NSGN – Thiền sư Chân Nguyên, một cao tăng sống vào thời Lê Trung Hưng, là người đã phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, và cũng là một tác gia đã có những đóng góp lớn cho nền văn học Phật giáo nước nhà.
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang: “Thiền sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1646, xuất gia năm 19 tuổi, học với Thiền sư Chân Trú tại chùa Hoa Yên, được pháp danh là Tuệ Ðăng. Nhưng sau đó không lâu, ngài Chân Trú qua đời, Thiền sư cùng với bạn đồng liêu là Như Niệm tu hạnh đầu đà, du phương để tham vấn thêm Phật pháp. Sau đó Như Niệm đổi ý, không đi vân du nữa mà về trú trì chùa Cô Tiên, Tuệ Ðăng bèn lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham học với Thiền sư Minh Lương, đệ tử của Chuyết Chuyết. Thiền sư Minh Lương đặt pháp hiệu cho ông là Chân Nguyên. Chữ “Chân” là chữ thứ hai trong bài kệ tuyền pháp của Minh Hành, sau chữ minh của Minh Lương”(1). Trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, Thiền sư Chân Nguyên không chỉ đóng góp cho việc khôi phục Thiền phái Trúc Lâm, mà ông còn để lại một hệ thống tư tưởng được đúc kết qua quá trình tu tập của mình, và điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm Thiền tịch phú của ông. Ngoài ra, ông cũng để lại khá nhiều tác phẩm có giá trị, chẳng hạn như: Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới, Nghênh sư duyệt định khoa, Long thư Tịnh độ văn tự, Tịnh độ yếu nghĩa, Ngộ đạo nhân duyên. Các tác phẩm được viết bằng chữ Nôm gồm có: Thiền tịch phú, Thiền tông bản hạnh, Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Đạt Na thái tử hạnh, Hồng mông hạnh.
Tháp Tịch Quang ở chùa Lân thờ Thiền sư Chân Nguyên |
Theo tiểu sử viết về ông, vào năm 19 tuổi, Chân Nguyên đọc quyển Thực lục sự tích Trúc Lâm của Tam tổ Huyền Quang, chợt tỉnh ngộ mà phát nguyện đi tu, và muốn lên núi Yên Tử để thực hiện chí nguyện xuất gia học đạo của mình. Và cũng giống như Tam tổ Huyền Quang đã viết Vịnh vân yên tự phú khi đang trụ trì tại chùa Long Động trên núi Yên Tử, Thiền sư Chân Nguyên cũng đã viết Thiền tịch phú khi sống ở đây. Thiền tịch phú là một bài phú Nôm về chùa Long Ðộng. Bài phú này ngoài việc được Thiền Phổ phiên âm đăng trong Ðuốc Tuệ số 7 (ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội), còn được HT.Thích Thanh Từ phiên âm trong Thiền tịch phú giảng giải, và Lê Mạnh Thát phiên âm trong Chân Nguyên Tuệ Đăng toàn tập.
Nguyên văn Thiền tịch phú
Vui thay tu đạo Thích!
Vui thay tu đạo Thích!
Lọ phải thành đô,
Nào nề tuyền thạch.
Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam,
Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích.
Đâu cũng dòng phước đức trang nghiêm,
Đây cũng vốn tu công thiền tịch.
Trước án tiền đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não xa cừ;
Trên thượng điện thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san hô, hổ phách;
Thần Bát bộ Kim cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;
Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.
Tả A Nan đại sĩ, vận sa hoa sặc sỡ vân vi;
Hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch.
Am thờ Tổ ngói lắp gỗ dăm(2),
Nhà trú tăng vách vôi tường gạch.
Mấy bức kẻ chữ triện mực dồi(3),
Bốn bên nhiễu câu lan sốc sếch(4).
Gác rộng thênh chuông đưa vài chập, niệm Nam-mô nhẹ tiếng boong boong;
Lầu cao tót trống dậy mấy hồi, đọc thần chú khua tang cách cách.
Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phấp phới nhởn nhơ;
Dù bóng boong dạng đen sì, khi trập mở nhập nhù thì thích.
Sư quân tử cấy trúc ngô đồng,
Đệ trượng phu trồng thông tùng bách.
Trăm thức hoa đua nở kề hiên,
Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch.
