Trang chủ Phật học Đâu là chân hạnh phúc ?

Đâu là chân hạnh phúc ?

147
0

Niềm vui của người nghiên cứu, người buôn bán, người làm việc bằng chân tay, người làm việc bằng trí não… mỗi mỗi đều mang một hình ảnh khác nhau. Tuy vậy tất cả hoàn toàn giống nhau về tính chất, đều xây dựng trên nền tảng tư duy ngã tính.

Đem vọng tâm chấp ngã kia truy tầm hạnh phúc thì không bao giờ có được hạnh phúc chân thật, nếu có chăng chỉ là sự giả tạm, tan tụ bất chợt. Vì các pháp vốn là duyên sinh, vô thường, vô ngã nhưng chúng sinh lại tham ái chấp thủ nên cố chạy theo hiện tượng giả huyễn, truy tìm hạnh phúc khắp trong ba cõi. Càng tìm cầu chúng sinh càng chịu nhiều khổ đau; càng khổ đau họ càng nỗ lực tìm kiếm, cứ mãi xoay quanh không bao giờ cùng, chẳng khác nào kẻ lữ hành khát mà uống nước biển, thì càng uống càng khát. Đức Phật với tuệ giác vô lậu đã thấy rõ chúng sinh sở dĩ khổ đau là vì tham ái (tham dục). Cho nên Ngài đã dạy chúng đệ tử: "Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn". Nhưng theo quan niệm bình thường thì họ cho rằng hạnh phúc nhất là được hưởng thụ ngũ dục lạc. Điều này chúng ta cần hiểu như thế nào? Muốn hiểu được ý nghĩa lời dạy trên, trước hết chúng ta cần tìm hiểu các dục là gì?

Dục, trước hết là sự tham lam, ham muốn được thoả mãn; là mục tiêu con người hướng đến để đạt được lòng mong cầu. "Dục" cũng còn gọi là "ái", tức là sự thèm khát. Ái có ba loại: dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Với cách hiểu thông thường thì "dục" không ra ngoài năm loại (ngũ dục): tài, sắc, danh, thực, thuỵ.

Theo Đại kinh Khổ Uẩn giải thích Dục như sau: "Các dục là năm dục trưởng dưỡng hay năm yếu tố khiến tăng trưởng lòng ham muốn, gồm sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu." Và kinh Xà dụ làm rõ thêm: "Dục ví như khúc xương, như bó đuốc, hố than hừng…, như đầu rắn…, như lò thịt…"

Định nghĩa và ẩn dụ về các Dục thì có rất nhiều nhưng chung quy đều chỉ cho sự ham muốn cần được thoả mãn gọi là "dục". Như vậy bản chất của dục là khổ hay vui? Theo quan niệm thế gian, người ta cho rằng: dục đem lại hạnh phúc khi hoàn toàn thoả mãn, và dục là khổ chỉ là lập luận của những kẻ bất hạnh luôn thất bại trên đường đời, nên cuối cùng trở thành bi quan yếm thế không dám hưởng thụ, không dám hy vọng một tia sáng nào nơi sự sống. Đây là lối nhìn phiến diện hay tiêu cực mà đức Thế Tôn đã nhận ra. Vì Ngài đã liễu tri các pháp, nên đối với các dục Ngài không phủ nhận nó, không tiêu cực đối với nó, không coi nó là kẻ thù. Ngược lại, Thế Tôn có cái nhìn đúng đắn về nó, tức Ngài cũng thấy được "vị ngọt" của các dục, thấy được sự nguy hiểm của các dục và các phương pháp để xuất ly dục. Vì vậy, Ngài đã dạy các Tỳ-kheo: "Đối với các dục, vị ngọt của các dục, sự nguy hiểm các dục và sự xuất ly các dục, chỉ có Như Lai, đệ tử của Như Lai và những ai được nghe hai vị này mới liễu tri được các vấn đề đó". Do đó, Thế Tôn định nghĩa: "Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, tương ưng với dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức…; các hương do mũi nhận thức…; các vị do lưỡi nhận thức…; các xúc do thân nhận thức khả ái, khả lạc, khả hỷ, tương ứng với các dục hấp dẫn… y cứ  vào năm pháp này có hỷ lạc gì khởi lên như vậy là vị ngọt của các dục". Vậy nếu hiểu biết một cách hời hợt, thiếu tư duy thì bất cứ  ai cũng sẽ cho rằng dục là hạnh phúc, là lạc thú, đem lại hấp dẫn, niềm vui cho con người. Chỉ có đức Phật mới liễu tri đằng sau cái vui ấy, ngọt ngào ấy là cả một hố sâu khổ đau.

"Đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Nên dù đức Thế Tôn dạy "dục là khổ não, là nguy hiểm",  nhưng nếu ai chưa tự thân chứng nghiệm thì lời dạy đó vẫn như là một trang sách cất kỹ chưa từng được áp dụng. Thậm chí có người còn lên tiếng cho rằng, lời dạy đó không thiết thực. Vì đối với bản thân họ, dục vẫn đem lại cho họ niềm hạnh phúc. Như trong Kinh Phật có kể một câu chuyện: "Thời Phật còn tại thế, nhân một lần cùng Tôn giả A-nan đi hành hoá, trên đường đi Ngài thấy một thỏi vàng, Ngài quay lại bảo A-nan: "Này A-nan, rắn độc, nên tránh đi!" A-nan cũng nhìn và bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, rắn độc". Rồi hai thầy trò tiếp tục đi. Sau hai thầy trò có một người nông dân đi tới nhìn thấy thỏi vàng, ngạc nhiên nghĩ: "Hai thầy trò ông Cù-đàm thật là lạ, vàng mà gọi là rắn độc". Ông đem vàng về, tậu ruộng vườn, sắm xe cộ… Ít lâu sau, nhà vua mất vàng cho lính đi điều tra, thấy ông nông dân này khi không mà giàu có, liền nghi cho ông lấy vàng của nhà vua. Rõ ràng "tình ngay lý gian". Ông bèn bị bắt giam. Lúc ngồi ở trong ngục đói rét cơ cực, ông mới nghĩ lại lời dạy của đức Phật bảo với ngài A-nan. Ông tỉnh ngộ thốt lên: "Ông cù-đàm ơi, đúng là rắn độc".

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rằng, nếu ai chưa thấy được "vàng" là "rắn độc" thì làm sao tin được các dục là khổ não nhiều? Vì đằng sau cái dáng vẻ ngọt ngào, hấp dẫn, thu hút thì nó đã dành sẵn cho chúng ta vô vàn nguy hiểm. "Mật ngọt" thường là "cạm bẫy" thu hút bọn ruồi, các dục đối với chúng sinh cũng lại như vậy. Thấy "ngọt" mà lao đầu vào thì sẽ bị vong thân vì nó.

Hơn thế nữa, Thế Tôn lại nhấn mạnh "các dục" không những khổ não nhiều mà sự nguy hiểm lại càng nhiều như trong Đại Kinh Khổ Uẩn dạy sự nguy hiểm các dục rất nhiều, ở đây chỉ nêu một vài trường hợp khái quát.

Vì miếng cơm manh áo, con người phải bỏ ra sức lao động, phải lao vào những hoàn cảnh nguy hiểm, đương đầu với lạnh, nóng, đói khát, bị áp bức bởi thời tiết, gió, sức nóng, mặt trời, sự xúc chạm của ruồi muỗi… đó là sự nguy hiểm do các dục đưa lại.

Người ta muốn có được tài sản nên nỗ lực tinh cần làm lụng nhưng tài sản vẫn không đến tay mình, nên sinh ra sầu muộn, than vãn…

Hoặc người ấy nhờ nỗ lực làm việc nên thu hoạch được tài sản, có tài sản rồi thì lo lắng gìn giữ, mong sao tài sản không bị mất đi. Nhưng tài sản ấy do nhiều nguyên nhân cũng mất đi. Hoặc do thiên tai, hoặc do cướp bóc… nên người ấy sinh ra buồn rầu, khóc than.

Hoặc do các dục làm nhân, do các dục làm duyên, vua chúa tranh đoạt với nhau, cha mẹ với con cái tranh nhau, anh em gây bất hoà nhau…

Hoặc do các dục làm nhân, do các dục làm duyên gây ra chém giết nhau, chiến tranh, khủng bố, tù tội, cướp đoạt, đi đến vợ người, làm mười điều ác, đến nỗi thân hoại mạng chung, người ấy bị sinh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục…

Tất cả những điều trên đều là sự nguy hiểm của các dục não hại đến con người hoặc trong hiện tại, hoặc trong tương lai. Nhưng nguy hiểm nhất là dẫn đến sự tái sinh trong ác thú, đọa xứ.

