Chúng ta ai cũng biết con đường Tơ Lụa nối liền từ Đông sang Tây và ngược lại được Marco Polo hay những chuyên gia phương Đông phát hiện. Tuy nhiên, có rất ít người biết được còn có một con đường Tơ Lụa thứ hai xuyên qua phía Nam nước Thailand, hoạt động qua nhiều thế kỉ phục vụ cho vấn đề giao lưu buôn bán của những thương gia nước ngoài, họ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển từ Hy Lạp và La Mã sang Trung Quốc và các nước lân cận.
Tượng thần Vishnu được tìm thấy ở Khao Wiang, Thailand
Capt Boonyarit Chaisuwan, một chuyên gia khảo cổ của Thailand cho biết: “Con đường Tơ Lụa Thailand bắt đầu từ một địa phương ở bờ biển phía Đông của Thailand, nằm trên bờ biển Andaman (The Andaman Sea) và kéo dài đến cuối vịnh Thailand thuộc miền Sarat Thani. Sử dụng con đường biển từ vịnh Thung Tuk-Laem Pho (Takua Pa-Ban Don Bay), thương gia không cần phải dong buồm dọc theo eo biển Malacca (Straits of Malacca), vì nó dài hơn và nguy hiểm hơn trên đường đi đến vùng biển Nam Á.” Ông còn chứng minh rằng có nhiều con đường thông thương bằng đường biển vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau tây lịch, gọi là Hệ Thống Thế Giới, nối liền Đông Âu và Ấn Độ, Đông nam Á và Trung Quốc. Trong đó hệ thống giao thông thuộc khu vực Đông Nam Á có đoạn đi ngang qua vùng biển Andaman (Andaman Sea) ở phía nam Thailand là một phần rất quan trọng và không thể thiếu được. Vì vậy trên đoạn giao thông này đã có nhiều thành phố cảng hay những trung tâm thương mại để thuận tiện không những cho việc lưu thông hàng hóa địa phương và nước ngoài, mà còn cả sự giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Trung Quốc, giữa Trung Đông và đế chế La Mã.
Tượng thần Ganesh (Ấn Độ), được phát hiện ở Thung Tuk, Thailand.
Giữa những trung tâm thương mại ở nam Thailand thì trong đó có trung tâm thương mại Phu Khao Thong thuộc tỉnh Ranong và trung tâm thương mại Khuan Lukpat (Khlong Thom) thuộc tỉnh Krabi. Cả hai trung tâm thương mại lớn này đều là điểm buôn bán chuổi hạt quý thời bấy giờ. Một lớn chuổi hạt quý, đặc biệt là chúng có nguồn gốc từ vùng Đông Dương được tìm thấy ở hai trung tâm thương mại này. Do đó có nhiều cổ vật làm bằng tay như đồ điêu khắc lõm, hạt chuổi khảm, chuổi mài, chuổi gương, đồng tiền và chữ khắc trên đá từ Ấn Độ.
Ở Phu Khao Thong còn tìm thấy nhiều mảnh vỡ của kẹp tóc bằng gốm nung có đường họa tiết tinh xảo như những cổ vật bằng gốm được tìm thấy ở Arikamedu, Ấn Độ. Ngoài ra còn tìm thấy một con sư tử quỳ chân trước bằng cẩm thạch, một biểu tượng của Phật giáo và một hình dấu chân của đức Phật chạm bằng đá có dấu chữ vận, mang nét truyền thống của nghệ thuật Ấn Độ. Ở Khlong Thom có một Pháp Luân cũng được xuất thổ. Những tác cổ vật này đã thuyết phục nhà khảo cổ Capt Boonyarit rằng Phật giáo đã có mặt ở nơi này từ rất sớm, thậm chí trước thời Amaravati khoảng thế kỉ 2-3 tây lịch.
