Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tranh-Tượng-Pháp khí Về tuyển tập "Thủy nguyệt tòng sao" của Thiền sư Chân Đạo...

Về tuyển tập "Thủy nguyệt tòng sao" của Thiền sư Chân Đạo Chánh Thống

227
0

Thủy Nguyệt Tòng Sao gồm hơn 400 bài thơ và văn, đều  có nội dung hết sức phong phú, đa dạng, được trình bày dưới nhiều thể loại khác nhau, từ văn xuôi cho đến thơ. Có nhiều dạng văn xuôi như biền ngẫu, phú, ký… Về thơ có các thể loại thơ như: thơ hai câu, thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ thất ngôn tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú và cả thơ cổ phong. Ngoài ra, một loại hình đặc trưng của thơ ca Việt Nam cũng được thiền sư sử dụng để sáng tác một số bài thơ chữ Hán, đó là thể thơ song thất lục bát. 

 Trong tuyển tập này, được trình bày với nhiều nội dung thể hiện qua các chùm thơ và bài viết. Trong đó, nổi bật nhất có hai vấn đề lớn được Thiền sư giành nhiều thời gian và số bài viết thể hiện tấm lòng phụng sự đạo pháp, nguyện dâng mọi cõi và niềm thao thức về một đường hướng giáo dục Phật giáo trước xu thế của thời đại.

Do vậy, đối với thiền sư sáng tác thơ văn là để ghi lại chí hướng, nguyện vọng của mình. Chính thiền sư đã khẳng định một quan điểm tương tự trong lời tựa viết cho Thủy Nguyệt Tòng Sao: “Rằng thơ là để thấy chí, văn là nhằm thấu tình”. Đây là một quan điểm cổ xưa được thiền sư tâm đắc, vận dụng. 

Tác giả đã thể hiện một quan điểm nghệ thuật rõ ràng rằng: “thi dĩ kiến chí, văn dĩ đạt tình”, nên cả hai truyền bản của Thủy Nguyệt Tòng Sao đều bắt đầu với bài Sám hối văn. Tác phẩm này nói lên chí hướng muốn “đem tấm thân dâng mọi cõi” của chính tác giả. Đây cũng là chí hướng của mọi người con Phật, một chí hướng mong muốn phụng sự chúng sanh với tất cả tấm lòng nhiệt thành.

Xuất phát từ quan điểm lập trường này, nên các vấn đề: văn hoá, giáo dục, chỉnh lý tăng già, thống nhất Phật giáo…đã được đề cập chiếm một phần lớn trong tác phẩm.

Thuỷ Nguyệt Tòng Sao, thể hiện ước vọng của một nền giáo dục Phật giáo như phương cách tối ưu vượt xa mọi biến cố của không gian và thời gian. Trong xu thế Nho giáo suy tàn, nền giáo dục Tây-Ta lẫn lộn chắc chắc những người như thiền sư không tránh khỏi đau lòng trước những biến cố của thời cuộc. Vì vậy, một yêu cầu bức bách được đặt ra lúc này là: Nếu nền tảng Nho giáo đang bị tấn

Thiền sư Chân Đạo Chánh Thống

công, thì người Phật giáo của thời đại "cư Nho mộ Thích" phải rút về lâu đài Phật giáo để thực hiện công tác phòng vệ. Đây là lý do tại sao Thủy Nguyệt Tòng Sao được viết bằng chữ Hán trong bối cảnh “cái học nhà Nho đã hỏng rồi” như Trần Tế Xương đã than thở.

Mặt khác, sự tu học trong sơn môn lúc bấy giờ cũng không mấy sáng sủa. Thiền sư viết: “Chế độ của môn sơn xưa còn tệ hơn cả chính sách hà khắc. Ngoài nuôi heo chăn bò, việc dạy dỗ không nghe nói tới. Cười khóc khi đón tới đưa đều là tội cả. Sinh hoạt thiền gia thì tối bốn sớm ba. Biển học thấm vào thì như sừng lân lông phụng. Men tường trông ngóng, chỉ tăng thêm nỗi buồn của kẻ cùng tử ”. Đây là niềm ưu tư không riêng gì Thiền sư mà là của tất cả mọi người Phật tử chân chính trước sự thịnh suy của thời cuộc.

Nền giáo dục Phật giáo vào những thập niên đầu của thế kỷ XX là như thế, nên cần một đổi thay cơ bản. Trong bối cảnh lịch sử đó đã thôi thúc một phong trào gọi là chấn hưng Phật giáo dấy lên khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Kết quả nó đã làm thay đổi cục diện Phật giáo như mong mõi của Thiền sư. Vì vậy, ngay từ buổi đầu, Thiền sư Chân Đạo đã tham gia tích cực. Tại tổ đình Tây Thiên nơi mở ra trường đại học Phật giáo đầu tiên trên cả nước vào năm 1935, Thiền sư Chân Đạo đã tham gia hình thành và giảng dạy. Sau đó, một loạt trường đào tạo Tăng – Ni được mở ra khắp nơi, làm dấy lên một phong trào học Phật phát triển mạnh mẽ. Tất cả những diễn biến ấy đã được đề cập một cách cụ thể trong tuyển tập này.

