Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Cái ác sinh ra từ Games online?

Cái ác sinh ra từ Games online?

173
0

 

Bàn phím và tội ác?

Tin về việc một học sinh lớp 12 giết và cưa xác cha mình đem thả trôi sông phi tang ở Hải Dương để lấy tiền ăn chơi, thỏa mãn cơn nghiện Internet (hay đúng hơn là nghiện games on line) đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng phân tích, mô tả, cùng với những vụ án có liên quan đến games khác; như trường hợp một học sinh ở Hà Nội dự định ăn trộm để lấy tiền chơi games nhưng bị phát hiện đã chém chết chủ nhà. Tác giả những bài báo ấy cho rằng “nghiện games thì cũng không khác nghiện ma túy là mấy”. Từ đó có ý kiến về việc cần phải xem lại giới hạn cho việc kinh doanh games on line. Nhưng có thực cái ác trong giới trẻ hiện nay chỉ là do việc “ghiền” games mà ra chăng?

Thế thì chúng ta giải thích thế nào khi có kẻ chỉ vì nhấn còi mà xe trước không kịp nhường đường đã rút súng ra bắn? (Vụ Nguyễn Văn Thành bị bắn trên đường Hai Bà Trưng – Hà Nội ngày 8/6). Giải thích thế nào khi một thanh niên đâm chết người yêu 14 tuổi vì nghi ngờ bị phụ bạc? (Vụ Nguyễn Hoàng Minh ở Rạch Giá), hoặc giết người khi tỏ tình bị từ chối (Vụ Lê Trung Hiếu ở Cần Giuộc ngày 16/6)? Chúng ta giải thích thế nào khi hai kẻ làm công giết chủ con chủ nhà lấy 30 triệu (Trường hợp hai tên Nguyên và Vũ ở TP. HCM)… và còn hàng loạt án mạng từ những chuyện rất nhỏ nhặt như không đưa tiền cho chồng đi nhậu, làm gà đãi khách không hỏi ý kiến chồng…
Thiện căn ở tại…

Những kẻ ghiền games nghĩ gì khi hành động? Chúng còn trẻ, đang kiếm tìm niềm vui, dù là giả tạo, trong những hình tượng người hùng ảo trên mạng? Chúng hủy hoại những trở ngại trong đời thực để mưu cầu “hạnh phúc” trong thế giới hình ảnh. Nói như một nhà phê bình, “Thân không bằng mộng cho nên mộng cho cam thân”. Tương tự, bắn người khác để tự khẳng định khí chất “anh hùng” của mình như trong phim ảnh mà không hình dung ra mức độ của tội ác. Phải chăng họ đang sống trong những cuồng vọng hão huyền ? Còn những kẻ điên cuồng trong yêu thương, buộc người khác phải yêu mình dù muốn hay không? Họ đang tự cho mình cái quyền “phải được yêu” mà không tự nhìn lại mình xem có xứng đáng với tình yêu ấy? Tất cả bắt nguồn từ đâu? Không phải chỉ từ games!

Ralph Walso Emerson đã từng nói: “Tùy vào những cách suy nghĩ khác nhau, cuộc sống trần tục này có thể là thiên đường hay điạ ngục” hay như Hamlet của Shakespeare “Không gì là xấu hay tốt, chỉ những nghĩ suy của ta tạo ra nó mà thôi”. Nói theo ngôn ngữ thiền, kẻ nào rút gươm ra, kẻ ấy đã mở lối điạ ngục. Nhưng trước khi rút gươm, tâm thức của anh ta đã chứa đầy hờn căm và những nghĩ suy hiểm ác. Nghĩa là một khi trong lòng đã đánh mất thiện căn, thì con người ta sẽ sa vào tà đạo. Nói theo nhà Phật thì “tâm thiện đang hoạt động thì vắng mặt tâm ác, tâm tham đang hoạt động thì vắng mặt tâm bố thí (tâm từ)”. Tâm bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là tham, sân si; được ví như những vi trùng gây bệnh. Tham về của cải, tình cảm, địa vị…, tham mà không được thì khởi tâm sân hận và sau cùng là những hành động cuồng điên do si muội. Như vậy đã rõ, cái mà chúng ta đang thiếu trong cuộc sống hôm nay là những bài học về tính thiện, là những tấm gương tinh cần trong rèn luyện, huân tập thân tâm. Trẻ em lớn lên chỉ thấy một xã hội tôn vinh những giá trị ảo: ca tụng phú quý như là một lý tưởng cần phải vươn đến, hạ thấp chuẩn mực đánh giá con người trên những tài sản mà anh/ta sở hữu: Nhà cửa, thu nhập, thâm chí giá trị tinh thần cũng chỉ được hiểu qua những học hàm, học vị, chức tước, bằng khen… Hãy lắng nghe những câu chuyện của giới trẻ, chúng ta sẽ hiểu vì sao động cơ chân chính bị thui chột mà thay vào đó là sự tán tụng những giá trị vật chất. Trong học đường, những bài học về đạo đức thưa thớt, hời hợt; còn trong xã hội thì người ta mải mê tìm cách làm giàu bất chấp thủ đoạn.

