Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Về một thế đứng văn hóa

Về một thế đứng văn hóa

178
0

Không còn chần chừ gì nữa, trước những giá trị thời đại, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi văn hóa Phật giáo Việt Nam là gì và đang được thể hiện như thế nào?

Nhưng rõ ràng những điều mà chúng ta đang thể hiện cả về hình thức và nội dung gần như vẫn chưa chỉ ra những đặc thù văn hóa khi những giá trị được tiếp nối từ trong lịch sử đang bị bào mòn, trộn lẫn và không tránh khỏi sự hoài nghi.

Sự hoài nghi đó đang lớn mạnh khi những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng trở nên rời rạc, chắp vá và không khẳng định được bản sắc (văn hóa Phật giáo Việt Nam) như một trong những phương cách ứng xử tạo nên tính cách, tâm hồn người Việt.

Đó là sự hoài nghi chính đáng vì những giá trị truyền thống không còn nhiều hình thù rõ ràng để tác động đến nhận thức, lối sống của những con người trong xã hội hiện tồn. Và những giá trị ấy đang đi ra ngoài quá xa những tiếp thu kỹ thuật, công nghệ của thế hệ trẻ khi họ đang đứng giữa những mớ văn hóa hỗn độn của nền giáo dục.

Có nghĩa rằng, chúng ta chưa thể khẳng định những giá trị mà vốn dĩ từng tạo nên nền văn hóa Việt Nam với nhiều thông số lịch sử, mà trong những giai đoạn phát triển nhất định đã chỉ ra văn hóa dân tộc chính là văn hóa Phật giáo, một thực thể văn hóa sống động khi Nho (giáo) và Lão (giáo) đã trở thành một phần của quá khứ lịch sử.

Hiện nay, một số người đã chỉ ra – dù khó tránh khỏi sai lầm quy giản – rằng Phật giáo chỉ là một thành tố văn hóa ngoại lai được du nhập vào Việt Nam. Không có nhiều người nghi ngờ về luận điểm phiến diện này, nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng văn hóa Phật giáo đã thấm đẫm trong thực tế tư duy nhân quả và lối sống ứng xử mang giá trị tín ngưỡng, tâm linh Phật giáo.

Văn hóa Phật giáo Việt Nam là hình thức văn hóa luôn tỏ ra thích ứng với những chọn lựa ứng xử trong đời sống phổ biến của người Việt. Điều này không cần phải căn cứ trên số đông người theo đạo Phật mà thực tế tập quán ứng xử trong cộng đồng xã hội đã phần nào chứng minh cho quan điểm này.

Không chỉ đúng với thời điểm Phật giáo là quốc giáo dưới thời Lý – Trần, mà dòng chảy văn hóa di sản vẫn là một hình thức đặc thù phản ánh nội dung của những giá trị gần như không thể thay thế khi ứng xử đã trở thành tâm thức dân tộc. Dưới thời Lê – Nguyễn, dù chính quyền có đẩy cao các hình  thái đạo đức xã hội Nho giáo thì vẫn không ngừng làm giảm đi xu hướng “cư Nho một Thích” trong tầng lớp trí thức. Vì những ứng xử nhân sinh Phật giáo đã là nguồn mở văn hóa cho các loại hình khai phóng tư tưởng, để chính nó là một trong những giá trị để các tư tưởng khác soi chiếu khi đã bộc lộ hết những tính chất giáo điều, cực đoan của mình.

Rõ ràng khi đối kháng văn hóa, Phật giáo Việt Nam vẫn hiện diện như một giá trị tư tưởng đặc thù khi tiếp xúc với phương Bắc và phương Tây. Vì tính chất “tôn giáo” của nó cũng như những giá trị văn hóa đã trở thành máu thịt của dân tộc, nên dù ai đó có đi đến một kết luận ngược lại khi phủ nhận vai trò chính yếu của văn hóa Phật giáo trong đời sống xã hội thì cũng không thể làm khác trước những hình thức sinh động của Phật giáo trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Hậu quả, có lẽ còn tai hại hơn cả không nằm ở việc chưa hề có những bộ sách giáo khoa toàn thư về văn hóa Phật giáo Việt Nam hay những mức độ phổ biến của nó trong môi trường giáo dục, mà chính là việc phủ nhận một cách không thương tiếc những giá trị nhân văn mà tâm hồn mỗi con người đang được nuôi lớn và dưỡng dục bằng chính những giá trị của văn hóa Phật giáo.

