Trang chủ Phật học Thiền tập và Giác Ngộ

Thiền tập và Giác Ngộ

220
0

Ngài Ajahn Brahmavamso là một người Anh đã từ bỏ công việc dạy học để xuất gia ở Thái Lan, tu tập theo giáo pháp Nguyên thủy dưới sự hướng dẫn của ngài Ajahn Chah. Khi còn là một học tăng, ngài đã được giao biên tập một bộ Luật bằng tiếng Anh; bộ Luật này hiện vẫn là nền tảng cho đời sống phạm hạnh ở nhiều tu viện Nguyên thủy phương Tây. Ngài là người lãnh đạo tinh thần của Hội Phật giáo Tây Úc (Buddhist Society of Western Australia), một tổ chức có nhiều thiện hữu thuộc các cộng đồng cư dân gốc Nam Á tham dự tu tập.
Bài viết dưới đây được trích từ pháp thoại của ngài Brahmavamso trình bày tại Hội Phật giáo Tây Úc ngày 4 tháng 2 năm 2000.

Thiền tập và giác ngộ

Khi quý vị hỏi đạo Phật là gì thật khó mà trả lời chỉ trong một vài lời. Quý vị phải trở về xem xét quá trình thực hành thiền định vì đó là then chốt, là cốt lõi, là trái tim của đạo Phật. Như mọi người đều biết, Đức Phật là một người bình thường đạt đến giác ngộ khi thiền định dưới một gốc cây. Cách đây ít phút quý vị cũng đã thực hành như thế trong khoảng nửa giờ. Tại sao quý vị chưa giác ngộ? Sự giác ngộ của Đức Phật quả thật là đã tạo ra một tôn giáo, ấy là Phật giáo. Đó chính là ý nghĩa, là trung tâm điểm của đạo Phật. Đạo Phật là đạo giác ngộ, chứ không phải chỉ là một lối sống lành mạnh, hay một lối tư duy khôn ngoan, hay học Phật là để nói chuyện một cách thông thái quanh bàn cà phê với bạn bè. Xin nhắc lại một lần nữa, đạo Phật là con đường đưa đến giác ngộ.

Trước hết quý vị cần có vài cảm nhận hay khái niệm về sự giác ngộ. Thỉnh thoảng có người đến nói với tôi rằng “Thưa thầy, con ngộ rồi”. Hoặc viết thư cám ơn nói rằng, “Nhờ sự dạy dỗ của thầy bây giờ con đã ngộ”. Có khi người ta ca tụng các vị thầy tâm linh của họ rằng đó là những bậc giác ngộ mà không hiểu rõ từ ấy có nghĩa là gì. Chữ giác ngộ có nghĩa là khai mở trí tuệ, một sự hiểu biết làm chấm dứt mọi khổ đau. Người nào chưa hết đau khổ thì vị ấy chưa tới bờ giác ngộ. Nếu một người còn đau khổ có nghĩa là họ chưa lìa bỏ được các dính mắc. Người còn lo âu về của cải, khóc than về cái chết của một người thân, người vẫn còn nổi giận, vẫn còn vui thú dục lạc, người ấy chưa giác ngộ.  Giác ngộ có nghĩa là đã vượt thoát ra ngoài và tự do khỏi những thứ ấy.

Đôi khi một vị Tỳ-kheo nói như thế có thể làm cho người ta e ngại hay xa lánh họ. Các tu sĩ có vẻ giống những người “wowsers”1 (sùng đạo), theo kiểu nói của người Úc. Họ không đi xem phim, không hành lạc, không có mối quan hệ nào, không đi nghỉ mát, không có thú vui nào. Thật là một mớ những wowsers! Nhưng điều thú vị, như nhiều người để ý, rằng một số người bình an, thảnh thơi nhất trong số những người quý vị gặp là những sư thầy, sư cô vẫn đến ngồi đây và giảng pháp vào thứ sáu. Các tu sĩ rất khác với những wowsers, và lý do là vì các vị ấy có được một niềm hạnh phúc mà Đức Phật đã chỉ bày cho họ. Mỗi người trong quý vị đều có thể nếm mùi vị hạnh phúc đó khi quý vị bắt đầu thực tập thiền.

