Trang chủ Phật học Lợi ích của tọa thiền với giáo dục

Lợi ích của tọa thiền với giáo dục

148
0

Giáo dục là giúp con người, dù khoa học kỹ thuật hay đạo đức, học tập và lý luận để phát triển trí thông minh, có kiến thức, có nhân cách, tự lập và phục vụ xã hội.

Giáo dục là nắm giữ, tích trữ, Thiền là buông bỏ, xả ly. Phương pháp tuy có khác nhau, nhưng cùng chung một hướng là: tiến tới chân, thiện, mỹ. Nhưng cái đích của giáo dục là giúp con người trở nên có trí thức cao, có nhân cách; còn Thiền của nhà Phật lại dắt dẫn con người đến được trí tuệ tối hậu, từ bi, thành Chánh Đẳng Giác.

Thiền vô ngôn. Thực chất chúng ta không thể hiểu Thiền bằng ngôn ngữ, văn tự được. Muốn hiểu Thiền phải toạ Thiền. Còn dưới con mắt của các nhà khoa học có thể giúp chúng ta hiểu Thiền được đến đâu? Ngay từ đầu thế kỷ XX, các nhà Y sinh học Âu, Mỹ đã sang Ấn Độ để nghiên cứu những thay đổi các hằng số sinh lý khi các Thiền sư nhập Thiền. Khi nhập Thiền thì chuyển hoá của toàn cơ thể xuống rất thấp so với lúc tỉnh táo khi hoạt động bình thường. Nó còn thấp hơn cả trong khi đang ngủ, mặc dầu trong lúc nhập Thiền người ta vẫn ở trong trạng thái phải tỉnh, vô niệm, nghĩa là không phải ngủ hay hôn trầm, cũng không phải thức hay tạp niệm. Biểu hiện của chuyển hoá thấp là do giảm tiêu thụ oxy. Chỉ sau 5-10 phút đã giảm xuống tới 15-20% so với khi chưa nhập Thiền;  trong khi đó, phải sau 7 giờ ngủ mới chỉ giảm tới 15%. Do giảm tiêu thụ oxy đã kéo theo hàng loạt các thông số sinh lý khác như: giảm tầng số thở, thông khí thở, và thải trừ CO2. Từ đó, nhịp đập của tim giảm đến 3-4 lần phút, còn nhịp thở, có khi mỗi phút chỉ thở có 3-4 lần. Việc đập của nhịp tim chậm dần lại 3-4 lần/phút (hoặc có khi hơn) mà vẫn duy trì được sự sống bình thường là có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Điện não đồ biểu hiện một trạng thái thư giãn cao độ của vỏ đại não với các chúm sóng alpha va béta. Như vậy, khi nhập Thiền đã làm thay đổi được trạng thái sinh lý và tâm thần.

Thở chậm do Thiền đúng phương pháp đã đem lại cho tim một sự nghỉ ngơi. Do tập luyện lâu dài, công phu tinh tiến, nhịp tim cũng đập chậm dần dần lại. Nhịp tim đập chậm lại nói lên một sự tiêu thụ oxy cho toàn bộ cơ thể cũng giảm đi và là dấu hiệu của một cơ thể có nhiều khả năng sống lâu, và não bộ luôn ở trong một trạng thái thăng bằng, ổn định, sẵn sàng đón nhận và xử lý những thông tin một cách linh hoạt, nhạy bén, chính xác.

Nhịp tim đập chậm là do nhịp thở chậm. Một người bình thường có nhịp thở chậm, sâu, êm là dấu hiệu tốt; trái lại nhanh, nông, thô là dấu hiệu xấu.

Stress là đả kích tâm lý. Khi cơ thể bị stress dễ gây ra hiện tượng thở gấp. Thở nông, thở gấp lâu ngày sẽ gây ra rối loạn tất cả các hằng số sinh lý cơ thể. Trí não không thể sáng suốt, minh mẫn. Đó là nguyên nhân gây nên suy nhược thần kinh, loạn thần kinh, tâm thần phân liệt. Cơ thể suy nhược dần dần do tiêu hao năng lượng. Vòng luẩn quẩn của sự tiêu hao năng lượng là đầu mối của mọi phiền não.

