Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Để tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam luôn là môi...

Để tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam luôn là môi trường giáo dục Giới trẻ Phật giáo đầy sinh khí

216
0

Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPT) là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo được thành lập năm 1951, trên cơ sở các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo do Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sáng lập.GĐPT đã quy tụ được đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiện nay có hơn 74.000 huynh trưởng và đoàn sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên. Gần 60 năm tồn tại, tổ chức GĐPT vẫn thu hút đông đảo thanh thiếu nhi, nhưng cũng không phải là không đối diện với nhiều thách thức do hoàn cảnh xã hội mới đặt ra.
PV VHPG đã ghi lại câu chuyện bàn tròn giữa các anh Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu (sinh năm 1937, huynh trưởng cấp Dũng – hiện là Phó Thường trực Phân Ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương), Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn (sinh năm 1981, huynh trưởng cấp Tập GĐPT An Hòa – TP. Huế, đang học cao học Y tế cộng đồng tại Đại học Liverpool – Anh quốc), Quảng Quý Nguyễn Bình San (sinh năm 1983, huynh trưởng cấp Tập, GĐPT Xá Lợi – TP. HCM, kỹ sư lập trình Công ty Tin học) và chị Quảng Đài Lê Thị Hoa (sinh năm 1984, GĐPT Xá Lợi – TP. HCM, sinh viên năm thứ cuối Đại học Y Dược TP.HCM).


CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI GIA ĐÌNH ÁO LAM

PV: Nhân duyên nào đưa các anh chị đến với tổ chức Gia đình Áo Lam – GĐPT và gắn bó với tổ chức này?

Htr. Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu: Tôi gia nhập Đoàn Đồng ấu Phật tử năm 1946, tiền thân của tổ chức GĐPT sau này. Tôi còn nhớ một hôm được theo mẹ đến lễ Phật ở ngôi chùa trong làng, thấy các bạn trẻ học giáo lý và vui chơi trước sân, tôi rất thích thú và muốn tham gia. Sau đó tôi được mẹ tôi dẫn đến chùa Linh Mụ cho quy y với Hòa thượng Thích Đôn Hậu và gia nhập đoàn Đồng ấu tại đây. Tôi gắn bó với tổ chức từ đó cho đến bây giờ.

Huynh trưởng Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu


Htr. Quảng Đài Lê Thị Hoa: Gia đình Hoa gốc ở Thanh Hóa, vào Lâm Đồng lập nghiệp, vốn không có truyền thống sinh hoạt GĐPT. Lên lớp sáu, khi bà nội mất thì tôi mới theo bố mẹ đi chùa, tập ăn chay, tụng kinh… gieo nhân duyên với đạo Phật. Đến khi nghỉ hè, một người bạn kể cho nghe các hoạt động của GĐPT Minh Thắng rồi rủ Hoa gia nhập. Ban đầu tôi dự định chỉ sinh hoạt hết ba tháng hè thôi, vậy mà từ một tuần, một tháng, ba tháng… rồi mãi cho đến bây giờ.

Huynh trưởng Quảng Đài Lê Thị Hoa

Htr. Quảng Quý Nguyễn Bình San: Tôi có may mắn là được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống theo Phật giáo và được biết đến GĐPT từ nhỏ. Tôi là con thứ ba trong một gia đình có 5 anh em trai, các anh em lần lượt đều được ba mẹ hướng cho đi sinh hoạt GĐPT. Hồi đó còn nhỏ, chẳng biết gì, nhưng mỗi lần đến chùa, tôi thích được nghe và cùng bài hát "Trầm Hương đốt". Thích nhất là mỗi chiều chủ nhật, được ngồi sau xe đạp đi theo các anh, vượt qua gần 8, 9 cây số đường đèo ở Đắk Lắk để sinh hoạt với các anh chị, các bạn.

Huynh trưởng Quảng Quý Nguyễn Bình San

Htr. Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn: Tôi đến với GĐPT là do mẹ tôi, một huynh trưởng của GĐPT An Hoà (Huế). Mẹ đã đưa hai anh em tôi đi sinh hoạt GĐPT từ năm 1989. Gia đình tôi, cả bên nội và bên ngoại đều có nếp theo Phật từ lâu đời. Ông nội của tôi là một trong những sáng lập viên của Hội An Nam Phật học, giai đoạn thập niên 1940. Ngôi nhà của ông nội mà hiện nay ba mẹ tôi đang ở, ngày trước là nơi sinh hoạt của Gia đình Phật hóa phổ Thanh Tịnh, một trong bốn đơn vị GĐPT đầu tiên tại Huế. Còn ông ngoại tôi từng là một trong những Gia trưởng đầu tiên của đơn vị GĐPT mà tôi đang sinh hoạt. GĐPT là nếp sống của gia đình tôi, tự nhiên như không khí chúng tôi thở.

