Ta biết rằng ở nước ta, các chùa, dù phái Lâm Tế hay Tào Động, đều theo giáo pháp, nghĩa là Thiền Tịnh đồng hành Thiền tôn, một phái Phật giáo Trung Quốc hóa, có nhiều sắc thái của Đạo gia, đã thâm nhập tâm tư và văn hóa của vùng Viễn Đông. Thịnh hành ở Nhật Bản, Thiền tôn được nghiên cứu quảng bá ở nước ấy. Ai cũng biết Bác sĩ Suzuki có công lớn trong việc quảng bá Thiền học, các sách của ông như Essays in Zen Buddhism(1926), Manual of Zen Buddhism(1935), Living by Zen(1949) v v… đã giưới thiệu cho Tây phương biết Thiền học và ông trở thành một tác giả quyền uy. Năm 1967, ông Thomas Merton, người Mỹ viết quyển Mystic and Zen, có dịch ra tiến Pháp, có kể đến các người Nhật như các giáo sư Hisamatsa giáo sư Nichitani, Tăng người Việt Thích Nhất Hạnh, cũng đều đề cập đến vấn đề Thiền học với khoa học, với đời sống hiện tại. Ông Merton cũng giới thiệu các sách của Linh mục Thiên chúa giáo Heinrich Dumounlin bàn về Thiền, xuất bản từ năm1953 đến các năm sau. Vậy là Thiền học không còn xa lạ gì với Tây phương, ở các nước Âu Mỹ, đã có thấy học Thiền và hành Thiền.
Gần đây, có cuộc tranh luận giữa các nhà nghiên cứu Phật giáo và các tôn giáo khác, khi phê bình Phật giáo là tiêu cực, là có thái độ dững dưng đối với cuộc đời. Phải chăng vì có các quan niệm khác nhau, dùng các từ có nghĩa khác nhau mà người ta không đồng ý với nhau chăng? Nay xin lược dịch và trích dịch vài đoạn văn của ông Thomas Merton, để có thể thấy một nhà nghiên cứu người Mỹ, nghĩ thế nào về Thiền học.
Thế thì Thiền đúng ra là gì?
Đọc những chuyện ngắn có khi hơi bạo lực các vị Tổ sư Thiền, ta thấy rằng câu hỏi ấy đầy những mai phục, và đầu tiên là truyền thống Thiền nhất thiết không cho ta đáp một cách trừu tượng và lý thuyết. Thật ra, phải thú nhận ngay từ đầu, đứng ở quan điểm triết học hay tín giáo, xem ra ta không thể đáp một cách thỏa đáng cho câu hỏi ấy. Chỉ tại là Thiền không thể đem ra phân tích một cách luận lý được. Thiền, chữ Hán, nghĩa là một loại suy tư, vậy mà Thiền không phải là một phương pháp suy tư, không phải một tinh linh tính (spiritualte). Đó là một con đường, một kinh nghiệm, một đời sống, nhưng con đường lại “không phải là một con đường”. Vậy là Thiền chẳng phải là một tôn giáo,một triết học một thể hệ tư tưởng, một học thuyết, một phép khổ hạnh. Gọi là một thứ “huyền bí tự nhiên” như linh mục Dumoulin đã gọi, ông ta đã mạnh dạn tuân theo những yêu sách của tinh thần Tây phương, đòi tim ra cho bằng được những yếu tính.
Theo ý tôi, ông ta không tìm ra được nhiều nhà tư tưởng Đông phương thật tình đồng ý với ông ta về điểm ấy, dù rằng ở đó, ông ta dành cho Thiền một lời xưng tụng cao nhất mà ông ta nghĩ rằng một nhà thần học Kito giáo có thể làm được. Nói thật, Thiền cũng chẳng đòi là “huyền bí”. Daisetz SuZuki, một tác giả quyền uy của môn này, các tác phẩm được rất nhiều người đọc, đã không quản công để chứng minh rằng thật ra, Thiền không phải là một “huyền bí”. Nhưng có lẽ chỉ là một vấn đề danh từ. Không thể thuyết giải trực giác Thiền bằng một công thức có tính cách chủ thuyết nào được, mà không thể đưa ra một miêu tả xác thực có tính cách hiện tượng luận được. Chắc là Suzuki muốn nói thế khi ông khẳng định là Thiền “không huyền bí”, và Thiền không có những nét đặc thù, minh bạch và chắc chắn nhận ra được, mà ta có thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Thật vậy, ta chắc chắn nhận ra được tính chân xác của trực giác Thiền, nhưng chỉ kẻ nào đã đạt được trực giác ấy, kẻ ấy mới nhận ra được tính chân xác. Chúng ta rơi ngay vào cái đầu tiên của những cái bẩy nguy hại mà kẻ nào thử viết về Thiền gặp phải. Giả dụ rằng Thiền là một “kinh nghiệm” mà một “chủ thể” có thể “làm được” , đó là dùng những từ trái với tất cả những gì mà Thiền bao hàm.
