Tương quan giữa tôn giáo và khoa học có thể tóm tắt trong 5 điểm như sau:
3. Tóm tắt tương quan giữa tôn giáo và khoa học :
a. Khoa học thiên nhiên chối bỏ tất cả các giá trị của tôn giáo: đây là thái độ thường nhật cuả chủ thuyết thực nghiệm và chủ nghiã duy thực từ A. Comte, S. Freude, K. Marx, B. Russel. Quan điểm cho rằng không có một vị Thượng đế sáng tạo vũ trụ và nhân loại, bởii vì khoa học chỉ diễn đạt được cái thưc tại có thật, còn Thượng đế thì không thể dùng kính hiển vi để quan sát được. A. Comte đã tự cho mình là giáo hoàng của chủ nghĩa duy thực nghiệm.
b. Ngược lại tôn giáo chối bỏ tất cả các giá trị của khoa học: đây là thái độ của các tôn giáo chủ trương Thượng đế là đấng tối cao như một số trường phái cơ bản giáo điều của Thiên chuá giáo và Hồi giáo. Thái độ từ chối khoa học một cách cực đoan
Là nguyên nhân cho những mâu thuẫn càng ngày càng đào sâu giữa tôn giáo và khoa học.
c. Tương quan dung hoà cho rằng khoa học thiên nhiên chỉ làmột trong nhiều mẫu tri thức khác nhau được truy nhận là có giá trị cho nên khoa học thiên nhiên có thể sống chung với những mẫu tri thức tâm linh. Đây là lý thuyết đa tri thức (epistemologischer Pluralismus) . Nhưng khoa học từ chối mẫu sống chung này.
d. Khoa học thiên nhiên có những luận cứ có thể chấp nhận được về sự hiện hữu của tâm linh: khoa học thực nghiệm càng đi sâu vào những bí ẩn của vật lý lại càng tìm ra nhiều yếu tố và dữ kiện đưa đến sự công nhận một hình thức nào đó của trí tuệ con người vượt ra ngoài biên giới vật chất. Ví dụ lý thuyết về Tiếng nguyên thủy giả thiết có những qui luật "trong Tâm của một loại Đại Tâm vĩnh cửu".
e. Chính Khoa học cũng không phải là một tri thức duy nhất về vũ trụ mà chỉ là một cách diễn giải thế giới và vũ trụ nên chỉ đưọc xem như là những bộ môn khoa học khác như Nghệ thuật và Văn học mà thôi. Quan điểm này là hạt nhân của trào lưu hậu tân tiến.
Trên đây là những điểm sơ lược về tương quan giữa tôn giáo và khoa học phương Tây. Đông phương này hôm nay không thể xem là một khối có nhân sinh quan biệt lập, không có liên hệ gì với những vấn đề phương Tây, nhất là trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mỗi giây mỗi phút đều đòi hỏi ở mỗi người chúng ta một thái độ hợp lý cho cuộc sống, hiểu như một hiện hữu toàn thể bao gồm những nhu cầu vật chất và tâm linh. Phật giáo như một tôn giáo đứng ở trong tương quan nào trong năm tương quan nói trên ?
5. Phật giáo và khoa học.
Có thể nói căn cứ vào chính lý thuyết của Đạo Phật, những tương quan xung đột bản chất giữa Khoa học và tôn giáo như vừa trình bày trên đây hầu như không được đặt ra cho Phật giáo, và ngược lại lý thuyết của Đức Phật bao hàm khả năng hóa giải mọi xung đột và khủng hoảng của các tương quan nói trên.
