Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Về một ngày Đại lễ năm xưa

Về một ngày Đại lễ năm xưa

179
0

Những ai đã từng là con dân của xứ Huế, của chốn kinh đô cổ kính ắt không thể nào quên những ngày Đại Lễ của Phật giáo, một tôn giáo đã từng ăn sâu, bén rễ qua nhiều thế hệ. Hơn 90% là con Phật nên người dân xứ Huế rất tự hào và có cảm tưởng là được sinh sống trên miền đất thánh của đạo Phật. Khách tham quan không thể hình dung nỗi là những người con Phật đã chuẩn bị như thế nào và từ bao giờ mà mọi đại lễ đều diễn ra rất quy củ, rất chu đáo và rất thành công.

Năm 1961, Đại lễ Phật đản đã diễn ra vô cùng trọng thể và hoành tráng, có thể nói là độc nhất vô nhị, ai đã từng được tham dự, chứng kiến, chiêm ngưỡng một lần là không thể nào quên trong đời.

Tuy là một Phật tử nhưng Đại lễ Phật đản năm đó tôi không đứng vào hàng ngũ mà đóng vai một người khách tham quan để có thể di chuyển dễ dàng khắp mọi nơi nên đã chứng kiến nhiều sự kiện vô cùng đặc sắc về ngày Đại lễ.

(Ảnh TL gia đình ông Nguyễn Thái Sơn)

Từ sáng tinh mơ các Phật tử của tất cả các khuôn hội đều đã tề tựu đông đủ, rộn rịp sửa soạn để diễu hành đến lễ đài. Sáng hôm đó, bầu trời rất quang đãng, nắng reo vui trên lá cành, không khí mát mẻ dễ chịu, phong cảnh thật là hữu tình. Đây là một khuôn hội ở hữu ngạn sông Hương, một trong hàng trăm khuôn hội của thành phố Huế. Các em oanh vũ mặc đồng phục áo lam, quần xanh biển, đeo phù hiệu, mặt mày tươi tỉnh, nghiêm trang, không đùa nghịch như ngày thường. Các anh chị huynh trưởng tất bật tới lui điều khiển các em sắp hàng. Tất cả các đoàn thể khác cũng đã vào hàng ngũ và cuộc diễu hành bắt đầu lên đường nối tiếp các khuôn hội đi trước. Tôi xuống đò sang bến Thừa Phủ để có cái nhìn bao quát quang cảnh tưng bừng của ngày Đại Lễ. Hai bên bờ tả ngạn, hữu ngạn sông Hương và trên cầu Trường Tiền cơ man nào là người và người của nhiều khuôn hội khác, di chuyển đến nơi làm lễ nom như một con trăn khổng lồ dài vô tận. Thế mới biết thế giới Phật tử của thành phố Huế đông biết bao nhiêu mà kể. Cờ Phật giáo phất phới tung bay rợp trời, các biểu ngữ với những dòng chữ mừng ngày Phật Đản như tự hào, ngạo nghễ phô trương sức mạnh của một tôn giáo đã tồn tại hàng ngàn năm. Trong khung cảnh tưng bừng đó tôi có cảm giác như được sống lại bầu không khí của thành Ca-tỳ-la-vệ tưng bừng đón tiếp vị cứu thế giáng trần để cứu độ chúng sinh.

(Ảnh TL gia đình ông Nguyễn Thái Sơn)

Các đoàn thể của tất cả các khuôn hội đều tập trung tại quảng trường Thương Bạc ở tả ngạn sông Hương, trung tâm của ngày Đại lễ. Lễ đài được trưng bày rất huy hoàng và tráng lệ. Hầu hết các loài hoa nhất là hoa huệ, hoa sứ… đều được tận dụng để trang trí khắp nơi. Thương Bạc là một quảng trường khá rộng thế mà người đông không sao kể xiết. Sau khi tất cả các đoàn thể đã hàng ngũ chỉnh tề thì cuộc rước xá lợi Phật từ từ tiến vào lễ đài. Trước đó, trên con đường chính dẫn vào lễ đài, đã được các đoàn oanh vũ sắp hàng 6, tay mỗi em cầm một chiếc hộp giấy đựng đầy hoa đủ loại, đủ màu sắc, vừa đi vừa tung hoa ra hai bên. Hành động nhịp nhàng của các em đã tạo nên một con đường hoa dài hàng trăm mét, một thảm hoa muôn màu thật là đẹp mắt. Dẫn đầu chiếc xe cung nghinh xá lợi Phật là các đoàn thể Tăng Ni, sắp hàng tư, mặc áo cà sa vàng, nét mặt an nhiên, tự tại, tay chắp búp sen, phong thái ung dung thoát tục, chân trần chậm rãi bước trên đường hoa. Ôi! Quang cảnh thật là mỹ lệ cho ta cảm giác như Đức Phật còn tại thế đang cùng các đệ tử đi hoằng hóa ở chốn trần gian. Xá lợi Phật đi tới đâu các Phật tử đứng hai bên đường đều quỳ xuống đảnh lễ với thái độ thành kính. Có thể nói đó là những giây phút thiêng liêng, hy hữu, vô cùng xúc động.