Vậy nên thật là sai, khi tưởng tượng Thiền như một thứ thanh tịnh cá nhân tính và chủ thể tính, ở đây nhà tu hành tìm sự yên tỉnh, và thấy được một sự hưu tức tinh thần, trong sự khám phá và sự hưởng thụ cái nội giới của chính mình. Không phải là một hình thức tinh tế của thỏa mãn tinh linh của chính mình. Nhất định cũng không chỉ là một sự thoái ẩn cái ngoại giới cảu vật chất, để quay về nội giới của tinh thần. Cái dữ kiện đầu tiên và sơ đẳng nhất của Thiền là kinh hãi sự phân li nhị nguyên giữa vật chất và tinh thần. Phê bình Thiền mà dự tiên giả thiết sự phân li như thế thì sẽ đưa đến sai lầm.
Cũng như các hình thức khác của Phật giáo, Thiền đi tìm một sự giác ngộ, phát xuất do sự triệt tiêu hết mọi liên hệ và mọi đối kháng giữa chủ thể – khách thể, thành cái “không” thuần túy. Nhưng gọi cái không ấy là hư vô thuần túy thì là tái lập các đối kháng mà Thiền triệt tiêu. Điều này giải nghĩa tại sao các Tổ sư Thiền nhất thiết đòi rằng ta tránh “khẳng định hay phủ định” … vậy nên không đạt đến Phật tâm (satory) chỉ bằng cách vô động tịch tịch hay cách thủ tiêu mọi tư duy. Cùng một lúc, tuy thế giác ngộ không phải là một kinh nghiệm, cũng không phải một hoạt động tính của một chủ thể tư duy, có ý thức chính mình. Lại càng không phải một sự tri kiến Phật, hay một kinh nghiệm về một liên hệ “Tôi – Ngài” với tối cao bản thể, được coi là khách thể của tri thức và cảm thức. Tuy nhiên, Thiền cũng không phủ định sự hiện hữu của một tối cao bản thể. Thiền không khẳng định, không phủ định. Ta có lẽ có thể nói rằng: Thiền là ý thức bản thể học của thuần túy bản thể, xa ngoài chủ thể và khác thể, là sự trực tiếp lãnh hội bản thể ở chỗ nó đấy… và nó như thế đấy(suchness and thusness).
Nhưng đặc tính của ý thức ấy là không phản tỉnh, không hữu thức, không triết học, không thần học. Ở một nghĩa, ý thức hoàn toàn ở xa cái năng cập của quan sát tâm lí học và của suy tưởng siêu hình học. Không có từ nào tốt hơn, ta bảo nó là “thuần túy tinh linh”.
Để bảo tồn cái tính tinh linh thuần túy ấy, các Tổ sư Thiền nhất định từ khước diễn tả cái kinh nghiệm. Thiền bằng quan niệm duy lý hay bằng các từ. Các vị ấy cố làm cho tiêu trầm mọi sáng kiến của tinh thần hay của tưởng tượng, muốn diễn tả ý nghĩa. Các vị ấy còn luôn nói đến rằng: “gặp Phật thì giết Phật..”. Khi có người hỏi : “vạn pháp quy về…” nhất” (một), thì nhất quy về đâu?” Tổ sư Triệu Châu chỉ đáp : “khi tôi ở Seiju, tôi có dệt một cái áo gai nặng 10 kg”.
Đây là một vấn đáp mà độc giả Tây phương nên nhớ, vì bổ ích… đây là để phòng vệ độc giả đối lại cái dự mưu, khó cưỡng được là quan niệm Thiền bằng các từ của thuyết Platon mới. Thiền không phải là một thể hệ nhất nguyên phiếm thần luận. Cũng chẳng là thể hệ nào cả. Thiền từ khước khẳng định bất cứ điều gì về cơ cấu siêu hình học của bản thể và của hiện hữu. Thiền muốn chỉ là Thiền, không muốn đi vào thuyết lý…
Câu kệ của Bồ đề đạt ma (Sơ tổ Thiền của tông) là: “một truyền thống riêng bên ngoài các kinh điển, không có theo văn tự, ngôn ngữ nhắm thẳng đến linh hồn của người đi vào chỗ tột cùng của bản chất của ta, đến được tính trạng Phật”. Câu này chỉ rõ rằng Thiền chú trọng vào thực hành cụ thể, hơn và về nghiên cứu hay suy tư trí tuệ, để làm phương tiện đạt giác ngộ. Câu quan trọng là : “hướng thẳng vào hồn người ta, nhắc lại ở câu sau đồng nghĩa: nhập vào bản chất của chính mình. Câu dịch thường thấy: hướng thẳng vào linh hồn của người, là dịch dở. Gợi ra đối kháng giữa thân thể và linh hồn, tinh thần và vật chất, mà ta không thấy trong Thiền, hay ít ra thì cũng không ở trong nghĩa mà các từ ấy gợi ra.
