Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Vấn đề hội nhập văn hóa phật giáo tại Thuận Hóa

Vấn đề hội nhập văn hóa phật giáo tại Thuận Hóa

173
0

Vấn đề đã quá hiển nhiên và rộng lớn, thiết tưởng không phải bàn đến. Ở đây, chúng tôi chỉ xin được nói đôi nét về văn hóa Phú Xuân. Trong việc hình thành văn hóa Phú Xuân-Huế và hình thành con người Huế thì Phật giáo là một thành tố quan trọng; cho nên Vấn đề hội nhập văn hóa Phật giáo ở Huế là vấn đề cần phải bàn đến hôm nay.

I. Sự hình thành và phát triển Phật giáo ở Huế

1. Phân kỳ từng giai đoạn phát triển Phật giáo ở Huế từ khởi thủy đến nay.

Trước khi chúng ta có Thuận Hóa, thì nơi đây vốn là hai Châu Ô Rí thuộc Chămpa. Cùng với tín ngưỡng Siva và tín ngưỡng bản địa, Phật giáo Chămpa cũng đã phát triển trên vùng đất Ô Rí này. Đến năm 1306, đất Ô Rí trở lại tay người Đại Việt, Phật giáo của miền Bắc đã theo dân Kinh Bắc, Hoan, Ái vào đây, dung hóa với Phật giáo Chămpa và tín ngưỡng bản địa để trở thành Phật giáo Thuận Hóa buổi đầu.

Vào năm 1555, Dương Văn An nhuận sắc sách Ô Châu cận lục, trong đó nói rõ phong tục, tín ngưỡng, chùa quán ở Tiên Bình và Thuận Hóa. Trước khi có sách này, riêng tại phần đất Thừa Thiên-Huế đã có chùa Thiên Mụ ở xã Hà Khê; chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân; chùa Tu Khách ở cửa Tử Dung…

Chùa Sùng Hóa vào thế kỷ thứ XV, XVI là một quốc tự: “Hằng năm đến tuần tiết lập nghi thì tam ti và quan chức các nha môn, vệ sở đến tụ họp đông đủ, áo xiêm lễ nhạc đông đảo như mây” (Ô Châu cận lục, Bùi Lương dịch tr.69). Trong Sơn môn đã có Tăng sĩ tụng kinh Đại thừa, ngoài dân gian đã có tập tục cúng lễ Vu Lan. Sách Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm (1714) đã ghi: “Năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng đã đến chùa Thiên Mụ để làm lễ Vu Lan”.

Vào đầu thế kỷ thứ XVII, Chúa Nguyễn Hoàng cho làm lại chùa Thiên Mụ (1601); chùa Sùng Hóa (1602) và mở Đại lễ Phật đản tại chùa Sùng Hóa (1603); thỉnh chư Tăng đến giảng kinh, thuyết pháp Đại thừa; làm cho dân Thuận Hóa vân tập, nghe kinh, xem hội rất đông, “ai nấy tấm tắc khen là khá sánh với hội Vô giá” (Sđd, Nguyễn Khoa Chiêm). Vào nửa sau thế kỷ này, Phật giáo Thuận Hóa bắt đầu hình thành nhiều Tông phái và phát triển.

Đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) có ngài Nguyên Thiều tứ Trung Quốc sang phủ Quy Ninh (Quy Nhơn) rồi lại ra Thuận Hóa lên núi Phú Xuân, khai sơn chùa Vĩnh Ân (Quốc Ân hiện nay) để hoằng giáo Thiền Lâm Tế. Ngài Nguyên Thiều rất có uy tín với cá chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và Nguyễn Phúc Chú (1725-1738). Cùng trong đời chúa Phúc Tần còn có Tổ Giác Phong khai sơn chùa Báo Quốc; Tổ Từ Lâm khai sơn chùa Từ Lâm; Tổ Khắc Huyền khai sơn Thiền Lâm Thiền viện (thuộc Thiền phái Tào Động). Cuối thế kỷ thứ XVII, chúa Nguyễn Phúc Chu mời Thạch Liêm Hòa thượng, cũng phái Tào Động, sang mở giới đàn truyền giới tại chùa Thiền Lâm tức thiền viện Thiền Lâm ngày trước, đến đây Phật giáo Thuận Hóa đã thiết lập được Đại giới đàn với đủ Tỷ-kheo, Sa-di và Bồ-tát giới. Lần này Phật giáo kết hợp với phủ chúa Nguyễn rất mật thiết. Chúa đã được ngài Thạch Liêm truyền dạy cách trị nước theo tinh thần và đạo đức Phật giáo; lúc đó có 4.000 giới tử Thuận Hóa đã được truyền giới. (Hải Ngoại Ký Sự).

