Tuy những nước nghèo thường được viện trợ tiền bạc để phát triển, nhưng con số tiền lời phải trả hàng năm không phải nhỏ. Do đó những nước giàu sẽ giàu hơn, nước nghèo sẽ nghèo hơn. Bên rìa những thành phố xa hoa tráng lệ là những vùng dân cư nghèo nàn san sát, sống trong những ngôi nhà lụp xụp thiếu vệ sinh, thiếu những tiện nghi tối thiểu.
Hệ thống giáo dục công lập càng ngày càng thiếu hụt ngân sách, do đó con cái nhà nghèo dù có khả năng và ham học cũng không thể có cơ hội để tiến thân. Tham ô thì đầy dẫy. Tham ô không chỉ xảy ra trong các ngành kinh doanh thương mãi. Y tế cũng tham ô. Giáo dục cũng tham ô. Hầu như tham ô xuất hiện trong mọi lĩnh vực. Người nghèo bị bệnh không thể kham nỗi tiền hối lộ. Học sinh nghèo không thể có cơ hội để học hành tiến thân. Trẻ em nghèo mới lớn đã bị ở vào hoàn cảnh phải đi làm thuê với đồng lương bố thí rẻ mạt. Nhiều bé gái bị bọn mãi dâm bắt cóc hoặc bị cha mẹ bán vào những động điếm. Vì cảnh nghèo túng, nhiều cha mẹ không đủ sức nuôi con cái, đành để chúng lang thang đầu đường xó chợ, sống lây lất ở các vỉa hè ăn xin. Và khỏi phải nói, nhiều đứa đã trở thành trộm cướp hung bạo.
Hiện tại, hầu như không có quốc gia nào trên thế giới được gọi là có an ninh đảm bảo. Ngoài trộm cướp chém giết lẫn nhau xảy ra như cơm bữa, còn có nạn khủng bố, mang chất nổ trong người, đến những chỗ đông đúc, giết người một cách vô tội vạ. Tôn giáo vốn là những liều thuốc của tình thương. Nhưng cuồng tín đã làm cho những liều thuốc đó không những hết hữu hiệu mà dường như đã trở thành những độc dược. Ngân sách quốc phòng phải tăng vọt để chế thêm vũ khí đạn dược, để canh giữ khỏi bị thất thoát những loại vũ khí giết người hàng loạt như vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học vốn được các cường quốc chế tạo một cách dồi dào trong cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Ngân sách giáo dục, y tế, an sinh xã hội tự nhiên phải bị cắt giảm. Đời sống xã hội do đó ngày càng tồi tệ, mức sống vật chất trở nên túng thiếu hơn, đắt đỏ hơn, quyền tự do căn bản của người dân bị thu hẹp hơn. Vấn đề lưu thông, nhất là đường hàng không, trở nên khó khăn hơn. Không có chính quyền nào dám bảo đảm chắc chắn không có bom trên xe hàng, trên tàu hỏa, hay trên máy bay. Những chỗ du lịch cũng thế. Những chợ búa cũng thế. Những hội hè cũng thế. Ngay cả những đám tang cũng thế.
Môi trường sống ngày càng bị đe dọa. Sự phát triển kỹ nghệ và khai thác thiên nhiên quá mức của mấy thế kỷ qua đã làm bầu khí quyển bị ô nhiễm trầm trọng. Cây cối ngày càng thưa thớt. Thiên tai ngày càng nhiều hơn và khủng khiếp hơn. Những chu trình biến hóa của thiên nhiên đã trở nên thất thường, mất thăng bằng. Đất đai, sông ngòi, biển cả, núi rừng, và bầu khí quyển như đang mang cơn bệnh của thời đại cơ khí hóa. Hạn hán khắp nơi. Sản phẩm nông nghiệp giảm sút trong lúc dân số gia tăng nhanh chóng. Ao hồ sông ngòi ô nhiễm. Rất nhiều quốc gia đã không có đủ nước ngọt để dùng hằng ngày. Nhiều người, nhất là trẻ con trong nhiều quốc gia đã phải bỏ mạng vì thiếu nước tiêu dùng hoặc phải uống nước dơ bẩn ứ đọng ở các ao hồ đầm lầy. Tin tức trên các báo chí, truyền thanh truyền hình và trên mạng vi tính vẫn thường xuyên cho biết các tảng băng ở bắc và nam cực đang chảy thành nước với tốc độ nhanh hơn cả những dự đoán của các nhà khoa học. Bão tố cấp 4 cấp 5 xảy ra khá nhiều, khi ở Mỹ, ở Trung quốc, khi ở Nhật, ở Cu Ba, ở Úc, ở Việt Nam. Các nhà khoa học tiên đoán với tốc độ hóa lỏng của các tảng băng ở hai cực địa cầu như bây giờ, mức nước biển sẽ dâng cao hơn trong những thập niên tới. Khi đó các vùng đất thấp sẽ chìm xuống đại dương. Nạn di tản sẽ trở nên ồ ạt. Khó khăn của sự sống về mọi phương diện sẽ chồng chất. Đất đai càng hẹp hơn trong lúc dân cư càng đông đúc hơn.
Ngành y học tuy phát triển mạnh, nhưng cũng chỉ phục vụ chính yếu cho giới giàu có. Dược liệu tuy dồi dào và hữu hiệu nhưng không thiếu những phản ứng phụ tai hại. Bệnh tật vẫn tiếp tục hoành hành, nhất là tại những nước nghèo khó. Y học vẫn chưa thể chữa trị thích đáng các bệnh hiểm nghèo đang lan tràn khắp năm châu – mà nguyên nhân chính yếu là sự ô nhiễm trầm trọng của môi trường sống – như các bệnh ung thư. Ở những nước nhược tiểu, ngay cả những bệnh thông thường dễ chữa trị vẫn còn hoành hành. Một trong những lý do chính là thuốc giả. Do lòng tham lam vô nhân đạo, một số công ty đã chế thuốc giả mạo, hối lộ đút lót chính quyền để được cung cấp trong các bệnh viện. Đây là lý do đã gây vong mạng cho nhiều trẻ em tại một số quốc gia ở châu Phi. Các em chỉ bị bệnh sốt rét. Nhưng vì uống thuốc giả mạo nên cơn bệnh đã trở nên trầm trọng chết người.
Đời sống gia đình biến đổi nhanh chóng. Trong những nước kỹ nghệ tân tiến, nuôi dưỡng một đứa con ngày càng khó khăn hơn. Tỷ lệ ly dị trong một số các nước này lên đến 50%. Khoảng 40% trẻ em sống trong những gia đình chỉ có mẹ hoặc chỉ có cha. Càng ngày số những cha mẹ thích du hí bên ngoài càng gia tăng, và khi con cái đã trưởng thành đi lập nghiệp riêng, đa số cha mẹ thường thích đường ai nấy đi. Trong hầu hết các nước trên thế giới ngày nay, số những bữa ăn với đầy đủ những phần tử trong gia đình ngày càng giảm xuống. Máy truyền hình thường thay thế cho những chuyện trò thân mật trong những bữa cơm gia đình như thế. Những phim ảnh hung bạo và khiêu dâm thường được nhiều người ưa chuộng. Hậu quả của loại phim ảnh này là, phái nữ thích ăn mặc khiêu gợi, phái nam thích lập băng đảng chém giết lẫn nhau, cưỡng hiếp đàn bà con gái. Một số các nhà triết học tiên đoán nếu lối sống này cứ tiếp tục phát triển, tình cảm gia đình truyền thống sẽ biến mất chỉ trong vài thập niên tới.