Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Về chiếc vạc đồng triều Nguyễn được phát hiện tại chùa Hội...

Về chiếc vạc đồng triều Nguyễn được phát hiện tại chùa Hội Thượng

125
0

Làng Thượng An là một trong những ngôi làng cổ ở Thừa Thiên Huế. Dưới thời nhà Mạc (1527-1593), làng có tên là Thượng Lộ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Nhà sử học Dương Văn An, tác giả sách“Ô châu cận lục” cho biết, làng Thượng Lộ được lập trước năm 1555, là một trong 53 làng xã của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong thời bấy giờ. Sau này tên Thượng Lộ được đổi thành Thượng An và danh xưng này tồn tại cho đến nay.

Chùa Hội Thượng khởi dựng vào thời gian nào cho đến bây giờ vẫn chưa ai khẳng định được. Tuy nhiên, bức hoành phi lưu tại chùa cho biết chùa Hội Thượng ra đời vào năm Nhâm Ngọ. Do vậy, nhiều người phỏng đoán rằng chùa được các tộc trưởng của các họ trong làng xây dựng vào một năm Nhâm Ngọ đầu thời Lê Trung Hưng (1533-1789), có thể là cùng thời điểm giữa thế kỷ XVI khi khởi dựng chùa Giác Lương ở làng Hiền Lương, xã Phong Điền, huyện Phong Điền. Chùa đã từng được trùng tu lớn vào đời vua Thành Thái thứ 18 năm Bính Ngọ (1906) và được sửa chữa, tôn tạo thêm vào các năm sau này. Khuôn viên chùa hiện nay rộng khoảng 5.000m2. Chùa xây dựng theo kiểu thức nhà rường ba gian hai chái, nằm quay mặt về hướng Nam (phía dòng sông Bồ). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Quan Thánh, đồng thời là nơi thờ tự, bảo quản hòm bộ của làng Thượng An (địa bộ, sắc phong, chúc văn…). Trong những ngày đại lễ của làng đều không thể thiếu vắng nghi thức long trọng và trang nghiêm khi tổ chức lễ nghinh hòm bộ từ chùa về đình để tế rồi đưa về lại chùa để bảo quản như cũ. Trải qua nhiều thế kỷ, nhân dân vẫn hương khói phụng thờ, việc cầu đảo thường được linh ứng.

Chiếc vạc đồng lưu giữ tại chùa Hội Thượng có đường kính miệng 93cm, cao 80cm; thuộc loại vạc bốn quai, nhưng bốn chiếc quai này lại được đặt thấp dưới miệng vạc và được tạo hình kiểu đầu rồng, trông gần giống quai của loại vạc tám quai thời chúa Nguyễn. Về hình dáng, thân vạc để trơn, không trang trí, có kiểu gần như hình chum trên to dưới nhỏ chứ không tạo hình trụ thẳng đứng trên dưới bằng nhau như những chiếc vạc thời các chúa Nguyễn. Tất cả những đặc điểm này thể hiện việc nghề đúc đồng dưới triều Nguyễn có sự kế thừa và phát triển từ thời các   chúa Nguyễn. Trên   thân vạc khắc dòng lạc khoản “明 命 玖 年 造 – Minh Mệnh cửu niên tạo”. Cạnh trái khắc dòng ghi trọng lượng “重 叁 百 拾 柒 觔 – Trọng tam bách thập thất cân”.

Được biết bộ sưu tập vạc đồng của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày mười lăm chiếc. Trong số đó, mười một chiếc được đúc vào thế kỷ XVII, trong khoảng từ năm 1631 đến 1684, dưới thời các chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), Nguyễn Phước Lan (1635-1648) và Nguyễn Phước Tần (1648-1687); và 4 chiếc còn lại được đúc dưới thời Minh Mạng; tất cả đều đang được đặt tại các di tích của triều Nguyễn. Về mười một chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn thì có bảy chiếc được lưu giữ bên trong Đại Nội, ba chiếc đặt trước Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và một chiếc đặt tại lăng vua Đồng Khánh; riêng bốn chiếc vạc thời Minh Mạng đang được đặt phía trước điện Hòa Khiêm, trong khu vực lăng vua Tự Đức, gồm: chiếc thứ nhất được đúc vào năm 1825, nặng 430 cân; chiếc thứ hai được đúc cùng năm với chiếc trên, nặng 435 cân; chiếc thứ ba được đúc vào năm 1828, nặng 352 cân; chiếc thứ 4 được đúc cùng năm với chiếc thứ ba, nặng 399 cân.

Một vài nhận xét bước đầuve-chiec-vac-dong-trieu-nguyen

  1. Niên đại: Dựa vào dòng chữ ghi trên thân vạc đồng “明 命 玖 年 造 – Minh Mệnh cửu niên tạo”, xác định niên đại của chiếc vạc đồng được đúc vào năm Minh Mệnh thứ chín (1828), Như vậy, chiếc vạc đồng tại chùa Hội Thượng được đúc cùng năm với chiếc vạc đồng thứ ba và thứ tư đang đặt tại lăng vua Tự Đức.
  1. Trọng lượng: Dựa vào dòng chữ ghi trên thân vạc đồng “重 叁 百 拾 柒 觔 – Trọng tam bách thập thất cân”, xác định được trọng lượng của chiếc vạc đồng là 317 cân (khoảng 191kg). Do vậy, trọng lượng của các vạc đồng đúc vào thời Minh Mạng có khác nhau song nhìn chung về hình thức và kích thước thì gần như tương tự.
  1. Chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng giống chiếc vạc đồng thứ ba và thứ tư đặt tại lăng vua Tự Đức là chỉ đề năm đúc và trọng lượng chứ không ghi đơn vị đứng ra đúc. Còn chiếc vạc đồng thứ nhất và thứ hai tại lăng vua Tự Đức đều có ghi rõ “Minh Mạng lục niên nhị nguyệt cát nhật Võ Khố phụng tạo” (Võ Khố phụng mệnh vua để đúc vào tháng Hai năm Minh Mạng thứ sáu).
  2. Vạc đồng tại chùa Hội Thượng là một hiện vật quý cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Nếu tính thêm chiếc vạc đồng vừa mới phát hiện tại chùa Hội Thượng thì cho phép chúng ta có thể khẳng định rằng tại đất cố đô Huế hiện nay còn lưu giữ được 16 chiếc vạc đồng độc đáo. Tất cả những chiếc vạc này đều là bảo vật của Huế, là biểu trưng một thời cho sự hưng thịnh và phát triển của triều Nguyễn. Mỗi chiếc vạc đồng là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện trình độ kỹ thuật và mỹ thuật tuyệt vời của người thợ đúc đồng xứ Huế.

Có thể nói, qua việc phát hiện chiếc vạc đồng được đúc thời vua Minh Mạng tại chùa Hội Thượng đã giúp chúng ta nhận thấy một điều rằng: do trải qua nhiều biến cố thâm trầm của lịch sử, cổ vật triều Nguyễn đã bị thất lạc nhiều trong dân gian. Chắc chắn là ngày xưa, Huế không chỉ có chừng ấy vạc đồng, mà có thể nhiều hơn rất nhiều. Nhưng dù sao, với số lượng 16 chiếc vạc còn lại, Huế cũng có thể tự hào là một nơi hiện đang sở hữu số báu vật thuộc loại này phong phú nhất. Còn câu hỏi vì sao cổ vật này lại được đặt ở chùa Hội Thượng là một điều cần phải được nghiên cứu thêm. Hy vọng, những ẩn số liên quan đến chiếc vạc đồng đặc biệt này sẽ sớm được giải mã. •■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 195

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here