Thế là khoa học đã chứng minh được toạ thiền đúng cách, đều đặn, lâu dài thực sự đã làm thay đổi được các hằng số sinh lý cơ thể một cách tích cực, thân xác được ổn định, tâm thần được thăng bằng. Khoa học chỉ có thể hiểu được đến thế thôi, chứ không thể đi xa hơn để hiểu hết ý nghĩa sâu xa của thiền. Sự hiểu biết trên đây của khoa học đã tạo điều mơ ước của các nhà phân tâm học, ấy là muốn dùng thiền làm phương pháp trị liệu tâm thần (vấn đề này sẽ được bàn trong một dịp khác). Và các nhà giáo dục học, muốn ứng dụng thực hành toạ Thiền trong học đường để phát triển trí thông minh và trí sáng tạo.

Trong đời thường có rất nhiều người làm việc trong trạng thái thiền mà không hề hay biết. Newton nghiên cứu mãi về lực hấp dẫn mà vẫn không tìm ra. Ông bèn ra vườn, ngồi dưới gốc cây táo thư giãn cho sảng khoái. Chợt một quả táo rơi trúng người ông – ông bừng tỉnh mà nhìn thấy được “luật vạn vật hấp dẫn”. Léonard De Vinci là một hoạ sĩ tài danh. Vậy mà ông chỉ nhận vẽ nàng Mona Lisa với một điều kiện là, ông được vẽ nàng cho đến khi nào ông cảm thấy muốn thực vẽ. Rồi hàng trăm, hàng trăm phác thảo… Léonard và Mona Lisa đã trở nên hiệp nhất. Chân dung nàng được hoàn thiện đã gắn liền với tên tác giả trở thành vĩnh cửu. Đặng Thái Sơn đã đàn những bản nhạc của Chopin cho đến mức độ Chopin và những bản nhạc đó trở thành chính anh. Trong giải piano Chopin quốc tế, anh đã biểu diễn với tất cả những xúc động của tâm hồn mình đối với Chopin. Không gian như lắng xuống, anh đã tự đánh mất chính mình trong tự kỷ. Khán-thính giả cũng bị cuốn hút theo. Chỉ còn lại hồn nhạc Chopin trong thinh không. Cả nhạc sĩ lẫn khán thính giả lâm vào một  trạng thái “xuất thần nhập hoá”. Tất cả mọi người đều cảm thấy chính anh là người xứng đáng được giải Piano Chopin quốc tế.

Qua mấy sự kiện trên, chúng ta đều có nhận xét là, khởi đầu của công việc làm là có ý thức, với trí tuệ vốn có của mình và bằng nỗ lực của bản thân đã chủ động, tự nguyện, chân thật, hồn nhiên, làm việc một cách kiên trì, tập trung, siêng năng, cần mẫn, lâu dài nhiều tháng năm. Họ thường có thói quen làm việc đúng giờ, đúng chỗ, đều đặn và thường chỉ chuyên sâu nghiên cứu một chủ đề. Sự chuyên sâu một chủ đề trở nên chuyên môn hoá đã hình thành một định hình hoạt động (stéréotipie-dynamie). Định hình hoạt động này hình thành tính cách vô ý thức. Chính tính cách vô ý thức này tích tập những thông tin. Lượng thông tin này tự sàng lọc được thần hoá và siêu hoá trong tiềm thức hình thành thần bí cảm, un đúc trở thành tự kỷ; chỉ chờ khi cơ duyên đến là thăng hoa thành sáng tạo. Thế là, thần bí cảm của các nhà làm công việc về khoa học và nghệ thuật, không phải do người chết mách bảo, cũng không phải do mặc khải thần ban, mà là do ở tấm lòng chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, tập trung bền bỉ, cúc cung tận tụy đi trên con đường của mình mà có.

Chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, kiên trì tập trung… thật là rất gần gũi với tinh thần Thiền và đó là những đức tính của những nhà làm công việc về khoa học nghệ thuật chân chính. Và thiên tài chỉ có thể nằm trong số những người, sau khi ra trường, chủ động tự nguyện, âm thầm tập trung làm việc một mình, lâu dài, nhiều tháng năm mà không hề có ý định cầu lợi, cầu danh, Van Gogh bảo: Vẽ tranh có phải là để bán đâu!

Thế là, giáo dục mà mục đích là, dù dạy cho người ta tri thức đạo đức có tính cách giáo dục phổ thông, đều nhằm vào sự huấn luyện lành mạnh từng bước để dưỡng thành định hình một cách vô ý thức. Trong khi công việc làm của các nhà khoa học và nghệ thuật là hành động có tính cách chủ động tự nguyện, kiên trì tập trung, tích cực hơn cũng hình thành định hình một cách vô ý thức. Bởi thế cho nên, giáo dục không phải chỉ dạy cho học sinh kiến thức và đạo đức, mà còn phải huấn luyện cho các em hình thành được một thói quen có tính cách chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, kiên trì tập trung, bền bỉ, lâu dài, có phương pháp và không có động cơ cầu lợi, cầu danh. Bởi vì, làm khoa học nghệ thuật mà tâm thức còn dành ra một ngăn để cầu lợi, cầu danh, chắc chẳng thể thành công. Và đây có lẽ là điểm mấu chốt được bàn đến trong chiến lược giáo dục nhằm dạy cho các em học sinh có thói quen; chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, kiên trì tập trung, bền bỉ lâu dài và có phương pháp. Nhưng chính thiền lại là phương pháp để đem lại những đức tính trên. Chính thiền là phương pháp duy nhất, tối hậu để giúp người ta un đúc những thiện căn chủng tử dưỡng thành tính cách Phật. Việc toạ thiền thường nhật, không gián đoạn, không bỏ dở là bí quyết của thành công, song thực sự không phải là một việc đơn giản. Nhưng nếu ngành giáo dục làm được, các em mới có cơ may để trở thành các nhà bác học, các nhân tài. Bởi vì, toạ thiền đúng phương pháp, đều đăn, không gián đoạn, không bỏ dở, sẽ chuyển hoá được thân tâm dần dần hình thành được tính cách chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, kiên trì, tập trung… một cách vô ý thức.

Như phần mở đầu đã nói, mục đích của giáo dục và thiền có chỗ giống nhau là cúng hướng đến: chân, thiện, mỹ; nhưng giáo dục là nhằm huấn luyện con người trở thành hoàn thiện, có tri thức, có nhân cách, còn Phật giáo lại nhằm giúp con người giải thoát và giác ngộ. Bởi vì, tri thức của con người, cho dù là tri thức của nhân loại cộng lại, cũng chỉ là tri thức nhị nguyên, bị giới hạn nên chỉ đem lại chân lý tương đối. Còn trí tuệ Phật là trí tuệ tối hậu siêu việt, nhất nguyên nên là chân lý tuyệt đối.

Bảo rằng, giáo dục là nắm giữ, tích trữ; còn thiền là buông bỏ, xả ly, chúng ta thử nghe câu chuyện sau đây:

Thiền sư Nhật Bản Nanin (1868-1912) thời vua Minh Trị, tiếp một vị giáo sư đại học đến hỏi về thiền.

Nanin mời trà. Ông đã rót đầy tách trà của khách nhưng vẫn tiếp tục rót mãi. Vị giáo sư thấy nước rót đã đầy tách đến trào cả ra cho đến khi không kiềm được nữa phải nói: “Đầy quá rồi! Xin đừng rót nữa !".

“Giống như cái tách này”, Nanin nói, “Ông cũng đầy ắp những quan niệm, tư tưởng của ông! Làm sao tôi có thể bày tí thiền cho ông nghe được. Trừ phi ông cạn cái tách của ông trước đã”.