Ngào ngạt mùi xạ lan,
Thơm tho hương trầm bạch.
Sãi chưng nay
Mộ đạo tu hành,
Xả đường kinh lịch.
Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,
Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch(5).
Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh;
Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện(6) dùi mõ khoan mau lịch kịch.
Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay;
Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách.
Khi dưa dấm(7) chua lòm,
Bữa canh suông lạt thếch.
Mũ viền sô nhuộm mực đen sì,
Quần áo vải nâu sồng cũ rích.
Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa;
Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà thiền cục kịch.
Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng;
Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch.
Gậy nương chống đi dong dặm tuyết, gậy chẳng cầu khúc khuỷu cong queo;
Bầu để đựng chứa nước cam lồ, bầu lọ phải ngòng ngoèo ngốc nghếch.
Quảy bồ tre cầm quạt trúc, nào có hiềm nan cật to đề;
Ngồi chiếu lát tựa giường song, cũng chẳng quản dát ken thưa thếch.
Chơi rừng Nho len lỏi suối khe,
Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch.
Trà bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm;
Bánh Tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.
Quả Bồ-đề ăn ngọt sớt, muôn kiếp hằng no;
Hoa ưu bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch.
Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi,
Về Đông độ tòa vàng ngồi phệch.(8)
Bè từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người;
Thuyền Bát-nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách.
Sãi chưng nay
Khuyên đấng Đại thừa,
Bảo loài tiểu chích.
May được gặp minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi;
Phúc lại thấy tri thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách.
Thích Ca Phật Tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết sơn khô khẳng gầy gò;
Di Lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục phịch.
Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường,
Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích.
Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê mặt ngó đăm đăm;
Ca Diếp nhãn đồng, thoát chốc ngộ miệng cười hệch hệch.
Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa;
Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu sò tai ếch.
Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời, trước ra không sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng;
Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích.
Đây là bài phú nói về cái lặng lẽ của Thiền, thể hiện sự đạt ngộ của một người sống trong không gian bao la của trời đất; tâm tư được bao trùm, chan hòa với nhịp thở của cây cỏ núi rừng Yên Tử.
Tư tưởng Thiền học thể hiện trong tác phẩm
1- Quan điểm “Ưng vô sở trụ” và “Phật tại tâm”
Khi nhắc đến “ưng vô sở trụ”, chúng ta liền nhớ đến câu chuyện về Lục tổ Huệ Năng nhờ nghe được câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim cang mà hoát nhiên đại ngộ. Trong Thiền tịch phú, Thiền sư Chân Nguyên đã dụng tướng để diễn tâm, đã mượn cảnh để nêu lên bản thể của tính:
“Lọ phải thành đô,
Nào nề tuyền thạch.
Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam,
Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích.
Đâu cũng dòng phước đức
trang nghiêm,
Đây cũng vốn tu công thiền tịch”.