Lời dạy trên là bài học thiết thực cho những ai có tâm tu, có chí hướng thượng. Vì đức Thế Tôn rất tế nhị, Ngài đưa ra lời dạy với mục đích chỉ rõ cho đệ tử của Ngài thấy sự tập khởi các dục, vị ngọt các dục, sự xuất ly các dục để tự mỗi người phải có thái đô sống đích thực hữu ích.

Từ đó chúng ta thấy vì sao đức Phật lại dạy lối sống trung đạo, lìa xa hai thái cực. Như vậy hưởng thụ ngũ dục có phải là hạnh phúc chân thật? Điều này chỉ đúng cho những người có ác tri kiến, họ sống cuồng say trong ngũ dục, mà quên đi hậu quả do ngũ dục đem lại.

Ngược lại, muốn có được chân hạnh phúc không còn cách nào khác là chúng ta phải có thái độ sống xa lìa ngũ dục lạc, sống thiểu dục tri túc.

Chúng ta biết rằng, động cơ đưa đến mọi tham dục phát xuất từ suy nghĩ có một "cái tôi" tồn tại nên cứ lo trưởng dưỡng "cái tôi" mà tạo ra lắm khổ đau. Những khoái cảm, những lạc thú là sản phẩm của cái "tôi", của tự ngã. Vì thế không thấy được dục lạc là bệnh khổ, là mũi tên, là thuốc độc, là cục bướu như trong kinh 42 Chương, đức Phật đã đưa ra ví dụ: đứa bé liếm đường phèn trên lưỡi dao, vì ham chút vị ngọt mà quên sự nguy hiểm của lưỡi dao. Đó là hậu quả của sự say mê cái lợi trước mắt mà quên đi cái khổ về sau.

Vì sự nguy hiểm của dục như thế, nên trong Kinh Pháp Cú, đức Phật một lần nữa khẳng định:

"Đường này đến thế gian,
Đường kia đến Niết-bàn,
Tỳ-kheo đệ tử Phật,
Phải ý thức rõ ràng".

    (Kinh Pháp Cú)

"Thế gian" là con đường vui hưởng ngũ dục lạc thì sẽ dẫn đến kết quả đau khổ. Vì "vui trong dục lạc vui là khổ; khổ để tu hành khổ hoá vui". "Vui" ở đây là Niết-bàn đạt được. Người Phật tử phải ý thức rõ về điều đó để có thái độ tu tập đúng đắn.

Từ ngàn xưa, thời đức Phật còn tại thế cho đến nay, "thiểu dục tri túc" được xem như là giới căn bản của mọi giới, là tư tưởng chủ đạo của các bậc xuất gia phàm thánh. Vì đây là tư tưởng trung đạo không đưa đến cực đoan nào, kể cả mặt vật chất lẫn tinh thần. Nghe những gì cần nghe, biết những gì cần biết… Nói tóm lại, những gì cần cho cuộc sống phạm hạnh và mục đích giải thoát. Muốn vậy hành giả không thể thiếu chánh kiến – điều kiện quan trọng trong Bát chánh đạo. Cho nên thiếu chánh kiến thì người tu khó mà thành tựu con đường giải thoát, lắm lúc lại còn lạc vào con đường tà kiến. Nhìn lại cuộc sống hiện đại văn minh ngày nay, nền vật chất chúng ta vô cùng sung túc. Nếu chúng ta không có tinh thần "thiểu dục tri túc" thì sớm muộn gì chúng ta cũng rơi vào hưởng thụ và tham đắm vật chất. Càng tham đắm vật chất thì tâm hồn càng bị ô nhiễm. Ngày xưa, đức Phật, chư Tổ thanh bần mà lạc đạo. Nên công phu tu tập của quý Ngài vô cùng hanh thông.

Còn ngày nay vật chất đầy đủ như thế là chúng ta đã "thiếu may mắn", bởi không có nhiều cơ hội để cọ xát với "tam thường bất túc"; không có nhiều cơ may để trưởng dưỡng nội tâm, hạ thủ công phu ngõ hầu đạt được giác ngộ. Trong ý nghĩa "hạnh phúc chân thật" chính là "hạnh phúc giác ngộ" và chân hạnh phúc chính là giác ngộ tối thượng mà chư Phật chư  Tổ đã tìm ra, vậy chúng ta nếu muốn có hạnh phúc như quý Ngài thì trước tiên chúng ta phải xây dựng chánh kiến để từ đó có thái độ yểm ly thế gian, xa lìa ngũ dục lạc, thường sống với lập trường cao quý đó là "thiểu dục tri túc" kể cả tinh thần, vật chất và mọi phương diện khác trong cuộc sống.       

 D.C.N 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here