Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Về tiểu sử Tổ Giác Phong, khai sơn chùa Báo Quốc

Về tiểu sử Tổ Giác Phong, khai sơn chùa Báo Quốc

221
0

Vào thời chúa Nguyễn, những dãy núi đồi hoang rậm ở khu vực chùa Báo Quốc hiện nay đã được đặt tên.

Có một dãy núi, người xưa cho là thân một con rồng, gọi là Hoàng Long sơn. Đuôi rồng có 5 chi mà về sau trên mỗi chi có một ngôi chùa tọa lạc. Đầu rồng hướng về đô thành, được gọi là Hàm Long sơn. Nhưng sách Đại Nam nhất thống chí bản đời Duy Tân lại cho rằng, sở dĩ núi có tên Hàm Long sơn là có cái giếng cổ, gọi là giếng Hàm Long ở phía Bắc ngôi chùa trên đó (1).

Giác Phong Lão tổ khai sơn thảo am vào năm nào? Hiện nay, không thể nào xác định được, nhưng chúng tôi nghĩ rằng có thể thảo am đã xuất hiện trước năm 1680 khá lâu; bởi vì năm này ngài Liễu Quán từ Phú Yên đáp thuyền buôn ra, đã đến xin tham học với Tổ Giác Phong ở đây rồi. Một tài liệu còn để tại chùa Quốc Ân – Huế, do chữ son của Minh vương phê duyệt, đề niên hiệu Chính Hòa năm thứ 15, tức là năm 1694, sắc hiến cho hai Ngài Nguyên Thiều và Giác Phong đất để xây tháp Phổ Đồng tại chùa Quốc Ân đã nói lên hoạt động Phật sự của Tổ Giác Phong tại Thuận Hóa.

Ngài Liễu Quán học với Giác Phong Lão tổ đến 11 năm, tức là một thời gian khá dài. Thế nhưng, rất lạ là Lão Tổ đã không để lại một đệ tử đắc pháp nào để nối dòng tu của Lão tổ tại thảo am Hàm Long này.

Một niên đại được biết rõ chính xác, đó là năm viên tịch của Ngài, hiện nay theo bia tháp đang còn trong vườn chùa Báo Quốc, thì Ngài viên tịch vào một ngày mùa đông năm Vĩnh Thịnh thứ 10, tức là vào năm 1714. Năm này Minh vương Nguyễn Phúc Chu đang bận xây dựng mở rộng chùa Thiên Mụ.

Bảo tháp Giác Phong Lão Tổ tại vườn chùa Báo Quốc

Tháp Ngài xây từ năm 1714 (2), đến nay vẫn còn ở vườn chùa Báo Quốc, cao 3m30, tháp phảng phất có ảnh hưởng Trung Hoa vì các tầng xây gần sít nhau. Bia tháp ghi: "Tào Động nguyên lưu khai sơn Hàm Long Thiên Thọ Tự, húy Pháp Hàm, hiệu Giác Phong Tổ sư bửu tháp"(3). Vào năm 1962, Giáo hội Tăng già Trung Việt muốn đặt xá lợi Tổ vào nhập ở Đại tháp Niết-bàn; nhưng vì gặp được cả một bình tro xá-lợi, nên không nhập tháp nữa, mà lại tôn trí thờ ở tầng trên cao chính giữa bàn thờ Tổ phía hậu điện. Điều này chứng tỏ khi viên tịch Lão tổ đã được làm lễ trà tỳ. Bình tro xá-lợi của Tổ Giác Phong là một di sản quý của Phật giáo Huế vậy.

Năm Đinh Mão (1747), tức ba mươi hai năm sau, Hiếu Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã cho mở rộng ngôi chùa Tổ và long trọng ban tên chùa với tấm biển khắc mấy chữ do chính tay chúa viết: "Sắc tứ Báo Quốc Tự"; bên phải có dòng chữ: "Quốc vương Từ Tế Đạo nhân ngự đề"; bên trái có dòng lạc khoản: "Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật".

Chùa Báo Quốc qua nhiều sự diên cách hưng phế, hiện nay là một trong số các Tổ đnh lớn nhất ở Huế. Và từ năm 1932 về sau, khi An Nam Phật Học Hội ra đời đến hiện nay, chùa Báo Quốc là nơi Giáo hội mở Tăng trường để đào tạo ra nhiều thế hệ tăng tài cho Phật giáo xứ Huế nói riêng, và cho Phật giáo Việt Nam nói chung.

H.X.L

 

Chú thích:
(1) J.A. Laborde dẫn ra trong lời chú số (3) trong bài La Pagode Báo Quốc trong B.A.V.H. năm 1917, tr. 223.

(2) Soạn giả cẩn án: Nửa tháng chạp âm lịch thường nằm trong tháng 12 năm cũ và tháng 01 năm mới Tây lịch. Cho nên mùa Đông năm Vĩnh Thịnh thứ 10 thì có thể kể như cuối năm 1714 và đầu năm 1715. Vậy, viết “Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714)” hoặc “Vĩnh Thịnh thứ 10 (1715)” đều không sai.

(3) L. Cadière, B.A.V.H 1928 No1 nói về lăng, tháp, mộ ở vùng quanh Huế, lại sao được một cái bia khắc những dòng chữ khác hẳn như sau: “Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhị nhật lập. Viên thọ Tì kheo giới, húy Pháp Hàm Giác công Thiền sư chi tháp. Phụng tự Pháp trí đệ tử chúng đẳng”. Ngày 22 tháng chạp năm Vĩnh Thịnh thứ 19 ứng với ngày 27 Janvier 1715.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here