Mới nghe câu chuyện trên tưởng chừng như trái nhau, nhưng thực ra, giáo dục là phương pháp thuộc về giai đoạn đầu của con người và thật là cần thiết phải học tập, và lý luận. Nếu không, sẽ không có đủ cơ duyên để có thể nhận thức được rằng, ở đằng sau cái tri thức nhị nguyên đồ sộ kia vẫn còn có một cái gì đó cao thượng hơn, siêu việt hơn, ấy là vô thức tâm linh, là thánh trí nhất nguyên siêu việt, là trí tuệ Phật. Còn thiền là phương pháp thuộc về giai đoạn sau của con người để phát triển phần tâm linh trở thành Phật. Đó là chỗ thiếu sót đương nhiên của giáo dục, bời vì, phát triển tâm linh để ngộ tri kiến Phật, nhập tri kiến Phật, không thuộc về trách nhiệm của giáo dục. Nếu giai đoạn đầu là nắm giữ, tích trữ đến một trình độ nhất định, hoặc có khi học vấn còn chưa cao, thậm chí còn ở mức độ rất thấp; nhưng nếu gặp cơ duyên biết đến Phật pháp, đến thiền; thì giai đoạn sau như đã nói ở trên là, vẫn tiếp tục đi trên con đường của mình và phải buông bỏ, xả ly bằng cách sống trong đời thường mà không chấp trước nhị nguyên, kết hợp toạ thiền bằng chỉ quán. Chỉ quán tưởng từng chủ đề một, quán tưởng đến mức độ, chủ đề với chủ thể trở nên hiệp nhất. Bởi vì, nếu không đại dũng thì không dám buông bỏ tất cả cái vốn tri thức đồ sộ mà cả cuộc đời phải lao tâm khổ tứ mới tích luỹ nổi. Và nếu không phải là đại trí thì không tài nào tin nổi được ở đằng sau cái mớ tri thức đồ sộ kia còn có một cái gì đó được gọi là chân không mà diệu hữu. Sự bông bỏ ở đây phải được hiểu là phá chấp. Bởi vì, nếu không có tinh thần phá chấp, thì cái mớ tri thức khổng lồ kia sẽ trở thành cái xích vô hình, trói chặt mình lại bởi lòng cao ngạo không tránh khỏi.

Chúng ta đều biết rằng, nhất cử nhất động, nhất tư nhất niệm của con người, dù nhỏ nhặt đến đâu, trong một thời gian ngắn ngủi đến đâu cũng đều không mất đi và nó để lại dấu vết. Nó ghi chép lại một cách rất kỹ càng trung thực. Nó rơi vào tiềm thức, nó in lên vỏ não, nó khắc vào gien và nó hiện lên mặt. Đó là quy luật tiến hoa sinh học, di truyền pháp tướng. Pháp tướng tông thường nói thức biến. Thế nên, thức biến như thế nào thì trên mặt cũng xuất hiện những cơ thần kinh biểu tượng tương ứng (đây cũng là chỗ tựa của khoa học hình sự và nghệ thuật sân khấu điện ảnh). Tất cả đều là chủng tử hình thành tính cách vô ý thức bản năng di truyền.

Quả nhiện, mớ tri thức đồ sộ mà cả cuộc đời mới tích luỹ nổi, làm sao có thể buông bỏ được. Và buông bỏ bằng cách nào? Bởi vì, những tri thức đó là những thiện chủng tử in sâu vào thành tính cách vô ý thức hình thành nghiệp. Chính nhờ vào cái vốn tri thức này mà nhà Phật có một thuật ngữ tương đương là Trí hữu sư  làm phương tiện cơ sở, để chuyển hoá dần dần thành trí Vô sư. Quả nhiên, nếu Đức Phật không phương tiện dùng Nhân minh, làm sao có thể bẻ gãy mọi triết thuyết của ngoại đạo? Qua kinh Kim cang, Đức Phật muốn dạy chúng ta phải phá chấp. Tu Phật là tích thiện nghiệp. Tích tụ thiện nghiệp rốt ráo nhất là phải diệt thức. Diệt thức tức diệt trừ tâm sai biệt, xoá bỏ ác chấp nhị nguyên, siêu việt thiện ác, thánh phàm mới có phúc duyên mà lần vào đại dương vô sinh bất nhị, nhập tri kiến Phật được. Chẳng thế mà Lục tổ Huệ Năng vốn là người xứ man di thất học. Với lòng tin mãnh liệt của mình, phát Bồ-đê-tâm, giã gạo nghe kinh, ngày này qua tháng nọ… Khi ngài nghe đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim cang, ngài chợt bừng sáng, bèn nói: “Đâu ngờ trong tâm ta lại có tính Phật”. Ngài nhận thức được rằng, phải không được trụ tâm vào đâu thì sẽ sinh tâm Phật. Không trụ nghĩa là không chấp trước, không chấp trước vào cái vốn tri thức nhị nguyên, giới hạn, tương đối để có thể dần dần chuyển thức thành trí.