Dẫu biết giữa giáo lý Phật giáo và cuộc sống còn có những khoảng cách trong nhận thức, nhưng những giá trị thời đại và giá trị con người đan xen và chồng lấp trong lớp lớp các tư tưởng vẫn đâu đó chỉ ra rằng nơi đâu có mái chùa thì nơi ấy có văn hóa Phật giáo tác động và ảnh hưởng.

Văn hóa Phật giáo Việt Nam trở thành đặc thù tư tưởng của dân tộc không chỉ trải dài trong suốt lịch sử 2.000 năm tồn tại phát triển mà còn bởi nó đã từng trở thành những thiết chế xã hội rộng lớn và là một trong những hình thức tư tưởng được phổ biến sâu rộng trong đời sống xã hội. Đã có những thiết chế xã hội mà những người đứng đầu là Phật tử thì sẽ có một nền văn hóa Phật giáo, văn minh Phật giáo. Dù thái độ, người Phật tử được viết ra bằng thái độ hay thử thách văn hóa nào thì vẫn chứng tỏ rằng, thiết chế xã hội ấy đang cần đến những giá trị văn hóa Phật giáo để duy trì sự ổn định xã hội và gắn kết cộng động.

Văn hóa dân tộc là văn hóa Phật giáo, hay văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo là hai thực thể tách biệt? Gần như có nhiều ý kiến đào sâu vào các giá trị thời đại để so sánh, thậm chí ai đó cố tình xếp văn hóa Phật giáo vào phạm vi “đã từng” và chỉ có những tác động to lớn trong quá khứ. Tuy nhiên, dòng chảy văn hóa không phải là một mẫu số chung đơn giản mà còn ẩn hiện, giao thoa với nhiều biểu hiện phong tục, tập quán khác nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, khi văn hóa được “đánh giá”, “nhận xét” dưới góc độ thể chế và bắt buộc phải trở thành một hệ tư tưởng “chủ đạo” nào đó.

Nếu đặt sự so sánh này vào khái niệm “văn hóa dân tộc” được “định hướng” thì sự khập khiễng càng gia tăng và sẽ xuất hiện những định nghĩa không thể chứng minh, rằng văn hóa là tất cả những gì (tốt xấu) được bàn tay và khối óc con người nhào nặn trong cuộc sống.

Văn hóa Phật giáo, cần phải được đặt trong những ứng xử đạo đức, luân lý chuẩn mực trong xã hội. Nhìn vào đó là nhìn vào những giá trị soi chiếu hành vi. Sự giáo dục cao cả và tinh tế về những chuẩn làm người cơ bản đã là những hình thức và nội dung để nói đến những ứng xử vượt trội về một thế đứng vững vàng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Văn hóa Phật giáo không tranh chấp với những giá trị văn minh qua những hình thức phát triển kinh tế của thời đại khi những tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã trở nên vượt bậc. Chính vì thế, những tri thức xã hội đang được tiếp thu một cách phong phú trong cuộc sống phần nhiều chỉ ra những yếu tố văn minh của nó, song nếu văn hóa đang là những giá trị được tiếp biến thì gần như cái gọi là “bản sắc” sẽ nhanh chóng bị hòa tan, khi những ổn định văn hóa từ ngàn năm lịch sử đang bị phá vỡ cấu trúc.

Một khi những giá trị văn hóa chưa thể được định hình bằng một cấu trúc đối kháng hay cấu trúc mở để vừa hòa nhập vừa giữ gìn thì sự trống chếnh trong nhận thức văn hóa vẫn tạo ra những hoài nghi và hoang mang trong ứng xử, người ta gọi đó là những ứng xử không có chuẩn và thiếu đặc thù, hay còn gọi đó là sự chắp vá văn hóa.

Khi nói nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa có ảnh hưởng chính từ các giá trị Phật giáo thì không có nghĩa phải nói rằng tất cả người Việt Nam đều theo Phật giáo, đều là Phật tử mà là từ trong tâm thức ứng xử, những giá trị Phật giáo đến một lúc nào đó trong cuộc sống vẫn hướng sự xử sự của con người vào đó. Có nghĩa rằng nó là một giá trị mà khi đem so với những giá trị khác nó vẫn chưa tỏ ra lỗi thời và khuyết điểm.

