Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Phật giáo Quảng Bình: Chờ vụ gieo giống

Phật giáo Quảng Bình: Chờ vụ gieo giống

167
0

Quảng Bình là miền đất không xa mà tôi chưa thăm, trừ một lần tham quan Động Phong Nha, nhưng tôi biết Quảng Bình nhờ những người nơi đó vào làm việc, sinh sống, học tập tại Huế. Hơn thế, có cái gì đọng lại từ thời niên thiếu khi học lịch sử: đó là “Hận sông Gianh”, là nỗi đau chia cắt đất nước từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Ngoài ra, tôi có thể kể thêm một chút kỷ niệm ngọt ngào: cô nghệ nhân đàn tranh tài hoa Nguyễn Thị Diệp đã dạy đàn tranh cho con gái tôi ca khúc nổi tiếng “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân, mang đậm âm hưởng dân ca, khiến bây giờ tôi nhập tâm: “Quảng Bình, bao mến thương, khoan khoan hò khoan!…”.

May mắn cho tôi, lần này tôi được đi theo quý thầy ra làm Phật sự ở Quảng Bình, đi về trong một ngày. Con đường quốc lộ 1 trải nhựa êm ái, cảnh vật đang vào xuân, không có một chút gì dấu tích do chiến tranh để lại, trừ những đài liệt sĩ; và dòng sông Bến Hải, ngày nào tủi hờn chia cắt hai miền, thì nay hiền hòa, trong xanh; cây cầu Hiền Lương cũ nép mình, an phận làm nhiệm vụ chứng tích lịch sử, nhường cho câu cầu hiện đại, xe cộ tấp nập đông vui.

Phổ Minh, ngôi chùa duy nhất ở TP. Đồng Hới

Nơi chúng tôi muốn đến đầu tiên là chùa Phổ Minh. “Ngôi chùa trước đây do Hòa thượng Phổ Minh kiến tạo từ năm 1920. Ngôi tổ đình với gần 100 tuổi này một thời từng là trung tâm Phật học nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, là nơi xuất thân của nhiều bậc cao tăng đạo hạnh có những đóng góp quan trọng cho sự hưng thịnh của Phật giáo nước nhà nói chung, Phật giáo Quảng Bình nói riêng trong những thập niên 50, 60 của thế kỷ 20. Đặc biệt tại ngôi chùa này hiện còn lưu giữ được 14 pho tượng Phật cổ của Tổ đình Sắc Tứ Minh Đức xưa – một ngôi cổ tự do thập nhị tôn tộc (12 dòng họ) làng Đức Phổ đứng ra thành lập từ đầu thế kỷ 17, nhưng nay đã không còn” 
Đoàn chúng tôi không có ai rành Quảng Bình. Khi đã ngồi trong xe, một vị bắt điện thoại đến một người vốn là cán bộ và am hiểu Quảng Bình, nhưng vị này đã đi xa. Vậy thì tìm đường chỉ ở trên … miệng! Chúng tôi hỏi địa chỉ chùa Phổ Minh, từ người bán hàng đến anh thợ sửa xe, chị bán thuốc tây, em học sinh,… e cũng hỏi gần đến mười người, ai cũng lắc đầu, may mắn cuối cùng hỏi một ông cán bộ (nhìn tác phong và cách nói năng, tôi đoán thế), chúng tôi mới lần đến chùa.

Đây rồi, ngôi chùa duy nhất của thành phố Đồng Hới! Chùa khá bề thế như một ngôi chùa thường thấy ở Huế, cổng tam quan lớn, đặc biệt ngôi tháp tổ uy nghi; bên trong chánh điện thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, các tượng cổ; hai bên chánh điện có chuông, trống lớn. Ngoài ra, chùa còn thờ long vị tổ của chùa và long vị của các chùa bị hủy hoại trong chiến tranh, đưa về thờ ở đây. Duy chỉ có khuôn viên không rộng, và chùa thiếu hài hòa với cây xanh. Dầu sao, ngôi chùa lớn hơn tôi mong đợi, vì tôi nghĩ rằng, hơn nửa thế kỷ qua, Phật giáo hầu như vắng mặt ở thành phố này, cho nên không trông mong cái gì mầu nhiệm. Trùng tu ngôi chùa được như thế này là một Phật sự rất có ý nghĩa của Phật tử Quảng Bình. Nhưng khi tham quan chùa, và tiếp xúc với những vị có trách nhiệm, mới thấy nhiều chuyện khiến mình bâng khuâng khó tả.