(Ảnh TL gia đình ông Nguyễn Thái Sơn)

Khi xá lợi Phật đã tôn trí trên lễ đài thì buổi lễ bắt đầu. Ba hồi chuông trống Bát nhã vang lên khoan nhặt, tất cả khu lễ đài hoàn toàn im lặng. Ban tổ chức với bài diễn văn rất ấn tượng nhắc lại sự tích Đức Phật Thích-ca và tôn vinh sự Đản sinh của Ngài. Rồi tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh, tiếng tụng kinh đều đặn, nhịp nhàng, trầm bổng vang lên, muôn người như một, tụng kinh cầu nguyện với tất cả lòng thành kính vô biên. Trong khung cảnh uy nghiêm và trang trọng đó, ta có cảm giác như được tắm gội bởi dòng nước cam lồ ngọt ngào của Đức Như Lai, tâm hồn lâng lâng như thoát tục. Trên cao, nền trời xanh ngắt, mây trắng thênh thang, chim chóc hót ca như cùng chào đón Đức Điều Ngự, vị cứu tinh của nhân loại đản sinh cách nay hơn 2000 năm. Bất giác mắt tôi ứa lệ, những giọt lệ của cảm xúc và vui mừng.

(Ảnh TL gia đình ông Nguyễn Thái Sơn)

Rồi buổi lễ chấm dứt, tất cả các khuôn hội lại lên đường rước xá lợi Phật về chùa Từ Đàm ở hữu ngạn sông Hương. Tôi lại xuống đò sang sông. Đoàn diễu hành lại qua cầu Trường Tiền theo chiều ngược lại, “con trăn khổng lồ” lại từ từ tiến bước. Khi đầu đoàn diễu hành đã về tới đầu dốc Nam Giao thì cuối đoàn diễu hành vẫn còn đang đứng ở nơi lễ đài bên tả ngạn, chưa xuất phát. Quang cảnh vĩ đại và hoành tráng đó đã làm cho tôi cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé trước một lực lượng đông đảo, lớn mạnh của thế giới những người con Phật. Tôi cũng theo chân đoàn diễu hành. Từ dốc Nam Giao lên đến chùa Từ Đàm, đâu đâu cũng có những bàn thờ đặt hai bên vệ đường để chờ chiêm bái Phật khi xe rước xá lợi đi ngang qua. Những người con Phật cũng không quên đặt những ghè nước chè tươi bên đường để những người diễu hành ghé vào giải khát.