Vấn đề chỉnh đốn tăng già, lập lại quy củ của thiền môn đã được Thiền sư cực kỳ chú trọng. Trong đó, việc thanh lọc và làm trong sạch đời sống tăng già bằng cách đề cao kỷ cương môn sơn; giảm thiểu các hành vi làm ảnh hưởng đến thanh danh của Phật giáo đã được thiền sư rất đề cao. Thêm vào đó, việc đưa đời sống Phật giáo vào quy củ đối với người xuất gia cũng được quan tâm đến. Đó chính là việc tổ chức các giới đàn truyền thống để “dìu dắt kẻ đến sau nhằm nối tuệ mạng Phật” được thiền sư rất coi trọng, thể hiện qua tác phẩm Giới đàn tiết thứ bảng.

Ngoài ra, việc tranh chấp quyền lợi của một số thành viên trong nội tăng già cần được phê phán nghiêm khắc. Bởi nó sẽ làm cho đạo pháp suy yếu, chùa chiền bị biến thành “đất gai bụi”, “chốn nóng buồn” để những tà thuyết có đất sinh khởi. Bài thơ Cùng các thầy Mỗ ngầm tranh chủ chùa (số 288) đã viết :

Sớm hôm nhiếp niệm lễ Không vương
Thế sự nhọc suông chớ tính lường
Yêu ghét chưa quên, hay đạo yếu
Oán thân khôn mở, giận ma cường
Vườn Kỳ bỗng biến đất gai bụi
Cảnh tịnh thoắt nên chốn nóng buồn
Cảnh tỉnh sông yêu danh lợi khách
Thôi say lợi buộc với danh ràng

Nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp đó xuất phát từ những đam mê danh lợi. Theo quan điểm của thiền sư, không chỉ người đời mới lao vào việc tranh chấp danh lợi mà ngay cả những Phật tử đã nhiếp niệm, vẫn có kẻ bộc lộ những ham muốn danh lợi tầm thường.

Đứng trước một thực trạng đáng buồn như thế, người Phật tử cùng thời với thiền sư Chân Đạo tự đặt ra một yêu cầu cấp thiết là phải lành mạnh hóa đời sống Phật giáo ở thời đại mình. Yêu cầu này được An Nam Phật học hội nêu lên trong chương trình hành động của mình và phổ biến trong tạp chí Viên Âm.

Song song với các vấn đề vừa nêu, thiền s

Bìa tuyển tập Thủy nguyệt tòng sao bản gốc

ư Chân Đạo đã thể hiện chí nguyện muốn thống nhất Phật giáo Việt Nam thành một khối, đoàn kết thanh tịnh, hoà hợp trong ngôi nhà chung Phật giáo. Chính Thiền sư đã tiếp cận bàn bạc với những bậc cao tăng lảnh đạo Phật giáo về vấn đề này. Điển hình như Ngài Tố Liên – một nhân vật kiệt xuất của Phật giáo ở miền Bắc. Và đến khi cuộc họp của Phật giáo ba miền được tổ chức tại chùa Từ Đàm Huế, ngài đã viết bài thơ mừng Tặng pháp lữ Tố Liên của Bắc Việt :

Ba kỳ thống nhất nhớ lời mình
Biển hội chập chùng hiện Tố Liên
Sắt đá lòng ôm lên Thứu lĩnh
Biển dâu giận mãi khóc Kỳ viên
Hòm vàng ghi rõ dấu thời ấy
Trăng báu treo cao trời dặm nghìn
Thống nhất nay thành như ước cũ
Do anh hiển thật, tớ khai quyền

Khi giấc mơ thống nhất Phật giáo ba miền trở thành sự thật thì vào năm 1951 tại chùa Tư Đàm, thiền sư đã làm một loạt các bài thơ mừng như bài "Toàn quốc Phật giáo thống nhất đại hội sự hoàn" tặng Bắc Nam nhị Pháp chủ và bài "Bắc Việt Tố Liên pháp lữ" đã nêu trước. Trong đó bài "Toàn quốc Phật giáo thống nhất đại hội"… có một ý nghĩa quan trọng. Đó là lần đầu tiên lá cờ Phật giáo được nhắc đến trong thơ văn, về sau đã trở thành biểu tượng cho cuộc vận động Phật giáo năm 1963. Sở nguyện và mục tiêu lớn nhất mà thiền sư theo đuổi cùng chính đại hội thống nhất Phật giáo là nỗ lực làm cho mọi gia đình Việt Nam trở thành gia đình Phật giáo .