Chùa như thế mà không có tăng, chỉ có một vị bán thế xuất gia, nói rõ hơn là vẫn đang có đời sống gia đình, người đã già, nhưng mạnh khỏe. Cảm giác có gì khó tả, hụt hẫng, nhưng nghĩ lại …, thôi thì biết đâu mình hạnh ngộ một chứng nhân đàng hoàng, còn giữ phần nào hồn thiêng của đạo pháp sau một thời gian dài dập vùi, như một cây cổ thụ trãi qua bao mùa mưa bão vẫn chưa trốc gốc, để hôm nay, vẫn có thể lên tiếng: Phật giáo Quảng Bình có mặt! Và chính vị này đã từng có mặt nên chùa vẫn có hơi thở trong cuộc sống muôn vàn khó khăn của dân Quảng Bình, để bây giờ mới có cái thế để trùng tu. Chùa đã tổ chức lễ khánh thành trọng thể ngày 26/01/2007. Kinh phí về xây dựng và tiền cúng dường được thể hiện trên mấy tờ giấy đính trên tường: 279.860.310 đồng. Danh sách dài ghi tên và địa chỉ tất cả người cúng dường với số tiền đóng góp; rõ ràng đây là những viên gạch xây dựng chùa, cũng là viên gạch xây nền móng trở lại của Phật giáo Quảng Bình.

Tôi không mấy khó khăn để biết tổng quát về sinh hoạt Phật sự của chùa. Trước hết, tôi tin vào việc hương khói của thầy quản lý, cũng như giữ thanh tịnh cho chùa; vả chăng, chùa này thì cũng như nhà của thầy, chùa gắn bó cuộc đời thầy. Bổn đạo của chùa chắc chắn là khá đông, và thường đến chùa ngày rằm, mồng một, dâng hương, cầu nguyện chư Phật. Tôi đọc được nội quy viết tay, treo trên tường, xin chép nguyên văn:

Nội quy hướng dẩn.
Thắp hương lể Phật tại chùa.

Khách thập Phương và Chư để tử đến Chùa Thắp hương lể Phật. Nếu có hương hoa quả Phẩm thì báo giao cho tăng đạo trực chùa, Đặt lể cho. Sau đó mới thắp hương Lể Phật. Lể Phật xong có tiền mời khách Thập phương và để tử trực tiếp tự tay mình bỏ vào Thùng Phước Sương (Lập Phúc).
Để đề phòng Hỏa Hoạn – mổi người chỉ được thắp 3 cây hương, hoặc do tăng đạo Trức, Thắp giao cho. Sau đó quý khách và chư đệ tử, dâng hương ngang Trán, cầu nguyện (quỳ hay đứng tùy ý) theo yêu cầu nguyện vọng của mình, Nhờ ơn trên Phật thánh phò trì gia hộ cho. Khấn nguyện xong cắm hương vào lư chánh điện và 2 bên, mổi lư 1 cây không cắm nhiều hơn. Các nơi khác chỉ vái lạy không được thắp hương nữa. Trừ những gia đình có ký tự vào chùa thì phải thắp hương sau bàn linh cho vong linh của mình.
Tăng đạo trực chùa phải thường xuyên nhắc nhở quý khách và chư đệ tử, thực hiện tốt nội quy này./.
      Phổ minh, ngày 25 – 01 – 2009
      TM. Ban quản Trị Chùa Phổ Minh
      TT. Thích Siêu Minh.

Tôi xin chép lại nguyên văn bản nội quy này không có ý gì khác, ngoài việc để người đọc nhận ra thực trạng của Phật giáo tại đây, qua thể hiện tại chùa Phổ Minh. Ở đây không có đạo tràng, không có giảng pháp, không có thiền, chỉ có một niềm tin đạo Phật qua hình thức tín ngưỡng dân gian (Phật Thánh phò hộ). Chính niềm tin này bắt rễ trong dân, qua bao năm tháng, qua thăng trầm lịch sử, qua bao nổi khó khăn nhọc nhằn, để ngày nay đón thời kỳ mới mà giá trị tâm linh được nẩy nở. May sao, niềm tin còn một chút này! Nhưng thật không may, nếu đạo Phật cứ thể hiện như thế, và chỉ như thế.