Song ở những mặt bằng “xã hội” khác, những quan niệm xã hội khác thì phần nào những ứng xử Phật giáo khó có thể đáp ứng những vấn đề mà một thể chế nào đó đặt ra, nhằm tìm đến những phương thức đấu tranh xã hội ở những mức độ đối kháng quyết liệt, hay không thể dung hòa tư tưởng.

Không thể xét đoán những giá trị luân lý đã được trải nghiệm qua thời gian, bởi vì mỗi hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi phải đề cao những giá trị luân lý này hay giá trị luân lý kia, song trong phạm vi văn hóa thì dù những yếu tố mà người ta có thể gắn cho nó những quan niệm “bi quan”, “yếm thế”, “siêu thoát”… hay gì gì đó thì nó vẫn là những ứng xử sống động mà con người đã lựa chọn trong quá trình sống. Đó là một thái độ “thích hợp”, không phải là một sự “vô lý” mà một định chế “văn minh” nào có thể gán ghép cho nó.

Những “dạng” văn hóa thích hợp, vẫn tỏ ra sự hấp dẫn đối với số đông bất chấp sự đàn áp của các luồng tư tưởng khác nhau. Vì cái gì thích hợp thì được chọn lựa. Chính vì vậy, từ cổ chí kim, những chiến dịch “bàn tay sắt” trong tư tưởng đã trở thành nguyên nhân chính và chủ yếu thủ tiêu những nền văn hóa phong phú và đa dạng của thế giới.

Chúng ta sẽ khó có thể biết văn hóa Phật giáo Việt Nam như thế nào nếu không có bất cứ bối cảnh Phật giáo nào trong lịch sử. Các bậc quân vương Phật tử, các trí thức Phật giáo là con đẻ của nền đạo lý Phật giáo. Họ đã viết lên những trang lịch sử nhân từ thuần thiện. Thời đại của họ là thời khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia nhưng cũng là thời đại đẩy mạnh tinh thần khoan dung tư tưởng. Nền giáo dục của họ nền nền giáo dục Phật giáo, giáo dục Tam giáo. Điều đó cho thấy ở đó có một xã hội hài hòa, dù những yếu tố tâm lý bài xích từng biểu hiện ở những mức độ đậm nhạt khác nhau.

Thời gian từ khi chùa Khai Quốc xuất hiện đến thời gian Phật giáo phát triển cực thịnh trên 400 năm là một khoảng thời gian dài, đủ để xây dựng một nền văn hóa Phật giáo có truyền thống và giàu bản sắc. Đó là thời của các thiết chế được xây dựng trên nền tảng của niềm tin Phật giáo, vì vậy những định chế xã hội cũng không xa rời giáo lý.

Giáo lý là một trong những luân lý xã hội chủ lưu hướng dẫn hành vi ứng xử của con người. Một xã hội mà hầu hết con người lấy giáo lý Phật giáo làm phương thức sống, đó chính là nền văn hóa đã được triển khai trên nhiều bình diện đối nội và đối ngoại. Khái niệm “quốc gia Phật giáo” đã khẳng định những giá trị văn hóa này.

Đạo đức Phật giáo được thể hiện qua những bài học luân lý rất cụ thể. Vua Trần Nhân Tông khi rời bỏ ngai vàng xuất gia đã chống gậy trúc đi khắp trong thôn ngoài làng khuyên bảo dân chúng giữ gìn năm giới và mười điều thiện. Năm giới là tiêu chuẩn cao nhất để khẳng định tư cách của một người Phật tử. Không bao giờ năm giới mâu thuẫn với bất kỳ tư cách công dân trong bất cứ một thiết chế xã hội hiện đại nào. Vì nó không chỉ là một hệ thống các giá trị luân lý mà còn là niềm tin và sự khát khao cái thiện.

Không có gì khác thường khi những nhà lãnh đạo Phật tử luôn ý thức xây dựng một nền đạo đức luân lý rất rõ ràng và cụ thể. Định tính cho những chuẩn mực xã hội luôn song hành với các điều kiện để ban hành luật pháp. Cách cư xử mang ý nghĩa tốt đẹp như vậy là hạt nhân chính của một nền văn hóa thuần thiện, bao dung khi con người, với các giá trị làm người căn bản đã nhận ra những ích lợi của việc giữ gìn những điều tốt đẹp cho mình và cho cộng đồng xã hội.

