Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới

Tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới

150
0

Trong sự ngỡ ngàng, nhiều người vẫn còn thắc mắc rằng vì sao Việt Nam được chọn để trở thành chặng dừng chân đầu tiên của Phật Ngọc cho hòa bình thế giới? Câu trả lời không chỉ dừng lại ở việc lịch sử dân tộc ta được viết bởi chiến tranh, nên tâm thức chúng ta luôn mang những ước vọng to lớn về hòa bình, mà còn bởi từ tượng Phật Ngọc không tỳ vết cho chúng ta thấy rõ hơn những tỳ vết đang hiện lên trong cuộc sống hàng ngày.

Quê hương của những ứng xử hòa bình

Việt Nam là một đất nước hồi sinh mạnh mẽ từ sau chiến tranh. Điều đó luôn thúc đẩy người dân ý thức giữ gìn nền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Thế giới từng biết đến Việt Nam như một mảnh đất của những đối kháng. Nhưng Việt Nam còn là quê hương của những ứng xử hòa bình.

Dân tộc ta từng được thần Kim Quy cho mượn kiếm thần, nhưng ý nghĩa đích thực không phải ở cây kiếm mà ở người sử dụng kiếm. Người trượng phu dùng kiếm, nhưng luôn ý thức kiếm là vật chẳng lành. Chính vì thế sau khi chiến thắng quân giặc, vua Lê đã trả lại kiếm cho thần Kim Quy, viết lên truyền thuyết về lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc. Hồ Hoàn Kiếm là mảnh đất linh thiêng bao đời nay đã minh chứng cho điều đó.

Trong sự ngưỡng vọng bình an của tâm hồn, tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới dừng chân lần đầu tiên ở Việt Nam đã đem thông điệp hòa bình đến với hàng triệu trái tim yêu hòa bình, đồng thời nhắn gửi với bạn bè thế giới, rằng Việt Nam từ lâu đã chuyển từ văn hóa đối kháng sang văn hóa đối thoại.

Đối thoại là một trong những nguyên tắc ứng xử để gìn giữ nền hòa bình lâu dài. Đối thoại để hóa giải những vết thương xung đột còn hằn sâu trong tâm thức mỗi người khi chiến tranh vẫn còn tiềm ẩn đâu đó chung quanh cuộc sống.

Dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh (nội chiến, ngoại xâm). Chính vì lẽ đó người Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận và hiểu về giá trị của hòa bình, bảo vệ nền hòa bình. Có thể nói, hòa bình đã nuôi lớn lòng nhân nghĩa của dân tộc.

Không thể khởi đầu từ tâm thức xung đột

Tâm thức chiến tranh của quá khứ thể hiện ý nghĩa của từ “khổ”. Tâm thức hòa bình của hiện tại là ý nghĩa của sự “diệt khổ”. Trong một lằn ranh mong manh của hai tâm thức ấy, chỉ cần dũng cảm bước qua đau thương và thù hận là chúng ta chạm đến ý nghĩa đích thực của hòa bình.

Nhưng ở phạm vi xã hội, giá trị của hòa bình không buộc chúng ta phải từ chối toàn bộ tâm thức khổ đau trong quá khứ, mà từ tâm thức ấy, chúng ta sống với những trạng huống hiện tại bằng lòng bao dung, độ lượng, khoan hòa. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc và an lạc.

Ý nghĩa hòa bình được bao quát trong kinh điển đạo Phật có những khác biệt căn bản với học thuyết kinh tế, chính trị xã hội vì nó mang trong mình những giá trị nội tại từ những ước nguyện và sự trải nghiệm sâu xa của cảm thọ và lòng trắc ẩn: tâm bình thế giới bình, tâm an xứ xứ an.

Trong chiến tranh, đôi lúc người ta thừa nhận rằng, những biểu hiện của giận giữ, thậm chí căm thù có thể nhất thời cho người ta sức mạnh, nhưng dù ở mức độ miễn cưỡng nào thì đó vẫn là sức mạnh để gây thương tổn cho người. Sự điều chỉnh từ trong tâm hồn sẽ mang đến cho chúng ta những ý nghĩ tích cực rằng quá trình từ đau thương đến an lạc, từ chiến tranh đến hòa bình không chỉ được hiểu như một khoảng thời gian dài đằng đẵng thử thách lòng kiên nhẫn mà còn là thời gian của tâm thức.

