Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Những ngày đầu của Gia đình Phật tử Việt Nam

Những ngày đầu của Gia đình Phật tử Việt Nam

216
0

Gia Đình Phật Tử là một Tổ Chức Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo được thành lập năm 1943, qua các danh xưng như Đoàn Đồng Ấu Phật Tử, Phật Học Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ.


Gia Đình Phật Tử không chỉ là một Tổ Chức độc đáo của Phật Giáo Việt Nam; mà còn là một Tổ Chức duy nhất của Phật Giáo Thế Giới, đã hàng ngũ hóa được Thanh, Thiếu, Đồng Niên suốt gần 60 năm qua, trong một hệ thống tổ chức có cương lĩnh, đường lối chính đáng, nhằm xây dựng đạo đức bản thân và khả năng của giới trẻ, để đóng góp vào các công cuộc xây dựng gia đình, cộng đồng và xã hội theo tinh thần Phật Giáo – lấy Châm Ngôn BI – TRÍ – DŨNG làm nền tảng, dựa vào 5 Điều Luật tượng trưng bởi 5 Hạnh : Tinh Tấn, Hỷ Xả, Thanh Tịnh, Trí Tuệ và Từ Bi làm sức sống.




Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã được khai sinh trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt:  Về phương diện chính trị  thế chiến thứ hai sắp bùng nổ, sự tranh chấp giữa khối Trục và Đồng Minh, mà bản chất là tranh giành thuộc địa, đặt các Dân tộc nhược tiểu trước một cơ hội để vùng dậy, chọn lựa chỗ đứng của mình. Về phương diện văn hóa sự phát triển của văn minh vật chất, sự xâm lăng của các cường quốc kỷ nghệ đã làm đảo lộn giá trị nhân bản cổ truyền của các dân tộc, nhất là các dân tộc Đông Phương, tuy yếu kém về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, nhưng đã có một tập truyền văn hóa tiến bộ. Sự kiện này đã gây thành những phản ứng văn hóa, để bảo vệ nếp sống cổ truyền của các dân tộc Đông phương.  Về phương diện chính trị, quân sự và văn hóa  Việt Nam đang bị sự đô hộ của thực dân Pháp. Phong trào kháng chiến dành độc lập cho Tổ Quốc bằng quân sự chấm dứt sau cuộc khởi nghĩa thất bại tại Yên Bái năm 1930. Văn minh cổ truyền của Dân tộc bị đe dọa trầm trọng, bởi văn minh vật chất của Tây phương truyền sang, được một số người vong bản, mất gốc phụ họa, đẩy Việt Nam đi vào con đường nô lệ, đồng hóa ngoại bang.




Về phương diện Phật Giáo do ảnh hưởng phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Trung Hoa do Thái Hư Đại Sư đề xướng, các Hội Phật Giáo, Phật Học được thành lập khắp cả ba miền:  Miền Nam  có Lưỡng Xuyên Phật Học (1931)  Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (1931). Miền Trung có  An Nam Phật Học Hội (1932). Miền Bắc có Việt Nam Phật Giáo (1934).  Ý thức tinh thần duy tân dân tộc và khôi phục nền văn hóa dân tộc trước nguy cơ diệt vong của đất nước, mà Phật Giáo là một Tôn Giáo có đủ hai yếu tố quan trọng: giữ vững được truyền thống dân tộc và có một triết lý khai phóng, có thể làm nền tảng vững chắc cho cuộc sống mới.




Bởi vậy, một số thanh niên trí thức Miền Trung, dưới sự hướng dẫn của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, đã đề xướng ra Tổ Chức Giáo Dục Thanh Thiếu Niên theo tinh thần Phật Giáo, để xây dựng lý tưởng quốc gia và tinh thần đạo pháp, nhằm chống lại nền văn hóa nô dịch, mất gốc do thực dân Pháp và nhóm tay sai thực hiện, với mưu đồ phá tan tinh thần yêu nước, yêu quê hương giống nòi của Dân Tộc Việt Nam.




