Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại VĂN HÓA ĐỌC

VĂN HÓA ĐỌC

158
0

Có lẽ vì vậy mà các bậc thức giả ngày trước, mỗi khi đọc sách đều tắm gội sạch sẽ, mặc áo dài, khăn xếp; xông trầm trước khi ngồi vào án thư mở quyển. Cốt cách nho phong ấy còn lưu giữ lại ở một số đông các học giả, nhà thơ, mà gần đây nhất là thi sĩ Đông Hồ. Khi còn là giáo sư thỉnh giảng ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, mỗi khi lên giảng đường giảng dạy cho đám môn sinh, ông đều xông trầm. Khói hương phảng phất như cuốn như bay theo những câu Đường thi cổ kính, khiến hàng trăm môn sinh lặng phắc lắng nghe từng câu, từng từ như thể được uống ly “bồ đào mỹ tửu” đến ngây ngất.

Tự mình đọc rồi suy gẫm nghĩa lý trong sách là cái thú; được nghe các học giả, nhà văn, nhà thơ đưa ra những chủ kiến cá nhân, khiến người đọc cảm thấy thú vị khi đối chiếu với những suy nghĩ của mình (về một trích đoạn hay nguyên một tác phẩm), lại càng thấy như ta đang bước vào rừng văn, bể sách để khám phá những điều mới lạ hơn.

Đọc sách, nói thơ cũng đã được nhà văn Nguyễn Tuân tái hiện một cách tài hoa qua các truyện Đánh Thơ, Thả Thơ trong tập tùy bút Vang bóng một thời. Những nhân vật cụ Nghè Móm, cô Tú, những Mộng Liên, Mộng Huyền, Mộng Thu, ông Kinh Lịch … mỗi khi đọc lại, lắng nghe hành động và ngôn ngữ của họ, ta có cảm giác như được sống lại không khí thuở xa xưa, thấy thấp thoáng đâu đó những Thất Hiền, Bát Tiên trên các bình, bát sứ cổ.

Ở phương Tây, con người thực tế hơn, họ không đi tìm kiếm cái xưa cũ như kiểu “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” mà nói ngay, đọc ngay những cái hiện có. Vì vậy họ lập ra những salons littéraires để được nghe đọc, rồi xúm xít lại cùng nhau bình một tác phẩm văn chương. Nhưng khổ thay, những salons này không được quảng đại quần chúng cho lắm, nó chỉ dành riêng cho giới quý tộc, những bà mệnh phụ phu nhân cho nên chỉ rầm rộ trong khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu XX rồi tự tiêu vong.

Tại Việt Nam, hình thức đọc và nghe không phát triển ồn ào, không có những salons; giới thượng lưu có điều kiện thì chẳng mấy mặn mòi; ngược lại đám trung lưu và bình dân tuy hào phóng với thời gian và sách vở thì không có chỗ để thường xuyên tụ hội. Họ đọc được tác phẩm hay, bèn kéo vài thân hữu ngồi bên chén trà bình luận, cốt để thỏa mãn tính chủ quan và khách quan mỗi khi đưa ra những nhận định cá nhân về nhân vật, về tác phẩm, tìm kiếm cái đẹp trong thế giới văn chương, để tâm hồn dịu lại. Dịu lại để điều chỉnh, tu dưỡng đạo đức, nhân cách con người.

Không nói đâu xa, chỉ từ khoảng năm 1986 trở về trước, khó khăn là thế, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, hiếm hoi lắm mới vớ được chai bia nhỏ đã là điều sang trọng, vậy mà sách in ra, cung không đủ cầu. Mỗi đầu sách lúc đó đâu chỉ in lèo tèo 500 hay 1.000 bản như ngày nay, mà có đến hàng ngàn, hàng vạn! Xoay qua trở lại không kịp tới hiệu sách Nhân Dân, vèo một cái hết ngay. Vậy là có “chiến dịch” đi mượn sách của bạn rồi giữ làm của riêng, của gia bảo! Bạn có hỏi bảo quên, có khi chối leo lẻo “mượn hồi nào?” (chỉ vì đó là quyển sách quý)! Hỏi mượn là điều chính đáng, nhưng cũng có nhiều vị không cần hỏi mượn, chờ chủ nhân lơ đãng là vội vàng cầm sách bỏ vào trong áo. Hành vi ấy tất nhiên là xấu, nhưng xét cho cùng cũng đáng thương và đáng tha thứ, bởi nhu cầu đọc của con người quá lớn mà túi tiền thì có hạn!

Nay thì văn hoá đọc gần như bị triệt tiêu phần lớn. Cơ sở để đưa ra nhận xét này, trước hết là nhìn vào số lượng in, được ghi cụ thể ở phần lạc khoản của quyển sách: nhiều nhất 2.000 bản, trung bình 1.000, còn loại 500 bản thì chiếm phần lớn. Sách tái bản họa hoằn lắm mới có vài cuốn mà ta quen gọi là best seller. Sao vậy nhỉ? Đâu còn khó khăn như cách đây gần ba chục năm? Hay tại sách không hay, giá bìa cao so với thu nhập bình quân? Không phải! Chắc là có một nguyên nhân sâu xa nào đó mà ta chưa lý giải được, đến nỗi các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt gào lên rằng: “văn hóa đọc đã bị xóa sổ rồi”. Một lời than não nuột! Cũng phải thôi. Cứ nhìn cách học sinh ngày nay học văn rồi làm văn thì thấy rõ ngay. Nhân vật Kiều của cụ Nguyễn Du được các sĩ tử bình như thế này: “Kiều là người phụ nữ có nhan sắc mặn mà, có đức tính chung thủy của người phụ nữ Việt Nam. Nàng đã thủ tiết thờ chồng. Sau khi Từ Hải bị giặc bắt đưa xuống tàu đày đi Côn Đảo, nàng ở vậy nuôi con…”, đúng là thế hệ bây giờ chẳng còn biết Kiều là ai, Nguyễn Du là ai qua lời tự thán tiền định của chính cụ “bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Chưa đến 200 năm ngày cụ mất (1820) mà những người đang học cụ đã quên phéng nói chi đến 300 năm thì tác phẩm truyện Kiều sẽ được nhớ mang máng thành truyện Vân Kiều, tên cụ sẽ là Nguyễn Văn Du hay Nguyễn Thị Du gì gì nữa không chừng!