“Lọ phải” là chẳng cần phải, “nào nề” là chẳng nệ hà, ý nghĩa là không cần lựa chọn. Há phải lựa chọn chốn thành đô ồn ào phố thị, cũng không cần tìm nơi suối thẳm non cao, bởi Phật vốn tại tâm: “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác/ Ly thế mịch Bồ-đề/ Kháp như cầu thố giác”(9). Cho nên khắp cả mười phương, khắp chốn khắp nơi đâu đâu cũng là dòng phước đức trang nghiêm, đâu đâu cũng là chốn tu hành yên tĩnh. Tôn chỉ của Thiền phái Trúc Lâm là sống giữa đời thế tục mà tạo phúc đức để độ mình độ người; còn như ở ẩn giữa chốn non cao núi thẳm mà không giác ngộ, không thấy được bản thể của tâm, thì điều đó chẳng đáng nên làm:
“Trần tục mà nên, phúc ấy
càng yêu hết tấc;
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia
thực cả đồ công”.(10)
Đối với những bậc hành giả thượng căn mà nói, con đường đi đến giác ngộ không phải phụ thuộc vào một ai hay một nơi chốn nào đó, mà chỉ phụ thuộc vào việc có trực kiến được bản thể của chân tâm, của tự tính hay không. Kim cương khoa nghitừngnói: “Chớ hỏi đại ẩn, tiểu ẩn, chẳng phân tại gia xuất gia. Không nề tăng tục, chỉ cốt biện tâm”(11). Tu thiền là cốt giúp hành giả “hồi quang phản chiếu”, quay đầu lại nhận ra chân tâm sáng suốt lặng lặng chiếu soi của mình. Khi đạt đến cảnh giới “ngộ vô sở đắc” thì cũng là lúc hành giả đã vượt qua mọi chướng ngại, biến từ tâm bình thường thành cái tâm vô trụ an nhiên, tự tại mà không còn bị vật dục sai khiến. Một khi hành giả đã chấp nhận “Phật tại tâm” thì sẽ thấu hiểu rõ rằng, muốn tìm Phật thì phải tìm lại bản tâm chứ không phải đi tìm những cái ở bên ngoài. Phật tính chân như giống như non xuân nước biếc tròn đầy trước mắt, có thể nhìn thấy, chỉ cần minh tâm kiến tính thì chỗ nào cũng có thể ngộ ra, không phải tìm đâu xa. Điều quan trọng là hành giả cần có ngộ tính, bản thân thể giải và tinh tấn tu hành; một khi hiểu thấu được không và có, thì rừng thiền mặc sức ruổi rong. Tất cả các pháp đều còn nằm trong trạng tướng khi tâm còn phân biệt, chấp trước. Nếu một khi tâm không còn chạy theo hay không bị vướng mắc bởi cảnh trần, thanh tịnh rỗng rang thì đâu đâu cũng đều là Phật cảnh. Và cảnh Phật ấy được vẽ lên với một hình ảnh thật uy nghiêm:
“Trước án tiền đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não xa cừ;
Trên thượng điện thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san hô, hổ phách;
Thần Bát bộ Kim cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;
Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.
Tả A Nan đại sĩ, vận sa hoa sặc sỡ vân vi;
Hữu Thổ địa Long thần, mặc áo gấm lổ lang xốc xếch.
“Trước án tiền đẳng kinh ba bức” có thể hiểu là trước bàn thờ Phật có thờ Tam tạng kinh điển(12). Lê Mạnh Thát trong Chân Nguyên toàn tập và HT.Thích Thanh Từ trong Thiền tịch phú giảng giải đều cho rằng Đẳng kinh tức chỉ cho kinh Phương đẳng. “Trên thượng điện thánh tượng mấy tòa” có nghĩa là nơi đại hùng bảo điện có thờ Tam bảo trang nghiêm; và ở nơi thượng điện đó, bên trái có tượng Tôn giả A Nan, bên phải có tượng Long thần Thổ địa, hai bên còn có Bát bộ Kim cang đang chắp tay đứng gác.
2- Tinh thần “An bần lạc đạo”, “Tùy duyên bất biến”
Ở đây, mở đầu bài phú, Thiền sư đã reo lên niềm vui bất tận của việc tu chánh đạo:
“Vui thay tu đạo Thích! Vui thay tu đạo Thích!”
“Đạo Thích” là chỉ cho đạo Phật. Chữ Thích, Phạn ngữ là Sakya, là tên thị tộc của Đức Phật. Theo sách sử thì từ thời Ngụy Tấn, các Sa-môn đã lấy họ của thầy làm họ của mình. Và sáng kiến dùng họ Thích làm họ của người xuất gia đã bắt đầu với ngài Đạo An.
Niềm vui “tu đạo Thích” được Thiền sư mô tả qua những công việc thường ngày như: “Đêm đông trường khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh; ngày hạ tiết lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch”.Đây là cảnh tu niệm hàng ngày của Thiền sư Chân Nguyên ở chùa Long Động – ngôi chùa được xây dựng rất đơn sơ:
“Am thờ Tổ ngói lắp gỗ dăm…
Mấy bức kẻ chữ triện mực dồi,
Bốn bên nhiễu câu lan sốc sếch”.