Phong tục tập quán sống của người dân bản địa, ở những ý nghĩa nào đó cho thấy những giá trị, nhưng chuẩn mực đạo đức có hệ lý luận chặt chẽ vẫn là những hệ thống giá trị thúc đẩy tập quán xã hội đi lên theo chiều hướng tốt đẹp. Phật giáo với các giá trị thiêng liêng đã trở nên những nhận thức bao trùm, chỉ ra những điểm giới hạn của con người dù người đó là một bậc quân vương.

Do đó, các phạm vi tách biệt một cách tương đối giữa giáo lý và các luật lệ thế tục đã hình thành. Và ở những mức độ tương quan khác nhau, giáo lý và các luật lệ thế tục được bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Và không thể không thừa nhận rằng về mặt phổ biến nào đó những giá trị đạo đức trong giáo lý có tầm ảnh hưởng xã hội rộng lớn hơn, phổ biến hơn cả những bộ luật mang tính dân sự.

Giáo lý tạo nên một truyền thống học vấn. Truyền thống ấy có tầm ảnh hưởng rộng trên mặt bằng trí thức chung trong xã hội, dù có những triều đại đã từng bước đẩy mạnh Nho học. Có thời điểm, các giá trị luân lý đạo đức Nho giáo cũng dần hình thành chỗ đứng trong xã hội, chi phối nhiều mối quan hệ cụ thể như cha con, chồng vợ, quân thần, thầy trò. Song những giá trị luân lý Phật giáo vẫn chi phối mạnh mẽ trong sinh hoạt dân gian vì giáo lý Phật giáo không phải những hạn định, mệnh lệnh giáo điều.

Do đó bên cạnh một nhân sinh quan với những bài học đạo đức có giá trị, Phật giáo còn xây dựng cả một thế giới quan đủ để có một thực tại nhiều chiều mà các lực lượng thế tục không bao giờ có thể đồng nhất. Chính vì vậy, dù Nho giáo có phát triển đến mức độ nào đi chăng nữa thì cũng chỉ mang những giá trị luân lý của một mô hình cai trị mang tính thế tục.

Hòa hợp văn hóa được đặt ra trong bối cảnh Tam giáo. Nhưng những ứng xử văn hóa có chuẩn thì luôn được bảo lưu và giữ gìn qua những dạng thức biểu hiện của văn hóa vật thể và phi vật thể. Từ đó nhìn ra các tác động tôn giáo từ các hình thức nghi lễ sinh hoạt đến một hệ thống giáo lý được tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Các giá trị chuẩn mực mới cũ không chỉ được điều chỉnh ở tự thân nó mà trong quá trình tồn tại, các giá trị mới cũ đã bộc lộ những yếu tố đồng dị, có thể gắn kết hay phủ nhận nhau. Vì thế, ở những ý nghĩa thiêng liêng, Phật giáo gần với Lão giáo hơn cả. Trong khi Nho giáo đặt ra các chuẩn mực luân lý càng cao thì khoảng cách văn hóa càng có những cách biệt. Mà cách biệt lớn nhất là những chuẩn mực luân lý ấy đã đi cùng với các công cụ thế tục để tạo nên những áp chế giáo điều buộc con người phải hành xử qua mệnh lệnh. Chính vì điều đó mà các giá trị này không mang tính bền vững. Hơn nữa khi không thể đẩy cao và thoát khỏi các hình thức thế tục thì chính nó là một trong những nguyên nhân sinh ra tệ đoan sính dùng quyền lực áp chế.

Một khi quyền lực được đưa vào ứng xử thì tính tôn giáo mất dần ý nghĩa thiêng liêng. Khi thế tục hóa xảy ra thì chiều hướng tư tưởng bị mai một hay sụp đổ theo các chiều hướng chính trị khác nhau sẽ hình thành. Trong khi những giá trị văn hóa Phật giáo còn đảm bảo những khát vọng tâm linh, thiêng liêng ở những tầm mức hoàn thiện cao hơn thế tục.

Ở bình diện xã hội, những nhà tu hành Phật giáo khi xuất thế tục gia (xuất phiền não gia và xuất tam giới gia) đã trở thành đối tượng kính ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân. Họ có những hình thức sinh hoạt khác biệt với những sinh hoạt thế tục ở cả mức độ và tính chất.