Đoàn Đồng Ấu Phật Tử (1935)  dành cho Thiếu Niên Phật Tử từ 12 đến 18 tuổi. Đoàn Phật Học Đức Dục (1940) kết hợp hàng ngũ thanh niên trí thức với mục đích là  Nghiên cứu Phật Giáo với tinh thần mới, nhận định tư tưởng Phật Giáo dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại.Mở lớp triết học so sánh, nghiên cứu ba tôn giáo : Phật, Khổng và Lão Giáo, dành cho thanh tiên tân học. Dùng những hình thức phổ biến báo chí, sách truyện, tiến đến việc thành lập các đoàn thể Thanh, Thiếu Niên Phật Giáo.Từ phong trào Chấn hưng Phật giáo và những điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, GĐPT ra đời từ hai tổ chức tiền thân là “Phật tử Đồng ấu” (tức Gia đình Phật Hoá phổ) và “Đoàn Phật học Đức dục”, với những người sáng lập và hướng dẫn đầu tiên là: Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng, Ngô Thừa, Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Đinh Văn Nam (Hoà thượng Thích Minh Châu), Võ Đình Cường, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Hữu Quán, v.v… Đó cũng là những cư sĩ đi đầu trong việc canh tân Phật giáo ở nước ta. “Đoàn Phật học Đức dục” thành lập năm 1940 tại Huế, với người chỉ đạo cơ sở là bác sĩ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Mục đích của hội đoàn là tập hợp đội ngũ thanh niên trí thức nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới có tính chất tổng hợp và so sánh; nhận định tư tưởng Phật giáo dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại; đồng thời áp dụng giáo lý đó vào việc giáo dục thế hệ thanh thiếu niên Phật giáo lúc bấy giờ. Hội đoàn đã tổ chức những buổi diễn giảng Phật pháp khắp nơi và xuất bản các tập san như: “Phật pháp và Đức dục”, “Đời Vui”, “Ánh Đạo Vàng”, “Thanh niên Đức dục”, “Đạo Phật”; ngoài ra còn đảm nhiệm việc biên tập tạp chí Viên Âm mà Hội An Nam Phật học giao phó.




Từ Đoàn Phật Học Đức Dục




Cũng vào khoảng năm 1940, cơ sở của tổ chức Thanh Thiếu Niên Phật Tử được thành lập. Từ 1932 những tổ chức thiếu niên thiếu nữ đã có mặt rồi, được gọi là những ban Đồng Ấu, ở Trung thì do các vị như Bửu Bác chăm sóc dạy dỗ, ở Bắc thì có các vị như Công Chân luyện tập. Tuy nhiên những ban Đồng Ấu này chưa đích thực là những tổ chức giáo dục thanh niên theo phương pháp mới. Năm 1940, cơ sở của tổ chức Thanh Thiếu Niên Phật tử được thành lập.




 Từ 1932 những tổ chức thiếu niên thiếu nữ đã có mặt rồi, được gọi là những ban Đồng Ấu. Ở Trung thì do các vị như Bửu Bác chăm sóc dạy dỗ, ở Bắc thì do các vị như Công Chân luyện tập. Tuy nhiên những ban Đồng Ấu này chưa đích thực là những tổ chức giáo dục thanh niên theo phương pháp mới. Năm 1940, Tâm Minh Lê Đình Thám quy tụ một số thanh niên tri thức tân học tại Huế, phần lớn là con cháu các cư sĩ đã từng hoạt động trong hội An Nam Phật Học, và thành lập đoàn Thanh Niên Phật học Đức Dục. Ông cũng gọi cái tổ chức bằng danh từ Pháp ngữ “Commission d’Etudes Bouddhiques Et De Perfectionnement Moral”.




 Đích thân ông đứng ra hướng dẫn cho đoàn và dạy Phật pháp cho họ. Những thanh niên tân học này không học Phật pháp bằng những văn bản Hán văn nữa. Họ được nghe trình bày đạo Phật theo đường lối tân học, cho nên họ hiểu giáo lý rất mau chóng. Đồng thời với Phật học, họ còn được học Nho học và Lão học nữa. Ông Đinh Văn Chấp, tiến sĩ Hán học, đã tham dự vào việc giảng huấn cho lớp này. Ông đã giảng các sách Đại Học và Trung Dung của Nho giáo.




Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục lúc ấy là tượng trưng cho một đạo Phật rất “mới”. Bài ca chính thức của đoàn được soạn và hát ca bằng tiếng Pháp! Điều này khiến cho giới thiếu niên thấy rằng đạo Phật làmột cái gì rất “hợp thời”, không còn cổ hủ nữa. Đây là “Bài Hát Chính Thức” của tổ chức Gia Đình Phật Tử “Hoa Sen Trắng” sau này.




Nhiều ban Đồng Ấu mới được thành lập, và những ban này bắt đầu hướng dẫn, học tạp và rèn luyện bởi những đoàn viên của đoàn Phật học Đức Dục. Cuốn sách căn bản về Phật học để giáo dục thanh thiếu niên hồi ấy là cuốn Phật Giáo Sơ Học được đoàn Phật Học Đức Dục soạn và ấn hành năm 1942. thấy thế hệ trẻ làm việc có hiệu quả, Lê Đình Thám giao cho họ việc biên tập Viên Âm và sử dụng tạp chí này để tạo dựng một thế hệ Phật tử mới. Từ số 48 trở đi  Viên Âm đổi mới hoàn toàn. Hầu hết mọi bài vở đều do đoàn viên Đoàn Phật Học Đức Dục viết. Văn của họ mới, gọn và dễ hiểu, hướng cả về tuổi trẻ. Truyện tiền thân của họ viết làm say mê thiếu niên và thiếu nữ(62). Trong phần Pháp văn họ viết về sự thực tập thiền định (Pratique de la Méditation), giới thiệu phần thực tiễn và tinh ba nhất của đạo Phật cho giới tân học.




Rất nhiều đoàn viên của Đoàn Phật Học Đức Dục đã đóng góp bài cho Viên Âm: Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Trần Đỗ Cung, Ngô Điền, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Hữu Quán, Võ Đình Cường, Đinh Văn Vinh, Hoàng Kim Hải, Trực Hiên, Hà Thị Hoài, Nguyễn Khải, Ngô Đồi, Phạm Hữu Bình là một trong những người có kiến thức giáo lý vững chãi nhất. Ông đã viết về Duy Thức trong nhiều số Viên Âm.




Đoàn Phật Học Đức Dục lại có tổ chức Phật học Tùng Thư và xuất bản nhiều sách Phật, trong đó có cuốn Phật Giáo Và Thanh Niên Đức Dục của Phạm Hữu Bình và cuốn Phật Giáo Và Đức Dục của Đinh Văn Vinh. Hai cuốn này đều nhằm đến sự xây dựng phong trào thanh niên Phật tử.




Trong những năm 1942, 1943 và 1944, các lớp Phật pháp được tiếp tục tổ chức cho thanh niên tân học vào mùa nghỉ hè và cư sĩ Tâm Minh luôn luôn phụ trách việc giảng dạy. Vào ngày Phật Đản năm 1944, một đại hội Thanh Thiếu Niên Phật Tử được tổ chức tại rừng Quảng Tế. Đại hội này khai sinh Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử sau này.   Cư sĩ Tâm Minh có nhiều tài năng. Trong các số đầu của Viên Âm, ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M.), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm), gọi đó là những “biệt khai phương tiện”. Tuy rằng truyện ngắn và truyện dài của ông (63) có nhiều ý vị nhưng vì độc giả Viên Âm muốn dành hết số trang cho giáo lý nên đến số 4, ông hy sinh hai mục đó và chỉ giữ lại mục câu chuyện khôi hài, tức là câu chuyện của chú tiểu Cửu Giới.