Thế kỷ thứ XVIII, Phật giáo Thuận Hóa phát triển một cách đặc biệt. Thứ nhất là Tổ Minh Hoằng Tử Dung, khai sơn Ấn Tôn tự tức chùa Từ Đàm hiện nay. Tổ đã hướng dẫn một mùa an cư kiết hạ rất lớn tại Thiền Lâm thiền viện, địa bàn Trường An bây giờ (vùng đất từ Từ Đàm lên tới đàn Nam Giao). Chư Tăng cả hai đạo Thuận Quảng đều vân tập về đây, Tổ được cung thỉnh làm Thiền chủ. Thứ hai là trong kỳ an cư kiết hạ năm Nhâm Thìn (1712), Tổ Liễu Quán, người Đại Việt đầu tiên ở Nam hà đắc đạo với Tổ Minh Hoằng Tử Dung. Đây là một sự kiện lớn không những cho Phật giáo Thuận Hóa và Đàng Trong, mà cho cả Phật giáo Việt Nam nói chung. Về sau Tổ Liễu Quán đã tổ chức đến 5 Đại giới đàn: Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734), Ất Mão (1735), Canh Thân (1740) và Nhâm Tuất (1742) (Theo bia ở Tháp Liễu Quán), truyền giới cho hàng vạn tín đồ, Tổ có đến 49 đệ tử đắc pháp. Tổ lại xuất kệ khai phái Thiền Lâm Tế Tử Dung-Liễu Quán ở Nam hà, truyền bá từ Huế vào Nam; Tổ đình phái này là Thiền Tôn.

Thế kỷ thứ XIX, khởi đầu từ vua Gia Long (1802-1819), Phật giáo Thuận Hóa phát triển rộng rãi; chùa chiền nhiều, Tăng chúng đông, với tên tuổi của các Cao Tăng như ngài Đạo Minh Phổ Tịnh, ngài Mật Hoằng, Tánh Thiên Nhất Định, Hải Thuận Diệu Giác, Hải Thiệu Cang Kỷ, vân vân và vân vân …

Thế kỷ thứ XX, Hội An Nam Phật học ra đời (1932), hầu hết các thành viên ở Thuận Hóa là Nho sĩ, quan lại, phụ nữ, thanh niên, trí thức tân học…, đã cùng với Giáo hội Tăng già chuyển Phật giáo Thuận Hóa sang thời kỳ phát triển mới; dùng chữ quốc ngữ để dịch kinh tụng hằng ngày; đưa nhạc lễ vào các khóa hành lễ (như bài Trầm Hương Đốt của Bửu Bác), cải cách thờ tự cho trang nghiêm và giản dị hơn; tổ chức các Học Đường để đào tạo Tăng tài theo học phong mới; tổ chức Khuôn Hội đến tận làng xã để đưa Phật giáo về nông thôn, góp phần khai trí dân sinh thoát khỏi mê tín dị đoan, bỏ thói xấu kiện cáo lẫn nhau, lập nếp sống thân ái hiền hòa, giản dị. Nhất là chú ý giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng như Gia đình Phật Hóa Phổ về sau là Gia đình Phật tử; lập nhà nuôi trẻ mồ côi, lập trường Bồ Đề từ Tiểu đến Trung học, các trường Mầm non Lâm Tỳ Ni v.v… Lại mở Bệnh xá ở Thành phố và tận các làng xã xa xôi để khám và cho thuốc miễn phí… Tất cả đều đã và đang phát triển tại Thừa Thiên Huế.