Một khối đá có chữ Tamil được tìm thấy ở Khao Wiang, Thailand
Nhiều tượng đá sư tử quỳ chân trước được tìm thấy ở Phu Khao Thong giống với sư tử ở Taxila, Ấn Độ. Năm 250 trước tây lịch, đại đế Ashoka, một Chuyển luân thánh vương đã dùng hình tượng Singha (sư tử), pháp luân, voi và những biểu tượng khác tượng trưng cho Phật giáo. Đây là những tác phẩm nghệ thuật có trước nghệ thuật điêu khắc tượng Phật ở thời Amaravati tại Ấn Độ.
Một nhà khảo cổ giải thích rằng: “Khoảng 2.000 năm trước, Khlong Thom và Phu Khao Thong là hai thành phố cảng. Sau đó khoảng 1.300 năm, khi con người biết kỉ thuật giao thông hàng hải với sự trợ giúp của gió mùa nhiệt đới, thì một thành phố cảng mới ra đời ở Thung Tuk, trong khi Phu Khao Thong và Khlong Thom thì trở nên kém sầm uất hơn.”
Capt Boonyarit cho biết làng Thung Tuk là một thí điểm khảo cổ tọa lạc ở Koh Kho Khao thuộc thị trấn Phangnga, Thailand. Hòn đảo này nằm đối diện với vùng biển Andaman, giao thông rất tiện lợi, có thể thông lên hướng tây và từ sông Takua Pa sang hướng đông.
Đầu tượng Nang Phu Thevi được tìm thấy ở Khao Wiang.
Vùng Koh Kho Khao là nơi tránh bảo rất thuận lợi mà còn có thể neo đậu thuyền bè suốt thời gian có gió mùa, rồi sau đó tiếp tục cập cảng ở bờ tây của những khu vựa ở bán đảo phía nam. Nơi này người dân địa phương còn gọi là Muang Thong.
Trung tâm thương mại Thung Tuk xuất hiện sau khi sự phát triển của kỹ thuật hàng hải, cho phép thủy thủ vận hành thuyền bè giao thông qua lại không những dọc theo bờ biển mà còn vượt cả đại dương. Thành phố cảng này rất hưng vượng vào khoảng thế kỉ 9-10, là nơi lưu thông hàng hóa địa phương như đồ gia vị, sản phẩm tươi sống, đồ đóng hộp và hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và phương Tây. Những cổ vật được tìm thấy ở đây đa số là những sản phẩm nội địa; chuổi hạt, kính trong xâu thành chuổi thì có nguồn gốc từ Trung Đông, những vùng thuộc Địa Trung Hải; đồ gốm là của Trung Quốc khoảng đời Đường (618-907 sau tây lịch); đồ ngọc lam Basra thì có nguồn gốc từ Ba Tư; và chuổi hạt thì từ Trung Đông và Ấn Độ, bao gồm cả hạt bằng đá quý và vàng. Những chuổi hạt thủy tinh có khắc khảm tinh xảo sặc sỡ và đồ dùng rất xa hoa được tìm thấy không những ở trong những thành phố cảng lớn mà còn được tìm thấy tại nơi đây.
Tượng Bồ Tát Padmapani tìm thấy ở Chaiya, Surat Thani, Thailand
Ngoài ra ở Thung Tuk còn phát hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ảnh hưởng nghệ thuật của Ấn Đô giáo và Phật giáo như tượng Phật và tượng thần mặt khỉ Ganesha. Nhiều di tích còn lại ở đây có kiến trúc và kỹ thuật xây dựng như những di tích kiến trúc ở thung lũng Bujang (Bujang Valley), Malaysia. Quần thể di tích này bao gồm một cấu trúc đào đắp hình chữ nhật, có lẽ là một cái hồ nhân tạo, một vài kiến trúc bằng đá, bệ thờ thần Ganesha và tu viện Phật giáo. Những hạng mục này phản ánh lên đời sống văn hóa đa dạng của người dân sống ở vùng cảng này.