Không phải vì có rất nhiều thành tựu của khoa học chứng minh sự xác đáng của tri thức đạo Phật làm cho chúng ta vội vàng đồng hóa kiến thức Phật học với kiến thức khoa học hay cho rằng có thể xử dụng khoa học để biện minh cho lý thuyết của đạo Phật, mà chính vì phương pháp luận của Đức Phật trong lời dạy của ngài đã cho ta nắm được yếu tính của sự vật, của con người như là chìa khóa mở ra con đường giải phóng hết mọi tranh chấp đi đến giác ngộ, nhất là tranh chấp về bản chất giữa khoa học và tôn giáo, hay giữa Chân Lý và Ý nghĩa
4.1. Trứớc hết kiến thức đạo Phật là một kiến thức về sự toàn diện bản chất của hữu thể (Ganzheit des Seins).
Kiến thức này bao gồm hai yếu tố đòi hỏi chính của tri thức nhân loại đã làm cho khoa học và tôn giáo phân ly nhau : Chân lý và Ý nghĩa. Chân lý và Ý nghiã không thể phân ly nhau nếu một tri thức được gọi là kiện toàn và như thật, do đấy tri thức Phật giáo không loại bỏ khoa học như là khả năng của trí tuệ, nhưng khả năng của trí tuệ này sẽ không được xem là có ý nghiã nếu nó không đem lại sự giác ngộ về chân lý cuộc đời.
Không có một lý thuyết tôn giáo hay triết học nào ngay cả triết học của Hegel với chủ thuyết tri thức tuyệt đối lại nhấn mạnh đến sự liên hệ chặc chẽ giữa tri thức đúng đắn về sự vật (mà đó là Chân Lý) và lý tưởng giác ngộ giải phóng như trong lời dạy của Đức Phật (mà đó là Ý nghiã của cuộc đời) : bởi thế có thể nói rằng tri thức luận Phật học và con đường giải thoát của Phật là điều kiện cần và đủ cho nhau.
Ở đây sự phân ly, tách rời (Chân lý ra khỏi Ý nghiã) có tính cách phương pháp luận như khoa học đã và đang ứng dụng là đi ngược với “Chính kiến" do tính cách một chiều của chính phương pháp này, và như thế chỉ giản lược sự vật hay đối tượng thay vì nắm bắt được toàn diện đối tượng.
Đối lại chỉ nêu lên Ý nghiã của đối tượng tôn giáo căn cứ vào Đức tin mà không đếm xỉa đến thực tại chân thật đang biến chuyển không ngừng thì sẽ rơi vào giáo điều và mù quáng, một thái độ xa sự thật như thế vô hình chung không chóng thì chầy sẽ bị mất hết mọi Ý nghiã, sẽ đánh lạc hướng đi đúng đắn để đến gần chân lý.
Do đấy, trong lúc triết học Tây phương thời khai sáng xem phương pháp tách rời đối tượng như một điều kiện cho sự thành công của nghiên cứu khoa học, điển hình là hệ thống triết học của nhà triết học thời khai sáng Đức I. Kant với ba câu hỏi chính “Tôi có thể biết gì ? Tôi nên làm điều gì ? Tôi được phép hi vọng cái gì ?“ được nghiên cứu riêng biệt nhau làm thành một thông lệ cho sự phân chia giưã lý thuyết về chân lý và thực hành đạo đức, thì Đức Phật đã gói trọn ba câu hỏi cơ bản chính cho cả đời người vào trong một tri thức nhất thể mà còn người có thể đạt được bằng chính sức lực của mình : Trí-Định-Huệ hay Định-Tuệ – Giới là ba khả năng không thể tách rời nhau để tạo nên tri thức kiện toàn về Chân lý và Giải thoát.
Chính tri thức này bao hàm khả năng hóa giải những khủng hoảng giữa tôn giáo và khoa học.
4.2. Kiến thức khoa học và kiến thức đạo Phật rất gần nhau trên quan điểm đi tìm chân lý và diễn tả sự thật.
– Trong khi Đức Phật dạy rằng phải nhìn sự vật theo bản tính như thật của nó chứ không nên để một chấp kiến ảo tưởng nào nhất là chấp kiến một ý niệm tuyệt đối về Thượng đế hay ảo tưởng của một ý niệm ngã chấp chi phối, thì khoa học sau kinh nghiệm Galilei đã ly khai ý niệm Thượng đế cũng như Giáo lý Thánh kinh để có thể tự do khảo sát sự vật và trình bày sự vật theo chính bản chất của sự vật.
