Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Người Phật tử trước ngã ba đường. Kỳ 3: Tư tưởng là...

Người Phật tử trước ngã ba đường. Kỳ 3: Tư tưởng là nền tảng của hành động

167
0

Khoa học đã phát triển vượt bậc trong hai thế kỷ 16 và 17. Các nhà sử học đã gọi hai thế kỷ đó là thời đại cách mạng khoa học. Đây cũng chính là thời điểm đã làm biến đổi những tư tưởng truyền thống cổ xưa, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan. Trước thế kỷ 16 con người xem vũ trụ như một vũ trụ hữu cơ. Mọi quan hệ là quan hệ hữu cơ, đặc trưng bởi sự tương quan phụ thuộc giữa những hiện tượng vật chất và tâm linh. Khoa học thời đó không chỉ dựa trên thuần lý mà còn dựa trên niềm tin với mục đích tìm hiểu bản chất của sự vật liên hệ với tâm linh đạo đức. Những tư tưởng đó hoàn toàn thay đổi trong thế kỷ 16 và 17. Khái niệm của một vũ trụ hữu cơ linh động được thay thế bằng một vũ trụ cơ khí máy móc. Những thay đổi này bắt nguồn từ những phát triển của các ngành vật lý và thiên văn, xuất phát từ những công trình của Copernicus, Kepler, Galileo và Newton.

Trong một vũ trụ cơ khí, mọi nguyên nhân đều có một hậu quả trực tiếp. Tuy quan điểm này đã được áp dụng thành công trong các ngành kỹ thuật cơ khí, nhưng đối với những kỹ thuật tân tiến như động cơ phản lực, lò hạt nhân, mạng vi tính hay kỹ thuật trồng genes, quan điểm cơ khí hoàn toàn thất bại. Những kỹ thuật tân tiến này không tuân theo luật nhân quả cơ khí máy móc. Kỹ thuật trồng genes hiện nay vẫn được tiến hành mặc dù gặp nhiều chống đối. Hậu quả của việc trồng genes quả không thể tiên đoán được. Quan điểm cơ khí cũng đã áp dụng vào thiên nhiên và xã hội. Và hậu quả là sự suy thoái ngày càng trầm trọng của môi trường sinh thái.

Theo Galileo, những tính chất thiết yếu của vật chất cần được nghiên cứu là những tính chất có thể đo lường như hình dáng, số lượng và chuyển động. Những tính chất khác của vật chất như màu sắc, âm thanh, mùi vị chỉ là những mẫn cảm chủ quan của con người, và do đó không nằm trong khuôn khổ của khoa học. Quan điểm đại lượng hóa vật chất của Galileo tuy đã dẫn đến thành công vượt bậc, nhưng đồng thời cũng đã dẫn đến những tổn thất trầm trọng trong lĩnh vực cảm xúc, nhận thức, tri thức và đạo đức.

Triết học gia Anh Quốc, Bacon, cho rằng vạn vật là để phục vụ con người. Bacon thách thức những truyền thống tư tưởng cổ xưa và chăm chú phát triển phương pháp khoa học thực nghiệm. Khoa học và triết học trước thời kỳ cách mạng khoa học chú trọng đến sự tìm hiểu thiên nhiên để có thể sống hài hòa với thiên nhiên. Tinh thần Bacon, trái lại, là để khống chế và lợi dụng thiên nhiên.

Descartes cũng đã chia sẻ tư tưởng của Bacon rằng mục đích của khoa học là kiểm soát thống trị và khai thác thế giới vật chất. Hậu quả là một xã hội với những kinh doanh khai thác khổng lồ, chỉ biết lợi nhuận, và lợi nhuận phải luôn luôn gia tăng, vì họ vẫn quan niệm như thời xa xưa – khi công cụ canh tác và lối sống còn thô sơ – rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên là vô tận.

Không những chỉ thế giới vật chất, tất cả sự sống, kể cả con người, đều được Descartes xem như những chiếc máy. Do đó, những tầng lớp sĩ nông công thương cũng bị nắm gọn trong tầm tay thống trị của một thiểu số tài phiệt. Không những họ chỉ tham lam của cải, bốc lột sức lao động, mà còn có thể uốn nắn cả chính trị quân sự kinh tế của toàn thế giới.

