Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sinh thái học trong Phật giáo

Sinh thái học trong Phật giáo

152
0

Trong giáo lý Tứ Diệu đế của Phật giáo, chữ Khổ là chữ đầu tiên. Ngoài Bát khổ (Sanh, lão, bịnh, tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh) còn có thêm cái khổ khác do biến đổi khí hậu với thiên tai, bão lụt, hạn hán. Tóm lại cái khổ do sự suy thoái của môi trường sống như nước biển dâng, thiếu hụt lương thực, ô nhiễm môi trường với những dòng sông đã qua đời, với núi trọc, với mịt mù đồi cát v.v. Diện tích rừng mỗi ngày mỗi co cụm, với phá rừng bừa bãi thì lấy đâu mà hóa giải được khí nhà kiếng. Ngăn chận lũ lụt, giảm bớt sức nóng. Ở Việt Nam thì nạn lâm tặc hoành hành, phá hết rừng già. Đây lại là một chuyện cười ra nước mắt.

Dưới đầu đề “Rừng Quảng Nam kêu cứu”, nhà báo viết: ‘Lâm tặc vẫn ngang nhiên dùng xe ô-tô, xe máy, xe bò chở gỗ liên tục giữa ban ngày; lâm tặc kết gỗ thành từng bè, mảng, phao cao-su chờ đêm tối cho xuôi theo dòng sông Bung, sông Vu Gia về tập kết tại huyện Đại Lộc, biến địa phương này thành ‘chợ gỗ lậu’ lớn nhất của tỉnh: để kéo gỗ từ rừng ra đường cho xe tới chở về xuôi, cả hàng ngàn con ‘trâu tặc’ tham gia. Người ta còn trồng từng ruộng cỏ cho ‘trâu tặc’ ăn, nhiều người không biết, còn khen vùng này chăn nuôi phát triển mạnh ! (báo Thanh Niên ra ngày 11 tháng 6 năm 2008.

Trong Ngũ giới của hàng Phật tử tại gia thì giới đầu tiên là không sát sanh. Như vậy cũng có nghĩa là không săn bắn hoang thú. Điều này cũng có nghĩa là phải bảo tồn rừng rú vì nếu không có rừng thì loài thú hoang, chim muông sẽ không nơi trú ẩn. Tục ngữ ta cũng có nói đến hai tội lớn trong môi trường: đó là Nhất phá sơn lâm, nhị đâm Hà Bá. Phá sơn lâm thì không còn rừng rú khiến đất đai bị xói mòn, chuồi đất lụt lội. Vô hình trung, đạo Phật qua điều răn trong ngũ giới đã khuyến cáo sự đa dạng sinh học (Biodiversity).

Đức Phật trong kinh Pháp Cú cũng khuyên không nên đốn rừng mà phải “đốn rừng dục vọng’ vì chính dục vọng làm môi trường hiện nay bị hủy hoại:

Đốn rừng ‘dục vọng’, chớ đốn cây,
Vì cảnh rừng này gây sợ hãi
 (Kinh Pháp cú: Phẩm Đạo)

Với rừng rú được bảo tồn, sức khỏe con người được tăng lên vì rừng tỏa ra Oxy qua hiện tượng quang hợp và hút bớt các khí độc do khói nhà máy, khói xe hơi hàng vạn chiếc suốt ngày đêm di chuyển phát ra. Đó là các khí nhà kiếng (green house gas) làm đảo lộn khí hậu trái đất.

Rừng là nguồn gen thực vật. Nhờ nguồn gen đó mà có thể thay đổi cải thiện các giống hiện có, bằng cách lai giống, ghép cây, để tạo ra các giống mới thích nghi với môi trường mới, giúp tăng gia nông phẩm… Sự đa dạng sinh học là điều kiện cần thiết để có một nguồn gen phong phú. Vì rừng chứa nhiều loại thực vật khác nhau nên đó là một kho gen vĩ đại; muốn tháp gen thì phải có gen nào cần như có cây có gen kháng mặn, kháng bệnh thì đưa gen đó vào loài cây muốn cải thiện. Như vậy rừng là vàng xanh vì rừng chứa một kho gen vĩ đại mà công nghệ sinh học (biotechnology) luôn luôn cần có để nghiên cứu, tìm tòi tạo ra thuốc mới, cây mới, giúp cho nhân loại. Ngày nay, bảo vệ sự đa dạng sinh học là một trong những chủ đề quan trọng trong sự bảo vệ môi trường. Thực vậy, với sự gia tăng dân số, con người đã phá hủy luôn môi trường sống, kéo theo đó là sa mạc hóa, mặn hóa, phá rừng và từ sự hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng ngược lại đến đời sống con người với nạn đói kém, nạn lũ lụt.