Tuy nhiên, khái niệm “tu” thì họ lại tuyên truyền ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, không kể tăng hay tục, tại gia hay xuất gia. Do đó, có một thứ giáo lý luôn đáp ứng cho mọi hạng người khác nhau và có một hình thức đặc thù dành cho lối sống của những người tu hành. Đặc thù đến mức nhìn vào đó là nhìn thấy một mô hình văn hóa Phật giáo từ kinh tượng, chùa chiền đến nghi lễ, ăn mặc.

Điều này không chứng minh về một lối sống đã hoàn hảo, nhưng ở đó có những giá trị biểu lộ sự hoàn hảo dù những khác biệt trong nhận thức xã hội có khác nhau. Đến mức với lối sống ấy, người ta buộc phải thừa nhận sự ảnh hưởng của nó bằng kết luận: “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt”. Rõ ràng phải có những giá trị văn hóa ở một tầm mức cao tương xứng chi phối đời sống xã hội mà các lực lượng thế tục khác nhau không thể phủ nhận.

Dù khi Phật giáo cực thịnh thì cũng không có một khởi xướng nào đòi hỏi phải tách Phật giáo ra khỏi nhà nước, vì Phật giáo chưa bao giờ là công cụ để trấn áp các tư tưởng khác trong xã hội, bởi trong những giá trị tương quan, Phật giáo và nhà nước đã là một thực thể văn hóa mà lối sống từ quân vương, quan chức triều đình đến dân chúng đã chỉ ra đó là một xã hội cùng tu.

Thế cho nên, chính trong thời gian phát triển, dù đã có những định chế mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng nó không đòi hỏi phải thế tục hết nền văn hóa, bởi trong suốt thời Lý – Trần, ngôi chùa, nhà sư và những trí thức Phật tử chính là những người chịu trách nhiệm cao nhất về văn hóa giáo dục chứ không phải một lực lượng thế tục nào khác.

Phật giáo được nhận thức cao như vậy nên thời Trần xuất hiện tình trạng “lấy địa vị vua chúa mà làm đại sĩ, hoàng hậu mà làm tỳ khưu, khanh tướng mà làm thầy chùa” (Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn). Do đặc điểm này mà ta có thể phản biện về những phát biểu “lạc quan”, rằng Phật giáo thời nay phát triển hơn Phật giáo Lý – Trần là hoàn toàn cảm tính và thiếu căn cứ.

Thử hỏi nền giáo dục hiện nay, trong đó có bao nhiêu phần trăm là những nội dung Phật giáo? Dù rằng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng, những phần trăm giá trị về lối sống văn hóa Phật giáo vẫn có những điểm vượt trội về định lượng. Văn hóa Phật giáo và nền văn hóa hiện đại của khoa học kỹ thuật không có nhiều đối kháng, song lại có thể đưa đến những nhận định về một thiết chế xã hội đã thế tục hóa ngay cả ở những phạm vi văn hóa và giáo dục. Và khi những giá trị thế tục cao hơn, thì những giá trị tâm linh có nhiều biểu hiện biến tướng, thậm chí xô bồ, bát nháo.

Phật giáo đã có truyền thống “chia sẻ”, nên dù xã hội có tiến bộ như thế nào thì các phương tiện Phật giáo càng được mở rộng không chỉ trong những phạm vi “tam giáo” mà còn có thể sống chung với các luồng tư tưởng có nhiều khác biệt về nhân sinh quan và thế giới quan. Tuy nhiên, những lo lắng về sự mai một của những yếu tố văn hóa Phật giáo chính là những tác động trong quá trình sống, tức không xây dựng được một chủ điểm văn hóa cụ thể như Trần Nhân Tông đã khuyến khích dân chúng giữ gìn.

Khi bị phân tán và không kịp hội nhập vào cấu trúc cơ bản nhất của nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại thì những yếu tố văn hóa Phật giáo không còn nhiều khả năng để tác động vào đời sống ở bình diện rộng và sâu.

Người không tôn giáo ngày càng gia tăng trong xã hội, trong khi các yếu tố nghi lễ đã kém đi phần ảnh hưởng trong đời sống, mà vốn dĩ tôn giáo ở các hình thức văn hóa khác nhau đã định hình và phát triển bằng các hình thức nghi lễ. Nghi lễ tạo nên lối sống ứng xử. Nếu những người không tôn giáo một ngày nào đó trong những phần nghi lễ quan trọng trong đời sống của họ không còn cần đến Phật giáo nữa thì những yếu tố văn hóa Phật giáo đã trở nên là những thành tố mờ nhạt. Hiện tượng sử dụng nghi lễ như một dịch vụ thương mại đã đang thế tục hóa văn hóa Phật giáo và trở thành sự suy thoái của Phật giáo. Có nghĩa những yếu tố văn hóa đáp ứng các giá trị tinh thần, hay tâm linh đã được đánh đổi bằng vật chất.