Viên Âm ra mắt số đầu ngày 1.12.1933. Danh từ Viên Âm được giải thích như sau: “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong tròn, ngoài tròn, trên tròn, dưới tròn, cũng tam giới khắp thập phương, lớn nhỏ xa gần đâu đâu cũng tròn cả”   Khả năng học Phật của Tâm Minh có thể nhận ra trong các thiên khảo luận như Kết Sinh Tương Tục Luận và trong các bản dịch thuật và chú giải của các kinh như Lăng Nghiêm Kinh.




Có thể nói là Tâm Minh Lê Đình Thám đã trao truyền được chí nguyện hoằng pháp cho thế hệ đi sau ông. Rảnh tay về Viên Âm, ông dồn nghị lực xây dựng cơ sở cho một Phật học Viện lớn tại Kim Sơn gọi là Tòng Lâm Kim Sơn để dời tất cả các lớp Phật Học ở kinh đô về. Dự án đẹp đẽ này chưa thành thì Cách Mạng Tháng Tám xảy ra và công việc bị bỏ dở.




Về “Gia đình Phật Hoá phổ”




 Phật học Đức dục còn tổ chức Phật tử Đồng ấu – là đoàn thể quy tụ thiếu nhi của Phật giáo miền Trung. Bên cạnh sự ra đời của Phật tử Đồng ấu còn có các tổ chức khác như Thanh niên Phật tử, Hướng đạo Phật tửGia đình Phật Hoá phổ. Năm 1947, Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học quyết định cải tổ chương trình tu học, hợp nhất cả bốn tổ chức trên thành tổ chức duy nhất là Gia đình Phật Hoá phổ. Võ Đình Cường được đề cử đứng ra hướng dẫn tổ chức, cùng với sự cộng tác của Phan Cảnh Tuân, Phan Xuân Sanh, Văn Đình Hy, Hoàng Thị Kim Cúc, v.v… Mục đích của Gia đình Phật Hoá phổ là đào tạo những Phật tử chân chính và xây dựng hạnh phúc trên nền luân lý đạo Phật, với châm ngôn là Hoà thuận – Tin yêu – Vui vẻ. Lúc đầu, Gia đình Phật Hoá phổ phát triển mạnh ở Huế, sau đó lan nhanh ra các thành phố lớn của cả nước như Đà Nẵng, Quảng Trị, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội… Lịch sử vấn đề được cư sĩ Võ Đình Cường viết: “Gia đình Phật tử bắt đầu hoạt động từ tháng 4 năm 1947 tại Thuận Hoá dưới hình thức một lớp Hội học tổ chức cho anh chị em tin Phật, hay có cảm tình với Phật giáo. Những anh chị em ấy dần dần trở thành những đoàn trưởng trong những Gia đình Phật Hoá phổ đầu tiên tại Thuận Hoá” .




 Nhìn chung, do những người sáng lập là các thanh niên trí thức, có tinh thần yêu nước, nên các hoạt động của hai tổ chức trên ít nhiều mang màu sắc dân tộc, đạo đức, truyền thống; phản ứng lại tinh thần nô dịch, ngoại lai và truỵ lạc trong xã hội đương thời. Nội dung hoạt động của nó chủ yếu tập trung vào “Đức dục”, “Trí dục” cho thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo được chấn hưng và cải cách. Điều đó cho thấy, tiền thân của GĐPT cũng là một bộ phận có ý thức dân tộc; không hợp tác với một số tổ chức khác lúc bấy giờ như Quốc Anh Đoàn, Thanh niên Ducouroy, v.v…




Đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đại bộ phận cư sĩ và huynh trưởng hướng dẫn như Lê Đình Thám, Tôn Thất Tùng, Ngô Điền, Ngô Thừa, Phạm Hữu Bình và nhiều người khác ở các địa phương đã hăng hái tham gia cách mạng. Họ từng là những nòng cốt của phong trào Phật giáo cứu quốc, có những người trở thành nhân sĩ, cán bộ trung cao cấp của Đảng, Chính phủ, Mặt trận – trong đó phải kể đến cư sĩ Lê Đình Thám.Xuất phát và tập trung tại Huế, các cư sĩ Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Nguyễn Hữu Ba, Tống Hồ Cầm, Lê Khắc Quyến, Phan Đăng Trí (làm huynh trưởng) và vị cố vấn giáo lý:  Minh Châu, Đức Tâm, Thiên Ân, Chơn Trì, v.v…  đã tiếp tục xây dựng, phát triển phong trào Gia đình Phật Hoá phổ cho đến những năm 1949 – 1950.