Sức khỏe không chĩ có nghĩa là phải “vai u thịt chắc” mà sức khỏe tâm linh cũng rất quan trọng. Rừng giúp con người thư giãn, tìm lại sự im lặng, tĩnh mịch.

Thực vậy, vào rừng, thở không khí trong lành, nhìn sao đêm, nhìn suối, nghe nước róc rách, bướm lượn nhởn nhơ, chuồn chuồn, nghe côn trùng rỉ rả, mặt trăng lên, sao đêm nở đầy trời, giúp ta tránh được các căng thẳng của cuộc sống máy móc đô thị, giúp ta quên đi những nỗi nhọc nhằn của thể chất và phục hồi lại các giá trị tâm linh.

Thực vậy, chúng ta biết rằng bán cầu não bên trái là khu vực lý trí, tư duy của khoa học còn bán cầu não bên phải là mảnh đất của nghệ thuật. Chính nhờ sự phân bố chức năng của hai bán cầu não nên khi làm việc suy tư mệt mỏi thì thư giãn ngỡ lòng mình là rừng, ngỡ hồn mình là mây (thơ Hồ Dzếnh), sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi lại khả năng trí tuệ và sức làm việc.

Ta cũng thấy trước cảnh vật bao la của vũ trụ rằng con người chỉ là một thành phần nhỏ bé và từ đó cảm thấy khiêm tốn hơn. Thiếu đức khiêm tốn thì con người dù rất tiến bộ về vật chất và kỹ thuật nhưng dễ biến thành những kẻ dã man và tàn ác. Ta đi chùa, đi giáo đường chính ý thức được gia sản thiêng liêng của mình, vì nhận thức rõ giá trị cao quý của con người cũng như biết rõ tính tự cao tự đại cố hữu của con người.

Còn nhờ trước đây Thủ tướng Ấn độ Atal Bihari Vajpaqyee trong tháng 8/2001 đã thu băng đọc thơ của mình cho Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trong số các bài thơ viết bằng tiếng Hindi của chính mình, có một bài được nhiều người ưa thích ‘Heights”. Bài thơ kết thúc bằng câu: Lạy Chúa, đừng để con trèo quá cao đến nỗi không thể cúi xuống ôm hôn kẻ khác. Đừng đem đến sự cao ngạo cho con ‘ ‘My Lord, Never let me climb so high that I can’t bend down to embrace another human. Deliver me ever from such arrogance.’

Trong cụm từ Từ, Bi, Hỉ, Xả thì chữ Từ đứng đầu tiên. Ai cũng biết là Đạo Phật chủ trương từ bi, lấy Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh là chủ yếu. Tâm trong sáng gọi là Tuệ Tâm, tâm thanh tịnh thì gọi là Thanh Tịnh Tâm, tâm rộng lớn thì gọi là Đại Tâm, Tâm chân thật thì gọi là Chân Tâm, tâm bao dung thì gọi là Từ Bi Tâm. Mọi đức tính trên của Tâm đúc kết vào chữ Bồ Đề Tâm.

Khi tâm ta từ bi, thì trời đất cũng từ bi với chúng ta. Trong khi tâm ta không từ bi với cây rừng như đốn rừng bừa bãi, không từ bi với muông thú thì tự nhiên loài người mất nguồn gen quý giá cần cho sự cải thiện thực vật, mất đi sự đa dạng sinh học (biodiversity), mất nguồn lợi cho du lịch sinh thái.

Khi tâm ta từ bi thì tự nhiên ta xem môi trường như người bạn, như người thầy, môi trường sẽ để ta yên ổn, không có lụt lội vì rừng cây đã giúp giảm bớt cường độ của nước, không có nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tóm lại, tìm lại hài hòa với vũ trụ.

