Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Về một nét đẹp trong phong thái con người xứ Huế

Về một nét đẹp trong phong thái con người xứ Huế

136
0

Thật là thú vị khi được đọc bài “Như thế nào thì được gọi là người Huế?” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Sông Hương số 187 tháng 9/2004) và bài “Người Huế, anh là ai?” của nhà giáo – dịch giả Bửu Ý (Sông Hương số 188 tháng 10/2004). Hai anh Nguyễn Khắc Phê, Bửu Ý, người quê xứ Nghệ, người gốc xứ Huế, trong bài viết của mình, dù cách viết, cách kiến giải có khác nhau, nhưng đều tập trung bàn luận, “xác định tính cách Huế, đặc tính người Huế”.

Thực ra, vấn đề nầy, những năm trước đây, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu Huế… trong các tác phẩm văn chương, các công trình khoa học của mình, không nhiều thì ít, khi viết về văn hoá, về con người vùng đất núi Ngự, sông Hương đều đã có nói đến, bàn đến. Dù vậy, hai bài viết của các anh Nguyễn Khắc Phê và Bửu Ý vẫn mang đến cho người đọc nhiều hiểu biết mới, cảm nhận mới.

Tìm hiểu đặc tính của con người một vùng đất, theo chúng tôi là bàn đến phong thái, lối sống, nếp sống, cách ứng xử, giao tiếp… của con người (trong mối quan hệ khăng khít, dài lâu và uyển chuyển giữa con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và cả với chính bản thân mình). Phong thái ấy, lối sống, nếp sống, cách ứng xử và giao tiếp ấy được hình thành, bồi đắp và định hình dần theo năm tháng… Những gì đã được xác định là đặc tính, là phong thái thì đều trở thành nét riêng, sắc thái riêng của con người của một vùng quê, một vùng văn hoá.

Không rõ tự thuở nào, trong ngôn ngữ của người Việt đã thấy có các cụm từ “người xứ Bắc”, “người xứ Thanh”, “người xứ Nghệ”, “người xứ Huế”, “người xứ Quảng” v.v… Như vậy, dù ý thức hay không ý thức, ông bà ta xưa đã nhận ra rằng con người của một vùng, mỗi miền, hay dở đều có những sắc thái riêng, đặc tính riêng. Những nét riêng, sắc thái riêng nầy được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau.

Tôi về Huế công tác những năm đầu sau ngày đất nước vừa hoàn toàn giải phóng. Một chiều thu, thong thả đạp xe trên đường Lê Lợi, ngang qua cổng trường Quốc Học và Hai Bà Trưng, tôi thật ngỡ ngàng khi gặp hàng trăm em nữ sinh với áo dài tha thướt trong buổi tan trường. Các em, em thì đi bộ, em thì đạp xe trên đường… tất cả đều với một phong thái thong thả, chậm rãi, ung dung. Bỗng nhiên, một cơn mưa rào ập đến. Không như phần đông học sinh một số trường học ở các nơi mà tôi từng chứng kiến đôi ba lần khi họ gặp mưa, các em nữ sinh ở Huế vẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh đạp xe và đếm bước, chỉ ý nhị nghiêng nón, kéo áo lên một chút cho gọn… Phải chăng cái thanh thản, ung dung, nhẹ nhàng, ý tứ và không hốt hoảng, vội vã khi gặp “sự cố” ấy của các nữ sinh cũng là một phong thái, một đặc tính của người xứ Huế? Tôi tự đặt câu hỏi như vậy và đem những cảm nhận ban đầu của mình về con người đất thần kinh để soi rọi, để kiểm chứng trên một số thành tố văn hoá Huế mà tôi được biết, được tiếp xúc trong hơn vài chục năm qua. Xin được dẫn ra đây một đôi điều để độc giả cùng suy ngẫm.

Nói đến văn hoá ẩm thực Huế không thể không nói đến các thứ bánh dân dã như bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm, bánh ít, bánh gai… song khác với nhiều vùng quê khác, các thứ bánh nầy ở Huế, không một thứ nào nặn to, gói to. Bánh bèo thì tròn xinh như bông hoa đồng tiền, bánh nậm thì mỏng nhẹ tựa những chiếc lá mít, lá khoai. Rồi nữa, chiếc bánh phu thê trong bàn tiệc cưới, cặp bánh chưng bày bán nơi hàng quán ven đường, không một thứ nào có dáng vóc mập mạp, thô kệch… tất cả đều nhỏ nhắn, xinh xắn, tinh tế và “thuỳ mị” (chữ dùng của giáo sư Phan Ngọc). Chưa nói đến cái chắt lọc, hài hoà, nhuần nhị trong cách phối hợp rất khéo léo, rất tài hoa các loại tinh bột, thịt, cá, tôm, gia vị… khi làm bánh, chỉ nhìn riêng phương diện tạo dáng hình và sắc màu của sản phẩm thôi, chúng ta cũng thấy được người xứ Huế, trong tư duy thẩm mỹ, thiên về cái thanh tao, duyên dáng, mềm mại, nhẹ nhàng, xinh xắn, chứ không ưa cái nặng nề, cục mịch… vì vậy khi ăn các thứ bánh Huế, mọi cử chỉ, hành động đều chậm rãi, từ tốn, thong thả và lịch lãm.