Thầy Ajahn Chah

Buông xả

Đức Phật dạy rằng dính mắc là nguyên nhân đưa đến khổ đau và buông bỏ là nguyên nhân đưa đến hạnh phúc và là con đường đi đến giác ngộ. Nhiều người đã hỏi buông bỏ là gì? Tại sao phải buông bỏ? Đây là một câu hỏi khó trả lời và không thể trả lời bằng lời nói. Thay vì trả lời, tôi thường nói: “Bây giờ đã đến giờ thiền tọa, quý vị hãy ngồi xếp chân, an trú trong hiện tại”, bởi vì đây là cách dạy người ta buông bỏ. Ngoài ra, giờ phút cuối của buổi thiền tập cũng không kém phần quan trọng. Quý vị hãy tự hỏi, “Mình cảm thấy như thế nào?” “Mình đã thiền ra sao và tại sao như thế?” “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy là gì?”.

Người ta thiền là vì vui, thật thế. Người ta không thực tập để “đạt được một cái gì,” mặc dầu khi ngồi thiền quý vị đạt được nhiều lợi ích, chẳng hạn cải thiện sức khỏe và giảm căng thẳng trong cuộc sống. Qua việc tập thiền, quý vị có lòng khoan dung hơn, ít giận dữ hơn. Nhưng có cái gì đó hơn thế nữa – đó là niềm vui đơn thuần sinh ra từ thiền tập! Đây cũng là nguyên nhân khiến tôi đến với đạo Phật hồi còn trẻ. Đọc sách về thiền cũng vui nhưng chưa đủ. Chính khi tôi thực tập tôi cảm thấy bình an, rất thảnh thơi, thảnh thơi tới độ không ngờ cho nên tôi nhận ra đây là kinh nghiệm sâu sắc nhất của cuộc đời tôi. Tôi muốn thể nghiệm nó lần nữa. Tôi muốn xem xét kinh nghiệm ấy lần nữa. Tại sao? Tại vì một kinh nghiệm thiền tập sâu sắc có giá trị hơn ngàn lời nói, ngàn cuộc thảo luận hay sách vở hoặc lý thuyết. Những gì quý vị đọc trong sách là kinh nghiệm của người khác, không phải của quý vị. Đó chỉ là lời nói. Những lời ấy có thể gây cảm hứng, nhưng kinh nghiệm thật sự đem lại sự phấn khởi hơn. Nó thật sự làm trái đất rúng động vì nó làm sụp đổ mọi thứ mà quý vị bấy lâu vẫn nương tựa vào. Bằng con đường thực tập, quý vị mới thật sự hiểu buông bỏ là gì.

Nhìn nhận, tha thứ và buông xả

Nếu người nào gặp khó khăn trong khi thiền tập thì đó là do quý vị chưa học cách buông xả. Tại sao chúng ta không buông bỏ được những thứ đơn giản như quá khứ và tương lai? Tại sao chúng ta quá quan tâm đến những gì người khác nói về chúng ta hay gây ra cho chúng ta ngày hôm nay? Càng suy nghĩ về những thứ đó thì càng ngu ngốc làm sao. Quý vị biết đấy, cổ nhân đã từng nói, “Khi một người nào đó gọi quý vị là thằng ngốc thì khi mình hồi tưởng bao nhiêu lần thì mình bị mắng là ngốc bấy nhiêu lần”. Nếu quý vị buông bỏ ngay, quý vị sẽ không bao giờ nghĩ đến nữa. Người ta chỉ mắng quý vị nhiều lắm là một lần mà thôi. Thế là xong. Thế là hết. Quý vị được tự do.

