Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Nơi an trú của văn hoá tâm linh

Nơi an trú của văn hoá tâm linh

155
0
Nhưng từ khi lớn lên, được về sinh sống ở Huế khi đất nước vừa thống nhất và cho đến giờ đây khi đã sắp bước qua ngưỡng của cái tuổi “nhi bất hoặc”, chợt nhiên tôi bỗng thấy những ngôi chùa ở cái xứ sở này có một sức hút gì đó thật lạ… Huế là một vùng đất tuy không rộng lắm nhưng lại có đến hơn 400 ngôi chùa lớn nhỏ, dù có là dân ngoại đạo đi chăng nữa thì cũng vẫn bị hình ảnh của những mái chùa đó ám ảnh và in đậm sâu vào trong trí nhớ…
 
Từ những năm đầu của thập kỷ 80, cuộc sống còn biết bao gian khó, gia đình tôi lại còn nhiều gian khó hơn. Người em trai tôi đi bộ đội bị hy sinh tại chiến trường Campuchia và cha tôi rất buồn rồi cũng lâm bạo bệnh mà mất. Mẹ tôi đi qua những nỗi buồn ấy rồi lặng lẽ đem tên tuổi của những đứa con còn lại của mẹ lên chùa để quy y nơi ngài Thích Đôn Hậu, một nhà sư danh tiếng, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời, vị trụ trì đáng kính của ngôi chùa Linh Mụ nổi tiếng…
 
Thuở ấy, tôi lên chùa chỉ thấy chùa là… “chùa” một cách u tịch và các vị sư thì cứ như là những Tiên Ông xa vời vợi thật khó mà chạm gần tới được… Vậy mà chả hiểu sao, ba mẹ con chúng tôi và cả bà ngoại của tôi được ngài Đôn Hậu đặt cho những Pháp danh thật đẹp: Ngoại là Tâm Phước, mẹ là Tâm Hiếu, tôi là Tâm Thảo và em gái út là Tâm Hạnh… Thế là tôi thành Phật tử từ đó!
 
Rồi cuộc sống lại cứ cuốn anh em chúng tôi đi, để chỉ vẫn một mình mẹ tôi lặng lẽ lên chùa sinh hoạt cùng khuôn hội Phật giáo trong khói hương và trong những lời kinh Nhật tụng…
 
Hồi ấy, chùa Linh Mụ trông thật thâm nghiêm vắng lặng. Xưa kia nơi đây vốn là một quả đồi hoang thuộc làng An Ninh, huyện Hương Trà, nay là phường Kim Long, thành phố Huế. Dưới con mắt của các nhà phong thủy thì vị trí của chùa Thiên Mụ quả là một nơi đắc địa hiếm có để dựng lên một ngôi chùa mang tầm Quốc Tự. Từ dưới mép sông trông lên, tháp Phước Duyên cao vút lên như muốn dẫn đưa tâm hồn con người ta đến một cõi cao xanh nào đó vừa rất xa xôi nhưng cũng thật gần gũi. Qua khỏi cổng chùa, nơi có những bức tượng của các ngài Hộ pháp Kim cang canh giữ, một không gian mở ra thoáng rộng đầy rêu phong của sân chùa càng gợi lên một cảm giác như đang được trở về với quá khứ, trở về với “bản lai diện mục” của chính mình. Có lẽ, chỉ có ở chùa Linh Mụ mới có một cái sân trước Phật điện rộng mênh mông đến như thế. Bước vào Phật điện, bắt gặp đức Phật Di Lặc tạc bằng đồng ngồi một mình, áo phanh hở ngực, bụng phệ ngay giữa gian trước với nụ cười Hỉ, Xả như đã rũ bỏ tất thảy mọi tục lụy. Chỉ với nụ cười này thôi cũng đủ để cho ta thấy nhẹ lòng khi đến với chốn thiền môn. Có Hỷ, Xả chúng ta mới có thể nở được nụ cười vui tươi chân thật và hạnh phúc đến như vậy… Sự thâm nghiêm và cổ kính của Phật điện còn làm cho lòng tôi tự nhiên phải lắng lại, để rồi được thấy nhẹ nhàng thảnh thơi hơn trong cõi huyền hoặc, không còn có những ưu tư về cuộc đời và thân phận… Cũng ở nơi này, không chỉ một lần Bà Mụ linh thiêng đã chỉ cho chúa Nguyễn Hoàng nơi đóng đô, lập nên một triều đại nhà Nguyễn ở Đàng Trong, mà hơn thế đã còn chỉ cho biết bao thân phận khác hướng tới tâm thiện, lòng từ bi để sống tốt hơn trong cuộc sống này…

 
Giờ đây, khi đời sống kinh tế đã phần nào đỡ hơn thuở ấy, nhưng áp lực của công việc mưu sinh cũng chẳng giảm đi được là bao bởi những toan lo khác… Nhất là từ khi đất nước đổi mới, tự nhiên tôi thấy người ta lại rủ nhau đi đến chùa thật nhiều, đặc biệt là tới các ngôi chùa cổ… Người đi chùa giờ đây đến với chùa trong những tâm thế rất khác nhau và cũng từ những ngày đó không khí sinh hoạt ở chốn thiền môn bắt đầu có cái gì đó khang khác, không còn vẻ u tịch vắng lặng như ngày nào nữa…
 
