Trang chủ Văn hóa - Lịch sử 750 năm Thiên Trường-Nam Định: Thăm thẳm một chiều dài lịch sử

750 năm Thiên Trường-Nam Định: Thăm thẳm một chiều dài lịch sử

136
0

Đây là những sự kiện nhân đại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định vừa được long trọng tổ chức.

Đến thăm hai di tích đặc biệt này, mỗi người không thể không ngân lên trong lòng những cảm xúc thiêng liêng của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

“Thiên Trường vãn vọng”

Trong khuôn khổ Đại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định, tôi có duyên may được tham dự Hội thảo quốc tế “Văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á – bản sắc và giá trị”. Xe ô tô ra khỏi Hà Nội, chạy chừng hơn một giờ là tới Nam Định vì đường cao tốc thật đẹp. Buổi chiều cuối thu, nắng trải vàng rực trên những cánh đồng lúa đang chín dần, chỗ vàng chỗ xanh, tạo nên một hòa sắc rất ngoạn mục. Bất chợt, ai đó reo lên khi thấy mấy cánh cò trắng sải cánh rồi đậu xuống bờ lúa, tạo thành bức tranh quê nền nã. Tâm trí tôi vang lên bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” – ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường của Trần Nhân Tông : “Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô, bán hữu tịch dương biên /Mục đồng địch lý quy ngưu tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền” mà Ngô Tất Tố đã dịch: “Trước xóm sau thôn tựa khói lồng/Bóng chiều man mác có dường không/ Mục đồng sáo vẳng trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Khung cảnh bình yên đó là thành quả của ba lần dân tộc ta kháng chiến, hy sinh chiến đấu và chiến thắng giặc Nguyên Mông hung hãn, chứa đựng những giá trị thiêng liêng,…

Tháp Phổ Minh

Trong cái không gian chiều tà “nửa có nửa không” ấy, chúng tôi vào viếng chùa Phổ Minh, tọa lạc trên đất làng Tức Mặc, quê gốc của nhà Trần hiển hách. Làng xưa đã dần thành phố nhưng khuôn viên chùa được bao bọc bởi những vòm cây cổ thụ khiến cho nó vẫn giữ được vẻ “ý tại ngôn ngoại”, tạo một không gian thiêng như tách biệt với thế tục. Ngay trước bái đường là tháp Phổ Minh duyên dáng, cao xấp xỉ 20m vươn lên trời xanh. Tôi khẽ đặt tay lên tầng đế tháp bằng đá có những cánh sen chạm nổi đang xòe nở, ngắm những nét hoa văn mềm mại, tinh tế để cho tâm mình tĩnh lại, ngược dòng lịch sử miên man.

Tháp được vua Trần Anh Tông cho dựng năm Hưng Long thứ 13-1305 để đặt một phần xá lỵ của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Không hiểu sao tháp cao với 14 tầng, linh ứng với 14 đời vua Trần. Theo truyền thuyết xá lị của Trần Nhân Tông có 21 viên, chia làm ba phần, táng ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Phả Lại (Hải Dương) và quê hương Tức Mặc.

Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã về tu ở đây một thời gian trước khi ra tu ở Yên Tử. Vì thế trong hậu cung của chùa có tượng Trúc Lâm đệ nhất tổ – Trần Nhân Tông nhập niết bàn, trông thật thanh thản.

Trần Nhân Tông sinh ra trong năm diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), sau đó đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đập tan hai lần quân Nguyên Mông xâm lược nước ta. Ông cũng đã thân chinh cầm quân đánh dẹp Ai Lao xâm phạm bờ cõi… Khi đất nước bình yên, trên những cánh đồng quê lại vi vút lên tiếng sáo mục đồng, chấp chới những cánh cò thì ông nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng, năm năm sau thì xuất gia, “Ngọc tỷ chửa dời tay/ Đã coi như đá cuội” – một nhà thơ đã viết như thế. Ông xuất gia, xây dựng Thiền phái Trúc Lâm để tìm con đường giải thoát về tinh thần cho con dân của mình, nhưng không chỉ có vậy, tinh thần yêu thương và hòa giải của ông mang tầm vóc nhân loại.

Các học giả và đại biểu dự Hội thảo dâng hương tại Đền Trần

Viện nghiên cứu toàn cầu về Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy) vừa  được thành lập tại Boston, Hoa Kỳ. Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương được trao định kỳ hàng năm cho những nhân vật xuất sắc có thành tựu, cống hiến, dấn thân trong sự nghiệp Hòa giải và Yêu thương giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo, giữa các dân tộc. Cùng với Lễ trao giải sẽ là Hội nghị Quốc tế Trần Nhân Tông. Năm nay, Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD-bà Aung San Suu Kyi đã vinh dự là những người đầu tiên được trao tặng giải thưởng đặc biệt này. Đây là hai nhân vật đối lập đã hòa giải để mang lại hòa bình và phát triển cho đất nước của họ.

Có lẽ đối diện với một thế giới đầy bất ổn, chiến tranh rồi các cuộc nội chiến, đấu tranh sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn giàu nghèo dường như không có lối thoát, nhân loại đã nhận ra giá trị lớn lao trong tư tưởng yêu thương và hòa giải của Trần Nhân Tông, có thể hàn gắn và trị liệu cho mọi vết thương do mâu thuẫn gây ra.