Tại sao chúng ta tự giam hãm mình vào quá khứ? Tại sao mình không buông bỏ nó được? Quý vị có thật sự muốn giải thoát? Vậy thì hãy nhìn nhận, tha thứ và buông bỏ, mà chúng tôi gọi ở Úc là thần chú “AFL”2 (acknowledge, forgive and let go) – nhìn nhận, tha thứ, buông bỏ bất cứ thứ gì đã làm tổn thương quý vị, điều mà người nào đó đã nói hay làm, hay cuộc đời đã gây ra cho quý vị. Chẳng hạn, một người nào đó trong gia đình vừa qua đời, quý vị thường cố từ chối không chấp nhận sự thật đó, quý vị nghĩ rằng lẽ ra người ấy không nên ra đi sớm như thế. Hoặc là quý vị vừa bị mất việc và quý vị cứ suy nghĩ không ngừng rằng đó là điều lẽ ra không nên xảy ra cho mình. Hoặc là một việc gì đó bị thất bại và quý vị bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng đó là một sự bất công. Quý vị có thể tự đóng đinh mình trên cây thập giá suốt phần đời còn lại nếu muốn nhưng không ai bắt quý vị phải làm như vậy. Thay vào đó quý vị có thể nhìn nhận, tha thứ và học hỏi từ kinh nghiệm này. Buông xả cũng có nghĩa là tha thứ. Buông xả làm cho tương lai có thể tiếp diễn một cách tự do, không bị ràng buộc bởi quá khứ.
Gần đây tôi có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng Kampuchia ở Perth, là một cộng đồng theo đạo Phật. Theo truyền thống, bất cứ khi nào gặp rắc rối họ đều đến với các nhà sư. Họ đã làm như thế hàng thế kỷ nay. Tu viện là một trung tâm xã hội, trung tâm tôn giáo, và trung tâm tư vấn của cộng đồng. Khi các ông chồng cãi cọ với vợ họ chạy đến tu viện.

Hồi còn là một sư chú ở Thái Lan, tôi cũng đã gặp những trường hợp tương tự. Một hôm có một người đến gặp tôi và nói “Thưa thầy, cho phép con ở lại trong tu viện vài hôm”. Tôi nghĩ anh ta muốn học thiền cho nên hỏi, “Anh muốn tập thiền ư?” “Thưa thầy, không phải. Lý do con muốn ở lại đây là con vừa cãi nhau với vợ”. Thế là anh ta ở lại. Bốn hôm sau anh ta đến gặp tôi và nói, “Con thấy trong lòng yên ổn rồi, con xin phép về nhà”. Thật là một cách xử thế khôn ngoan. Thay vì đi đến quán bar và uống rượu say, thay vì đi gặp các bạn thân và kể lể bao điều xấu xa mà mình nghĩ vợ đã làm và làm gia tăng mối hiềm khích và nỗi bực dọc, anh ta đi đến ở cùng các sư, những người không bao giờ nói gì về vợ anh ta, những người luôn nhân hậu và bình an. Trong môi trường sống yên tĩnh, nhẹ nhàng đó, anh ta suy ngẫm về những điều đã làm và sau một thời gian anh ta thấy trong người khỏe khoắn hơn. Chùa chiền, tu viện đôi khi đóng vài trò là trung tâm tư vấn, hay trại tỵ nạn là như thế đó, nói cho đúng thì đó là nơi để thiên hạ đến để buông bỏ các vấn đề của mình. Như vậy có tốt hơn là cứ nghĩ ngợi quanh quẩn về quá khứ, nhất là khi chúng ta nổi giận với một việc đã qua đi? Khi chúng ta làm gia tăng sự bực bội thì chúng ta có thể nào nhìn thấy thực tại như nó đang diễn ra? Hay chúng ta đang nhìn sự vật qua lăng kính của sự tức giận, nhìn thấy lỗi chỉ ở trong người khác, chỉ nghĩ đến những điều tồi tệ người khác đã gây ra cho mình, không bao giờ thấy được bức tranh toàn cảnh?

