Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Chữ Hiếu trong kinh tạng Pali

Chữ Hiếu trong kinh tạng Pali

151
0

Do vậy cha mẹ chính là hai thửa ruộng quý báu nhất để chúng sanh có duyên lành cúng dường. Bởi thế đức Thích Ca Thế Tôn trong Kinh Lời Vàng đã dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”.

Với tinh thần ấy nên lúc còn tại thế, Ngài đã chỉ dạy cho hàng đệ tử của mình rất nhiều về công đức của cha mẹ cũng như trách nhiệm của người con đối với cha mẹ mình. Lời dạy về hiếu hạnh của Ngài đã được kết tập rải rác trong Kinh tạng Pali. Qua Kinh tạng Pali đức Phật đã dạy công ơn của cha mẹ rộng sâu như biển cả nghìn trùng. Một con người sinh ra không chỉ có cha mẹ trong đời này, mà đã có cha, có mẹ trong vô lượng kiếp về trước. Vì vậy, sữa của người mẹ nuôi con cũng đã trãi qua nhiều đời, nhiều kiếp, nếu đem góp lại thì nhiều hơn nước trong bốn biển, bao la và rộng lớn hơn cả đại dương. Nên trong Tương Ưng Bộ kinh đức Phật dạy: “ Này các Tỷ kheo, sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các người lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài thì nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được…” (1)

Cha mẹ chính là người tạo ra sự sống cho chúng ta, là người dẫn bước cho chúng ta khi mới chập chững trên đường đời cho đến lúc trưởng thành. Nên chính cha mẹ là ngọn lửa thiêng liêng, soi đường cho chúng ta trên mọi nẽo đường của cuộc sống, để mong đem lại hạnh phúc an lạc cho con cái của mình. Cho nên cha mẹ chính là ngọn lửa đáng cung kính, bởi thế đức Phật dạy: “ Này các Bà-la-môn, cha mẹ của các người là ngọn lửa đáng cung kính. Vì sao thế? Vì từ đó mà tạo ra sự sống, sự hiện hữu. Do đó, cha mẹ là những ngọn lửa thiêng liêng đang cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, và sẽ đem lại chánh lạc…” (2).

Như vậy, chính cha mẹ là ruộng phước lớn nhất để chúng ta gieo trồng. Vì không có ai yêu thương săn sóc, dẫn đường và tạo dựng cuộc sống cho chúng ta bằng cha mẹ. Nên ai bất hiếu nghịch bội với cha mẹ thì người đó không còn yêu thương ai một cách thật tình nữa. Vì chính cha mẹ đã chịu nhiều khổ đau, gian khó của cuộc đời để nuôi nấng chúng ta nên người. Cha mẹ là hai hạng người mà suốt đời chúng ta không trả hết công ơn được, nên trong Tăng Chi Bộ đức Phật dạy: “Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, Ta nói không thể trả ơn hết được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, vai kia cõng mẹ, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy cha mẹ có vãi tiểu tiện, đại tiện. Như vậy này các Tỷ kheo cũng chưa làm đủ, trả đủ ơn đức mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với đầy đủ bảy thứ báu. Như vậy này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì sao thế? Vì rằng, cha và mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng cho đến lúc lớn khôn và dẫn dắt chúng vào đời này...” (3).

Tuy nhiên với đức Phật, việc báo đáp công ơn cha mẹ không chỉ ngoài việc cung phụng ăn uống, săn sóc cha mẹ khi tuổi già sức yếu, lo thuốc than, y áo, chăn màn khi cha mẹ trái gió trở trời…vì đó cũng mới chỉ là hiếu thuận của thế gian. Người Phật tử muốn báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ thì còn phải biết khuyên cha mẹ thực hành tịnh giới, phải biết khuyên cha mẹ làm lành tránh dữ, để có cuộc sống an lạc trong hiện tại và giải thoát trong tương lai. Vì thế đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải, tiền bạc, thì không bao giờ đủ để trả công ơn cha mẹ. Này các Tỷ kheo, những ai đối với cha mẹ, không có lòng tin với Tam Bảo, thì khuyến khích cho có lòng tin, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích cha mẹ vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi xan tham, thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến, thì khuyến khích cha mẹ vào chánh kiến, cho đến như vậy. Này các Tỷ kheo, là làm đủ và đền đáp đủ cho cha mẹ” (4).