Phải làm sao vực dậy chữ Tâm?

Làm sao giáo dục tính Thiện trong nhà trường và nhất là trong gia đình? Không ở đâu mà lòng yêu thương con người, quý trọng mạng sống được dạy dỗ tốt và có hiệu quả cho bằng trong gia đình vì ở đó con trẻ học được ý nghĩa và niềm vui trong tình yêu. Nhà tâm lý học Donald W. Winnicott nhận thấy những đứa trẻ chơi đùa khi có mẹ gần bên thì có khả năng sáng tạo trong các trò chơi nhiều hơn những đứa trẻ khác khi mẹ chúng ở xa hơn. Chúng sẽ tạo ra vòng tròn sáng tạo là khoảng không gian bọn trẻ có thể chơi mạo hiểm và thử làm mọi thứ, té ngã và đứng dậy, thất bại và thành công vì chúng cảm thấy đươc an toàn và được bảo vệ trước một người yêu thương chúng vô điều kiện luôn hiện diện bên chúng. Tình yêu vô điều kiện ấy tạo ra một vòng tròn hạnh phúc song hành. Ta thử nhìn lại những kẻ gây tội ác bên trên, phần đông đều thiếu vắng tình yêu ấy. Đứa con giết cha thì vẫn sống một mình, mẹ ở phương xa, hình như gia đình không hề hạnh phúc, cha lại yêu một người đàn bà khác (!) Những kẻ thủ ác trong tình yêu thì chắc hẳn là những kẻ thiếu thốn, thèm khát tình yêu, hay nói cách khác, “tật nguyền tâm hồn”.

Khi người ta thiếu thốn và cô đơn, cái ác dễ tìm đến gõ cửa, quyến rũ. Thậm chí những kẻ no đủ vật chất nhưng mù lòa lương tri cũng đã đánh mất “tính NGƯỜI”, như những tên bắn người giữa phố. Nói tóm lại, sự bất an trong tâm hồn khiến người ta dễ dàng manh động theo bản năng. Ngoài gia đình và học đường, giáo dục công dân trong xã hội cũng vô cùng cần thiết. Ở đây, chính quyền phải xem lại những hình thức giải trí mà games on line là một phương tiện “cần kiểm soát”; tương tự là sách báo và phim ảnh, hãy bớt khai thác khía cạnh tội ác và tính dục trong phim. Ngoài ra, phải hướng con người, dầu trong hoàn cảnh nào, hướng tâm đến những đối tượng tâm linh để tin tưởng, làm mục tiêu và lý tưởng cho đời. Khi tâm thức hình thành sức mạnh hướng thiện, thích thú và nỗ lực thực hành, chúng ta sẽ khởi sanh tín lực. Tín căn và tín lực là cơ sở và năng lực của niềm tin giúp ta từ bỏ điều ác, là lối thoát cho mọi bất hạnh và khổ đau. Ta hãy lắng nghe lại lời Phật dạy hàng ngàn năm trước:

         Như ngôi nhà khéo lợp
         Mưa không xâm nhập vào
         Cũng vậy, tâm khéo tu,
         Tham dục không xâm nhập

                                (Kinh Pháp Cú)

Theo VHPG 84

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here