 Xem nam thành bắc, bắc thành nam
 Rốt cuộc giữa nêu chẳng định tham
 Ba một dung nhau, rành Bát nhã
 Tự tha gồm lợi, nở hoa đàm
 Năm màu lấp lánh cờ mây tỏ
 Nghìn cõi lặng êm biển dấu làm
 Lặng chiếu tùy duyên nhờ diệu lực
 Nhà nhà cửa cửa thảy già lam

Ngoài những vấn đề vừa nêu, Thuỷ Nguyệt Tòng Sao còn thể hiện nhiều vấn đề hết sức lý thú. Trong đó quan niệm về giáo dục, vai trò của người xuất gia tu hành hoằng pháp lợi sinh cần phải chuẩn bị một tâm thế ra sao đã được thiền sư đề cập khá kỷ càng.

Do đó, ấn tượng đầu tiên của người đọc khi xem qua Thủy Nguyệt Tòng Sao sẽ thấy được rằng, thiền sư đã thẩm thấu một nền giáo dục

Toàn tập Chân Đạo Chánh Thống do GS Lê Mạnh Thát biên dịch và xuất bản năm 2004

cổ điển tương đối hoàn chỉnh không chỉ về Phật giáo – bởi bản thân tác giả là một thiền sư, mà còn về những ngành học ngoại điển khác như Nho giáo và Lão giáo hay thậm chí là các ngành khoa học ứng dụng khác. Có thể nói rằng ngài là một điển hình cho nền giáo dục Việt Nam truyền thống. Âu cũng là dễ hiểu vì theo thiền sư: “Phật tại thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ được. Cho nên, người tu hành bồ tát phải nên thiệp thế lợi sanh, tùy cơ phó cảm, ở địa ngục mà như chơi lầu thượng uyển, cởi áo quý mà mặc áo rách. Nếu không có bản lĩnh đó, động tới thì nói như huyễn, hay nói vô vi, mà coi chuộng hình hài, chạy tìm lợi thế, thì chưa thoát nỗi khổ của ba đường, rảnh gội ao sen tám đức ư ?”.

Chính vì quan điểm “Phật tại thế gian, không tách rời thế gian mà giác ngộ được” nên nền giáo dục Phật giáo không thể tách rời nền giáo dục phổ thông thế tục. Ngược lại, nền giáo dục thế tục là cơ sở cho nền giáo dục Phật giáo. Hơn hai ngàn năm tồn tại của nền giáo dục Phật học ở nước ta, thì đây là một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt mọi thời đại.

Với gần 19 bài trong chùm thơ "Phiếm ngâm", thiền sư Chân Đạo đã thử hóa thân làm một người thợ săn, một người thợ dệt, một ngư dân, một lão tiều phu, một bác nông dân, một trẻ chăn trâu, một nhạc công, một tay chơi cờ, một nhà thơ, một gã say rượu, thậm chí là một ông Phật, một ông vua, một bà chúa v.v… Tất cả những hạng người này trong xã hội đều có thể là những Phật tử. Và những Phật tử này đều có thể có những thân phận như thế, không riêng gì ở nước ta mà ở khắp nơi trên thế giới.

Vấn đề muốn đặt ra ở đây là khi người Phật tử với những phận người như thế thì sẽ và nên làm gì để thể hiện bản chất Phật tánh của mình. Các công việc như dệt, cày, buôn bán, dạy học … luôn luôn cần thiết cho một xã hội văn minh. Chúng phục vụ cho cái ăn, cái ở, nhu cầu về trang phục và học hành của mọi người trong xã hội từ xa xưa cho đến nay. Cho nên, nếu nghề dệt là để “sưởi ấm cho dân”, thì nghề nông là:

Ngàn kho trăm lẫm đầy dư dật
Chày giã vui nghe dân hát xang

Không phải chỉ có những nghề kể trên mới cần thiết cho xã hội, mà ngay cả các hoạt động phi sản xuất hay tranh đấu như làm thơ, đánh cờ … cũng có được một cái nhìn mới.

Quan điểm nhập thế của Phật giáo đã được thiền sư cụ thể hoá bằng những việc làm. Theo thiền sư, người Phật tử dù ở điều kiện hoàn cảnh nào cũng đều thể hiện được vai trò và trọng trách của mình đối với đạo pháp. 

Vì lý do đó mà

Thủ bút của Thiền sư Chân Đạo Chánh Thống

người Phật tử không nề hà bất cứ một công việc gì. Nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi sự đào tạo bởi một người thầy hay người tổ, nói cách khác là phải được giáo dục. Một khi đã như thế thì nền giáo dục của Phật giáo phải là một nền giáo dục đa ngành và tổng hợp .

