Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Thư Đỗ Hồng Ngọc gởi Cao Huy Thuần nhân đọc “Thấy Phật”

Thư Đỗ Hồng Ngọc gởi Cao Huy Thuần nhân đọc “Thấy Phật”

238
0

Ngày Rằm tháng Tư, tôi nhận được lời chúc Phật đản, lời hỏi thăm cùng lá thư đính kèm qua email từ anh Đỗ Hồng Ngọc, những chia sẻ như thường anh vẫn dành cho tôi. Thư đính kèm là những cảm nhận về cuốn sách  "Thấy Phật" của Cao Huy Thuần vừa được ấn hành trong nước. Bức thư này, anh nói, anh viết gởi cho tác giả Cao Huy Thuần, nay gởi cho tôi "để đọc cho vui". Thư gởi cho tác giả "Thấy Phật", dĩ nhiên là CÁCH riêng của Đỗ Hồng Ngọc, nhưng không là CHUYỆN của riêng anh. Ít ra là tôi thấy vậy, nên mạn phép gởi cho web site Liễu Quán, trong tinh thần "tùy nghi" anh vốn tâm đắc. Tôi mong việc làm này cũng được anh, cả tác giả Cao Huy Thuần hoan hỷ… tùy thuận. (Tâm Hải)

 

Anh Cao Huy Thuần ơi,

Tôi viết thư này cho anh đúng vào ngày Phật đản, cũng ngộ! Tình cờ thôi. Tôi mới nhận được cuốn Thấy Phật của anh hôm qua, đọc và viết liền cho anh vài “cảm xúc”, kẻo nguội. Nhìn lại lịch, thì ra là ngày Phật Đản!

Tôi mừng cho anh, anh Thuần à, mừng anh đã “Thấy Phật”, à mà không, anh thấy pháp thân của Phật, à mà không nữa, anh thấy Như lai. Phật là Như lai nhưng Như lai không phải Phật, Như lai là như lai. Là cánh hoa mai nở thiên thu giữa đêm trừ tịch, là cánh hoa đào “năm ngoái” vẫn còn cười với gió đông. Thật ra anh biết đó, làm gì có hoa đào năm ngoái, hoa đào thiên thu thì có, đời đời kiếp kiếp, chẳng sinh chẳng diệt thì có. Nó cứ việc nở với gió đông và ngộ thay, nó cười mỉm, cười mũi vào anh chàng thi sĩ ngờ nghệch kia cứ tưởng hoa đào năm ngoái của anh còn đó để mà than thở nhân diện đào hoa nay đã về đâu? Về đâu? Chẳng về đâu cả, bởi chẳng đến từ đâu.  Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ… Tôi khoái cái “tiếu đông phong” của hoa đào trong thơ Thôi Hộ. Cái hoa đào đó nó cười tủm tỉm anh chàng thi sĩ chưa thấy biết như lai kia. Còn người đẹp nhân diện đào hoa nọ có mất đi đâu bao giờ, có nhat phai bao giờ đâu, ngàn năm trước ngàn năm sao vẫn vậy, vẫn tương ánh hồng mãi đó thôi. Chỉ có chàng thi sĩ loay hoay trong cái ngã của mình, là ta, của ta, nên mới buồn rầu, than thở. Anh không phải là chàng thi sĩ đó, nhưng như anh nói, cũng chỉ là một người mù với chiếc gậy, tệ hơn, “mắt mở nhưng nào thấy” như phần đông chúng ta, trong đó có tôi. Nhưng vì anh là một Phật tử trí thức, tôi không tin là anh “xớ rớ uyên thâm”  như người ta vẫn nói mà anh quả đã có con đường để đi, để thấy, để “ngộ” và để “nhập”.  Tôi tin anh đã thỏng tay vào chợ từ lâu.  Anh đã thấy hoa mai nở giữa đêm trừ tịch, anh đã lại thấy mặt trăng tròn nhất, sáng nhất giữa ngày Vu lan, và anh còn thấy được cả bầy khỉ nắm đuôi nhau mò trăng đáy nước, chẳng chịu nhìn lên một chút! Có điều khi thấy biết (tri kiến) như vậy rồi thì người ta thường ú ớ, nói không đựơc, bất khả thuyết, nên phải dùng ẩn dụ, ngụ ngôn. Thấy Phật của anh đầy những ẩn dụ, ngụ ngôn là vậy. Nói vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy. Tức phi thị danh. Anh bắt chước Pháp Hoa kể chuyện trên trời dưới đất để “ẩn đi chỗ khác” mà chỉ đây là diệu pháp, kia là liên hoa, đưa đạo vào đới, cư trần lạc đạo, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Anh nhìn bất nhị, anh thấy cái chẳng khác trong cái chẳng một, nên chẳng cần dính mắc đó đây.

Nhưng thú vị nhất trong Thấy Phật, theo tôi, là anh đã bắt chước người xưa mà đi “Chăn Trăng”. Đầu tiên là anh mơ trăng, rồi nhìn trăng, thấy trăng, theo trăng, tán tỉnh đùa cợt với trăng để rồi sau cùng.. trời ơi, hóa ra đằng sau trăng là nguyệt! Chả có trăng nào cả. Anh theo trăng mà gặp nguyệt! Tôi bỗng nhớ Trịnh Công Sơn. Từ khi trăng là nguyệt, cho tôi bóng mát thật là… Thật là sao thì chàng không nói được, chàng ú ớ, bất khả thuyết. Cái không may của Trịnh là “từ khi em là nguyệt”, thì “trong ta có những mặt trời”!

Anh Thuần, anh “chăn trăng” là để thấy nguyệt. Nhìn trăng thấy Phật. Nhìn Phật thấy như lai. Ấy là con đường tất yếu.  Nếu không vậy thì Bồ tát Thường Bất Khinh đâu có cả đời chắp tay cung kính vái chào mọi người, rằng “Ngài sẽ là một vị Phật tương lai”,. Vấn đề còn lại là mê ngộ như anh nói. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Nhưng ngộ cái gì, ngộ cái đằng sau trăng là nguyệt, nguyệt như lai, nguyệt vĩnh hằng, thường lạc ngã tịnh. Nó vằng vặc ngàn đời, nó tự tròn đầy, nó không dao động… Anh nói ”Bây giờ tóc bạc cả rồi, đọc đoạn kinh Ta ẩn đi chỗ khác mà họ không biết, tôi rung động cả người” thì tôi hiểu cái sự rung động đó của anh, đó là cái rúng động của sáu thức đã chuyển hóa thành diệu quan sát trí, khi người ta đã biết nhìn  “với mắt ở trong lòng”, mắt Tuệ, mắt Không.

Cho nên khi một nhà văn, một trí thức, chữ nghiã như anh mà ú ớ, mà nói không được,  mà rúng động, thì tôi không ngạc nhiên chút nào cả khi đọc mấy câu thơ “hò hẹn” của anh, khi khép lại cuốn sách. Khác với Trịnh Công Sơn, “những hẹn hò từ nay khép lai”, với anh, thì những hẹn hò từ nay… mở ra!

                                     Đâu có lạ quen gì
                                     Gặp nhau không hò hẹn.

Bởi nó là ‘cái đó”. Nó vậy đó! Cho nên tôi mừng anh chẳng những Thấy Phật mà còn thấy cả “cái đó’, Tathagata.
                                                               
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here