Bánh trái và cách ăn uống đã vậy, ngay đến các cung điện, đền chùa, lăng tẩm được xây dựng dưới vương triều Nguyễn, không ít cái mang dáng vóc to lớn, đường bệ, nhưng nhìn chung vẫn toát lên nét thanh thoát, trang nhã, hài hoà. Những công trình kiến trúc có tầm cỡ nầy hẳn cũng nói lên ít nhiều phong thái, nếp tư duy, lối sống, cách ứng xử với môi trường tự nhiên của con người Huế. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thật sâu sắc và chí lý khi ông viết về chủ nhân của các lăng tẩm Huế: “Nét ung dung, thảnh thơi từ cõi sống sang cõi chết là một phẩm chất nhân văn của lăng Nguyễn và đấy cũng là phong thái nhẹ nhàng của người Huế đối diện với lẽ sinh tử vô thường của đời người” (1).

Cái phong thái thanh thoát, nhẹ nhàng không chỉ thể hiện ở các sản phẩm văn hoá do họ tạo ra mà còn được bộc lộ ngay trong tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái, trong

cách giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người trong đời thường. Điều nầy được hun đúc, được chắt lọc thành tục ngữ, ca dao. Đọc thơ ca dân gian Huế, chúng tôi thấy người đất thần kinh ít nói đến chữ “yêu” khi bộc lộ tình cảm giữa nam và nữ. Chữ “yêu” nhiều chỗ được thay bằng chữ “thương” rất ý nhị, dịu dàng và cũng không kém phần sâu sắc, diết da:

-Anh thương em tận nón đến quai
Thương trong lớp lá, thương ngoài đường may.

-Em thương anh thầy đón, mẹ ngăn
Như đá dằn trên cỏ, biết mần răng đặng chừ?

-Em thương anh thầy mẹ nhủ đừng
Hai hàng nước mắt cứ rưng rưng nhỏ hoài.

Tình yêu lứa đôi, thời nào cũng vậy, người vùng quê nào cũng vậy, được thể hiện dưới nhiều cung bậc, dạng vẻ và cấp độ khác nhau, song cách biểu lộ, cách nói thì mỗi người có thể có những nét riêng, sắc thái riêng. Người xứ Quảng và Trung Bộ nói chung thiên về “bộc trực”, người Nghệ thì “trực” chứ không “bộc”. Đó là cái chất mà người xứ Huế (và cả Quảng Trị, Quảng Bình nữa) không có, hoặc chỉ có ở một mức độ nào đó thôi (2). Điều nầy có thể kiểm chứng được qua nhiều, rất nhiều câu ca dao Huế. Chẳng hạn khi bị phụ bạc, người con gái chỉ nói rất nhẹ nhàng với “đối tượng” của mình:

Qua cầu lật ván, tháo đinh
Đó mà ở bạc với mình thì thôi

Nhà văn Trần Thuỳ Mai, về câu ca dao trên đã có lời bình như sau: “Câu nói đau xót ấy là một lời phê phán mà cũng là một sự buông xuôi” (3).

Cách nói nhẹ nhàng, ý nhị nầy chúng tôi cũng gặp được ở một dị bản của bài dân ca Nghệ Tĩnh “Ví dặm thương” mà chúng tôi sưu tầm được ở Huế mấy năm trước đây. Bản gốc của bài dân ca, trong hai câu kết, người con gái xứ Nghệ đáp lời chàng trai:

Đến duyên em thì em phải lấy chồng
Em yêu anh như rứa, mặn nồng tuỳ anh.

Bản sưu tầm ở Huế, cách nói nầy được thay bằng:

Bởi chưng cha mẹ ép duyên cho nên em phải lấy chồng
Thôi đừng trách nhau nữa cho đau lòng hai ta.

Có lẽ chẳng nên bình luận gì thêm về hai câu ca dao trên chúng ta cũng đã hiểu rõ phong thái ứng xử của cô gái xứ Nghệ và cô gái xứ Huế.

Luận bàn về phong thái nhẹ nhàng, thanh thoát,… của người Huế là để khẳng định một “nét trội”, một “nét đẹp” của văn hoá một vùng đất được thể hiện trên phương diện nếp sống, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử của con người. Nói như vậy không có nghĩa là nét đẹp nầy con người các vùng đất khác, miền quê khác không có, hoặc ít có… Song theo chúng tôi, nét đẹp nầy dễ nhận ra ở người Huế, văn hoá Huế. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng nét đẹp nào, cái đẹp nào, bên cạnh mặt hay, điều hay, cũng tiềm ẩn, cũng có mặt hạn chế, điều hạn chế. Thuở xưa đã vậy, chắc ngày nay cũng vẫn thấy thấp thoáng đâu đó. Ví như vì quá nhấn mạnh cái nhẹ nhàng, nhún nhường, khiêm tốn… có thể dẫn đến sự thiếu cái mạnh mẽ, quyết liệt (trong những trường hợp cần thiết) và quyết tâm vươn lên cái kỳ vĩ, hoành tráng…

Theo (Sông Hương)

—————————————————
(1) Hoàng Phủ Ngọc Tường. Văn hoá Huế. Tạp chí Kiến thức ngày nay, Số 171 ngày 20/4/1995, trang 13.
(2), (3) Trần Thuỳ Mai. Ca dao tình yêu và tính cách con người Bình Trị Thiên. Kỷ yếu Hội nghị Văn học dân gian miền Trung lần thứ nhất và Hội nghị Văn học dân gian Nghệ Tĩnh. Trường ĐHSP Vinh xuất bản năm 1985, trang 77.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here