Tuyển tập Thủy Nguyệt Tòng Sao là một ví dụ điển hình. Có đến 54 bài trong chùm thơ Vịnh cổ. Điều này cho thấy kiến thức sử học của thiền sư phong phú đến thế nào. Quan niệm bình thường cho rằng một người đang theo đuổi sự nghiệp giác ngộ tu hành thì không cần thiết phải đọc cổ sử. Mà ở đây thiền sư không chỉ đọc mà còn nghiên cứu và viết ra các bài thơ vịnh những nhân vật đã làm nên lịch sử Trung Quốc trong một giai đoạn nào đó. Công việc này thường dành cho những nhà làm chính trị , thế thì tại sao thiền sư lại nghiên cứu điều đó ?

Câu trả lời chính là lời dẫn “người thực hành hạnh bồ tát đòi hỏi phải thiệp thế để lợi sanh”. Đúng như tinh thần mà Ngẫu Ích Đại Sư đã nói: “Bất tri Xuân thu bất năng thiệp thế, bất tri Lão Tử bất năng vong thế, bất tri Thích Tử bất năng Xuất thế”. (không hiểu Khổng Tử không thể sống với đời, không hiểu Lão Tử không thể quên đời, không hiểu Phật giáo không thể ra khỏi cuộc đời). Hiểu cuộc đời, quên cuộc đời và đi ra khỏi cuộc đời nó có mối quan hệ biện chứng hết sức chặt chẻ. Ba trong một và một trong ba, chúng hỗ tương cho nhau để trở thành trọn vẹn.

 Nói chung, theo quan điểm của thiền sư thì nền giáo dục của Phật giáo không chỉ giới hạn trong nội điển mà cần phải phát triển toàn diện đúng như truyền thống giáo dục Việt Nam đã được thể hiện, và bản thân thiền sư Chân Đạo là một điển hình tiêu biểu. Xuất phát từ một nền giáo dục toàn diện như thế cùng với chí hướng “đem thâm tâm phụng sự mọi cõi”, Chân Đạo thiền sư đã không chỉ giới hạn các mối quan hệ Phật giáo của mình trong giới xuất gia mà còn mở rộng tới các thành phần Phật tử tại gia, và thậm chí là tín đồ của các tôn giáo khác.

Quả thật, Thủy Nguyệt Tòng Sao đã dành một số thơ văn thường xếp vào loại xướng họa thù tạc. Thường thì loại thơ văn

Chùa Quy Thiện, nơi ra đời tuyển tập "Thủy nguyệt tòng sao"

này không được đánh giá cao do những hạn chế về thể thức xướng họa đặt ra và yêu cầu giữ gìn về ý tứ. Tuy nhiên, nó lại có một ưu điểm nổi bật là cho ta thấy mối quan hệ xã hội của tác giả với những người cùng thời. Ở vào vị trí của thiền sư Chân Đạo thì ưu điểm này lại phát huy hết tác dụng tích cực của nó. Thông qua những vần thơ xướng họa tạc thù, ta thấy thiền sư Chân Đạo đã có các mối quan hệ xã hội với ai và vai trò của những người này trong thời đại đó.

Điểm qua tên tuổi xuất hiện trong các bài thơ, chỉ riêng Phật giáo, ta thấy phần lớn các nhân vật nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX xuất hiện gần hết. Đó là các thiền sư Thanh Trí Huệ Giác (1858-1935?), Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963), Trung Thứ (1871-1942), Giác Nhiên (1878-1979), Giác Tiên (1880-1963), Giác Bổn (?-1949), Tuệ Tạng (1889-1959), Tịnh Khiết (1890-19730), Bích Không (1894-1954), Tố Liên (1903-1977), Mật Khế (1904-1935), Đôn Hậu (1905-1992), Trí Thủ (1909-1984),  Mật Nguyện (1911-1972), Viên Giác (1911-1976), Trí Đức (1921-2001), Trí Quang, Khế Châu v.v…

Chính những vần thơ mà thiền sư Chân Đạo viết về những danh tăng nói trên cho ta thấy không chỉ chí hướng của chính thiền sư mà còn cả một bức tranh sinh hoạt của Phật giáo. Những vần thơ này được viết trước khi những vị này trở thành các nhân vật lịch sử của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX . Đúng vậy, chúng có vẻ như là những lời tiên tri bộc lộ dự cảm của tác giả về tiền đồ của  Phật giáo Việt Nam. 

Trên đây là những vấn đề cơ bản và nổi trội được chúng tôi trích rút từ trong tuyển tập Thuỷ Nguyệt Tòng Sao được xem là một tác phẩm có giá trị không những đối với nền văn học Phật giáo mà cả nền văn học nước nhà.

T.Đ 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here