Theo HT.Thích Thanh Từ, khi xưa thờ Tổ có am riêng chứ không phải như hiện nay chúng ta thờ Tổ phía sau điện Phật. Ở đây am thờ Tổ chỉ đơn sơ với “ngói lắp”, “gỗ dăm”,còn“Nhà trú tăng”thì “vách vôi tường gạch”,bốn bên thì“nhiễu câu lan sốc sếch”. “Ngói lắp”, “gỗ dăm”theobản dịch của HT.Thích Thanh Từ là “ngói rập” “gỗ dăm”; còn theo báo Đuốc Tuệ (số 7 năm 1936), trong phần phiên âm quyển Thiền phổ, câu này phiên âm là ngói lợp gỗ lim. “Ngói lắp”, “gỗ dăm”, hay “câu lan sốc sếch” có nghĩa là dùng những vật thô xấu vụn vặt để tạo nên nơi trú ngụ, nhằm nói lên sự đơn sơ mộc mạc của chốn tu hành. Tuy vậy bốn bên vẫn được trang trí những bức tranh chữ triện: “Mấy bức kẻ chữ triện mực dồi”. Xưa những vị có học trong nhà thường có treo những bức tranh sơn thủy, những bức hoành đồ hoặc những câu đối liễn. Vị sư ở đây cũng là bậc quân tử, là đấng trượng phu: “Sư quân tử cấy trúc ngô đồng/ Đệ trượng phu trồng thông tùng bách”. Người xưa có quan niệm rằng mai, lan, cúc, trúc, ngô đồng, thông, tùng, bách là những cây đại diện cho người quân tử, bởi những loài cây này có thể sống bất cứ trong hoàn cảnh thời tiết nào, dù là tuyết sương giá lạnh, hay nắng hạ khô cằn. Thiền sư đã so sánh vị hành giả với bậc quân tử; và ông cũng mô tả đời sống thanh bần, giản dị của người xuất sĩ:
“Khi dưa dấm chua lòm,
Bữa canh suông lạt thếch.
Mũ viền sô nhuộm mực đen sì,
Quần áo vải nâu sồng cũ rích”.
Người xuất gia luôn lấy việc tu đạo làm vui và sống an yên trong hoàn cảnh nghèo khó:
“Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng;
Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch.
Gậy nương chống đi dong dặm tuyết, gậy chẳng cầu khúc khuỷu cong queo;
Bầu để đựng chứa nước cam lồ, bầu lọ phải ngòng ngoèo ngốc nghếch.
Quảy bồ tre cầm quạt trúc, nào có hiềm nan cật to đề;
Ngồi chiếu lát tựa giường song, cũng chẳng quản dát ken thưa thếch”.
Chính vì đề cao ý nghĩa thực tại của cuộc sống này nên Thiền tông không xa rời thế tục, sống đời vui đạo, đem lại lợi ích cho muôn người: Túi chỉ là để đựng kinh chứa sách chẳng cần dệt gấm thêu hoa. Dép đi đỡ bụi cách trần nên chẳng cần bày kiểu cọ. Gậy là để chống đi trong khi có sương có tuyết, không cần phải chạm rồng chạm rắn. Bầu để đựng nước cam lồ uống qua cơn khát, chớ không phải làm theo kiểu nọ kiểu kia… Và vị hành giả vẫn luôn giữ nếp thiền mỗi ngày:
“Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh”,
“Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch”.
An nhiên tự tại chơi chốn rừng Nho, dạo nơi bể Thích, nước uống là trà bát đức, thức ăn là bánh Tam thừa, tráng miệng bằng quả Bồ-đề, ngửi hoa ưu bát… nên “muôn kiếp hằng no”. Hoa ưu bát tức là hoa sen xanh. Ở đây tác giả mượn hình ảnh hoa sen để nói lên tâm bất nhiễm của một hành giả đang tu đạo. Và khi con người có được đời sống tự tại, cảnh vật theo đó cũng trở nên an vui:
“Lầu cao tót trống dậy mấy hồi,
Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phấp phới nhởn nhơ;
Dù bóng boong dạng đen sì, khi trập mở nhập nhù thì thích.
Trăm thức hoa đua nở kề hiên,
Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch.
Ngào ngạt mùi xạ lan,
Thơm tho hương trầm bạch”.
Chẳng đến chẳng đi, hành giả muốn chơi thì qua Tây phương đứng trên bệ ngọc, về Đông độ thì ngồi tòa vàng, nơi nào cũng cao quý:
“Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi,
Về Đông độ tòa vàng ngồi phệch”.
Qua những câu thơ trên, rõ ràng Thiền sư đã theo tinh thần tùy duyên mà vui đạo, tùy duyên mà bất biến, bất biến nhưng lại tùy duyên.