Nhưng kỳ thực, vẻ đẹp của những ngôi chùa cổ kính như Linh Mụ có từ năm 1601, Báo Quốc (1674), Từ Ðàm (1683), Thuyền Tôn (1709), Phước Thọ Am (1831), Từ Hiếu (1843), Diệu Ðế (1844)… đã hấp dẫn con người ta trong những cuộc “Hành hương tâm linh” khi tìm về với quá khứ thì những ngôi chùa mới được tạo lập sau này lại hút hồn con người ta ở trong một hành trình khác… “Hành trình trở về với thực tại..!” và Chùa Huyền Không Sơn Thượng là một ngôi chùa như vậy!
Vốn nơi đây là một vùng rừng núi hoang vu do Nhà nước giao đất giao rừng cho nhà chùa khai hoang, trồng rừng và bảo vệ… nhưng đã được Thượng tọa Giới Ðức, bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh, khai sơn và tạo dựng từ năm 1989…
 
Khi cơn bão kinh tế thị trường vừa bắt đầu ào tới Huế, theo chân thi sĩ “Phương xích lô”, tôi lên đây chơi với một tâm thế như chỉ là một cuộc thư giãn tâm hồn bởi rất nhiều lẽ. Chùa lúc đó quả thực còn rất đơn sơ, chỉ là một ngôi Thảo am có cái tên thật thơ mộng là “Phong Trúc Am”, nơi tá túc và an nghỉ của sư Giới Đức. Hơn nữa, ở nơi đây còn có một nhà thơ Thiền, nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh… mà những bài thơ Thiền của Thầy đã vượt ra khỏi cánh rừng để đi đến mọi nẻo trên đất nước này…
 
 
 
Đến bây giờ, dẫu vẫn chưa được khang trang to lớn như những ngôi chùa khác, nhưng Huyền Không Sơn Thượng lại có một không gian vườn, rừng, núi thật huyền ảo. Chùa ở đây được kiến tạo là một Chánh điện giản dị bằng gỗ, mái ngói trông rất hiền hoà và thanh thoát, lại vừa mộc mạc dựa trên nền xanh của núi rừng. Trong một không gian, vừa thôn dã, vừa rất lãng mạn và như hoà lẫn vào với thiên nhiên, chợt nhiên bắt gặp một cặp câu đối viết theo lối thư pháp treo trước Phật điện đã làm cho con người tôi nhẹ bỗng đi và tâm hồn tôi như nhận cảm ra một chân lý nào đó vừa ập tới:
 
 Nghe Đạo, hương rừng theo gió đến
Đọc Thơ, trăng sáng vượt non về.*
 
Cái khoảnh khắc nhẹ bỗng chợt nhiên ấy dường như đã thức dậy trong con người tôi một luồng điện cảm thật lạ, giống như khi đang tự nhận thức chính tâm hồn mình và chỉ với riêng mình…!
 
Khiêm nhường về tầm vóc và sự bề thế của Phật điện Huyền Không Sơn Thượng làm tôi thấy Đạo Phật sao mà thật gần gũi với nhân gian với con người đến vậy. Vườn cảnh Huyền Không như là một điểm nhấn về sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên trời đất và được nâng lên thành nghệ thuật đặc sắc của một lối kiến tạo về cái đẹp. Mỗi công trình ở đây đều sử dụng chất liệu từ tranh, tre, nứa, lá, gỗ… mộc mạc, dung dị nhưng tất cả đều toát lên bản sắc của văn hoá dân tộc, văn hóa nhà vườn của xứ Huế. Dù cũng chỉ là do sự sắp xếp của bàn tay con người, nhưng với một ý thức lấy thiên nhiên làm chủ, dựa vào cảnh quan chung để kiến tạo và tìm trong cái hài hòa của thiên nhiên để làm thành cái hài hòa của kiến trúc, sư thầy Minh Đức đã biến nơi này trở thành một nơi có sức hút rất lạ kỳ.
 
Ở vườn cảnh của Huyền Không còn có rất nhiều hoa cỏ đủ loại với hương thơm phảng phất xa gần của các loại thảo mộc quý được đưa về trồng ở đây. Cùng với những giò phong lan bên những chậu cây cảnh, cội mai già, tùng bách bên lối cỏ đầy rêu phong khoe vẻ đẹp tao nhã thật hoang sơ. Kể cả mỗi một hòn đá được đem về đặt ở nơi đây cũng mang được những tiếng nói rất riêng trong vẻ đẹp xù xì góc cạnh của mình. Trong một lần tôi đưa PGS.TS Tôn Đại lên thăm chùa, PGS.TS đã gọi nơi đây chính là một “Bài thơ về Kiến trúc phong cảnh”…
 
Đến với Huyền Không Sơn Thượng là đến với cái vĩnh hằng của sự sống, của cái đẹp. Và ở đây tôi cũng đã tìm thấy được sự bằng an thanh tịnh của lòng mình:
 
Dấu chân thiền vẽ con đường
Mai kia mốt nọ yêu thương bụi vàng.*
 
và 
 
Trần gian trăm việc tạm quên
Thơ đề góc núi đầy hiên nắng vàng/
Gió trăng thế sự không bàn
Giấc thiền lặng lẽ nhẹ nhàng tình không!*

Những dòng thơ, mỗi con chữ trong “Huyền Không Sơn Uyển” dường như lại thêm một sự níu giữ khác cho bước chân của những lữ khách đã từng tới đây không muốn rời khỏi chốn non thiền cao xanh này. Ẩn dụ trong những dòng thơ bay cùng dáng chữ, nét bút ấy của Nhà sư Nghệ sĩ như là một sự hành thiền đã lắng lại sự trong sáng, thanh thản vốn có trong tận đáy sâu tâm hồn ở mỗi con người. Với bức tranh cảnh trí non ngàn ấy, nơi này không thể mang cái tên nào khác ngoài hai chữ Huyền Không!

Theo Sông Hương
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here