Một thế giới dựa vào các giá trị như Từ Bi-Trí Tuệ thì mọi người, mọi sinh vật được sống an lạc. Với thế giới như vậy thì sẽ không còn hận thù, không còn ganh ghét, không còn khổ đau. Thực vậy, chìa khóa của kiếp nhân sinh là cái Tâm: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Tâm có một nội hàm rộng lớn vì bao gồm tâm thức (lĩnh vực nhận thức, có ý thức), tâm cảnh nghĩa là dùng các ý về cảnh để tả tình cảm, như trong câu Kiều:

Vì lô san sát hơi may
Một trời thu để riêng ai một người

hoặc:
Bến Tầm dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
,

Tâm niệm, tâm tư, tâm tính, tâm sự, tâm pháp (mọi phương pháp tác động đến tâm lý, từ tác động đến ý thức như giáo dục và công tác tư tưởng đến tác động lên vô thức như tâm lý liệu pháp), tâm cảm, tâm trạng, tâm hồn, tâm linh, tâm xúc, tâm bệnh. Bấy nhiêu đủ thấy tâm phức tạp, mà phức tạp chủng đúng vì tâm do hàng ngàn neuron trên não bộ tác động lên nhau, v.v. và có thể nói tâm chính là nội dung môn học gọi là tâm lý học.

Khi tâm an và biết hướng thiện thì chẳng những mình được hạnh phúc mà còn hòa đồng được với cái tâm đại ngã của vũ trụ. Tâm bao dung rộng lượng của người tù cải tạo, dù ‘mười năm mặt sạm soi khe nước, ta hóa chân thành vượn cổ sơ’ nhưng vẫn sẵn sàng phá chấp:

Ta về cúi đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Ta về như lá rơi  về cội
Bếp lữ nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biểu dâu này
(Ta về của Tô Thùy Yên)

Quan niệm Phật giáo với tâm từ bi với mọi sinh vật ‘nhất thiết chúng sinh giai cộng thành Phật đạo’ là quan niệm viên dung. Chúng sinh đồng một thể, mình và người không khác, lợi người là lợi mình, giết hại kẻ khác là giết mình.

Kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Tâm như công họa sư năng họa nhất thiết hình tượng” nghĩa là tâm ta như người nghệ sĩ có thể vẽ ra vô vàn cảnh vật, hiện tượng đẹp, xấu khác nhau. Tâm chúng ta có thể tạo ra Thiên đường, có thể xây nên Địa ngục. Tâm thiện thì thiên hạ an vui; tâm sân hận thì chiến tranh. Vì thế sự hiện hữu của tâm thức chính là sự hiện hữu của hai mặt trái ngược nhau trong tâm thức con người, sự thấp kém và sự cao thượng. Nếu tư tưởng của ta vẫn đục, ích kỷ thì đời sống của ta trở nên nhỏ nhen, thấp kém. Nếu tư tưởng của ta rộng lớn, bao dung và hỉ xả thì đời sống của ta sẽ trở nên cao đẹp, thanh thoát. Khi tâm hồn đã thanh thoát trong sáng thì cảnh vật trở nên chan hòa: ‘Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’. Vậy chuyển hóa tự tâm là con đường gột sạch tư tưởng thấp kém để mở ra con đường cao thượng.

Tư tưởng Hoa Nghiêm cũng nói là tâm là nguyên nhân mọi vạn pháp. Tâm vọng (còn gọi vọng niệm) thì mọi vạn pháp thay đổi, mang tính chủ quan, (subjectivity) mang tư duy nhị nguyên đối đãi (dualistic), nghĩa là phân định và tahcs rời cái A khỏi những cái phi A. Thái độ vọng niệm phân biệt này làm ta có cái thái độ so đo, tính toán, hơn thua. Lúc đó, trạng thái an tịnh của tâm sẽ không còn nữa và tâm lý về ái cá biệt gia tăng, tác động xấu đến phong cách hành xử của con người: phân biệt màu da, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, vị trí xã hội. Tâm thanh tịnh thì ta có cái nhìn không phân biệt, theo đó thì ta và các vật khác từ thực vật đến động vật đến dòng sông, dãy núi, mọi cái đều tương giao, tương trợ, tương nhập (interconnected) với nhau.

Phật giáo dạy rằng không có cái nào đứng riêng rẽ được hết vì mọi việc đều tương quan tương thuộc với nhau và đó là thuyết trùng trùng duyên khởi (principle of Conditioned Arising, (paticcasamuppada). Vạn vật nương nhau mà sống vì cái này có vì cái kia có. Loài người nhờ cây cỏ mà cây cỏ nhờ đất để cho dưỡng liệu mà muốn các dưỡng liệu hòa tan thì phải có nước v.v. Như vật bảo vệ môi trường tức là bảo vệ con người.