Khi lý thuyết tiến hóa của Darwin ra đời trong thế kỷ 19, người ta đã đưa quan điểm về sự chọn lựa tự nhiên vào lĩnh vực xã hội, cho rằng con người phải đấu tranh nếu muốn sống còn. Hậu quả là một thế giới đầy bom đạn vũ khí giết người, một thế giới mạnh hiếp yếu. Kẻ mạnh đi chinh phục chiếm đoạt đất đai tài sản của kẻ yếu, làm cán cân giàu nghèo vốn đã chênh lệch, càng chênh lệch hơn.

Để biện minh cho chính sách mạnh hiếp yếu trên thương trường, giới tài phiệt thường lập luận rằng thị trường là nơi phân phối lợi nhuận, không những cho người giàu mà cả những người nghèo khó, một cách rất công bằng: Một người kinh doanh tốt, không những người đó, gia đình người đó, công ty người đó hưởng lợi mà cả cộng đồng cùng hưởng lợi. Trong toàn bộ kinh tế, tài sản sẽ chảy như dòng suối từ người giàu có đến kẻ bần cùng. Khi ngọn thủy triều dâng, tất cả thuyền bè dù lớn bé đều bồng bềnh trên mặt nước!

Nhưng theo kinh nghiệm của những nhà kinh tế thì ngược lại: Sự phân phối lợi nhuận chỉ tồn tại khi những điều kiện cạnh tranh của thị trường hoàn hảo mà thôi. Thực tế của thường trường không thể có những điều kiện hoàn hảo đó. Lợi nhuận của thị trường ngày nay thuộc về phe giàu, do phe nghèo chi phí! Tài sản của chỉ vài trăm tỷ phú cũng đã bằng cả lợi tức của nửa dân số thế giới. Chiêu bài của giới tài phiệt là tiêu dùng: Sự sống, kể cả hạnh phúc, được đánh giá trên những tài sản vật chất. Càng mua đồ tiêu dùng bao nhiêu, hạnh phúc càng đến tràn trề bấy nhiêu. “Có tiền mua tiên cũng được.” Ngày nay, người ta đã bắt đầu thấy những hiệu ứng tai hại của chủ nghĩa tiêu dùng phung phí: Tài nguyên thiên nhiên sẽ mất quân bình, nền kinh tế thế giới sẽ mất quân bình, ngay cả đời sống tâm linh cũng sẽ mất quân bình.

Càng đam mê vật chất, đời sống tâm linh càng giảm sút. Sức người có hạn nhưng lòng tham (vật chất) thì vô đáy. Biết mấy cho vừa? Vì không bao giờ thỏa mãn, tâm thần có thể trở nên khủng hoảng. Ý nghĩ trộm cắp chém giết có thể thành hiện thực. Ý nghĩ tự tử có thể thành hiện thực. Tất cả những tệ nạn này hiện đang trên đà gia tăng.

Ngày nay, quan điểm xem vũ trụ như một bộ máy cơ khí gồm những bộ phận riêng rẻ đã trở nên lỗi thời. Vũ trụ quan ngày nay mang đầy tính sinh thái, hữu cơ và nguyên thể. Vũ trụ là một thể thống nhất không thể phân chia, bao gồm những quá trình năng động luôn luôn biến đổi, tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Cạnh tranh nhường bước cho hợp tác. Thu hẹp (reductionism) nhường bước cho nguyên thể (holism.) Tuyến tính nhường bước cho phi tuyến tính. Phẩm lượng nhường bước cho phẩm chất.

Trong một vũ trụ không thể phân chia, một nguyên nhân không nhất thiết có một hậu quả trực tiếp, trái lại, nhân quả là một quá trình phi tuyến tính. Với quan điểm nhân quả này, con người có thể hiểu về xã hội và thiên nhiên rõ ràng và chính xác hơn, do đó, có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, chăm lo môi trường sống chu đáo hơn.

Bản chất của vạn vật là bất định. Con người chỉ có thể nhìn thế giới qua ống kính chủ quan của mình. Người quan sát và sự vật được quan sát không thể phân chia. Con người không thể đề cập đến thế giới tự nhiên mà không đồng thời đề cập đến chính mình. Những mô hình về thế giới tự nhiên mà con người quan sát được hoàn toàn liên hệ mật thiết với tâm tư tình cảm của mình. Việc ứng dụng những mô hình đó đều được quy định bởi tư tưởng của con người. Vì vậy con người phải có trách nhiệm kiến thức và đạo đức trước thiên nhiên và sự sống.