Một trong những điều tôi để ý về cộng đồng người Kampuchia này là tất cả đều là nạn nhân dưới thời Pôn-pốt. Tôi biết một người đàn ông có vợ bị bắn ngay trước mặt anh ta vì ăn cắp một trái xoài. Chị ta đói quá cho nên hái một trái xoài. Một cán bộ Khme Đỏ thấy được, anh ta rút súng bắn ngay vào đầu chị ta, không cần xét xử. Khi anh này kể cho tôi nghe câu chuyện ấy, tôi nhìn vào mặt anh ta và những động tác cơ thể, thật kỳ diệu là anh ta không hề tỏ ra giận dữ, thù hận hay đau khổ. Có một sự chấp nhận lặng lẽ. Câu chuyện không nên xảy ra như thế, nhưng mà nó đã xảy ra.

Buông xả quá khứ để chúng ta có thể tiếp xúc với hiện tại và tự do trong tương lai. Tại sao chúng ta cứ luôn luôn mang nặng quá khứ? Dính mắc với quá khứ không phải là một lý thuyết xa xôi, đó là một thực tế. Chúng ta có thể nói “Ồ! Tôi chẳng có dính mắc gì cả”. hay nói, “Tôi rất vô tư, không hề dính mắc với cái gì”. Nghe qua mình thấy rất hay, rất thông minh, nhưng chẳng có giá trị gì. Quý vị biết là mình dính mắc khi mình không thể nào buông bỏ những điều mình cho là quan trọng, những điều gây cho mình khổ đau, làm cho mình mất tự tại. Dính mắc chính là sợi dây xiềng xích với những quả cầu buộc quanh chân mình. Chẳng có ai buộc cả. Ai cũng có chìa khóa để mở và trả tự do cho mình nhưng lại không dùng. Tại sao chúng ta tự hạn chế mình như vậy và tại sao chúng ta không thể buông bỏ tương lai, buông tất cả những lo âu? Quý vị có lo lắng về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai hay tuần sau hay không? Tại sao lại làm như thế? Bao nhiêu lần quý vị đã lo lắng trước một bài kiểm tra, một kỳ thi, một lần đi khám bệnh, đi nha sĩ? Bạn có thể lo lắng đến phát bệnh và khi đã sẵn sàng để đi đến nha sĩ thì mới nhớ ra mình đã hủy cái hẹn đó rồi và bây giờ không cần phải đi nữa!

Trên thực tế mọi điều sẽ không bao giờ xảy ra như mình dự đoán. Quý vị cũng đã biết rằng tương lai không thấy trước được, vậy thì vì sao phải lo âu về nó? Chúng ta chẳng bao giờ biết được việc gì sẽ xảy ra trong giây phút kế tiếp. Khi buông bỏ được quá khứ và tương lai, ta thấy được con đường dẫn đến tịch tĩnh. Lúc đó chúng ta bắt đầu biết thế nào là bình an, tự do, tự tại.

Có những dấu hiệu cho thấy mình đã đi đến chỗ giác ngộ. Đó là thấy được các dính mắc của chúng ta có nguồn gốc từ ngu si. Chúng ta thật sự không cần phải như thế. Khi chúng ta thiền quán càng sâu, chúng ta buông bỏ càng nhiều. Buông bỏ càng nhiều, chúng ta càng cảm thấy an lạc. Vì thế cho nên Đức Phật gọi con đường này là con đường tu tập tuần tự. Đó là con đường dẫn người ta đi từng bước, và mỗi bước đều có lợi lạc, có phần thưởng. Đó là lý do vì sao đây là con đường vui và những gì đạt được trên đường làm chúng ta vui hơn và phần thưởng mỗi lúc đều có giá trị cao hơn. Thậm chí chỉ cần đi một bước đầu tiên quý vị sẽ nếm được niềm vui.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi thực tập thiền. Đó là ở trong phòng Wordsworth, ở Kings’ College, Đại học Cambridge. Trước đó tôi chưa bao giờ tập thiền, cho nên tôi chỉ ngồi xuống trong năm mười phút gì đó với những người bạn cùng lớp. Tuy ngồi chỉ trong vòng mười phút tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác ấy. Có một âm thanh gì đó vang vọng trong tôi và bảo tôi rằng đây là con đường dẫn tới điều kỳ diệu. Trước đây tôi vẫn tranh luận với bạn bè quanh ly cà-phê hay ly bia về đủ các loại triết học, nhưng các cuộc tranh luận ấy cuối cùng chỉ đưa tới chỗ cãi nhau, và chẳng làm ai hạnh phúc hơn. Thậm chí là những giáo sư tầm cỡ trong trường mà chúng tôi biết rõ dường như cũng chẳng có hạnh phúc gì. Đó là một trong những lý do làm cho tôi không còn tiếp tục con đường học thuật. Họ là những người rất giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình, nhưng ngoài môn học đó, họ cũng ngu si giống như những người tầm thường khác. Họ cũng tranh cãi, cũng lo âu và căng thẳng như bao người khác. Và điều đó làm cho tôi bị choáng. Tôi tự hỏi vì sao những giáo sư đại học thông minh, danh tiếng như thế mà lại chẳng có hạnh phúc. Vì sao thông minh, tài giỏi vẫn không đem lại hạnh phúc cho con người? Tôi muốn nói đến hạnh phúc trọn vẹn, hài  lòng thật sự và an lạc sâu sắc.

