cho tương lai của các con. Các con còn tương lai dài ở trước mặt. Rồi các con sẽ thấy mẹ đúng sau này. Nếu các con sống hạnh phúc trong gia đình nhỏ của các con, hài hòa với tất cả mọi người trong gia đình và người khác đó là các con đã tỏ lòng hiếu thảo với mẹ”. Mỗi lần tôi không bằng lòng điều chi về dâu hay rể của tôi thì tôi thường nói với con tôi để cho đứa con ấy giải quyết vấn đề. Nhưng thường thì tôi hay bỏ qua.

Tôi rất vui vì các con tôi cũng như dâu, rể đều tốt nghiệp đại học. Một ngạn ngữ Pháp đã nói: “Sự học vấn là chiếc chìa khóa mở tất cả các cửa”. Các con tôi thường tổ chức tiệc gia đình để thắt chặt tình gia đình, tôi thật may mắn!

Chúng ta nên làm gì để duy trì văn hóa

Trước hết phải học tiếng Việt để duy trì tiếng mẹ đẻ. Tôi hiện đang dạy Tiếng Việt và Sử Việt cho học sinh Việt Nam ở Úc. Tôi nhận thấy rằng hàng rào ngôn ngữ là trở ngại lớn trong sự giao tiếp mà trước nhất là trong gia đình. Con cái chúng ta không nói chuyện với chúng ta bởi vì Tiếng Việt của chúng thì kém mà cha mẹ Việt Nam thì không nói được Tiếng Anh. Tôi không lo về Tiếng Việt của các con tôi (thế hệ thứ 2) mà tôi lo về Tiếng Việt của các cháu tôi (thế hệ thứ 3). Trẻ em Việt Nam ở Úc cần học Tiếng Việt để có thể giao tiếp trong gia đình và cộng đồng Việt Nam để đọc sách Việt, để biết phong tục, tập quán, lịch sử Việt Nam…

Tiếp đến là duy trì văn hóa Việt Nam bằng cách duy trì những phong tục tập quán và truyền thống tốt, bằng cách tham gia vào những lễ hội nói lên truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, như thờ cúng ông bà, lễ Tết Nguyên Đán, lễ nhớ ơn các vị anh hùng Việt Nam, lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương…

Tiếp nữa là duy trì văn hóa bằng cách duy trì truyền thống đoàn kết, bằng cách tham gia giúp đỡ cộng đồng, góp phần vào những công việc phúc lợi, giúp đỡ đồng bào, xây dựng cộng đồng Việt Nam càng ngày càng vững mạnh.

Nhờ có sự đoàn kết gia đình mà hình ảnh 3 thế hệ sống chung dưới một mái nhà là rất thường ở Việt Nam nhưng lại rất hiếm ở Úc. Tôi đang ở với vợ chồng con trai và hai cháu nội. Thật may mắn!

Nhờ có tứ đức mà nhiều phụ nữ Việt Nam đã được tuyên dương là vợ và mẹ Việt Nam tuyệt vời!

Tóm lại, người Việt Nam chúng ta ở Úc không những nên thấm nhuần văn hóa Âu Tây, mà còn duy trì văn hóa Á Đông để có được cái hay cái đẹp từ hai văn hóa ấy. Ở Úc, họ sống trong hòa bình, họ gặt nhiều thành tựu đáng kể trong nhiều lãnh vực. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng Úc là một quốc gia dân chủ và nhân đạo. Chúng ta nên cố gắng hết mình để khuyến khích thế hệ thứ 2 và thứ 3 của chúng ta xứng đáng là dân Úc, chứng tỏ lòng biết ơn bằng cách góp phần xây dựng đất nước tuyệt vời này thành một nước vĩ đại hơn.

T.N.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here