3- Hành Bồ-tát đạo
Phật giáo đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sinh, đặc biệt là loài người chúng ta. Thiền sư Chân nguyên với Thiền tịch phú đã thể hiện rõ hoài bão tha thiết cứu khổ độ sinh, diệt khổ ưu, đem lại hỷ lạc cho tất cả loài hữu tình.“Sinh ra và lớn lên trong cảnh lầm than của cục diện cát cứ nội bộ đất nước, Thiền sư không khỏi xót thương cho tình cảnh cơ cực, bần hàn, đói rét của muôn dân. Với tinh thần nhân văn sâu sắc của triết lý Phật giáo thể hiện qua tư tưởng muốn cứu độ tất thảy chúng sinh mê lầm, đưa họ đến bờ bến giác ngộ, cùng với quan niệm cơ bản trong triết lý Thiền tông, coi mọi chúng sinh đều mang trong tâm mình mầm Phật tính, không có sự phân biệt sang hèn, quý tiện, ai đi tu đều có thể giác ngộ bản tâm, thành Phật; có chăng chỉ là sự khác nhau trong căn cơ, năng lực tu thiền của mỗi cá nhân mà thôi, tư tưởng triết học của Thiền sư Chân Nguyên đã trở thành ngọn đuốc sáng của thiền học Việt Nam thế kỷ XVII”.(13)
Trong Thiền tịch phú, khi nói về ý chí của người tu hành, Thiền sư Chân Nguyên viết:
“Sãi chưng nay
Mộ đạo tu hành,
Xả đường kinh lịch.
Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,
Lòng nguyện độ chúng sinh trầm nịch”.
Các vị xuất gia thường dùng những danh xưng khiêm hạ như bần đạo, bần tăng (nghĩa là người tu hành nghèo nàn), hoặc là nạp tăng (ông thầy mặc áo vá)… để tự gọi mình. Thế nhưng cái nghèo ấy không phải khốn đốn, vất vả mà tự tại thanh cao. Sãi là tiếng khiêm xưng dùng để chỉ người đàn ông giữ chùa, nhưng ở đây Thiền sư dùng để tự xưng mình. Là một hành giả, Thiền sư dốc lòng, dốc sức phụng sự việc đạo, việc đời với tâm niệm: “Trước là độ lấy thân ta, Sau là cứu được mẹ cha tổ huyền”.Để thực hiện chí nguyện cao cả đó nên mỗi ngày đều trải qua:
“Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh;
Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch”.
Chẳng kể đêm khuya đông lạnh, không nề hạ nóng bức oi, tiếng chuông vẫn thánh thót lênh kênh, tiếng mõ vẫn nhặt khoan lịch kịch. Vì lấy đạo đức làm trọng, chẳng nề cảnh sống thanh bần, bởi yêu hai chữ từ bi nên quản gì mặc lành mặc rách:
“Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay;
Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách”.
Thiền sư còn khuyên tất cả mọi người:
“Sãi chưng nay
Khuyên đấng Đại thừa,
Bảo loài tiểu chích”.
Thiền sư lại tiếp tục:
May được gặp minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi;
Phúc lại thấy tri thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách.
Ở đây ngài nhắc nhở tất cả người tu, từ những vị Thượng tọa đến những chú tiểu nhỏ, khi gặp được minh sư thì hãy biết lắng nghe lời dạy để thấu hiểu được lý đạo, ngõ hầu không bị kẹt trong chữ nghĩa. Có phúc lắm mới gặp được thiện tri thức, đã gặp thiện tri thức rồi phải biết lắng nghe. Đã quyết chí tầm cầu học đạo thì phải học cho thấu tỏ ngọn ngành, quay lại tìm chính bổn tâm, chớ để hiểu nhầm sai bước. Sau khi thấy được thật tâm, xa lìa giả tướng thì:
“Bè từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người;
Thuyền Bát-nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách”.
Chiếc bè từ bi của người tu rất lớn, chở bao nhiêu người cũng được. Thuyền Bát-nhã bao la, độ bao nhiêu người cũng được. Thuyền Bát-nhã ở đây ý muốn nói đến trí tuệ Bát-nhã. Cuối cùng Thiền sư khuyên rằng:
“Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời,
trước ra không sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng;
Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí,
nhân đà tỏ quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích”.