Nếu tâm thức bị chi phối bởi những thái độ chính trị khác biệt nhằm phá vỡ mọi giá trị của hòa bình, thì cũng chính tâm thức là nơi để bắt đầu gây dựng lại lòng khoan dung và vị tha.

Sự khổ đau, mất mát quá lớn của nhiều thế kỷ, thập kỷ sống trong tâm thức chiến tranh đã khiến chúng ta nghi ngại và không còn đủ bình tĩnh để nhìn nhận đến những giá trị nội tại của hòa bình, trong khi từng ngày, từng giờ, từng phút chúng ta vẫn luôn mong bản thân, gia đình và cộng đồng luôn có được sự bình an và hạnh phúc.

Chính những tâm tưởng đang bị vây hãm bởi bất an khiến chúng ta tìm cách đối phó. Đối phó là hình thức ban đầu của chuẩn bị chiến tranh. Thời đại nào dân tộc ta cũng phải đứng trước những thách thức lớn và thời cơ lớn. Có thể thời cơ cũng là một thách thức, nhưng rất có thể thách thức cũng là một thời cơ, để chúng ta trưởng thành hơn khi nhìn nhận những giá trị của hòa bình, và đôi khi là những mất mát, đau thương.

Hiểu được cội rễ của những hậu quả mà xung đột gây ra sẽ cho chúng ta một cách nhìn đa chiều hơn về hòa bình, rằng hòa bình không phải là hoàn toàn vắng bóng chiến tranh. Vì cả hòa bình và chiến tranh đều là cơ hội để chúng ta nhận thức nhiều hơn về sự thật của “khổ” và cách thức để “diệt khổ”.

Chống trả lại sự đau đớn bằng thù hận và bức hại là thể hiện của một tâm thức tuyệt vọng. Và sự tuyệt vọng đó không chỉ cuốn trôi sự sống của người khác mà cuốn trôi luôn sự sống quý giá của chính bản thân mình. Rõ ràng, chúng ta không thể khuyến khích sự đoàn kết hay hòa hợp khởi đầu bằng tâm thức xung đột, vì điều đó đi ngược lại các giá trị của hòa bình nội tại.
 

"Thế giới bắt đầu từ tâm"

Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 4 năm 2006 đã đưa ra thông điệp: “Thế giới bắt đầu từ tâm”, nhằm cổ vũ cho những giá trị của hòa bình nội tại. Hy vọng thông điệp ấy sẽ phủ xanh trên mảnh đất Trung Hoa và lan rộng khắp thế giới. Hòa bình trước nhất phải đến với từng tâm thức cá nhân trước khi có thể tác động lên người khác.

Thế giới hiện vẫn đang từng ngày bị xô đẩy bởi tai biến của những làn sóng tranh chấp, xung đột. Vì thế ý chí tự lực tự cường của dân tộc mà chúng ta có thể triển khai đó là nâng cao các giá trị văn hóa, bởi tinh hoa của dân tộc chính là văn hóa. Đó cũng cách thiết thực nhất để chúng ta tiến tới việc xây dựng nền văn hóa hòa bình.

Chúng ta suy nghĩ gì trước tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới khi Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu trong việc nạo phá thai? Chúng ta sống thân thiện với môi trường như thế nào khi chung quanh chúng ta là những dòng sông đang chết?

Chúng ta thương yêu nhau thế nào khi nhiều gia đình đang đối mặt với tình trạng hôn nhân đổ vỡ? Chúng ta đã học cách bảo vệ nhau ra sao khi đất nước không có chiến tranh mà người chết vì tai nạn giao thông vẫn ở mức báo động? Làm cách nào để chúng ta bảo vệ công sức và tài sản của nhân dân khi tham nhũng còn đang là quốc nạn?

Chúng ta phải hỏi nghiêm túc và phải tìm cách trả lời thẳng thắn cho những câu hỏi ấy, vì tất cả những điều ấy tương quan mật thiết với việc chúng ta xây dựng một nền văn hóa hòa bình.

Xây dựng nền văn hóa hòa bình từ trong tâm thức đến hiện thực cuộc sống cũng chính là cách chúng ta giữ gìn nền hòa bình dài lâu dài của dân tộc.  

Thích Thanh Thắng (Theo Tuần Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here