Rời chùa Phổ Minh, chúng tôi đến nghĩa trang thành phố Đồng Hới. Nghĩa trang mênh mông, bằng phẳng, sáng lên trong nắng xuân, đất đai có phân lô đàng hoàng, tất cả đều được xây, rất nhiều ngôi mộ nhỏ, giống nhau, như được quy tập, nhưng cũng có nhiều ngôi mộ cầu kỳ. Nghĩa trang được bao bọc xung quanh là rừng cây xanh um. Cô gái dẫn đường cho chúng tôi cho biết sáng mồng một Tết, toàn dân đi thăm mộ, đông vui không thể tả. Mộ của người Thiên Chúa giáo thì có cây thập tự giá rõ ràng, “họ làm lễ, cầu kinh hay, nghe mê luôn!”, cô gái bảo thế. Còn mộ nào đây của người Phật tử? Không thể biết vì không có gì phân biệt, chỉ thấy nhiều, nhiều lắm hoa văn trang trí theo kiểu dân gian Huế ảnh hưởng đạo Phật: bình phong, bia, long lân quy phụng, búp sen; đặc biệt có lăng mộ, nhà bia rất hoành tráng, cầu kỳ, lại có tháp bảy tầng như tháp Linh Mụ! Ảnh hưởng này có thể ngày càng phai nhạt ý thức Phật giáo của người dân, vì sau này, đạo nào cũng dùng bông sen trang trí.

Rời nghĩa trang, chúng tôi tìm một nơi nào đó thuận tiện để dùng bữa trưa. Đó là một quán chè bên đường, đúng hơn là ngôi nhà khá lớn, dành phòng mặt tiền để bán chè. Buổi trưa, quán ế khách, chúng tôi dễ dàng bày biện thức ăn đem theo, nghỉ ngơi thoải mái, tiện nghi. Chị chủ nhà và người phục vụ niềm nở tiếp đoàn khách. Khi ra về, chúng tôi cảm ơn và xin gửi lại một chút gọi là một giờ nghỉ ngơi, nhưng chị chủ nhà cương quyết không nhận, chỉ nhận tiền chè – ly to mà ba ngàn đồng, quá rẻ! – và vui vẻ thưa: “Mấy thầy và sư cô vào quán con thì con vui rồi, có chi mô!”. Thật đáng quý tấm lòng kính trọng người tu hành, một nét đạo đức từ xa xưa đọng lại trong lòng dân, mặc dầu mấy người này nói với tôi: không hiểu Phật, không biết Phật đản là gì, chùa Từ Đàm ở đâu.

Niềm bâng khuâng do những gì chứng kiến theo tôi trên đường về. Chúng tôi ghé vào thăm chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (tỉnh Quảng Trị), ngôi chùa mà trong đoàn có người chưa hề biết đến. Tôi đã có lần đến đây, nhưng lần nào cũng thấy lâng lâng trước cảnh bao la của cảnh quang ngôi chùa, của cây xanh bóng mát trên con đường dài từ ngoài quốc lộ rẻ vào chùa, và của ngôi chánh điện vô cùng uy nghi. Thật là vui mừng khôn tả, sau khi chúng tôi về Phật sự tại Quảng Bình, thấy chùa mà không thấy tăng, thì vừa xuống xe vào chùa Sắc Tứ, được quý thầy niềm nở đón tiếp. Hai tỉnh láng giềng mà sao tình cảnh Phật giáo lại khác biệt đến thế? Không lẽ con sông Bến Hải lại còn ngăn đôi Phật giáo hai miền, ít nhất là ngăn đôi Bình Trị Thiên? Phật giáo đồng hành với dân tộc, không lẽ đến Quảng Bình thì … nửa đường đứt gánh? Vai trò của Phật giáo Huế, một trung tâm Phật giáo của cả nước, là ở đâu đối với vùng khó này? Và tất nhiên, giáo hội trung ương?

Phật giáo Quảng Bình cần một tổ chức với nhân sự đàng hoàng; chùa và Phật tử cần tăng ni; những ngôi chùa đã bị phá hủy trong chiến tranh cần xây dựng lại. Hầu như tất cả trở lại từ đầu, giống như một vùng đất mới: Cần một vụ gieo giống, từ đó chánh pháp mới nẩy nở.
 
Tháng 4/2009
Cao Huy Hóa (Theo Văn Hóa Phật  Giáo số 80)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here