Huynh trưởng Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn


PV: Ấn tượng nào từ nếp giáo dục của GĐPT đã theo mãi trong cuộc sống của các anh chị?

Htr. Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu: Lúc còn là Đồng ấu, tôi rất xúc động trước hình ảnh Đức Phật bỏ vinh hoa phú quý để xuất gia. Mỗi khi gặp bất hạnh, chính hình ảnh Đức Thế Tôn và tinh thần Bi-Trí-Dũng của GĐPT giúp tôi vượt qua khó khăn. Dù đã trải qua hầu hết chức vụ trong GĐPT nhưng tôi chưa bao giờ gián đoạn sinh hoạt, trừ những ngày đi lính. Không mặc được đồng phục GĐPT, nhưng tôi luôn tìm mọi cách đi chùa. Tôi nghĩ, là Phật tử chân chính thì đừng bao giờ đợi thuận duyên đến, mà phải biến nghịch duyên thành thuận cảnh. Tinh thần đó giúp tôi không quản khó khăn khi đem hình ảnh Áo lam đến với nhiều nơi.

Htr. Quảng Quý Nguyễn Bình San: Kỷ niệm về GĐPT có thể nói đã được chất đầy trong "ba lô" của tôi. Tôi còn nhớ những ngày đầu sinh hoạt ở Đắk Lắk, một xứ đất đỏ; phải đi thật xa mới có chùa. Có lần do trời mưa, đường đi xấu, xe bị hỏng phải dẫn bộ. Đến trễ, chúng tôi bị phạt chạy quanh chùa ba vòng. Anh Liên đoàn trưởng nói: thi hành kỷ luật trước, mọi chuyện nói sau. Lúc đó, tôi rất ấm ức. Nhưng sau giờ sinh hoạt, các anh chị đã xúm lại sửa xe cho tôi. Thế là những bực dọc lúc đầu tan biến hết. Từ đó tôi rút ra được bài học: chính GĐPT đã giúp tôi có được tinh thần sẵn sàng ứng phó trước mọi khó khăn.

Htr. Quảng Đài Lê Thị Hoa: Trước đây, tôi vốn là người rất nhút nhát. Ngày đầu tiên đi sinh hoạt GĐPT, cùng với các anh chị chơi trò chơi, tôi vẫn còn rất ngại ngùng. Sau đó quen dần và bây giờ tôi đã trở thành người năng động hơn. Nhờ châm ngôn Hòa-Tin-Vui, mọi đã người đến với nhau bằng sự thân thiện, hòa ái, xem nhau như anh em cùng một nhà. Tinh thần sống đó luôn đi theo tôi, giúp tôi sống có tình thương và sự hỷ xả. Khi khoác chiếc áo lam GĐPT, tôi tự nhủ là mình nên sống tốt hơn, học tập tốt hơn. Thành quả trong cuộc sống của tôi hôm nay một phần là nhờ chiếc áo này.

Htr. Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn:
Chính GĐPT đã xây dựng cho Văn hai giá trị sống căn bản, đó là “Lấy trí tuệ làm sự nghiệp – Lấy tình thương làm lẽ sống”. Văn vô cùng tâm đắc và luôn lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Nó rất đơn giản nhưng đã chuyển tải được sức mạnh lớn lao. Nhờ GĐPT mà khi tiếp xúc với nền văn minh nước ngoài, Văn không thấy tự ti mặc cảm, ngược lại, luôn tự hào về lý tưởng và tổ chức của mình. Cho đến thời điểm này, Văn thấy mình đã sống có ý nghĩa.

NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

PV: Huynh trưởng là người có trách nhiệm hướng dẫn các em trong tinh thần giáo dục của GĐPT, với thực tế ở các đơn vị của mình, điều gì các anh chị ưu tư nhất?

Htr. Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu: Tôi thấy hiện nay vấn đề nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ mầm non chưa được chú trọng so với các hoạt động Phật sự khác của Giáo hội. Theo tôi, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn về giáo dục thanh thiêu niên.