Điều này cũng chẳng trách các em, bởi có một giáo sư văn học hẳn hoi giải thích câu thơ của Thôi Hộ (trong sách văn học lớp 11, nxb Giáo Dục năm 1993): đào hoa y cựu tiếu đông phong  cánh hoa đào từ năm ngoái đã khô trên cành đến nay vẫn còn treo lủng lẳng, cười với gió đông!? Chữ xưa, tích xưa mà bậc học giả (!) giải thích như vậy thì nay, nếu các em học sinh có nói Lão Tử  chết già, Tử Lộ  chết ngoài đường, Tử Cống  chết dưới cống dưới lù, Trang Tử  người chết được thờ trên trang… thì cũng làm sao trách được chúng?

Cứ theo đà này, thì hai câu: Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu sẽ được giải nghĩa là: ngô đồng  bắp ngoài đồng ruộng / nhất diệp lạc  có được dịp vui mừng / thiên hạ cộng  nhiều người họp lại (hợp tác xã) / tri thu  biết trước sẽ được bội thu. Rồi sẽ cao hứng dịch thành thơ: Vui mừng ruộng bắp trổ bông/ Phen này hợp tác ắt mừng bội thu. Hay như cuối đời Trần, Hồ Quý Ly khi lên ngôi đã đổi quốc hiệu là Đại Ngu mà lại đi giải thích là ngu lớn, ngu to, ngu quá là ngu thì chỉ còn có nước kêu trời.

Cũng đã lâu, trên tờ báo văn nghệ của một địa phương, số xuân Đinh Hợi 2007 có bài thơ Ngọn Cỏ Tịch Điền của nhà thơ Trần Hiền Ân; bài thơ không có gì làm xuất sắc, chỉ gửi gắm tâm sự của chính mình qua hình ảnh con trâu già, cũng đồng thời là tuổi thất thập Đinh Sửu của ông nhưng do có từ tịch điền, lại có thêm con trâu già chân què… nên có người giải thích ngọn cỏ tịch điền  ngọn cỏ trên cánh đồng chết thì quả là oan cho vua Nghiêu vua Thuấn của Trung Hoa và các triều đại Trần, Lê, ở Việt Nam sau này, là những ông vua, những triều đại biết khuyên dân chăm lo việc cày cấy để bảo đảm đời sống no ấm, quốc gia thịnh trị, và sau đó trở thành điển tích: “Tịch điền là thửa ruộng vua tự thân đốc xuất việc cày cấy để lấy thóc mà cúng tế. Thường đầu năm, vua dự cuộc cày cấy đầu tiên trên thửa ruộng của vua, gọi là tịch điền. Hán thơ có câu: “Khai tịch điền, trẫm thân xuất canh” (khai ruộng tịch điền, trẫm thân chinh đốc xuất việc cày cấy). (GS. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, trg 1224, Nam Chi Tùng Thư, SG 1965).

Đọc sách là món ăn tinh thần bổ ích, giúp cho con người củng cố tri thức, thu lượm những tinh hoa văn hóa, khoa học, kỹ thuật… của nhân loại: Đọc sách là việc làm không thừa. Vậy nhưng sau khi học, đọc xong hiểu nó như thế nào cho đúng mới là điều đáng quan tâm. Bởi có những người lấy cái sở học của mình để lý giải nghĩa lý ở đời để tự răn mình và làm đẹp cho đời là điều đáng trân trọng, nhưng cũng không ít kẻ có cái sở học lam nham, thuộc loại đầu nhỏ mỏ to chỉ mới vơ vội mấy chữ bé tí đã vội đồng bóng, nắn gân thiên hạ, không ngờ chỉ tổ làm trẹo mồm chính mình mà thôi. Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê: “Sách là tinh hoa, tinh túy của nhân loại… Đọc để bổ khuyết những chỗ hổng trong kiến thức của mình”. Nhưng sách viết một đằng, người đọc hiểu một nẻo rồi nhân đó mà tán rộng ra, suy diễn lung tung, rồi vội vã lên án, đả kích thì thật khổ thân cho tác giả đã mang nặng đẻ đau ra nó đã đành mà có vẻ như còn báng bổ cái bản sắc văn hóa dân tộc nữa là khác?

Bước vào hầu hết các thư viện, không ai là không nhìn thấy câu đại tự treo trên cao, trong phòng đọc Học, học nữa, học mãi của V.I. Lenin. Coi lại treo cho có treo chứ mấy ai chịu đọc nói chi đến học? Chả vì thế mà xứ này khối anh chưa hết trung học mà đã nắm cái bằng đại học treo đỏ nhà, chỉ để bịp thiên hạ, hù dọa đám dân ngu khu đen thấp cổ bé miệng!

Ôi, sao cái văn hóa đọc ngày nay nó xập xềnh làm vậy?

 

                                                                                                                                                                                            NGUYỄN LỆ UYÊN- Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here