Đọc những tác phẩm của Thiền sư Chân Nguyên, đặc biệt là Thiền tịch phú, chúng ta thấy trước hết Thiền sư diễn tả cảnh ở chùa từ khi bước vào đạo, vui sống trong đạo, đến hình ảnh ngôi chùa và sự tu hành như thế nào. Kế đó ngài khuyên chúng ta học đạo đừng chạy theo thế gian rồi kẹt trong cái ăn, cái mặc và những trang sức bên ngoài, đừng đòi món này thức kia mà phải nhớ lấy đạo đức làm nền tảng. Khi tu dù người lớn hay nhỏ, nếu gặp được thiện tri thức thì phải ráng tu cho được đạo, như thế mới xứng đáng cuộc đời tu. Tiếp đến ngài lại khuyên người đời phải thấy rõ là dù đang sống trong cảnh thế gian nhưng đừng bắt chước người thế gian đắm mê việc đời mà phải luôn tỉnh giác. Vì thế người chân tu thật học phải học theo ý chí của những bậc Thánh, những vị Tổ sư cao đức. Và ở đây xin mượn những dòng này để khép lại bài viết: “Chân Nguyên được huân tập một thứ thiền do vị vua Trần Nhân Tông khai sáng, mang đặc thù của Dân tộc là dấn thân trong xã hội để phụng sự con người, đóng góp trong công cuộc phát huy và duy trì văn hóa, đặt sự tồn tại của dân tộc trong ý lực vượt thoát sinh tử của mình. Phật giáo Việt Nam vốn đã gắn liền với vận mệnh thịnh suy của dân tộc, vì thế hầu hết những vị thiền sư Việt Nam đã cống hiến cuộc đời mình cho đất nước, nhất là thời Đinh, Lê, Lý Trần là những thời đại vàng son của Dân tộc và Phật giáo… Và Thiền sư Chân Nguyên quả là nhà tư tưởng lớn ở thế kỷ XVII, đúng với sự ca ngợi “thông minh, hạ bút thành văn”. Ngài đã đóng góp trong nhiều lĩnh vực mà chắc hẳn chúng ta không bao giờ phủ nhận và quên được công nghiệp vĩ đại này”(14).
Thích Nữ Khánh Liên/Nguyệt san Giác Ngộ
__________________________________________
(1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Văn Học – Hà Nội 1979, chương XX – Sự phục hưng môn phái Trúc Lâm.
(2) Trong Ðuốc Tuệ số 7 (ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội) tr.14 phiên âm là Am thờ Tổ ngói lợp gỗ lim; HT.Thích Thanh Từ và Lê Mạnh Thát đều phiên âm là ngói rập gỗ dăm.
(3) Trong Thiền tịch phú giảng giải, HT.Thích Thanh Từ phiên âm là Mấy bức kẻ chữ triện mặc rời.
(4) Trong Thiền tịch phú giảng giải, HT.Thích Thanh Từ phiên âm là Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.
(5) Trong Ðuốc Tuệ số 7 (ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội) tr.14 phiên âm là Lòng nguyện độ chúng sanh trầm lịch.
(6) Trong Ðuốc Tuệ số 7 (ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội) tr.15 phiên âm là dọt.
(7) Trong Ðuốc Tuệ số 7 (ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội) tr.15 phiên âm là khi diêu khẳm.
(8) HT.Thích Thanh Từ phiên âm là trịch.
(9) Lục tổ Huệ Năng có bài kệ: 佛法在世间, 不离世间觉, 离世觅菩提, 恰如求兔角 (Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác/ Ly thế gian mịch Bồ-đề/ Kháp như cầu thố giác. Dịch nghĩa: Phật pháp trên thế gian/ Không thể rời thế gian mà giác ngộ/ Rời thế gian tìm giác ngộ/ Giống như tìm sừng thỏ).
(10) Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, NXB.KHXH, HN, tr.506.
(11) “Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia. Bất câu tăng tục nhi chỉ yếu biện tâm(莫問大隱小隱,休別在家出家。不拘僧俗而祇要辨心).
(12) Tam tạng kinh gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng,
(13) Doãn Chính, Nguyễn Ngọc Phượng, Tư tưởng triết học của Thiền sư Chân Nguyên.
(14) Tài liệu giảng viên của TT.TS. T.Phước Đạt, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP.HCM.