Htr. Quảng Đài Lê Thị Hoa: Tôi nghĩ hiện nay GĐPT đang thiếu huynh trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là những huynh trưởng được đào tạo có bài bản. Đoàn sinh phát triển rất nhanh về tâm sinh lý và thường bị lôi cuốn bởi những tác động bên ngoài, nhưng chúng ta chưa chú trọng đến điểm này; cũng như các anh chị đã quá nghiêng nặng về lý thuyết mà thiếu phần thực hành. Chúng ta cũng nên có tầm nhìn thoáng mở hơn, không nhất thiết phải giữ đoàn sinh ở lại GĐPT, điều quan trọng là chúng ta trao cho đoàn sinh cái gì, để những dấu ấn của GĐPT mãi có ý nghĩa với những ai tham gia gia đình Áo lam trên các nẻo đường đời…

Htr. Quảng Quý Nguyễn Bình San: Theo tôi thì hiện nay sinh viên, học sinh… có nhiều cơ hội đến với đạo Phật qua sách, báo, băng đĩa, Internet… nhưng họ không thể đến những đạo tràng để tu học do còn bỡ ngỡ vì hình thức và nội dung sinh hoạt trọng sự chuyên tu. Với đối tượng người trẻ này, GĐPT chính là nơi giúp họ có thể tiếp cận đạo Phật một cách dễ dàng và cân bằng cuộc sống sau một tuần học tập, làm việc căng thẳng. Trong quá khứ, GĐPT là nơi thu hút rất đông giới học sinh, sinh viên, nhưng đáng tiếc là hiện nay sức hút đó đã giảm đi đáng kể.

Mặt khác, GĐPT ít có sự tự giới thiệu với xã hội, sau một thời gian dài, có nơi trở nên xa lạ với đông đảo người dân, rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa biết GĐPT là gì. Tôi thường băn khoăn là tại sao GĐPT không có một trang web chính thức có nội dung phong phú để quảng bá những hình ảnh đẹp về GĐPT và kết nối tuổi trẻ lại với nhau?

Htr. Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn: Tôi nghĩ lâu nay chúng ta chỉ mới trao cho đoàn sinh những cái mà GĐPT đang có chứ chưa đáp ứng được những điều mà các em đang cần. Nếu làm có chiến lược thì dù đang đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng không phải là không có nhiều cơ hội, nên ở đây chúng ta cần nhắm vào cái đích của mình.

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI

PV: Vậy theo các anh chị, GĐPT đang đối mặt với những thách thức nào và những cơ hội đó là gì?

Htr. Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu: Theo tôi thì phần lớn quý Thầy, Cô, các đạo hữu và gia đình có truyền thống Phật giáo luôn ủng hộ GĐPT. Nhiều huynh trưởng và đoàn sinh sẵn sàng gắn bó suốt cuộc đời mình với tổ chức. Nhờ ánh sáng Phật pháp soi đường nên GĐPT đời nào cũng có những con người tâm huyết với lý tưởng phụng sự. Tôi cho đó chính là cơ hội lớn.

Htr. Quảng Quý Nguyễn Bình San: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của anh Châu. Tuy nhiên, vấn đề thách thức của chúng ta là các thế hệ huynh trưởng có tuổi đã quá quen thuộc với phương pháp giáo dục cũ nên sẽ khó thích nghi với những thay đổi mới. Trong khi đó, huynh trưởng còn phải bận mưu sinh, đoàn sinh thì bận học thêm và sinh hoạt đoàn, đội bên ngoài, không có nhiều thời gian cho sinh hoạt GĐPT. Dù có cải cách nhiều nhưng chưa chắc chúng ta đã thu hút được đoàn sinh.

Htr. Quảng Đài Lê Thị Hoa: Theo tôi, thách thức lớn nhất của GĐPT là ngày nay xã hội có quá nhiều sinh hoạt hấp dẫn, dễ khiến tuổi trẻ Phật tử chao đảo, nhất là khi một số huynh trưởng chưa thể hiện được tư cách đạo đức tốt. Ngoài ra nguy cơ gây mất đoàn kết nội bộ vẫn thường trực. Nhưng tôi luôn lạc quan tin tưởng các huynh trưởng trẻ có năng lực, với sự dìu dắt của các HT lớn, đang dần dần tìm cách vực dậy và phát triển phong trào GĐPT.

Htr. Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn: Tôi thì nghĩ đến một thách thức là chúng ta đang đối mặt với bộ ba tai họa mà nói như Mark J. Kinley là: Thế tục hóa, mê tín hóa và kinh tế hóa tôn giáo. Một thách thức khác, cũng có thể xem như cơ hội hợp tác là sự ra đời các tổ chức thanh thiếu niên Phật tử như: đạo tràng tu học Phật pháp, diễn đàn trực tuyến; câu lạc bộ đoàn, đội, hội Phật tử trẻ… Tuy nhiên, bài học về phát triển tổ chức thanh thiếu niên tôn giáo ở các nước là những cơ hội rộng mở để GĐPT giao lưu, học hỏi và tìm tòi áp dụng.