Đối với các nhà khoa học kỹ thuật và chính trị, vấn đề đạo đức càng quan trọng hơn. Họ có thể phê chuẩn sáng chế những công cụ phụng sự hòa bình cũng như bom đạn tàn phá. Trong thập niên 1960, các nhà khoa học và các lãnh đạo chính trị đã bắt đầu thiết lập những nguyên tắc chung cho vấn đề đạo đức này. Trong bản tuyên ngôn về những trách nhiệm nhân loại năm 1990, hội đồng Liên Tác (InterAction) gồm 24 vị cựu lãnh đạo quốc gia trên thế giới đã công bố: “Vì sự liên thuộc quốc tế đòi hỏi chúng ta phải sống hài hòa với nhau, nhân loại cần có những luật lệ và kiềm chế. Đạo đức là tiêu chuẩn tối thiểu khả hữu cho sự sống chung. Thiếu đạo đức và tự kiềm chế, nhân loại sẽ trở lại với lối sống mạnh ai nấy sống. Thế giới cần có một nền tảng đạo đức để đứng vững.” (Because global interdependence demands that we must live with each other in harmony, human beings need rules and constraints. Ethics are the minimum standards that make a collective life possible. Without ethics and the resulting self-restraint, humankind would revert to the survival of the fittest. The world is in need of an ethical base on which to stand.)

Hiệp hội các nhà khoa học có quan tâm đều tán đồng về “sự cần thiết của một nền đạo đức mới.” Năm 1993, 1670 khoa học gia từ 70 nước trên thế giới, gồm 102 người đã đoạt giải thưởng Nobel, đồng tuyên bố: “Nền đạo đức này phải thúc đẩy một phong trào lớn, thuyết phục những nhà lãnh đạo, những quốc gia và dân chúng còn thờ ơ để thực hiện những thay đổi cần thiết.” (This ethic must motivate a great movement, convincing reluctant leaders and reluctant governments and reluctant peoples themselves to effect the needed changes.) Họ nhấn mạnh những trách nhiệm mới, cần chăm sóc vun xới môi trường sống vốn đang trên đà suy thoái vô phương cứu chữa.

Tháng 11 năm 2003, một nhóm những vị đã đoạt giải thưởng Nobel tuyên bố trong một hội nghi tại thành phố La Mã, Ý Đại Lợi: “Trong quan hệ giữa các quốc gia và chính sách của các chính quyền, đạo đức đóng vai trò tối quan trọng. Mỗi quốc gia phải cư xử với những quốc gia khác giống như mình mong muốn những quốc gia đó cư xử mình. Các cường quốc cần nhớ rằng khi mình làm như vậy, các quốc gia khác cũng sẽ làm theo.” (Ethics in the relations between nations and in government policies is of paramount importance. Nations must treat other nations as they wish to be treated. The most powerful nations must remember that as they do, so shall others do.) Những vị này cũng tuyên bố trong tháng 11 năm 2004: “Một lần nữa, chỉ cần xác nhận những giá trị đạo đức chúng ta phải chia sẻ – tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do cơ bản – và chấp hành những nguyên tắc dân chủ ở trong cũng như giữa những quốc gia, những chủ trương khủng bố sẽ bị đánh bại. Chúng ta phải đặt trọng tâm vào những nguyên nhân gốc rễ của chủ trương khủng bố – nghèo khó, mê muội và bất công – hơn là dùng vũ lực để đối phó vũ lực.” (Only by reaffirming our shared ethical values – respect for human rights and fundamental freedoms – and by observing democratic principles, within and amongst countries, can terrorism be defeated. We must address the root causes of terrorism – poverty, ignorance and injustice – rather than responding to violence with violence.) 

Những tư tưởng tiến bộ trên đây hẳn sẽ ảnh hưởng đến những chính sách hành động cho một xã hội ngày mai, tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Phan Dương (Kỳ4. Người Phật tử trước ngã ba đường)
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here