Năm 1951, Đại hội Phật giáo toàn quốc  họp tại Huế; Tổng Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập do Hoà thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ, cư sĩ Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư kí. Tổng hội này có các uỷ viên như uỷ viên tăng sự, uỷ viên hoằng pháp, v.v… trong đó có uỷ viên GĐPT do Võ Đình Cường phụ trách. Cũng vào các ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951, Tổng Trị sự triệu tập Đại hội đầu tiên bàn về Gia đình Phật tử tại chùa Từ Đàm (Huế) gồm đại biểu của 8 tỉnh miền Trung và các đại diện chính thức của Gia đình Phật Hoá phổ miền Bắc và miền Nam. Mục đích của Hội nghị là báo cáo về tình hình sinh hoạt, phát triển của Gia đình Phật Hoá phổ tại các vùng, miền và các tỉnh; trao đổi kinh nghiệm xây dựng Gia đình, tổ chức Đoàn Đội liên hệ với tổ chức Phật giáo địa phương; thảo luận nội quy và danh xưng ). Tại Đại hội này, danh xưng của tổ chức được đổi là “Gia đình Phật tử”. Hội nghị vạch ra bản nội quy cho GĐPT với mục đích: “Huấn luyện thanh thiếu và đồng niên Phật tử về phương diện trí dục, đức dục và thể dục trên nền tảng Phật giáo, để đào tạo thành những người Phật tử chân chính” . Từ đó, GĐPT chính thức ra đời, có quy chế, cấp hiệu, phù hiệu riêng và có cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương.




Thoát thai từ biến cố lịch sử, những nhu cầu bức thiết của xã hội, nhân sinh, những trăn trở của người con Phật chân chính trước xã hội hỗn loạn, Phật pháp suy đồi, bị ngộ nhận, rẻ khinh. Thuận duyên với Phong trào chấn hưng Phật giáo đang là trào lưu lớn mạnh trong toàn vùng.Thúc đẩy bởi tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng mãnh. Lý tưởng GÐPT được ấp ủ, hình thành. Các tổ chức giáo dục thanh niên Phật giáo ra đời, hệ thống hóa thành một tổ chức khoa học, tiến bộ, bắt kịp trào lưu xã hội, tiến triển và trưởng thành đủ bản lĩnh nhận lãnh sứ mệnh đối với bản thân và xã hội. Từng giai đoạn hình thành, bằng chánh kiến, chánh tư duy, thiết lập chánh nghiệp, tương hợp trong mỗi trạng huống xã hội, chứng minh bảnh lĩnh vô úy của chính mình. Từng bước tiến lên tồn tại và trưởng thành vượt qua mọi xu thế chính trị, mọi thế lực nhất thời. Nhiếp phục xã hội, kể cả những kẻ không đồng tình với chúng ta vì lẽ này hay lẽ nọ.  Bằng nhiềm tự hào quá khức đó, cộng với tình trạng GÐPT hiện nay, trăn trở về một tiền đồ GÐPT là nổi bức xúc không chỉ mỗi riêng ai.  Nhìn lại quá khứ – thiết lập hành trang thích hợp cho con đường đi tới âu cũng là việc đáng làm, dù trễ còn hơn không. Bức xúc trước tình trạng xã hội và nhân sinh lúc bấy giờ, mong ước có một thế hệ Phật tử đầy đủ chính tín; những con người chân chính sống trong một xã hội chân chính là mong ước cháy bỏng trong lòng mọi người con Phật có trách nhiệm và có lương tâm.




  • Kiêm Đạt

Theo phattuvietnam.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here