Đêm đến, những đoàn xe hoa của các khuôn hội đi diễu hành khắp thành phố Huế. Mỗi xe đều được trang trí, trình bày rất đẹp mắt với mô hình con voi trắng sáu ngà, với những bức tranh minh họa, với những con người thật, sống động, với những trang phục rực rỡ của thời Phật tại thế ở đất nước Ấn Độ xa xôi; mô tả ngày Đản sinh của Đức Phật, cuộc đời của Đức Phật từ thuở thanh niên xuân trẻ, lúc Ngài xuất gia tầm đạo, khi Ngài đạt cánh quả bên gốc cây bồ đề, giai đoạn Ngài cùng các đệ tử đi hoằng hóa khắp nơi, đem ánh sáng của Đạo Vàng giáo hóa chúng sinh, cho đến khi Ngài nhập niết-bàn. Hai bên đường lên dốc Nam Giao và con đường dẫn đến các chùa Báo Quốc, Từ Đàm, chùa sư nữ Diệu Đức có cơ man nào là đèn lồng và đèn lồng, ánh nến bập bùng hòa lẫn ánh trăng mát dịu của đêm Phật đản tạo nên một khung cảnh huyền ảo, lung linh như trong cõi mộng. Quang cảnh phố xá cũng tưng bừng không kém. Hầu hết các cửa hàng buôn bán ở thành phố Huế đều hoa giăng, đèn kết, cùng những bức tranh lớn treo cao với những họa tiết trang trí màu sắc hài hòa, mỹ thuật, cũng mô tả ngày Phật đản sinh và cuộc đời của Đức Thế Tôn. Người đi tham quan đông như trẩy hội. Đặc biệt là có một địa điểm hẻo lánh vùng hữu ngạn sông Hương, lọt thỏm giữa khu nhà công giáo là một ngôi nhà trong một khu vườn rộng, trang trí rất quy mô, không khác gì một ngôi chùa. Có một hồ sen với mô hình Đức Phật đản sinh, có bảy đóa hoa sen nở rộ nổi bật giữa hồ; xung quanh hồ là cảnh minh hoạ gồm có mô hình hoàng hậu Ma-da đứng bên gốc cây Vô Ưu với những cung nữ vây quanh, xiêm y lộng lẫy và các vị tiên đồng có cánh. Khắp khu vườn và ngôi nhà đâu đâu cũng có hệ thống đèn màu lập lòe chiếu sáng, nom rất ngoạn mục. Khách tham quan đến rất đông, họ vào nhà lễ Phật và không ngớt lời khen ngợi tài bày biện trang trí của chủ nhân. Có thể nói mọi người trong thành phố Huế đều đến tham quan, phần đông là Phật tử nhưng có người đến là do lòng hiếu kỳ. Và “ăn theo” sự kiện đó, bên ngoài cổng vườn mọc lên những hàng nước, hàng chè và các món ăn đặc sản của xứ Huế. Trên sông Hương thì có cuộc phóng đăng. Những đóa hoa sen bằng giấy, ánh nến cháy bập bùng, bập bềnh trôi theo làn sóng nhẹ cùng với ánh trăng lung linh trên mặt nước tạo thành một quang cảnh mơ hồ, huyền ảo. Đứng trên cầu Trường Tiền nhìn xuống, một dòng sông hoa đăng từ từ trôi về biển cả, phong cảnh thật là ngoạn mục.

Nhìn chung, Đại lễ Phật đản năm 1961 đã diễn ra vô cùng hoành tráng và vô cùng trọng thể. Thế nhưng, cũng vì sự phô trương thanh thế đó nên ngày lễ Phật đản của những năm sau, chính quyền Ngô Đình Diệm, với mục đích đàn áp Phật giáo, không cho tổ chức đại quy mô ở Thương Bạc nữa mà chỉ được phép tổ chức tại chùa Từ Đàm; đó là một địa điểm khá khiêm tốn không đủ sức chứa đựng một số lượng Phật tử quá đông của thành phố Huế; khuôn hội này đến làm lễ xong là rút lui nhường chỗ cho khuôn hội khác kế tiếp, rất phân tán, rất bất tiện. Như vậy, ngày lễ Phật đản không còn là ngày Đại lễ nữa mà chỉ là một ngày lễ bình thường, một sự chiêm bái bình thường! Cùng với sự kiện đó, những người con Phật còn bức xúc trước nhiều vụ đàn áp khác của chính quyền Ngô Đình Diệm nên tư tưởng đấu tranh dần dần manh nha từ đó…

(Ảnh TL gia đình ông Nguyễn Thái Sơn)

Tóm lại, ngày Đại lễ Phật đản năm 1961 đã thành công mỹ mãn ngoài sức tưởng tượng, có thể nói là có một không hai, đã để lại một dấu ấn vô cùng tốt đẹp trong lòng những người con Phật, những khách tham quan. Thế cho nên gần nửa thế kỷ đã trôi qua, trong ký ức tôi vẫn còn in đậm nét những hình ảnh, những sự kiện vô cùng diễm lệ, hoành tráng, uy nghiêm và trọng thể của ngày Đại lễ Phật đản năm nào, một sự kiện hy hữu mà tôi đã có cơ duyên tham dự và chiêm ngưỡng. Những cảm xúc chân thành về ngày Đại Lễ cũng vẫn còn mãi trong tôi. Giờ đây, tôi lại ứa nước mắt vì vui mừng khi nghĩ rằng: ngày nay đạo Phật đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, tu học; và điều đáng vui hơn nữa là ngày nay lễ Phật Đản đã trở thành một ngày lễ lớn, một ngày Đại Lễ đối với toàn thế giới. Đó là điều làm cho tôi vô cùng hãnh diện và tự hào: mình là một người con Phật, là một Phật tử.

Mùa Phật Đản Phật lịch 2553 – 2009
Trùng Dương (Theo Văn Hóa Phật Giáo số 80)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here