Ý niệm xã hội về một nền văn hóa Phật giáo có thể bị xóa nhòa bởi chính những gãy đổ trong từng lĩnh vực cụ thể này. Chẳng hạn, trong văn hóa dân gian tồn tại quan niệm cúng 49 ngày cho người quá cố theo nghi lễ Phật giáo. Tuy nhiên, hình thức cúng 49 ngày đã có những thay đổi, bởi có nơi 49 ngày đã trở thành những ngày đãi tiệc với rượu bia ê hề. Trong khi đó, ở một mô hình văn hóa khác, người theo đạo Tin lành, đám cưới của họ tuyệt nhiên không có bia rượu. Những giá trị văn hóa của chúng ta lại được người khác bảo lưu một cách tôn trọng, trong khi chính chúng ta, người Phật tử lại xa rời những giá trị văn hóa vốn có đó. Đây chính là sự hoài nghi và hoang mang mà bài viết này ngay từ đầu đã đặt ra khi đặt câu hỏi về những yếu tố lập thành đời sống văn hóa Phật giáo.

Dù vẫn có thể lạc quan nhìn nhận những yếu tố tích cực của văn hóa Phật giáo trong phát triển xã hội, song chúng ta gần như không thể khôi phục một nền văn hóa có ảnh hưởng trong cuộc sống hàng ngày chỉ ở một việc đơn giản đó là “người dân đi ngủ không cần phải đóng cửa”. Sự an toàn đó chỉ ra cho chúng ta thấy sự an toàn của nền văn hóa Phật giáo mà những giáo lý năm giới, mười lành đã đi vào ngõ ngách bằng đôi chân, lời khuyên và lối sống đạo đức của những người lãnh đạo cao nhất.

Nếu những yếu tố văn hóa bên ngoài không có những giá trị “tích cực” và “cao hơn hẳn” thì tại sao nền văn hóa tiêu dùng, hưởng thụ lại có thể nhanh chóng nghiễm nhiên đi vào đời sống nhà chùa một cách trực diện và rất rõ để nhận thấy như vậy.

Những thay đổi quyết liệt ấy chứng tỏ điều gì cho chúng ta thấy rằng chúng ta đang sở hữu một nền văn hóa Phật giáo đã từng có khả năng đi vào đời sống cộng đồng như nước hòa với sữa? Hay những yếu tố thế tục đang không ngừng làm cho chính chúng ta không thể nào nhận ra được chính mình ngay ở thắc mắc khó phân: đâu là phương tiện và đâu là cứu cánh?

Quá khó để nhận diện khi phương tiện trở thành mục đích duy nhất để biện minh cho hành động. Nhưng rõ ràng chúng ta nhận thấy, chúng ta ngày càng giống thế tục hơn là thế tục giống chúng ta. Đây không phải là một nhận định bi quan mà chính chúng ta phải đặt câu hỏi về văn hóa qua từng hành vi ứng xử của mình trong đời sống hàng ngày.

Những biểu hiện tích cực và tiêu cực luôn có một quá trình vận động và phát triển. Chính vì thế những điều chỉnh cần phải được xây dựng bằng tư duy quá trình. Có nghĩa rằng, sự phục hưng văn hóa Phật giáo phải được thúc đẩy từ trong lối sống và truyến thống tự viện, cũng như những biểu hiện văn hóa ứng xử có chuẩn của người Phật tử. Nói đến người Phật tử có lẽ chỉ cần nói đến chuẩn của năm giới và cao hơn là mười lành. Chuẩn ứng xử ấy là “thương hiệu” để người Phật tử hội nhập nền văn hóa hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa có từ nghìn năm trước.

Không có những chuẩn ứng xử cơ bản thì việc xây dựng nền văn hóa Phật giáo trở nên mơ hồ và gây nên những ảo tưởng vĩ cuồng trong giới lãnh đạo. Ảo tưởng vĩ cuồng là một thực tế đã xuất hiện ở một số nhân vật lãnh đạo Phật giáo khi họ thấy trước mắt họ là những điều không còn gì vượt qua được nữa.

