Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám

Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám

214
0

Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Phú Mỹ, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức.


Cùng với anh là Y sĩ Lê Đình Dương trực tiếp học chữ Nho với thân phụ. Cả hai anh em điều tỏ ra thông minh xuất chúng ngay từ thưở niên thiếu. Riêng ông từ nhỏ, đã tỏ ra là người có năng khiếu văn chương thi phú.


Trong những năm theo học tại các trường Tiểu học, Trung học và Đại học, ông đã chiếm được cảm tình cả thầy và bạn. Luôn luôn giành thứ vị thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.


Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội năm 1916 và ông đậu Y khoa Bác Sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội.


Khi ra trường với danh hiệu Y sĩ, đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh Y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp tù đày tại Buôn Mê Thuột. Ông bị tình nghi và luôn bị theo dõi. Từ năm 1916 đến năm 1923, ông được bổ nhiệm và làm tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về chí nguyện như trên, ông được thọ tam quy ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên, pháp danh là Tâm Minh, Pháp tự Chiêu Hải.


Năm 1929, ông thọ học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp – Bình Định. Hòa Thượng chỉ đạo ông nghiên cứu các bài giảng của Ngài Thái Hư Đại sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, và suy nghĩ cải cách thế nào cho phù hợp với tình hình Phật giáo nước nhà. Ông đã đề đạt ý kiến của mình lên chư Hòa thượng: Quốc sư Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết… và đã được các Ngài chấp thuận.


Năm 1930, ông trở ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Khi trở về, ông vừa học Phật vừa làm nghành y mà vẫn vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy.


Năm1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, do các vị Hòa thượng và ông đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương chánh pháp. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Ông làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội. Hội bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức:




Thuyết pháp hằng nửa tháng cho tín đồ nghe tại chùa Từ Quang.


Mở trường đào tạo Tăng tài cho Giáo hội sau này.


Mở thêm các chi hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương chánh pháp khắp các tỉnh.


Thành lập Thanh niên Đức dục (Phật học).


Xuất bản tờ báo Phật giáo (Nguyệt san Viên Âm).


Thiết lập các tòng lâm để chư Tăng tu học, và đào tạo Tăng tài.


Từ năm 1930, bắt đầu xuất hiện những bài báo viết của ông trên tờ nguyệt san Viên Âm. Ông tự tay viết cả chuyện ngắn (ký tên T. M.), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm).


Từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà ông đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy chánh pháp, đoàn kết Tăng Ni và Phật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ. Chùa Từ Quang, nơi làm giảng đường bước đầu để tuyên dương chánh pháp cũng đã thấy bóng dáng của ông trong chiếc áo dài màu đen và chiếc khăn đóng tươm tất thành kính đảnh lễ chư Tăng trước khi bước lên Pháp tòa để giảng kinh cho họ.


Năm 1946, cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, dân chúng Huế tản cư, ông cùng gia đình di tản về Quảng Nam. Từ năm 1847 đến 1949 ông làm chủ Tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến miền Nam Trung bộ. Tại liên khu V của vùng kháng chiến, ông tập họp một số đoàn viên của đoàn Phật học Đức dục có mặt trong vùng và thành lập tổ chức Phật giáo Dân chủ mới tại Bồng Sơn- Bình Định.


Mùa hè năm 1949, ông di cư ra Hà Nội. Tại đây ông được đề cử làm Chủ tịch phong trào vận động Hòa Bình thế giới. Năm 1956, ông và Hòa thượng Thích Trí Độ tham dự phái đoàn sang dự đại hội Phật giáo Buddha Jayanti tại Ấn Độ.


Năm 1961, toàn bộ kinh Lăng Nghiêm mà ông đã dày công phiên dịch và chú giải trong nhiều năm, đã được đăng trên báo Viên Âm trước đây được ông hoàn tất và xuất bản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sau đó, sách được gia đình ông tái bản lưu hành rộng rãi ở miền Nam.


Trong những năm ở đất Bắc, ngoài giờ làm việc hành chánh, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:


1, Kinh Thủ Lăng Nghiêm.


2, Luận Nhơn Minh.


3, Đại Thừa Khởi Tín Luận.


4, Bát Thức Quy Củ tụng.


5, Phật Học thường thức.


6, Bát Nhã Tâm Kinh.


7, Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Phật Tổ Thích Ca.


8, Tâm Minh – Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập).


Đời người là vô thường, ông đã ngộ lý ấy và đã bình thản ra đi vào ngày 23-4-1969 (nhằm 7- 3 ÂL, năm Kỷ Dậu), sau khi đã đàm đạo lần cuối cùng với Hòa thượng Đôn Hậu tại bệnh viện Việt- Xô, Hà Nội. Hưởng thọ 73 tuổi, với 42 năm phụng sự Tam Bảo.


Tinh thần trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ XX, Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám quả là bậc tiền bối hữu công thật sáng chói, ông đã vượt qua ranh giới hình thức để tựu thành đạo nghiệp cao quý cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng dù xuất gia hay tại gia.


* Chân thành tri ân Cư sĩ Thông Hưng Nguyễn Đức Thạnh – Gia Đình Phật Tử Tây Phương Gainesville – đã cung cấp tiểu sử & hình ảnh trên!




Admin (Theo http://www.lebichson.org)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here