Các vấn nạn hiện nay trên thế giới chỉ có thể giải quyết bằng cái Tâm. Nhờ bối cảnh yên tĩnh, tâm hồn mới yên tĩnh để suy tư cùng vạn vật. Có suy tư cùng vạn vật mới có thể nhìn vạn vật bằng tâm tưởng:

“Trong niềm im lặng vô ngôn đó, những vang vọng, ý nghĩ, nhựa sống của ngôn từ, của hành động, của ý nghĩa càng tràn bờ để xóa bỏ mọi biên giới mà tắm gội, bao dung lấy hết thảy” (Doãn Quốc Sỹ trong Vào Thiền)

Trong đạo Phật, có khái niệm Tam độc: tham, sân, si.Lòng tham vô đáy khiến ta tiêu thụ nhiều, tổn hại đến môi trường tài nguyên. Trong xã hội Tây phương, nhiều nhà có đến 3 hay 4 xe hơi, chưa kể đến trung bình 3 cái máy truyền hình, thêm vào là các máy DVD, máy điện toán rồi điện thoại di động do đó tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất như sắt kẽm, thiếc, đồng, chì đều mất dần. Mặc dù có tái chế biến những nghĩa trang xe hơi, nghĩa trang máy Computer, lẫn lộn với máy tập thể dục vứt đi đầy rẩy.

Muốn được giải thoát khỏi khổ đau do sự hủy hoại của môi trường sống, con người cần phải nhận thức là Đất Mẹ, Sông Mẹ, Núi Mẹ, Biển Mẹ có tài nguyên hữu hạn mà sự tham lam con người là vô hạn. Người Phật tử là người sống thiền, sống tri túc chứ không sống chớp giật tìm một phút huy hoàng rồi sau đó đau khổ triền miên như trong thơ: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm’ (Xuân Diệu). Trái lại, người Phật tử đưa ra một cách sống tỉnh thức, tìm chuyển hóa các khổ đau thành hạnh phúc, chuyển thất vọng thành nghị lực:

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Thiện căn tức khi ta làm được 3 nghiệp lành như thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp là ta đã gieo được một thiện căn tốt. Thiện căn chưa phải là Phật tính vì thiện căn có nội, có ngoại, có hữu lậu, -Nghĩa là còn vương phiền não-, có vô lậu, tức hết phiền não, có thường và có vô thường còn Phật tánh thì không có nội, không có ngoại, không hữu lậu, không vô lậu v.v.

Phật giáo dạy Chánh mệnh nghĩa là không ăn trộm, không ma túy nghiện ngập. Tham thì không giới hạn nên làm tài nguyên cạn dần. Con đường thoát khổ cũng nằm trong nhận thức chân chính, tức chánh kiến. Chánh mệnh và chánh kiến là các chữ trong Bát chánh Đạo.

Theo đức Phật, chỉ có con đường trí huệ tức nhận thức chân chính mới giúp con người giải thoát khỏi bể khổ. Vô minh là nguyên nhân chính gây ra khổ đau. Như vậy, muốn được giải thoát, con người cần phải thoát ra ngoài vòng ái ngã, nguyên nhân chính của khổ đau và như vậy cuộc sống mới an lạc. Cũng như vạn vật, cái ngã chỉ do duyên hợp và sẽ biến hoại. Cuộc đời theo chu kỳ sinh, diệt như một bánh xe luân hồi, từ xưa đến mãi về sau. Nhà nhạc sĩ không nói đến bánh xe, nhưng ví như hòn sỏi đá lăn:

Hòn đá lăn trên đồi hòn đá rớt xuống cành mai/ Rụng cánh hoa mai gầy/ Chim chóc hát tiếng qua đời,

Đến một ngày nọ, nhìn lại mình: chợt một chiều tóc trắng như vôi, người ta bỗng thấy ‘nghe tiền thân về chào tiếng lạ, những mai hồng ngồi nhớ thiên thu’ (Cỏ xót xa đưa)

Như vậy, bài toán môi trường phải giải quyết từ mỗi các nhân, từ mỗi hành động: biết đủ là đủ, không tiêu thụ quá sá vì biết rằng con người hôm nay phải để lại cho con người ngày mai các tài nguyên. Không còn tài nguyên thì nhân loại sẽ khổ đau, loạn lạc, gây thêm nạn di dân môi trường..

Thái Công Tụng 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here