GIẢI PHÁP NÀO CHO SINH HOẠT GĐPT HIỆN NAY?

Htr. Quảng Quý Nguyễn Bình San: Tôi thấy một giải pháp rất hiệu quả, đó chính là tổ chức các khoá trại, bởi các hoạt động của trại dễ đi vào lòng người hơn. Cho đến bây giờ được tham dự các khoá trại vẫn là điều mà tôi rất thích. Trại GĐPT khác với trại bên ngoài, nó có chất lượng và chiều sâu. Vẫn biết tốn kém về kinh tế nhưng nếu tổ chức định kì, hợp lí và biết nâng cao chất lượng thì rất dễ thu hút giới trẻ. Các khóa trại này, không nên làm đại trà, mà tổ chức chuyên ngành thì mới có chất lượng cao.

Htr. Quảng Đài Lê Thị Hoa: Tại trại Họp bạn ngành Thiếu toàn quốc vào tháng 8 năm 2007 vừa qua, tôi thấy các anh chị huynh trưởng đã tổ chức cho trại sinh thi tìm hiểu Phật pháp và kiến thức xã hội qua chương trình "Đường về xứ Phật", với sự áp dụng kỹ thuật công nghệ mới, đã lôi cuốn rất đông các trại sinh tham gia. Tôi nghĩ những chương trình "vui để học" như thế nếu được nhân rộng và tổ chức có bài bản thì sẽ thu hút được giới trẻ rất nhiều.

Htr. Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn: Theo tôi, trước hết chúng ta cần đặt ra một nhóm huynh trưởng chuyên làm công tác khảo sát về GĐPT, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của đoàn sinh, của tuổi trẻ Phật tử, xem họ nhận xét gì và thật sự muốn gì từ GĐPT. Mặt khác, nghiên cứu cách thức sinh hoạt của các tổ chức tuổi trẻ và thanh niên tôn giáo ở các nước, sau đó xâu chuỗi lại với nhau. Cần phải làm công tác này một cách bài bản và có mục tiêu rõ ràng.

Tôi cũng đã thử nghiệm một số phương pháp dạy đạo Phật cho đoàn sinh thông qua các phương tiện gần gũi với tâm sinh lý của các em, như thiết kế tranh truyện Phật giáo, tổ chức thi kể chuyện Phật giáo bằng hoạt cảnh thơ truyện…. Hằng tháng có sinh hoạt dã ngoại, họp mặt giao lưu với các GĐPT bạn, tìm hiểu di tích lịch sử v.v… Ngoài ra, cẩm nang Tu học sinh hoạt cho các ngành trong một năm cũng đã được xây dựng để các huynh trưởng dễ theo dõi và thực hiện… Qua thời gian thử nghiệm, những hoạt động này đã ít nhiều mang lại sinh khí tươi trẻ cho các em. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những việc làm mang tính cấp thời và tự phát. Văn nghĩ, chúng ta nên làm có chiến lược hơn, mà khởi đầu là bước khảo sát tìm hiểu như vừa nói.

PV: Thưa anh Nguyễn Đức Châu, anh có suy nghĩ gì về những điều mà các anh chị huynh trưởng trẻ vừa phát biểu, với tư cách là Phó Ban thường trực Phân Ban Hướng dẫn GĐPT TƯ?

Htr. Tâm Duệ Nguyễn Đức Châu: Tôi rất mừng là thế hệ đàn em hôm nay đã trưởng thành hơn thế hệ trẻ của chúng tôi ngày trước rất nhiều. Các anh chị ở đây là những người đại diện cho thế hệ huynh trưởng trẻ kế thừa sứ mệnh gánh vác GĐPT. Cá nhân tôi cũng như các anh chị có trách nhiệm, trong điều kiện hạn hữu, trước mắt là lo từng bước ổn định về tổ chức, phát huy nội lực, mở các khóa tu học, huấn luyện, các trại họp bạn và hội nghị nhằm đáp ứng dần dần các nhu cầu sinh hoạt trong thời đại mới. Phân Ban Hướng dẫn GĐPT TƯ có dự hướng trong năm 2008, sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề về Ngành Nữ GĐPTVN, san định tài liệu tu học và Hội nghị Huynh trưởng các khóa trại Vạn Hạnh. Tôi sẽ đề đạt ý kiến của các anh chị ở đây lên Phân Ban để sớm có hướng thực hiện tốt đẹp từng giải pháp cụ thể.

PV: Xin cám ơn và chúc các anh chị luôn dồi dào sức khỏe và đầy đủ Bi-Trí-Dũng lực trên bước đường xây dựng và phát triển Gia đình Áo lam.

Theo VHPG
 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here