– Phương pháp của khoa học là phân tích và trình bày thực nghiệm, trong một chừng mực nào đó khi tìm hiểu nguyên nhân của Khổ trong Khổ đế, quán sát và phân tích được xử dụng để thấu triệt cơ cấu tương quan giữa chủ thể và khách thể. Chính Đức Phật cũng đã tự xác nhận Ngài không phải là kẻ giáo điều mà là một hiền giả phân tích (Analytiker). Chính phương pháp phân tích là một phương pháp rất hữu hiệu để phá màn vô minh, hay “vén màn ảo thuật“ như Max Weber đã nhận xét ở trên.
4.3. Khái niệm thực tại, như trên đã trình bày đối với khoa học, là những gì có thể đo lường chứng minh vàkiểm soát thực nghiệm được, đối với Phật giáo, thể tính của của sự vật là vô thường và vô ngã, chính vì vô thường và vô ngã nên sự vật mới có thể được giải thích theo kinh nghiệm và thường nghiệm, có thể kiểm chứng và thể nghiệm được dựa vào nguyên lý duyên khởi. Các lý thuyết khoa học hiện đại như Lý thuyết tương đối, Lý thuyết lượng tử (Quantentheorie) đã cho thấy cái nhìn của Đạo Phật về bản chất của sự vật rất gần và trung thực với thực tại thế giới.
4.4. Tuy nhiên, mục dích của sự tìm kiếm chân lý theo Đạo Phật không phải chỉ nhằm để lý giải sự vật trong tính trung lập của chúng như khoa học theo đuổi, chính tri kiến về một sự vật chỉ có ý nghiã nếu nó giúp con người giải thoát được khổ đau và đạt hòa bình nội tâm. Đây là điểm khác biệt giữa khoa học và Đạo Phật. Chính kiến là nền tảng lý thuyết cơ bản cho sự thực hành đạo đức, cho nên nó không phải là một loại tri thức thuần túy lý thuyết mà là một sự “hành thâm“, một sự thực hành thấu đáo tri thức thường nghiệm mới đạt được “chiếu kiến ngũ uẩn giai không“ như trong kinh Đại Trí Tuệ đã đề ra. Tính nhất thể siêu việt nhị nguyên giưã Tri và Hành được xem là nền tảng của sự chứng ngộ chân lý đem đến giải thoát. Do đấy Giới-Định-Tuệ tạo nên một loại tri thức toàn hảo bao gồm Chân lý và Ý nghiã như lời Đức Phật dạy : Chân lý về sự vật có thể có rất nhiều như lá trong rừng, nhưng chỉ có những ngọn lá chân lý trong tay Đức Phật mới có khả năng đem đến an lành và giác ngộ.
Có thể nói một cách không quá đáng rằng tất cả các lý thuyết khoa học và triết học Tây phương từ Kant cho đến Fichte, Hegel cho đến những trào lư u hậu tân tiến về chủ nghĩa cơ cấu, những thành tựu của các triết học ngôn ngữ vv …đã không cống hiến cho nhân loại một cách nhìn sự vật thấu đáo và không phiến diện như Đức Phật và lời dạy của ngài về con đường giải thoát. Cái nhìn này vừa không bị sự vật hóa như trong các khoa học mà cũng không bị ảo tưởng tôn giáo giáo điều cũng như không bị lý thuyết nhị nguyên chi phối. Nền tảng cơ bản của cái nhìn chân như này là Tính Không mà tôi hi vọng có thể đi sâu hơn trong lần giảng kế tiếp.
T.K.L