Thế là tu Phật, thực hành toạ thiền mà mục đích là thành Phật, chính là tích tập kinh nghiệm, những thiện chủng tử để hình thành một thói quen tâm linh, dần dần chuyển hoá mình thành tính cách vô ý thức mà khởi đầu của hành động bằng một cách có ý thức. Nghiệp trong đạo Phật chẳng qua không ngoài cái thói quen tâm linh này của ý chí in sâu vào tính cách. Phật giáo cho nghiệp là ý chí tích tụ kinh nghiệm dần trở thành tính cách vô ý thức. Đây là chỗ giống nhau của giáo dục với nghiệp trong đao Phật. Hơn nữa, nghiệp y vào tự lực tự nội mà hình thành nghiệp mới tương lai, thì tự bản chất của nó đã có đủ tính cách tồn tại và ý chí sáng tạo rồi. Nhưng ở đây lại là tích tụ thiện nghiệp bằng thiền quán tự nội, bằng nỗ lực bản thân và trí tuệ, thì cái đích đạt được không dừng ở nhân cách và thế trí, mà là giác ngộ thánh trí, vô ngã từ bi, thành Phật.

Trong đời sống tự nhiên cũng vậy, một đàn nai đang gặm cỏ, bỗng cả đàn bật chạy mặc dù có con hổ còn đang ở rất xa. Do đấu tranh sinh tồn đã hình thành vô ý thức – bản năng. Đó là do có điểm cảnh tỉnh trên vỏ đại não. Chúng ta đều biết, có nhiều loại chim chọn mùa để sinh sống, cá đổi vùng để sinh sản. Và trong thực nghiệm đã minh chứng: Người ta dùng con chó làm vật thử nghiệm; nó chỉ được ăn sau khi người ta đánh một hồi chuông, cứ như thế nhiều lần. Về sau, người ta chỉ đánh chuông mà không cho con chó ăn, vậy mà con chó vẫn chảy dãi. Pavlov gọi đó là phản xạ có điều kiện. Chính những định hình hoạt động đó mang tính cách vô ý thức di truyền và hình thành nghiệp.

Đến đây, chúng ta đều có thể thống nhất nhận xét là, ý nghĩa to lớn của thuyết nghiệp trong đạo Phật là hình thành tính cách vô ý thức. Tính cách vô ý thức ở đây lại là việc tích tụ thiện nghiệp nhờ phương pháp toạ thiền, bằng thiền quán tự nội, có nghĩa là tự tâm, bằng trí tuệ và bằng nỗ lực bản thân. Như vậy, hình thành tính cách vô ý thức nhờ nỗ lực tự tâm là có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Và toạ thiền là phương pháp tối hậu để dưỡng thành tính cách Phật.