Sẽ không còn nền tảng văn hóa Phật giáo khi chính nó đã bị đồng hóa để trở thành nền văn hóa khác, ngoài cái diện mạo hình thức có vẻ như “cổ truyền” của chính nó. Nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn chưa thể hoàn toàn thế tục hóa văn hóa Phật giáo, nhưng liệu có phải cả xã hội đang muốn chúng ta khác đi, hay không phải vậy, bởi chính họ đang muốn chúng ta “thay đổi” bằng cách hãy nhiệt tâm giữ gìn những gia tài thiêng liêng trong di sản văn hóa tinh thần Phật giáo.

Nói cách khác, văn hóa Phật giáo đã được thừa nhận, nhưng nó phải đáp ứng cao hơn nữa tinh thần thời đại mà vốn dĩ những thành tựu của khoa học công nghệ đang chia sẻ nhiều những giá trị khác trong đời sống. “Lấy ý của thiên hạ làm ý của mình”, đó là lời khuyên của quốc sư Phù Vân với vua Trần Thái Tông.

Xã hội đang muốn chúng ta thay đổi bằng cách trở về với những giá trị tinh thần và những ứng xử có chuẩn. Có nhiều những hình thức mới rất thu hút của nền văn hóa giáo dục thế tục, nhưng vẫn còn đó một hệ thống giáo lý luôn có những giá trị tinh thần phù hợp với mọi thời đại và có khả năng làm mới, làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi cá nhân.

Dù khuyến khích con người hạn chế chạy theo đời sống vật chất và lợi nhuận, nhưng Phật giáo không bác bỏ sự làm giàu chính đáng. Và hơn thế, những giá trị Phật giáo phải đảm bảo cân bằng lại đời sống tinh thần của xã hội. Xã hội không cần chúng ta giống họ như hai giọt nước. Và chúng ta cũng không cần phải chống lại bất cứ tư tưởng mới cũ nào, vì vốn dĩ những giá trị Phật giáo vẫn đang được khuyến khích và chưa có dấu hiệu trở thành quá khứ. Phật giáo không phải là những dấu hiệu văn hóa đang đứng bên lề xã hội một cách tách biệt.

Cho dù ở bất cứ định chế văn hóa nào, ở những mức độ chi phối và thâu tóm nào, thì văn hóa Phật giáo vẫn phải đảm bảo sự phong phú, đa dạng và uyển chuyển, nhằm nâng nhận thức và mức sống văn hóa của cộng đồng (trước nhất là cộng đồng Phật tử) lên một mức cao hơn trong các hành vi ứng xử.

Phật giáo còn lại những di sản văn hóa không ngừng tái khẳng định sức sống của nó trong lòng dân tộc. Và không phải ngẫu nhiên, truyền thống “hộ quốc an dân” đã trở thành một phần bản sắc của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cái gì xa rời khái niệm trên cái đó không phải văn hóa Phật giáo Việt Nam. Dù có những lúc trong lịch sử, sự nhìn nhận Phật giáo bị kỳ thị ở những mức độ khác nhau, nhưng trong một mặt bằng văn hóa chung của dân tộc, văn hóa Phật giáo không những có khả năng tồn tại độc lập bên cạnh những tranh giành quyền lực thế tục mà còn nêu bật những giá trị văn hóa phản tỉnh những cuồng nộ, tránh đem đến những xung đột đau thương cho dân tộc. Người Phật tử không bao giờ đứng ngoài những diễn biến lành dữ của xã hội.

Sẽ có những thay đổi trong tiếp nhận những giá trị Phật giáo. Và trong sự chọn lựa và sàng lọc, mỗi cá nhân có thể làm chủ niềm tin của mình cũng như tự cho phép mình thiết định những giá trị văn hóa trên một mặt bằng tri thức đã được tổng hợp, hài hòa. Mặt bằng trí thức ấy sẽ là cơ hội dẫn dắt con người vượt xa giáo điều. Họ chán ngán giáo điều không phải với thái độ bất trung luân lý, mà bởi nhận thức của họ đã trưởng thành khi nhìn nhận những giá trị văn hóa trong mối liên hệ hỗ tương nhân quả.
Ứng xử “tam giáo” là một mẫu thức khoan dung tư tưởng của dân tộc. Trong thời đại càng có nhiều tư tưởng học thuật xuất hiện thì giá trị khoan dung càng cần thiết để con người có đủ bình tĩnh để lựa chọn và điều chỉnh nhằm thoát khỏi định kiến, giáo điều. Giữ vững được tinh thần khoan dung thì tránh xa xung đột và hiểm họa. Nền văn hóa vật thể, phi vật thể của Phật giáo đã tồn tại bằng cách thức ấy, cho dù họ từng là mục đích của nhiều những toan tính xóa sổ, đồng hóa.

