Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thăm Huế mùa Vu Lan

Thăm Huế mùa Vu Lan

168
0

Ở Huế, Vu Lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật đản. Đây là dịp những người con hướng tấm lòng về cội nguồn, nên vào hai ngày 14 và rằm tháng bảy, các chùa đã mở cửa từ sáng sớm để đón rất đông du khách thập phương đến thắp hương, cầu nguyện cho người thân. Từ các cụ già cho đến các em bé, cả gia đình cùng đi chùa, tạo nên một không khí thật ấm cúng nơi cửa thiền


Đi chùa lễ Phật


Đến thăm chùa Từ Đàm, Báo Quốc, Thiên Minh vào sáng rằm, đã thấy người dân đi lễ Phật từ rất sớm. Phần lớn họ đến chùa, lễ Phật, tụng kinh Vu Lan cầu nguyện cho người thân, ít có sự xin xăm, lâm râm khấn vái khẩn khoản một cách mê tín. Cũng không thấy cảnh thắp hương, đốt vàng mã và “cúng” tiền lên các pho tượng một cách bừa bãi như một số nơi khác. 








Làm lễ Vu Lan tại chùa Từ Đàm. Ảnh: Duy Ngọc
Khi vào lễ Phật, du khách dù có đông đến mấy cũng để dép ngoài tam cấp, không đi dép vào bên trong chính điện. Người dân ăn mặc rất đàng hoàng, tề chỉnh, phần lớn phụ nữ mặc áo dài khi đến chùa. Nhờ thế mà chùa Huế luôn giữ được vẻ tôn nghiêm. 


Chúng tôi đi chùa lễ Phật là để học theo đức hạnh của Phật, lánh dữ làm lành và hồi hướng công đức cho người thân được siêu thoát, chúng tôi chẳng cầu mong gì cả“, bác Lê Xuân Thụ, một Phật tử ở Bến Ngự cho biết.


Vu Lan cũng là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống mà người Huế còn giữ được, nó thật sự cần thiết đối với giới trẻ trong đời sống hiện đại này. 


Ăn chay


Người Huế có một nếp sinh hoạt rất riêng là ăn chay. Cố đô có lẽ là vùng đất có tỉ lệ người dân ăn chay đông nhất nhì trong cả nước. Nổi tiếng với nghệ thuật bếp núc, người Huế nấu các món chay rất ngon. 









Cố đô có lẽ là vùng đất có tỉ lệ người dân ăn chay đông nhất nhì trong cả nước. Ảnh: Duy Ngọc

Chiều rằm, đến quán Liên Hoa ở số 4 đường Lê Quý Đôn, một quán chay có lối kiến trúc theo lối nhà rường và bán thức ăn chay thực dưỡng lúc 16h30, đã thấy quán đầy ắp thực khách. 


Không chỉ vào ngày lễ lớn, mà những ngày bình thường, nhất là vào các ngày vía Phật, du khách ăn chay ở quán tôi rất đông. Mặc dù phải đợi lâu nhưng du khách vẫn rất hoan hỷ“, chị Mai, chủ tiệm cho biết. 


Ở các chùa, các tăng ni đã chuẩn bị sẵn thức ăn để thết đãi du khách thập phương. Sau khi viếng chùa, lễ Phật, gặp buổi thọ trai, nhiều sinh viên và cả người hành khất cùng ngồi vào bàn ăn chung với nhau một bữa cơm chay gọi là “lộc chùa”. 


Các chùa Từ Hiếu, Thiền Tôn, Thiên Minh, Báo Quốc, Đông Thuyền, Liên Trì, Diệu Viên, Tây Linh… là những địa chỉ ăn miễn phí quen thuộc của người dân Huế vào các dịp lễ lớn. “Điều vui nhất mà có lẽ chỉ Huế mới có là nhiều lò mổ, quán thịt đã đóng cửa trong các dịp lễ lớn của Phật giáo, trong đó có lễ Vu Lan với quan niệm Vu Lan là ngày xá tội cho tất cả chúng sinh“, bác Đinh Công Ri, một Phật tử, cho biết.


Cầu nguyện âm siêu dương thái 


Xuất phát từ sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ, sau này hình thành nên quan niệm Vu Lan là mùa báo hiếu, vào hai ngày 14 và rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, các chùa ở Huế thường tổ chức tụng kinh, cầu nguyện cho cha mẹ và thân bằng quyến thuộc nhiều đời được siêu thoát, cha mẹ hiện tại được phước lạc vô biên. 


Để đáp ứng tín ngưỡng báo hiếu của quần chúng, một số chùa còn lập đàn tràng chẩn tế, giải oan bạt độ, kết hợp với việc phóng sinh. Hàng vạn chúng sinh nhờ nghi lễ này mà được siêu thoát.








 Thả hoa đăng trên sông Hương. Ảnh: Duy Ngọc


Ngoài ra, các chùa đều có tổ chức cài hoa hồng cho tất cả Phật tử và du khách đến lễ. Lễ này thường được kết hợp với việc trình diễn văn nghệ, hát những ca khúc về mẹ. Trước bàn thờ Phật đều để sẵn một khay hoa hồng đủ cả hai loại trắng, đỏ cho du khách đến lễ Phật. 


Đến lễ Phật ở chùa nào, chúng tôi cũng được một tăng ni hoặc một Phật tử đại diện lấy hoa hồng cài lên ngực với câu hỏi : “Chẳng hay anh (chị) có còn mẹ hay không?“. Mỗi chùa một đóa hoa hồng, chúng tôi đã được mang trên mình nhiều đóa hồng như thế. Cảm giác hạnh phúc trong lòng tôi trong ngày rằm tháng bảy thật sự dâng trào.


Làm từ thiện


Vu Lan cũng là thời gian mà quý tăng ni trong Ban Từ thiện Phật giáo Huế không quên thể hiện lòng từ bi của mình bằng công tác từ thiện. Những phần quà ủy lạo cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện đã được chuẩn bị từ rất sớm. Các Phật tử cũng không quên đi thăm các em nghèo neo đơn ở cô nhi viện, những người neo đơn tàn tật ở viện dưỡng lão. 


Trong những ngày thiêng liêng này, người Phật tử cần tỏ lòng từ, bi, hỉ, xả, mở rộng lòng hiếu đạo bằng việc cứu giúp chúng sinh. Vì vậy, trong ngày Vu Lan, nhiều Phật tử và du khách đã đến viếng thăm cô nhi viện. Suốt hai ngày nay chúng tôi đã đón hàng nghìn lượt khách viếng thăm”, ni sư Minh Tú, Trưởng ban điều hành Ni viện Đức Sơn tâm sự.


Huế từng được mệnh danh là chiếc nôi của Phật giáo. Đất cố đô hiện có khoảng 1.000 ngôi chùa, phường nào, làng nào cũng có chùa. Chưa có một thống kê cụ thể, song ước tính gần 80% người dân Huế theo đạo Phật. Vào các dịp lễ Phật đản, Vu Lan, Huế trở thành thành phố của màu lam – màu của sự hiền dịu, thương yêu và hòa bình. Mong Huế giữ mãi hình ảnh màu lam thân thương ấy, để góp phần giữ vững nét đẹp hiền hòa cho dân tộc Việt Nam trong dòng đời đầy biến động này.




  • Duy Ngọc

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here