Thiền là vô cầu. Toạ thiền là Niết-bàn. Đó là chắc chắn. Song, nói như thế có e rằng quá lý thuyết không? Đành rằng, không phải ai “kiến tánh” và “toạ thiền” cũng đều thành Phật cả, song đó là cách đi của chư Phật. Toạ thiền đúng cách, vừa sức, đều đặn thường nhật là khó. Nhưng nếu ai hình thành được thói quen tâm linh toạ thiền đều đặn, vừa sức, không gián đoạn, không bỏ dở, lâu dài, nhiều tháng năm… người ấy có ngôn ngữ thiền, người ấy có thiền vị. Toạ thiền đúng cách sau 10 phút đã giảm từ 17-20% mức tiêu thụ oxy. Để ứng dụng việc toạ thiền cho học sinh-sinh viên, những người làm việc bằng trí óc cũng như trong các ngành học thuật khác có thói quen toạ thiền hằng ngày như mặc áo, ăn cơm, đọc báo, đi làm… mỗi ngày một lần từ 20-30 phút là đủ. Thói quen này là định hình hoạt động hình thành tính cách vô ý thức. Hành động vô ý thức này có lợi ích vô cùng to lớn cho một hành giả. Nó chuyển hóa thân xác của hành giả trở nên sung mãn, linh hoạt; tâm thức luôn được ổn định, thăng bằng để sẳn sàng làm tốt một công việc được chỉ định tiến hành.

Đối với một Phật tử, tình thần thiền là vô cầu, liệu có thể hiểu được không?

Một Phật tử thuần thành hoặc một thiền sinh được thầy của mình trao cho một công án như: “Tiếng vỗ của một bàn tay”. Hàng ngày sau những giờ lao động, Phật tử hay thiền sinh đó sớm hôm toạ thiền, quán tưởng công án. Phát Bồ-đề-tâm, anh siêng năng chăm chỉ tập trung quán tưởng. Tập trung đến mức như anh đang đấu kiếm trước đối thủ của mình. Anh thật căng thẳng, mệt mỏi, cùng cực quẩn bách, khổ đau nhiều tháng năm… Với tấm lòng siêng năng của anh, rồi cơ duyên cũng đến, anh bừng tỉnh ngộ (kiến tánh).

Chúng ta thử hình dung, có một vị thiền sư sống ở một ngôi chùa hẻo lánh, vắng bóng người qua lại, hầu như không giao tiếp với ai. Ngài toạ thiền thường nhật như ăn, thở, ngủ, thải… không phải dùng đến bất cứ một sự cố gắng nào, chân thật và hồn nhiên… quên cả tháng ngày trôi… Như thế, chắc ngài sẽ đắc đạo.

Tọa thiền là một phưuơng pháp. Nhập thiền là một trạng thái, đó là trạng thái phản tỉnh vô niệm. Ý thức chủ động quyết định việc toạ thiền một cách tự nguyện, thường xuyên, dần dần hình thành một thói quen tâm linh đã dắt dẫn cơ thể lẫn tâm thức đến một trạng thái vô thức. Vô thức nhờ toạ thiền do ý thức quyết nên gọi là vô thức hữu thức, hay vô thức tâm linh. Đây là trạng thái của một cơ thể, có thân thư giãn cao độ, thư giản đến mức thật yên và thật tĩnh, thân như bị xoá hết: “Thân như giọt nước thể như chuông”. Còn tâm thức lại đạt đến trạng thái rỗng lặng cao độ, rỗng lặng đến mức không còn một làn sóng tạp niệm nào, tâm vô niệm: “Tâm hư tịch tĩnh”. Thân vong tâm hư là một trạng thái của một sinh thể cực kỳ mẫn cảm, một sinh thức trực giác linh diệu. Đó là “trạng thái không còn mối tương quan với không gian, không còn mối tương quan với thời gian” hay là “trạng thái tuyệt mạng tuyệt thể”. Đây là trạng thái không tuyệt mà diệu hữu. Đó là trạng thái của “sức tức thị không Bát-nhã Bồ-đề diệu dụng” để có thể hợp được với “Thế Tôn Pháp thân, Tát-bà-ha chân thể”. Đó chính là hình ảnh của đứcPhật Thích-Ca cùng vào ngồi toà sư tử với đức Phật Đa Bảo trong tháo bảy báu, là hình ảnh của Bodhi Svaha.

