Trang chủ Phật học Suy nghĩ chân thực (Chánh tư duy)

Suy nghĩ chân thực (Chánh tư duy)

161
0

Tuy nhiên, vì hoạt động của tư duy quá phức tạp, thiếu chính xác, thường bị bóp méo bởi tính chủ quan của bản năng, tình cảm và lý trí trong giới hạn của những kiến thức phiến diện, mơ hồ, manh mún, nên tư tưởng không khỏi bị lệch lạc, võ đoán, hồ đồ Điều này đã đưa đến biết bao tai họa cho con người.

Tư tưởng dẫn đầu mọi sinh hoạt hành động và nói năng. Vì vậy, tư tưởng lầm lạc dĩ nhiên đưa đến hành động, nói năng sai trái và kết quả chắc chắn là khổ đau và phiền muộn – không phải chỉ cho từng cá nhân mà còn cho cả tập thể cộng đồng. Rất nhiều tư tưởng đã đem lại tai họa cho toàn thể nhân loại dù theo nó hay chống đối lại nó.

Chính vì lẽ đó Lão Tử nói “Kiến tố, bảo phác, thiểu tư, quả dục” (thấy rỏ chân tính, giữ sự mộc mạc, ít suy nghĩ, giảm ham muốn); trong khi Thiền tông yêu cầu “Ngôn ngữ đạo đoạn, ngôn hàng xứ diệt” (Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành).

 Nhiều người hiểu lầm những lời dạy minh triết này, cho rằng cần phải chấm dứt mọi hoạt động của tư tưởng mới có thể giác ngộ sự thật. Nhưng khi bạn cố gắng dứt bặt tư tưởng thì chính là lúc bạn đang bị thúc đẩy bởi “tư tưởng dứt bặt” đầy ngã tính chủ quan ấy. Nếu bạn chấm dứt tư tưởng quá sớm thì trí tuệ sẽ chết non, còn nếu bạn chấm dứt nó quá trể thì sự thật đã trôi qua mất rồi. Vậy làm thế nào bạn biết chấm dứt tư tưởng đúng lúc?

Thực ra, bạn không cần chấm dứt tư duy. Khi bạn thật sự chánh niệm, tỉnh giác thì tư tưởng sẽ tự dừng lại đúng lúc một cách tự nhiên, và nó sẽ sẵn sàng ứng hiện trở lại lập tức, khi cần thiết. Vậy, trong khi đang chánh niệm, tỉnh giác, nếu tư tưởng tự ngưng bặt đó là chánh kiến, nếu tư tưởng ứng khởi đúng lúc và chính xác (phát xuất từ chánh kiến) đó là chánh tư duy.

Chánh kiến giúp chúng ta nhận biết trực tiếp sự vật một cách trung thực. Chánh tư duy giúp hiểu sự vật một cách thực dụng. Chánh kiến và chánh tư duy là hai mặt của trí tuệ. Trên cùng một thực kiện, chánh kiến nhận chân bản chất của thực tại, trong khi chánh tư duy nhận ra tướng dụng của hiện tượng. Tuy cả hai không xuất hiện đồng thời, nhưng luôn luân phiên hỗ trợ nhau trong quá trình nhận diện sự thật. Giống như hai chân thực hiện động tác đi, chân này trụ vững cho chân kia bước tới, và ngược lại; tuy hai chân không cùng lúc thực hiện chung một động tác, nhưng luôn thay phiên bổ túc cho nhau để bước những bước đi vững vàng, chính xác. Nếu loại bỏ một chân thì lập tức chúng ta trở thành què quặt. Cũng vậy, người quá thiên về định hoặc trực giác mà thiếu tư duy thì còn tệ hơn người biết tư duy chín chắn. 

Vậy bạn đừng sợ tư duy! Hãy cứ tư duy trong trầm tĩnh, sáng suốt trên những dữ kiện mà chánh kiến đã cung cấp; đừng quá lệ thuộc vào những kiến thức vay mượn từ bên ngoài chưa được kiểm chứng hay chưa được thể nghiệm trực tiếp. Chánh kiến chỉ đến khi bạn chánh niệm tỉnh giác đúng mức, nghĩa là lúc tư tưởng tự ngưng bặt, chứ không phải bạn chủ quan bắt nó dừng lại.

Có bốn loại ý nghĩ:

1) Ý nghĩ đáp ứng tự nhiên:

Ý nghĩ này âm thầm ứng khởi theo điều kiện hoặc nhu cầu tự nhiên. Ví dụ như khi đói, tự nhiên có ý nghĩ muốn ăn; ngồi lâu có ý nghĩ muốn đứng, đi, hoặc nằm etc. Loại ý nghĩ này hoạt động thầm lặng, khó phát hiện, tưởng chừng như không hiện hữu, vì nó ẩn kín đàng sau hành động của chúng ta, phần lớn trong tình trạng vô thức. Bạn không thể loại bỏ ý nghĩ có tính bản năng tự nhiên này, vì nó là một trong những yếu tố tất hữu của đời sống. Điều bạn cần không phải là hủy diệt ý nghĩ này, mà chỉ cần sáng suốt lắng nghe lại mình thì có thể phát hiện ra nó và không bị nó điều khiển một cách vô thức như chỉ là con rối.