Hài lòng và an lạc thật sự

Người đầu tiên mà tôi gặp có được sự hài lòng và an lạc thật sự là vị thầy của tôi ở Thái Lan, thầy Ajahn Chah. Có điều gì đó kỳ diệu ở trong con người này. Tôi nhìn thầy và tự nhủ, “Mình muốn được như thế, muốn có sự hiểu biết và bình an như thế”. Người ta đến từ khắp nơi trên thế giới để gặp thầy. Người ta đến không chỉ đơn thuần vì thầy là một ông thầy tu nên người ta phải tỏ ra khiêm hạ, hay phải tán tụng. Có người đến với mục đích tranh luận, cố bắt bẻ hay thậm chí để la hét một điều gì đó. Tôi còn nhớ một câu chuyện về lần đầu tiên thầy sang nước Anh cùng với Ajahn Sumedho cách đây chừng hai mươi năm. Trong khi thầy đi khất thực xung quanh vùng Hampstead thì có một tay côn đồ chợt nhìn thấy. Hắn tiến tới ông thầy tu ăn mặc kiểu châu Á kỳ cục này và tung ra một quả đấm ngay mũi thầy nhưng bị hụt, rồi hắn tung một cú đá, cũng hụt nốt. Dường như hắn muốn nắm lấy bộ áo quần kỳ dị này và quấn ông thầy tu nhỏ bé vào bên trong. Ajahn Chah không hề biết là mình sắp bị đánh, vì thầy luôn luôn bình thản, tự tại, cũng chẳng hề tỏ ra giận dữ chút nào. Sau đó thầy nói nước Anh là một nơi chốn tuyệt vời và sau này thầy muốn gửi các thầy lớn qua đây để tự kiểm tra. Về phần thầy, thầy luôn luôn có tâm buông xả.

Thật dễ nói “Tôi đã giác ngộ”, nhưng khi có chuyện như thế xảy ra thì có lẽ quý vị đã bỏ chạy cả cây số. Cũng ở trong vùng Hamstead này lúc ấy có một ông thầy tu đi dạo vào buổi chiều và tình cờ đi ngang qua một quán rượu. Ông thầy ấy không biết ngày hôm ấy có một trận đấu bóng đá giữa đội Anh và đội Scotland. Trận đấu đã xong và các cổ động viên Scotland đang uống rượu trong đó. Lúc này tivi đang chiếu một phim võ thuật trong đó có một ông thầy tu hồi nhỏ được gọi là “châu chấu”. Các cổ động viên say bí tỉ này nhìn ra cửa sổ và la lên, “Ô kìa, châu chấu kia kìa!”. Và ông thầy tu kia nghe tiếng người  la hét và chạy đuổi liền bỏ chạy. Họ cùng nhau đuổi theo ông thầy này về tới tu viện. Ông “châu chấu” chạy thục mạng nhưng cũng không thoát. Nếu quý vị có thái độ buông bỏ như thầy Ajahn Chah đã thể hiện ở Hampstead thì quý vị biết mình đang tiến đến chỗ giác ngộ.

(Trần Ngọc Bảo dịch, theo VHPG)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here