Thực ra điều này đã làm Thánh Francois Xavier bỡ ngỡ khi đàm đạo với người bạn là thiền sư Ninchiton-vị lão tăng xem ra không biết là mình có hay không có một “linh hồn”. Vị ấy thật xa lạ với ý nghĩ rằng “linh hồn” là một cái gì mà ta có thể nghĩa rằng có ai đó có thể “có” và lại có thể “cứu rỗi” được. Lão nhân đi tìm giải thoát thật đấy, nhưng sự tầm cầu ấy chỉ có thể diễn ra bằng những từ ngữ khác hẳn.
Có bản dịch khác câu thơ của Bồ đề đạt ma, thay chữ linh hồn bằng chữ tinh thần (espit) (chữ Hán: Tâm). Nhưng tinh thần lại là một quan niệm tâm lý học. Từ này cũng không tương đương với quan niệm kinh viện học của linh hồn “hình thức của thân thể”. Tuy nhiên “tâm” (tinh thần) chắc là được coi như là nguyên lý của bản thể. Phải coi tâm (espit) là yếu tính tinh linh chăng? Tôi không tin thế.
Suzuki nói rằng theo nghĩa ấy, “tinh thần” là “một thực tại tối hậu, tự ý thức, chứ không phải nơi tọa vị của ý thức do kinh nghiệm của chúng ta”. Đối với các vị Tổ sư Thiền, cái “tinh thần” ấy không phải là cái quan năng trí tuệ như thế, nhưng đúng hơn là cái mà các nhà huyền bí người Khesnanie gọi là cái “đáy” của linh hồn ta hay của bản thể ta, cái đáy không những có được tính thực thể mà lại được giác ngộ và ý thức, vì được tiếp xúc thẳng với Thiên chúa. Trong văn thể Thiền, “tinh thần”, có một thứ giá trị bản thể học, gần với từ sóng đôi trong câu sau của bài kệ: “bản chất” (tính). Nhưng hàm xúc của từ ấy có tính cách hiện hữu, năng động và cụ thể. Từ ở trong sách Tân ước có thể tương xứng, tuy rằng dĩ nhiên còn có nhiều sắc thái, là từ “tinh thần” hay “tinh” (prneuma) của Thánh Paul…
Chúng ta thường lấy các quan niệm siêu hình học Tây phương, coi như là tương đương các từ trong Phật giáo, các từ này không có tính cách siêu hình, nhưng tôn giáo và tinh linh, nghĩa là những diễn tả, không phải là một triết lý trừu tượng, mà một kinh nghiệm tinh linh cụ thể…
Trực giác Thiền, như Bồ đề đạt ma đã chỉ rõ, là một sự trực tiếp lĩnh hội cái “tinh thần” của ta hay cái “bản lai diễn mục” (visage origine) của ta. Trực tiếp lính hội bao hàm lìa bỏ mọi phương tiện hay phương pháp khái niệm tính, để cho ta đạt đến tinh thần (tâm) mà không có “tinh thần” (vô tâm), thật sự là “đáng là” “tinh thần” chứ không “có được” tinh thần. Giác ngộ Thiền là trực giác của bản thể… là một hành vi hoàn toàn tỉnh giác, và tối cao ý thức, và hành vi ấy là một hành vi “hữu tại” (être) vượt khởi thời gian và không gian …
Chú: Rheenanie là vùng sông Rhin ở nước Đức, nơi có nhà huyền bí Eckhart sáng lập thuyết thần bí thuyết lý (Mytisque speculative) trước khi có Tin lành giáo của Luther – thuyết Paton mới (Néo – Platonisme) của triết gia Proclus (412-485) Hồng y giáo chủ Nicolas de Cuse (1401-1464) thông thạo thuyết Platon mới nói ra liên hệ giữa lý trí và tín ngưỡng, các ý kiến đối nghịch do lý trí được thiên chúa hợp nhất – nhắc lại câu kệ của Bồ đề đạt ma: “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phât”.
(trích Tập văn Thành Đạo PL:2539-1996)