Cũng như các làng Hòa Ninh, Diên Trường, Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc, Làng Minh Lệ được hình thành bởi đoàn quân và dân do Trung lang Thượng tướng Trương Hi Trọng theo chiếu vua Lê (1435) vào chinh phạt Chiêm Thành lấn chiếm bờ cõi Đại Việt lúc bấy giờ thuộc vùng Bố Chính Nội. Lịch sử mấy trăm năm đã để lại cho làng quê một truyền thống văn hóa lâu đời. Phong tục thờ cúng thần phật, các bậc danh nhân văn vỏ, các đức Thần Tổ, Thành Hoàng làng, ông bà tổ tiên đã có từ lâu.
Làng Minh Lệ có diện tích chưa đầy 3 cây số vuông mà đã có một quần thể văn hóa vật thể hoành tráng, đẹp đẽ uy linh có một không hai. Phía Đông Bắc làng là Hạ Yên Trạch đang tọa lạc nhà từ đường và lăng tẩm đức Thành Hoàng làng: Trung Lang Thượng Tướng Quân Trương Hi Trọng và mộ Phu Nhân đức Thần tổ họ Trương. Nằm cạnh con lộ Minh Lệ – Hòa Ninh là mộ đức Thần tổ họ Hoàng: Tiến sĩ Hoàng Công Lục nguyên Thượng thư Lục viện Bộ lại thời nhà Hồ, quân sư của Trung lang Thượng tướng, được xây cất đồ sộ và uy nghi. Phía Tây Minh Lệ là mộ phu nhân đức Thần tổ họ Hoàng và nhà thờ họ Hoàng cổ kính và linh thiêng. Bên cạnh không xa là nhà thờ đức thần tổ họ Nguyễn: Phụ chánh đại thần trung lang tướng đề sát và Võ Thánh, cũng là một kì quan hiếm thấy. Cha ông xưa đã khéo lắp đặt: Đình làng Minh Lệ, một công trình văn hóa đẹp đến uy linh được dựng lên giữa khu đất cao,rộng mà bốn phương tám hướng đều có thể nhìn thấy được. Chính vì vậy mà cố Hoàng Liễn một thân sĩ đầu thế kỉ XX đã viết:
Trước Minh Đường có nước tốn triều vào
Sau Huyền vỗ mạch càn tuôn xuống
Hữu Bạch Hổ có Động Chùa, Đá Đứng
Tả Thanh Long: Bàu Bảng Kim Quy
Thiết phong quang lắm vẻ anh kì
So hình thế trăm đường rất quý
Theo con đường nhỏ thôn Bắc vào thôn Nam, chúng ta lại gặp một quần thể văn hóa vật thể được xây cất ở nơi có cảnh thiên nhiên kì thú, đồi Minh Lệ. Trên đỉnh quả đồi phía Đông (nơi có cột điện 500KV chạy qua) là Văn Thánh. Đối diện vơi Văn thánh, bên kia sông, dưới chân động Chùa là miếu thờ Cao Các Mạc Sơn. Dưới chân đồi Minh Lệ cách cầu xe lửa không xa là: Tam Tòa Phật Tổ và 4 miếu cùng Từ đường thờ đức thần tổ cá chọ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần. Tục truyền: Nơi xây miếu là nơi Trung Lang Thượng Tướng đánh thắng giặc Chiêm trở về, vì bị trọng thương, máu ngài Thượng Tướng đã nhỏ thấm xuống mặt đất Bến Lội(*) này.
Trong quần thể đình, chùa miếu mạo còn giữ nguyên dáng vẽ cổ xưa nói trên thì hiện nay đình làng và các nhà thờ họ đã được trùng tu khá chỉn chu, đẹp đẽ. Duy chỉ còn chùa Minh Lệ, và 4 miếu là trở thành phế tích, tuy hàng năm vào các ngày lễ tết vẫn được các vị già làng, trưởng họ đến quét tước và hương khói đàng hoàng.
Chùa Minh Lệ còn được gọi là Tam Tòa Phật Tổ là ngôi chùa nằm sát chân đồi Minh Lệ cánh cầu đường sắt chừng 100m. Toàn bộ khuôn viên của chùa rộng khoảng 500m2. Riêng nhà chùa, sân chùa ước chừng 80 đến 100m2. Cổng chùa có hai cột xây bằng gạch, trên đỉnh cột có đắp búp sen hình vuông. Trước khi bước vào sân, chúng ta gặp một bức tường xây làm bình phong có hoa văn chạm khắc tinh xảo. Trước hiên chùa, phía tay phải là bức phù điêu Quan võ (Ông ác) và phía trái là phù điêu Quan văn (Ông Thiện).