Một chính trị gia nổi tiếng thế giới là Cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga đã phát biểu " Phật hoàng Trần Nhân Tông từ cách đây 7 thế kỷ, đã sẵn sàng từ bỏ quyền lực tuyệt đối để trở về cuộc sống đời thường, đã để lại bài học cho nhiều nhà lãnh đạo thế giới.".

“Kế sâu rễ bền gốc”

Cách chùa Phổ Minh không xa là Đền Trần. Cổng tam quan đề hai chữ Trần Miếu. Khu đền có ba tòa, Cung Thiên Trường ở giữa, bên phía đông là Cung Cố trạch, phía tây là Cung Trùng Hoa.

Cung Thiên Trường được xây dựng trên nền Thái miếu và cung Trùng Hoa của nhà Trần mà trước nữa là Từ đường của họ Trần, bị giặc Minh phá hủy vào thế kỷ XV. Cung Thiên Trường là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Trung đường đặt bài vị của 14 đời vua Trần, phía sau là chính tẩm, đặt bài vị của bốn vị thủy tổ nhà Trần. Phía trên trung đường có bốn chữ đại tự “Thiên địa trường tồn” rất đẹp.

Cung Trùng Hoa bên cạnh cung Thiên Trường mới được xây dựng năm 2000, trên nền cung xưa, nơi các vị đương kim Hoàng đế về tham vấn Thái Thượng hoàng. Nơi đây có thiết trí các pho tượng Hoàng đế bằng đồng. Trong không gian thiêng, tôi chợt nghĩ đến chuyện vua Trần Anh Tông vì say rượu bị Thái Thượng hoàng trách, vội nhờ Đoàn Nhữ Hài soạn biểu tạ lỗi. Vua và Đoàn Nhữ Hài vội theo thuyền ngự xuống Thiên Trường, họ đã quỳ dâng biểu ở đây, không biết là chỗ nào…

Cung Cố trạch là công trình xây dựng thời nhà Nguyễn, năm 1894. Khi tu sửa đền Thiên Trường năm Tự Đức thứ 21 (1868) người ta đào thấy ở phía Đông đền mảnh vỡ ghi “Hưng Đạo thân vương cố trạch”- nhà cũ của Hưng Đạo thân vương, nên triều đình cho xây dựng Cung Cố trạch này.

Được đến nhà cũ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn-danh tướng ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông thật là một hạnh ngộ trong cuộc đời mỗi người-tôi nghĩ thế khi thấy các vị học giả từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan … tham dự “Hội thảo quốc tế Văn hóa thờ nữ thần…” chăm chú đọc câu đối và nghe thuyết minh.

Không biết họ có biết câu chuyện cuối năm Giáp Thân (1284), đại binh Thoát Hoan hùng hổ tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương phải lui quân về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương đến mà phán rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân ?". Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng !"

Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân và thảo bài Hịch tướng sĩ để khuyên răn quân  sĩ, khích lệ tinh thần yêu nước, chăm lo luyện tập để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Có mấy ai là người dân Việt không xúc động khi đọc Hịch tướng sĩ “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Binh sĩ nghe lời hịch ai nấy nức lòng, họ lấy mực xăm vào cánh tay hai chữ “Sát Thát” để bày tỏ quyết tâm chiến đấu chống giặc Nguyên Mông. Gặp sức mạnh trên dưới đồng lòng, hào khí Đông A ngùn ngụt ấy lũ giặc ngông cuồng đã phải chui ống đồng mà thoát thân hay vùi thây dưới sông Bạch Đằng bát ngát, cùng vô số dáo gãy, gươm cùn …

Giữa năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?". Ông trả lời: “Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn, không cầu thắng nhanh, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Ngày nay, đọc lại sử cũ, nghe lời dạy của Trần Hưng Đạo càng thấy tầm vóc vĩ đại, nhìn xa trông rộng của ông. Đó là bài học cho muôn đời. Đến thế kỷ XXI này, lời dạy ấy vẫn có ý nghĩa sâu xa.

Nhiều người ca ngợi ông, nhưng đứng ở Cung Cố trạch hôm ấy tôi nhớ đến hai câu thơ của Cao Bá Quát (1809-1855) viết: “Công mãn Nam thiên thùy trúc bạch / Uy dư Đông Hải thiếp ba đào” nghĩa là Công cao đầy cả trời Nam, lưu truyền sử sách/ Uy linh khắp biển Đông, sóng cả yên lặng. Câu thơ như có linh ứng với hôm nay. Tôi nhìn lên lá cờ thêu bốn chữ đại tự Hưng Đạo đại vương mà như thấy hào khí Đông A đang tỏa sáng…

***
Nam Định tự hào có bề dày truyền thống, có những di tích đặc biệt gắn liền với nhà Trần, nhưng cũng gánh một trách nhiệm nặng nề trước lịch sử và nhân dân cả nước, trong việc gìn giữ sao cho những di tích ấy bền vững, không bị biến dạng, tân trang như một số di tích khác hiện nay.

 (Công Lý)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here