2) Ý nghĩ phản ánh thực tại:

Khi chánh niệm tỉnh giác đạt đến mức thích hợp thì tư tưởng tự động ngưng bặt và chánh kiến tự nhiên xuất hiện, thấy rõ bản chất sự thật (thực tánh pháp). Nhưng ngay lập tức sau đó tư duy tự động khởi lên để duyệt lại và lý giải sự việc (pháp) vừa được chánh kiến minh sát. Đó là chánh tư duy. Loại ý nghĩ này rất cần thiết trong đời sống thực dụng hàng ngày. Nhờ tư duy này các bậc Thánh biết được những gì đã chứng ngộ và Đức Phật biết làm thế nào tế độ chúng sanh. Vì vậy, không thể loại bỏ chức năng tự nhiên này của tư duy một cách chủ quan được. 

3) Ý nghĩ lan man bất định:

Đây là loại ý nghĩ thường tự phát một cách bất định khi tâm trí chúng ta không trầm tĩnh, sáng suốt hoặc thiếu chú tâm và an lạc; nghĩa là một nội tâm rối loạn, căng thẳng, bất an. Khi tâm trí tích luỹ quá nhiều thông tin trong tình trạng thiếu tỉnh thức, những dữ liệu tàng trữ trong vô thức này sẽ trở thành những xung động tạo ra vô vàn đợt sóng “tư tưởng hoang dã” gọi là phóng tâm hay trạo cử. Loại tư duy này khấy động làm cho tâm trí khó an ổn, và trầm trọng hơn có thể trở thành hoang tưởng của bệnh thần kinh suy sụp. Đừng trấn áp nó, nếu chúng ta chủ quan cố kìm hãm nó thì nó có thể sẽ tạm ngưng trong chốc lát, rồi lại bùng lên trong những cơ hội khác hay dưới nhiều hình thức khác tồi tệ hơn. Bạn chỉ cần trầm tĩnh lắng nghe nó trong chánh niệm tỉnh giác, không một thái độ đối kháng nào thì nó sẽ lặng lẽ rút lui, trả lại cho bạn một tâm trí rỗng rang, trong sáng như bầu trời không một áng mây.

4) Ý nghĩ chủ tâm tạo tác:

Hoạt động tư duy này tạo tác hành vi đạo đức có mục đích và chủ ý. Loại ý nghĩ này khá phức tạp, có đúng có sai, có thiện có ác. Tuy vậy, chúng ta không cần phải cố gắng chận đứng mọi tư tưởng loại này mà chỉ cần quan sát thật khách quan và tinh tế diễn biến của từng tư tưởng để thấy rõ bản chất thật của nó: Đúng hay sai,  thiện hay ác (trong bản chất, không phải khái niệm). Khi đã thấy biết tỏ tường như vậy thì bạn sẽ tự biết một cách chính xác tư tưởng nào nên ngăn ngừa, loại bỏ; tư tưởng nào nên duy trì, phát triển, một cách tự nhiên, không chọn lựa chủ quan theo tư ý, tư dục.

Dĩ nhiên, khi thấy những tư tưởng sai lầm, ô nhiễm, bất thiện, phát xuất từ tham ái mê muội đem đến ưu phiền, khổ não cho mình và người thì nên ngăn ngừa, loại bỏ. Điển hình như những tư tưởng tham ái, sân hận hoặc hãm hại. 

Những tư tưởng đúng đắn, trong lành, hiền thiện, phát xuất từ trí tuệ, từ bi, đem lại thanh tịnh, an lạc cho mình và người thì nên duy trì, phát triển. Điển hình như những tư tưởng vô tham, vô sân, vô hại. Nói một cách tích cực là những tư tưởng vị tha, từ ái, thương yêu cứu giúp (bi mẫn). Loại tư tưởng tích cực này càng phát triển nhiều càng tốt chứ không nên vội vàng chấm dứt nó chỉ vì muốn cầu an trong thảnh thơi, yên ổn. 

Đây là chặng đường tất yếu không thể bỏ qua trong quá trình hoàn thiện nội tâm và trí tuệ để giác ngộ giải thoát. Khi Ba-la-mật, như trí tuệ và công hạnh chưa được viên mãn mà bạn đã cố bặt dứt tư duy hoặc ngưng trụ tâm, thì sự ngưng trụ này vẫn chỉ là sản phẩm của “cái ta tư tưởng” mà thôi!

Do đó bạn cần thấy sự khác biệt giữa hai tình trạng ngưng bặt tư tưởng:

– Tư tưởng tự ngưng bặt: Khi bạn hoàn toàn buông xả, thì chánh niệm tỉnh giác sẽ ứng hoạt một cách tự nhiên, vô tư và khách quan. Ngay khi đó tư tưởng của bạn tự động dừng lại để cho tuệ giác phản ánh thực tại dang vận hành thuận theo tự tánh và nguyên lý vô ngã.  

– Tư tưởng bị ngưng bặt: khi bị áp lực của ý chí, bị khống chế bởi một tư tưởng chủ quan khác hoặc một loại tập chú có chủ ý mà bạn rèn luyện theo một phương pháp nào đó để đạt được mục đích bạn mong chờ. Thực ra, bặt dứt tư tưởng kiểu này chỉ là một hình thức khác của cái ta tư tưởng mà thôi.

Nói cách khác, tư tưởng khởi lên hay ngưng bặt không quan trọng, mà quan trọng là khi khởi lên hay ngưng bặt có ứng hợp với thực tánh không, hay chỉ phát xuất từ lãnh vực lý trí.

V.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here