Bước qua cửa chính, ta có mặt dưới vòm cuốn của ngôi chùa. Gian này có chiều dài độ 5m và rộng độ 2m, hai bên tã hữu có hai bàn thờ, đồng thời chúng ta nhìn thấy một cửa lớn dẫn vào hậu cung của chùa. Hai bên cửa có hai câu đối nhưng do thời gian quá lâu nên bị xóa mờ, hư hỏng gần hết, chỉ còn thấy ba chữ “Khai – Cam – Lộ" (vế phải) tạm dịch là: nước giọt từ sương trên trời rơi xuống. (Theo nhà văn Hoàng Bình Trọng, một người yên thâm về Hán học đã trực tiếp xem và dịch nghĩa). Còn vế trái chỉ còn thấy lờ mờ không rõ nét. Phía trong nội cung là ba bậc bàn thờ từ thấp lên cao đặt các lư hương. Hai bên là hai lối nhỏ cho người (sư,sãi…) đi lại hương khói. Tất cả đều rêu phong, nhưng vẫn còn dáng vẽ huyền bí và cỗ kính. Tuy nhiên, các loại cây cối đã mọc um tùm lên cả mái chùa, sân chùa.
Qua tìm hiểu các bậc cao niên trong làng, được biết: Chùa được lập nên từ rất lâu; bắt đầu là bằng gỗ. Do bị hư hỏng nặng nên trước cách mạng tháng tám 1945 chùa được làm lại bằng gạch đá và vôi vữa. Theo các cụ cho biết: vào những năm đầu thế kỉ XX, ông sãi giữ chùa thời bấy giờ là ông Hoàng Thảnh thuộc thôn Nam Minh Lệ. Người làm sãi cuối cùng của chùa là ông Hoàng Trảnh xóm Tây Minh Lệ. Thời bấy giờ người đi lễ chùa rất đông. Trong những năm đầu thế kĩ XX, làng vẫn còn người đi chùa vào ngày rằm và 30, mồng 1. Trong chùa chỉ cúng đồ chay như hoa quả, bánh khảo, xôi, oản chứ không cúng đồ mặn. Cụ thân sinh bác Hoàng Hữu Chủng từng là Phật tử của chùa. “Người đi lễ chùa, đàn ông khăn đóng, guốc mộc, áo lương thâm, quần vải quyến. Đàn bà, đầu chít khăn nhiễu tím, mặc áo dài quần nâu may bằng vải thao hoặc bằng lụa, đi chân đất. Các tăng ni, mặc áo quần cà sa màu nâu hoặc vàng theo thứ bậc. Ngày lễ hội, các vị hương lí thường có thêm ô, dù đen, áo lương, quạt giấy,có vị còn diện cả giày, mũi cong, trông thật sang trọng. Vào các ngày lễ lớn như lễ Phật Đãn, ngày rằm tháng giêng, nhà chùa tổ chức tụng kinh niệm phật từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối. Còn các ngày khác, chủ yếu là sải chùa thắp hương”.
Từ năm 1942 khi Nhật tới đồn trú ở làng Minh Lệ, bóng ma chiến tranh thế giới thư II đã xuất hiện ở Quảng Bình. Rồi đến tháng 3 năm 1945 Nhật Pháp bắn nhau tại ga Minh Lệ và đánh sập cầu sắt bắc qua rào Nan(cảnh ga Minh Lệ độ 500m ). Từ đó, xóm làng Minh Lệ không còn yên ã. Ngày rằm, và 30, mồng 1 không còn phật tử đến cúng chùa. Các vị chức sắc và con dân ở làng tuy có duy trì lễ lạc ở Tam Tòa Phật Tổ song chỉ vào ngày lễ tết.
Sau cách mạng tháng 8 -1945, là hai cuộc chiến trach do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra, xóm làng, ga xe lửa, cầu sắt Minh Lệ, và quần thể chùa miếu phía Đông đồi Minh Lệ đã trở thành túi bom của quân địch. Từ đó các Tăng Ni Phật Tử không còn đến lễ chùa. Tuy sư sãi không còn, song chùa Minh Lệ cùng các miếu thờ các đức thần Tổ có công với làng xã còn thì cư dân ở đây vẫn giữ gọn truyền thống văn hóa của cha ông. Ngày nay, vào ngày rằm, ngày lễ, tết, từ đình làng, nhà thờ họ chùa chiền, lăng miếu vẫn được cán bộ và nhân dân quan tâm tu chỉnh, thờ phụng đàng hoàng.
Nơi thờ cúng Phật Tổ, tổ tiên linh thiêng, là nơi mà con dân gửi gắm niềm hi vọng được sống bình an khang thái. Thiết Nghĩ, trong thực trạng kinh tế hiện nay, tuy có khó khăn, song biết tổ chức, vận động sự tài trợ của con em quê hương từ khắp mọi miền đất nước, của Hội Phật Giáo, và nhà nước, ta có thể trùng tu, tôn tạo những nơi linh thiêng như bốn miếu và chùa chiền ở Minh Lệ – Quảng Minh – Quảng Trạch – Quảng Bình trở thành nơi lễ lạc cho toàn dân.
Hoàng Đình Giót
Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình
Chú thích:
Bài viết có tham khảo Gia phả các họ Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần và các vị cao niên ở làng Minh Lệ và Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, lịch sử Đảng bộ Quảng Trạch, lịch sử Đảng bộ xã Quảng Minh…