Điều đáng nói dù có bị bỏ quên thì văn hóa Phật giáo không thể là những hình thức để lên án hay bị đặt ra ngoài hệ thống chuẩn mực của xã hội. Chính vì thế trong tiến trình thế tục hóa ở giáo dục học đường, Phật giáo cần phải ý thức phải xây dựng nền tảng văn hóa giáo dục trong chính truyền thống gia đình vì không có một nền giáo dục chân chính nào có thể đi ra ngoài những bài học cơ bản làm người, cũng như niềm tin về nhân quả, nghiệp báo.

Văn hóa Phật giáo cần phải đóng vai trò điều chỉnh và thay đổi hành vi của con người theo chiều hướng tích cực ích mình lợi người. Đó chính là ý nghĩa còn lại của những giá trị cần phải được nhanh chóng khôi phục. Bỏ qua những giá trị lỗi thời và bằng mọi cách giữ gìn những giá trị còn nguyên vẹn tính bảo đảm trong một tương lai lâu dài, Phật giáo không cần phải lo sợ gì từ nền văn minh khoa học kỹ thuật mà hãy thay đổi từ trong chính mình. Sự thay đổi đó dù đến nhanh hay chậm thì những giá trị chuẩn trong ứng xử vẫn phải đảm bảo những lợi ích thiết thực chung cho cá nhân, cộng đồng cũng như cho môi trường sống của mọi loài chung quanh.

Trải nghiệm Phật giáo là điều kiện để chúng ta làm thăng hoa những giá trị tinh thần. Trải nghiệm đó là sự gặp gỡ giao thoa của các thái độ tâm thức. Văn hóa Phật giáo hình thành từ ứng xử cá nhân, và khi sự giao thoa của các thái độ tâm thức gặp nhau, nó sẽ giống như tiếng đồng thanh niệm Phật, gợi nên mọi cảm xúc thiêng liêng. Con người trong xã hội vẫn luôn dạt dào cảm xúc tôn giáo và tìm về với các giá trị tinh thần, tâm linh, nhưng họ phản đối hành vi trục lợi tôn giáo, buôn thần bán thánh.

Phật giáo là một tôn giáo hòa bình và khoan dung, vì thế chính những ứng xử hòa bình và khoan dung đã làm cho Phật giáo không quan ngại đến những ứng xử bất khoan dung khác. Sức mạnh lớn nhất của văn hóa Phật giáo chính là thái độ nhân quả được suy xét chi tiết từ trong ý nghĩ, lời nói và hành động. Nhưng tại sao, khi có thể nói đến niềm tự hào của một dân tộc có 2.000 năm Phật giáo và hơn một nửa dân số có niềm tin Phật giáo, văn hóa Phật giáo lại không có nhiều những tác động tích cực vào xã hội, chí ít ở những bình diện luân lý, nhân sinh.

Chúng ta đang phô diễn một nền văn hóa Phật giáo thụ động, hay chính những người Phật tử không thể làm cái công việc cần mẫn như Trần Nhân Tông đã làm là chống gậy trúc đi khắp trong thôn ngoài làng khuyên dân chúng giữ năm giới và mười điều lành? Phải chăng sự trì trệ, thụ động đã bóp nghẹt sức mạnh thẩm thấu của văn hóa Phật giáo Việt Nam?

Thiếu ý chí và niềm tin để thể hiện sức mạnh văn hóa Phật giáo chính là nguyên nhân của mọi nỗi hoài nghi và hoang mang. Không thể đổ lỗi cho ai khác, vì chúng ta không thể tác động sâu rộng đến đời sống ứng xử xã hội bằng chính thế đứng văn hóa của chính mình. Và chúng ta khó có thể tự hào trước thực tế ứng xử văn hóa còn nhiều ngổn ngang này khi ai đó nói rằng Việt Nam là từ quá khứ đến hiện tại vẫn là một “quốc gia Phật giáo”.

Thích Thanh Thắng (SenViệt)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here