Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Hoài niệm nhân mùa Phật đản

Hoài niệm nhân mùa Phật đản

187
0

Vào mùa sen nở, Phật Lịch 2553, từ thượng tuần tháng tư năm Kỷ Sửu, 2009 mọi sinh hoạt trong đời sống dân gian đô  thị Huế diễn ra khá tưng bừng, nhộn nhịp. Hoà chung trong không khí chuẩn bị đón mừng ngày Đức Thế Tôn thị hiện cứu độ chúng sanh, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, Ban Trị sự tỉnh GHPG Thừa Thiên Huế đã tổ chức triển lãm với chủ đề: “DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO PHÚ XUÂN”, từ ngày 9/4 âm lịch đến hết ngày Rằm tháng Tư (3-9/5/2009). Hai nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và Nguyễn Hữu Thông suốt đời nặng tình với quê hương xứ Huế đã sẵn sàng và dọn lòng tham gia theo lời mời của Chư Tôn đức trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà.

Vào chiều ngày 10 tháng tư âm lịch (4/5/2009), tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn trình bày đề tài: “Di sản văn hóa Phật giáo dưới thời các chúa Nguyễn”. Nhân dịp diễn giả nhắc đến cụ Nguyễn Khoa Chiêm, tác giả sách “Nam triều công nghiệp diễn chí”, ấn hành năm 1719, có nói đến về lễ Phật đản năm 1603 được tổ chức tại chùa Sùng Hoá, cõi Hoá Châu, đã khiến cho tôi vui mừng khôn xiết. Chúng tôi rất tỏ lòng kính phục và tri ân sâu xa đến tác giả. Không biết tác giả đã viết trong thời gian bao nhiêu năm để cho ra mắt bạn đọc bộ sách quý giá này. Không những người Việt thừa nhận mà các nhà nghiên cứu nước ngoài như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hòa Lan… đều tỏ lòng trân quý, trí tuệ và đạo hạnh của tác giả Nguyễn Khoa Chiêm viết về Xứ Đàng Trong.

Viết về cảnh tượng lễ Phật đản ở Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế xưa nay thì có rất nhiều tác giả trong nước và nước ngoài như Cadière, Thạch Liêm thượng nhân, Trần Kinh Hòa… Nhưng chưa có ai mô tả khá thật rõ nét như tác giả Nguyễn Khoa Chiêm gốc xứ Hải Dương của đất Bắc Hà. Ông đã từng sống với Thuận Hoá và đã gởi tấm thân tứ đại giữa lòng đất cố kinh. Nhờ thế Huế mới thấm đẫm hồn non nước qua nội dung và văn phong kỳ vỹ của tác giả Nguyễn Khoa Chiêm.

Nguyễn Khoa Chiêm đã miêu tả cảnh tượng ngày lễ Phật Đản thiêng liêng và uy nghi tại chùa Sùng Hóa vào năm Quý Mão, PL: 2147, cách đây 406 năm, uy ngi và hoành tráng còn hơn lễ Vu Lan vào năm trước 1602 trong tác phẩm NAM TRIỀU CÔNG NGHIỆP DIỄN CHÍ,  như sau:

“Năm Quý Mão, niên hiệu Hoằng Định thứ tư (1603), mùa hạ, tháng tư, Đoan Vương Nguyễn Hoàng lại sai thỉnh nhà sư Trú trì đứng ra mở hội Đại Pháp đọc kinh Đại Thặng, giải phép Thượng Thặng cứu độ cho chúng sinh ba đường, sáu lối, cầu siêu cho bảy tổ chín huyền được vẹn thành chính giác. Trong ngày hội ấy thần dân thiên hạ kéo đến xem hội rất đông, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen cho là khá sánh với hội lớn Vô Già. Mọi bề công đức hoàn thành, lòng chúa Đoan vương hết mực thư thái. Từ đó vương rộng mở thi hành nhiều việc chính sự giáo hóa, ơn chăm trăm họ, bề tôi tuân phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến viếng thăm, thiên hạ đều xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời thái bình”.

Hình ảnh chùa Sùng Hóa đã được miêu tả trong tác phẩm như sau:

“Chùa ở xã Lại Ân, huyện Tư Vinh, trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh phía nam có sông Hoài Tài, phía Bắc có bia Sùng Phúc. Tượng thần tôn nghiêm, cung tiên nguy nga. Vào những ngày lễ tiết tế lễ, các quan ở nha môn, vệ sở, tam ty đều đến tham dự, mũi áo lễ nhạc tụ tập như mây. Khi cầu đảo đều được linh ứng. Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa châu”.

Nay, ai muốn về thăm chùa quan hay quốc tự Sùng Hóa xưa mà nay là chùa Lại Ân có tên dân gian là “làng Sình” nổi tiếng làng văn hiến, với các lễ hội vật võ đầu xuân, trồng hoa, làm hoa giấy cạnh các làng cổ Mậu Tài, Thanh Tiên, Qui Lai thì thuê thuyền rồng hoặc đò đò dọc mà đi để vừa ngắm cảnh sông Hương vừa viếng lại xứ chùa chiền ở hai bên bờ sông và kể cả thành cũ Hóa Châu đã tàn phế:“Đò từ Đông Ba, đò từ Vỹ Dạ, thắng ngã Ba Sình.
Chúng tôi cũng thiết nghĩ nên có một tour du lịch bằng đường thủy như lộ trình mà dân gian đã vạch qua câu hò mái đẩy thì kỳ thú biết dường nào, vì rằng: Quê tôi có gió bốn mùa / Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm, như nhà thơ Nguyễn Bính đã sáng tác trong thời gian ngắn ngày sống với xứ Huế thân thương.

Và du khách nào đến Huế hôm nay cũng xin mời đến thăm chùa Ba La Mật, nhà thờ họ Nguyễn Khoa ở làng Vỹ Dạ, chùa Tra Am ở xã An Tây, lăng mộ Nguyễn Khoa Chiêm ở làng An Cựu mà nay thuộc khu vực dưới chân núi Ngự Bình để nghe tiếng lòng của dân gian nói về giòng tộc Nguyễn Khoa đóng vai trò hộ pháp cùng với nhạc phụ của mình là Đại thần Trần Đình Ân đã từng chọn Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên xưa làm quê hương.

Nhân mùa Phật đản, PL. 2553, hơn ai hết người sông Hương xin dọn lòng thành kính mừng ngày Đức Thế Tôn thị hiện, thắp nén hương lòng quỳ lạy tưởng nhớ đến các bậc tiền bối lâu đời, lâu kiếp, nhớ đến các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã có công xây dựng kinh đô, đền đài, miếu vũ, chùa tháp…và các tác giả đã dày công biên khảo, sáng tác để lại cho đời sau những tác phẩm, di vật quý giá. Chúa Nguyễn Hoàng, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu và các Vua Nguyễn đã đóng vai trò hộ pháp rất hiệu quả trong việc trị nước an dân. Xin tri ân các nhà nghiên cứu tiền bối như, Dương Văn An, Đào Duy Từ, Nguyễn Khoa Chiêm, Lê Quý Đôn….đã để lưu lại cho đời sau những bút tích, di vật quý giá. Xin tri ân những nghệ nhân các ngành nghề đúc đồng, tạc tượng, thêu may, in ấn … và các nhà lưu giữ cổ vật đã phân tích lý giải ý nghĩa của từng di sản văn hóa Phú Xuân một cách nghiêm túc, cẩn trọng… để người cho người đời sau thấy được bóng đổ thời gian.
 

Lê Quang Thái

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here