Như vậy, chính lòng tin Tam Bảo, chính việc giữ gìn chánh giới sẽ khiến cha mẹ tạo dựng thiện nghiệp. Vì nuôi dưỡng cha mẹ bằng vật chất mới chỉ bồi bổ cho cha mẹ về mặt thể xác, nhưng khuyến khích cha mẹ thực hành tịnh giới, tu tập các thiện nghiệp mới tạo cho cha mẹ thấy rõ cuộc sống hạnh phúc trong chánh pháp, là giúp cha mẹ đầy đủ về tinh thần, đó là điều cốt lõi để dẫn dắt cha mẹ đến chỗ giải thoát an lạc, và đó mới là sự báo hiếu đầy đủ nhất.

Ở một kinh khác trong Trường Bộ Kinh, khi đức Phật giảng dạy cho Thi-ca-la-việt về cách lễ lạy sáu phương, trong đó đức Phật dạy phương Đông là tượng trưng cho cha mẹ, nên khi lễ lạy cần phải quán tưởng, thực hành những việc mà người con phải làm đối với cha mẹ của mình. Ngài dạy: “ Này gia chủ, có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm lễ theo phong tục tập quán khi cha mẹ qua đời” (5).

Với những bổn phận ấy, người con phải biết rằng mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ, vì rằng ta nuôi cha mẹ ta vì cha mẹ là cha mẹ của ta, người đã chịu nhiều cực khổ để nuôi nấng ta nên người, nên nuôi dưỡng cha mẹ chính là hiếu đạo mà cũng là trách nhiệm của mỗi người con. Con cái phải có bổn phận với cha mẹ, phải chăm sóc nuôi dưỡng, khuyến khích cha mẹ thực hành điều lành khi cha mẹ còn sống và phải giữ gìn tài sản mà cha mẹ đã để lại, phải biết tổ chức tang lễ của cha mẹ phù hợp với gia đình, cuộc sống, phù hợp với phong tục tập quán, phải vừa hợp đạo mà cũng hợp với đời. Như vậy người đó mới là người con có hiếu, mới là người đệ tử chân chính của đức Phật.

Vậy nên, hiếu đạo còn được gọi là giới. Như đức Phật đã dạy “điều thiện tối cao không gì hơn hiếu và điều ác tối cao không gì hơn bất hiếu”, bất hiếu là phạm giới, là không hợp với tâm của chư Phật. Cho nên gia đình nào, có con cái hiếu thuận với cha mẹ, biết săn sóc phụng dưỡng cha mẹ thì gia đình đó được đức Phật ví ngang bằng với Phạm Thiên, đáng được cúng dường: “Này các Tỷ kheo, những gia đình nào có con cái kính lễ cha mẹ trong nhà, thì những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên, được chấp nhận ngang bằng với gia đình các bậc Đạo Sư, đáng được kính trọng và cúng dường. Phạm Thiên là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc đáng cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì sao? Vì cha mẹ giúp đỡ con cái rất nhiều, vì cha mẹ đã nuôi dưỡng con cái đến ngày lớn khôn, đào tạo chúng để chúng vào cuộc đời...”(6).

Tuy nhiên cũng đừng vì việc phụng dưỡng cha mẹ mà chúng ta lại biện minh cho những hành động sai trái, không chánh nghiệp, chánh mạng của mình. “Người đã làm ác để nuôi dưỡng mẹ và cha cũng không thể nào tránh khỏi những quả báo xấu bởi những hành vi bất thiện của mình, và như vậy không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và để bào chữa cho những hành động bất chánh của mình”(7).

Tóm lại, với những lời đức Thế Tôn đã dạy về hiếu đạo trong Kinh tạng Pali, qua một số đoạn kinh vừa trích này đã cho chúng ta thấy mạng sống, kiến thức, tình cảm, sự nghiệp của chúng ta hôm nay, tất cả đều nhờ cha mẹ mà có, tất cả đều do cha mẹ mà thành. Do đó hiếu đạo là một bổn phận cơ bản, là một trách nhiệm thiêng liêng mà tất cả chúng ta cần phải thực hành, vì rằng: “Chính tâm hiếu mới là tâm Phật, hạnh hiếu mới là hạnh Phật” vậy.

N.T

——————————————————————–

Chú thích:
(1). Tương Ưng Bộ Kinh. Tập I. tr 208, HT Thích Minh Châu dịch. (2). Tương Ưng Bộ Kinh, sđd, tr 290.(3) Tăng Chi Bộ Kinh, Tập I, tr119, HT Thích Minh Châu dịch. (4). Tăng Chi Bộ Kinh I, sđd, tr 75. (5). Trường Bộ Kinh I, tr 542, HT Thích Minh Châu dịch. (6). Tăng Chi Bộ Kinh II, tr 94, HT Thích Minh Châu dịch. (7). Trung Bộ Kinh II, tr94, HT Thích Minh Châu dịch.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here