Nhà khảo cổ học Capt Boonyarit còn cho biết thêm: “Thung Kuk một thời là thành phố cảng, thuộc Laem Pho, vịnh Thailand. Những cổ vật được tìm thấy của cả hai di tích rất giống nhau, đặc biệt là đồ gốm sứ đời Đường và chuổi hạt thủy tinh có nguồn gốc từ Ba Tư. Trên con đường giao thông này, nhiều điểm mốc vẫn còn đến ngày nay dọc theo vùng từ Khao Phra Narai, Khao Phra Neur, Khuan Phunphin đến Khao Sri Wichai và Ban Don ở Surat Thani.”
Một chiếc vòng khắc lõm ảnh hưởng nghệ thuật La Mã
Capt Boonyarit nhấn mạnh, khu vực Khao Phra Neur ở Takua Pa, thuộc Phangnga là một ngọn núi nhỏ, ở vùng châu thổ sông Takua Pa nằm đối diện Thung Tuk. Trên đỉnh của ngọn núi này vẫn còn những công trình kiến trúc của tôn giáo, nơi đây đã tìm thấy một tượng thần Vishnu có 4 tay cao khoảng 202cm cùng với bộ xương người. Điều này cho thấy rằng, người dân ở đây đã theo Ấn Độ giáo, thờ thần Vishnu.
Nhà sử học Pierre Dupont tin tưởng bức tượng này đã ảnh hưởng một phần nghệ thuật trường phái Pallava vào khoảng thế kỷ thứ VI và thứ VII. Còn sử gia Stanley O’Connor là một giáo sư của trường đại học Cornell (Cornell University) thì cho rằng, tác phẩm này có sau thời Gupta vào cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ IX. Bức tượng hiện nay đang được trưng bày ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở Bangkok.
Điểm mốc tiếp theo là Khao Phra Narai hay một tên gọi khác là Khao Wiang thuộc thị trấn Kapong, Phangnga, là một ngọn đồi nhỏ nằm giữa 2 nhánh sông Leh và Rommanee, lưu nhập vào nhau rồi hình thành nên sông Takua Pa. Ở đây còn lưu lại 3 tác phẩm điêu khắc mang tính tôn giáo, bao gồm tượng thần Vishnu có 4 tay, cao 2.35 mét trong tư thế yoga. Tượng này từng một thời là đỉnh cao của nghệ thuật tôn giáo. Ngoài ra còn có một bia đá có khắc chữ Tamil, một thứ ngôn ngữ thuộc miền nam Ấn Độ, nội dung ghi lại lịch sử việc đào một cái hồ ở đây. Ở đây còn phát hiện thêm 3 bức tranh khác, theo nhà sử học Piriya Krairiksh thì đây là những vị thần Ấn giáo vào khoảng niên đại Pallava ở Ấn Độ. Những bức tranh này hiện nay đang lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Quốc Gia của Thalang, Phuket.
Chuỗi hạt thủy tinh khắc lõm ảnh hưởng Ba Tư ở Thung Tuk
Một trạm trung chuyển khác là Khuan Phunphin hay Khuan Saranrom thuộc thị trấn Phunphin, Surat Thani, chính là nơi hợp dòng của 2 con sông Tapi và Phumduang. Ở đây hiện nay còn lại một kiến trúc cao và rộng 7 mét, một bảo tượng Bồ Tát, những mật ấn của đức Phật bằng gốm, tượng đầu và thân của đức Phật, và những đồng xu bằng bạc Ả Rập niên đại khoảng năm 767 sau tây lịch. Tượng Bồ Tát hiện đang trưng bày tại Lop Buri, môt chi nhánh của Viện Bảo Quốc Gia Thailand.
Điểm mốc kế tiếp là Khao Sri Wichai hay còn có tên là Khao Phra Narai, ở thị trấn Phunphin, thuộc Surat Thani, là một ngọn núi nằm đơn độc bao quanh là đồng bằng, cách sông Phum Duang khoảng chừng 400 mét. Nơi đây còn lại 8 công trình điêu khắc tôn giáo đã tìm thấy, trong đó tượng thần Vishnu rất lớn ước khoảng thế kỷ thứ VIII, cũng như một số đồ gốm từ thời nhà Đường, Trung Quốc và Ba Tư; đồ thuỷ tinh xâu thành vòng, những đồ vật bản địa và nhiều loại chuỗi hạt.