“Trạng thái chân không vô niệm” của một sinh thể trong thiền định là trạng thái của một cơ thể mà cả thân lẫn tâm có khả năng đồng hoá và dị hoá cao nhất, nhưng cơ thể cũng như tâm não lại tiêu hao năng lượng oxy ít nhất, mà vẫn duy trì được cơ thể ở trạng thái tâm sinh lý bình thường, cực mẫn cảm bén nhạy, trực giác thông sáng. Toàn thể cơ quan phủ tạng ở trong trạng thái đồng đẳng, tâm thức ở trong một trạng thái chính đẳng để sẵn sàng đón nhận những gì gọi là thánh thiện.

Còn toạ thiền ứng dụng trong đời thường nhằm hình thành một thói quen tâm linh trở thành tính cách vô ý thức đã giúp hành giả có một thân xác linh hoạt, một thức điền được chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng lãnh nhận những thiện căn chủng tử phát triển tốt đẹp.

Đối với những người Phật tử thuần thành, với các thiền sư thường xuyên quán Tứ niệm xứ, quán đến độ trở thành hiệp nhất, thì giả dụ như: “Tiếng tăm và dục tình…” chỉ còn là danh từ khái niệm, là trạng thái của một thân xác hèn kém xấu xa, một tâm thức còn nhiều mê chấp, và thật là vô nghĩa, chẳng có chi đáng đắm luyến. Như vậy, thiền vô cầu là có thể hiểu được.

Nói như thế không có nghĩa là trong đời thường không thể toạ thiền. Bởi vì, đức Phật dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Ngoài thế gian ra không có Phật, Phật ở ngay tại thế gian, Phật ở ngay trong ta. Ngoài ta không có giác ngộ, Thiền ở ngay trong đời thường như mặc áo, ăn cơm, cuốc vườn, trồng rau, đi, đứng, nằm, ngồi đều là Thiền cả. Buông bỏ nghĩa là hành đạo ngay trong đời thường mà vẫn xả ly, không chấp trước trên tinh thần vô ngã vị tha, xả ly tâm sai biệt, diệt trừ ác tập nhị nguyên… Như thế, thiền mới trở thành siêu việt. Đành rằng, toạ thiền là một việc khó nhưng nếu không thực hành toạ thiền thì không có kinh nghiệm trở thành tính cách vô ý thức, không những chỉ lấy đó mà thực hành mà còn cho ý chí tự thân đó là nghiệp rồi.

Cho nên trong sự nghiệp giáo dục, nếu đem ứng dụng thuyết nghiệp của nhà Phật thông qua việc thực hành toạ thiền, thì sự tu dưỡng tự lực, có nghĩa là phấn đấu nỗ lực tự tâm nhằm hình thành những thiện nghiệp chủng tử như: chủ động tự nguyện, chân thật hồn nhiên, kiên trì tập trung, có phương pháp… còn có một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Có lẽ, đó cũng là mục đích có ý nghĩa chiến lược của giáo dục.

Việc toạ thiền đều đặn, đúng phương pháp, không gián đoạn, không bỏ dở và bí quyết thành công, dù chỉ 20 phút mỗi ngày cho cả cuộc đời; thì đối với học sinh, sinhviên và những người làm công việc khoa học kỹ thuật là đủ và có giá trị đích thực để chuyển hoá thân tâm. Thân xác trở nên bén nhạy, tâm thức với một thức điền đồng đẳng, trực giác, minh mẫn, thông sáng.

Nắm được ý nghĩa to lớn của thuyết nghiệp trong đạo Phật và thực hành thiền quán tự nội, toạ thiền thường nhật, nếu được đem ứng dụng cho những người làm lao động trí óc là một sự nghiệp vô cùng to lớn, nhất là đối với học sinh, sinh viên và các nhà làm công việc khoa học và nghệ thuật. Nó thực sự trở thành sự nghiệp của cả một dân tộc.

Toạ thiền đúng cách, vừa sức, đều đặn, không gián đoạn, không bỏ dỡ, lâu dài, nhiều tháng năm…l à một hành động tốt nhất để hình thành một “định hình hoạt động tâm linh”, hướng thiện và hướng thượng; và trong phạm vi thế tục, sáng tạo và thiên tài. Như thế chưa đủ để nói lên hiệu quả vĩ đại của thiền trong giáo dục hay sao?

T.V.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here