Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Gia đình hạnh phúc

Gia đình hạnh phúc

132
0

"Cha nghiêm, mẹ từ, con hiếu" là ba đức tánh để xây dựng một gia đình hạnh phúc theo phong tục tập quán của người Việt nam. Quê hương chúng ta có truyền thống giữ gìn nếp sống gia đình đầm ấm từ đời nọ đến đời kia chính là nhờ ba yếu tố đó. Khi nếp sống gia đình được bảo trì và vun đắp thì đạo đức xã hội cũng được bảo đảm và tôn trọng, từ đó mới có sự đoàn kết và đó cũng là một trong những yếu tố tinh thần yêu nước bền chắc từ xưa tới nay.

Trong xã hội Việt nam, vai trò đầu đàng trong gia đình chính là người cha. Vậy vai trò đó cụ thể phải thể hiện như thế nào? Trước hết là bậc làm cha phải nghiêm.

1. Cha nghiêm: là người cha có một đời sống gương mẫu, có tâm hồn cao thượng, không đam mê cờ bạc, rượu chè, sắc dục, lo làm ăn sinh sống với mọi người nhưng không giao du với bạn ác. Khi các bậc làm cha tránh bốn điều ác trên và luôn luôn toàn tâm toàn ý lo lắng để xây dựng gia đình và dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn thì người cha ấy là một tấm gương sáng cho con noi theo. Đó là một người cha có công ơn sâu dày đối với con cháu.

2. Mẹ từ: là người mẹ có tấm lòng thương con. Đây là đức tính thiêng liêng và là một tình thương cao quý không có bến bờ. Bà mẹ thương con từ khi con còn ở trong bụng, bao giờ bà cũng nghĩ rằng con ta chính là xương của mình, thịt của mình, máu của mình – họ luôn luôn ý thức rằng: giữa con và mình là một. Chính vì thế mà khi con đau là mẹ đau, khi con lành thì mẹ lành, khi con vui thì mẹ vui, khi con khổ thì mẹ khổ. Vì vậy mà chúng ta có thể nói: mở đầu cuộc đời người con chính là mẹ, là cha, là một tình thương lai láng không thể diễn tả hết. Nên tục ngữ của chúng ta có câu: 

"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.
Mía lau vừa ngọt vừa mềm
Công cha nghĩa mẹ không tiền nào mua".

Mía lau là một đặc sản của người dân Việt nam, ngọt và thơm lắm. Tình thương của bà mẹ đối với con cái cũng ngọt ngoài như mía lau vậy. Mía lau ngọt từ trong ra ngoài thì tình thương của mẹ đối với con từ khi con còn trong bụng mẹ cho đến khi ra đời, rồi lớn khôn, bạc đầu vẫn không thay đổi. Hình ảnh cảm động nhất là khi mẹ già 80, 90 tuổi vẫn còn thương con 60, 70 tuổi, coi như con mới lọt lòng ra. Tình thương trước sau như một, không thay đổi

"Cha nghiêm, mẹ từ" đó là hai đức tính để làm gương cho một gia đình, làm rường cột tạo nên hạnh phúc cho con cái. "Cha nghiêm, mẹ từ" là một tấm gương sáng để cho con cháu noi theo, để trở thành một người cha và người mẹ đúng nghĩa sống làm người, là yếu tố cho con cháu hiếu thảo, tôn thờ sau này.

3. Con hiếu: là người con hết mực yêu thương cha mẹ, thấm thía tình thương của cha mẹ khi còn sanh tiền, chứ không phải đợi khi tuổi già mới biết công ơn cha mẹ. Cũng không phải đợi khi cha mẹ nuôi con lớn khôn mới hiểu tình thương yêu của cha mẹ. Biết như thế cũng là điều rất quý nhưng cũng có phần hơi chậm trong suy nghĩ và hơi trễ trong bổn phận làm người. Cho nên, người con hiếu phải là người con có ý thức, phải biết nhìn thấy tâm tư của cha mẹ, tình thương của cha mẹ cực nhọc, ngày đêm lo cho con cháu được no cơm ấm áo, lo cho con cái trở thành người khôn lớn. Là con cái thì phải biết quý trọng tình thương ấy của cha mẹ, để sống một cuộc đời như thế nào cho có ý nghĩa và trở thành một con người có hiếu.

Một người con hiếu phải luôn luôn biết ơn cha mẹ, biết rõ sự lo lắng cực nhọc của cha mẹ.

Tóm lại, gia đình nào có đủ ba đức tánh: cha nghiêm, mẹ từ, con hiếu, đó là một gia đình có nhiều hạnh phúc an lạc đúng như tiền nhân của chúng ta đã dạy:

"Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi."

Hoặc:

"Muối ba năm muối đương còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Công cha nghĩa mẹ cao dày
Con ơi hãy nhớ lời này chớ quên."

HT. T.T.S

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here