Trạm cuối của con đường này là Laem Pho ở thị trấn Chaiya, thuộc tỉnh Surat Thani, và được xem là kỳ cựu nhất của thành phố cảng Chaiya. Nhiều mẫu chứng cứ của khảo cổ học, bao gồm những đồ gốm từ thời Đường của Trung Quốc, những đồ vật của Ba Tư vào thế kỷ thứ X, những đồng xu Trung Quốc khoảng niên đại từ 618-627 sau tây lịch, ngoài ra còn những sản phẩm địa phương, chuỗi hạt, đồ thuỷ tinh, những dấu tích thuyền cổ, giếng phun thời cổ cũng được tìm thấy ở đây.
Tượng khắc lõm mô tả người La Mã thuận buồm vui sướng
Nhà khảo cổ Capt Boonyarit cho rằng có thể tất cả những khu kinh doanh dọc theo bờ biển Andaman của ở phía nam Thailand có tên là “Takola” hay những tên tương tự như vậy. Những cái tên “Takola” được đề cập trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo Vấn Đáp (Kampir Milinthapanha), một quyển sách Phật giáo xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ I. “Takola Emporion” là một trung tâm thương mại ở bờ biển phía Tây của bán đảo Mã Lai, điều này cũng được đề cập trong Địa Lý Đông Nam Á của Ptolemy (Ptolemy’s Geography of Eastern Asia), khoảng năm 150 trước tây lịch; còn cái tên “Talaittakolam” xuất hiện trên bia đá ở Tanjore, Ấn Độ.
Capt Boonyarit cũng tin rằng, con đường Tơ Lụa phía Nam có thể đã từng mang hai cho cả hai danh tiếng là hưng thạnh và sụp đổ của Chaiya, thủ đô của đế quốc Srivijaya suốt thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XI. Những bằng chứng khảo cổ đã xác minh rằng Chaiya và các trung tâm thương mai dọc theo tuyến đường này tồn tại cùng một khoảng thời gian giống nhau.
Nhiều cổ vật được phát hiện trên con đường Tơ Lục phía nam
Sau nhiều thế kỷ thăng trầm thay đổi của thời đại, những trung tâm thương mại trên con đường này bị lãng quên. Đến nay có nhiều chuyên gia khảo cổ và sử học đã tìm thấy hoặc đưa ra nhiều nguyên nhân và giả thuyết dẫn đến sự suy tàn và diệt vong của nó. Thứ nhất, có thể các tuyến đường trở nên ít tiện lợi hơn vì thương thuyền qua lại những eo biển của Malaca đã phát triển thuận tiện hơn so với việc nối chuyến vừa đi thuyền vừa đi bộ để vận chuyển trên tuyến đường này. Thứ hai, ngành thương mại trở nên ít hiệu quả hơn khi gặp phải các chính sách bế quan tỏa cảng, không thông thương với nước ngoài của Trung Quốc. Thứ ba, các thành phố cảng có thể bị quân đội Chola xâm chiếm, như trong một bia đá ở Tanjore thuộc Ấn Độ đã ghi lại.
Ông Grianggrai Sampatchalit, bộ trưởng bộ Văn Hóa Thailand phát biểu: “Con đường tơ lụa này rất quan trọng trong thời đại cổ xưa, đặc biệt là giai đoạn đế chế Srivijaya. Nó là môt phương tiện giao thông kết nối giữa 2 bờ đại dương và đồng thời đóng vai trò rất lớn cho quá trình mở rộng giao lưu văn hóa và thương mại của khu vực trên bán đảo Mã Lai.” Ông còn nhấn mạnh: “Nếu có thể, chúng ta nên đề cử thành một Di sản thế giới, vì chúng tôi nghĩ rằng nó xứng đáng để được công nhận và bảo tồn như là một phần hợp thành quan trọng của sự giao lưu văn hoá trong cộng đồng khu vực Á Châu”.
Thiện Chánh và Minh Túc dịch (Nguồn: www.bangkokpost.com)