2. Trong tiến trình hình thành và phát triển

Qua hơn 700 năm trên đất Thuận Hóa, Phật giáo cũng đã hòa nhập, tương tác với thiên nhiên, khí hậu và con người của một vùng sông núi hài hòa thanh tú; nhất là hình ảnh sông Hương. Sông Hương có lẽ là con sông đặc biệt không đâu có; trừ mùa mưa lụt trong thời gian ngắn so với toàn năm, lúc nào nước sông Hương cũng trong, mặt sông bình lặng như hồ. Núi ở phía Tây trùng điệp, những dãy đồi cao thấp ở mạn Nam sông Hương như Hàm Long sơn, Hoàng Long sơn , Dương Xuân sơn.. rất nhiều chùa chiền gần như đối lại với cảnh kinh thành, toàn bộ sông núi, cảnh thiên nhiên tạo nên cái đẹp hoằng viễn; dần dà huân tập ảnh hưởng để làm phát sinh mẫu người Huế trầm lắng, bình tĩnh, ôn nhu nhưng cương nghị. Người Huế đã đến với Phật giáo bằng tâm hồn đó. Các vị cao Tăng phần nhiều gốc người Quảng Trị (thuộc Thuận Châu ngày xưa) đều vào các chùa Huế để xuất gia vì nơi đây vốn đã có căn cơ, chủng tử Như Lai; được sống với môi trường ấy, các ngài đã trở thành những vị chân tu theo mẫu người Huế, khế hợp hoàn toàn với cư dân tại đây (thuộc Hóa châu ngày trước) để tạo thành Phật giáo Thuận Hóa có nhiều nét đặc trưng riêng biệt.

Ngoài ra trong kiến trúc chùa chiền, trong nếp sống đạo hạnh, Phật giáo Huế cũng mang trong mình văn hóa và lễ giáo cung đình triều Nguyễn. Chắc chắn trong hơn 300 năm văn hóa Phú Xuân, Phật giáo đã hội nhập tương tác rất sinh động trong văn hóa Huế vậy.

II. Một số đặc điểm về sự hội nhập văn hóa Phật giáo ở Huế

Văn hóa Việt Nam nói chung là văn hóa nông nghiệp – văn hóa xanh, lấy thiên nhiên làm nền tảng. Để tồn sinh và phát triển loại văn hóa này, con người trong đó phải có một giòng máu dũng cảm và ý chí cao độ, để sống với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa mở mang khai phá vừa giữ gìn trân trọng; chống ngoại nhân xâm lược, lấy con người làm nền tảng. Nhất là Thiền Tôn (kể cả Tào Động, Lâm Tế, Vân Môn, Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn) rất trọng thiên nhiên, môi trường sinh thái; khế hợp với văn hóa đồng xanh, Lạc Việt, cho nên Phật giáo đã hội nhập đầy đủ với văn hóa dân tộc. Riêng ở Thuận Hóa, chúng tôi sẽ nói qua bốn điểm sau:

1. Hội nhập trong nghi lễ

Nghi lễ là phần chính yếu của một tôn giáo; nghi lễ cũng là một nhu cầu bức thiết của con người nhằm tỏ lòng biết ơn, cầu nguyện, van vái… Nhưng Phật giáo chỉ lấy “giải thoát” làm mục đích cho cuộc sống; cho nên về phần nghi lễ không hề bày ra một cái gì để trói buộc, áp đặt con người. Nghi lễ Phật giáo rất thiết thực và diễn ra thường ngày như nghi lễ đánh chuông, gõ mõ, tụng kinh, tâm tưởng hướng thiện, cầu giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại: không lo âu, sợ sệt, hão huyền; tâm trạng luôn an trụ trong thư thái, vui vẻ; thoát mọi phiền não, tức giận, tham lam… Trong việc hội nhập với văn hóa dân tộc, Phật giáo Huế đã đưa nghi lễ vào cuộc sống dân Thuận Hóa bằng hai phần: thứ nhất là bày biện lễ vật cúng; thứ hai là tịnh tâm hộ niệm và “chính tín”.

• Phần bày biện lễ vật, chủ yếu là giản khiết và tinh sạch, vệ sinh; Tượng Phật thờ đúng cách, ngoài tượng ra còn có kinh, chuông mõ, tràng hạt; trên bàn thờ có đèn sáng, hương trầm thơm hoa quả tươi tắn, có sự cân xứng để tạo tâm tưởng chỉnh nghi. Nếu cần cỗ cúng Tổ Tiên, chỉ cần làm cỗ chay vừa hợp vệ sinh, vừa đỡ hao tốn, tránh ruồi nhặng bâu hút truyền mầm bệnh vào đồ ăn. Tuyệt đối là không có đốt giấy vàng mã.

• Phần tự trang nghiêm chính mình: giữ gìn thân, khẩu, ý để hướng thiện, hộ trì khi cúng lễ. Biết chắp tay, tĩnh tâm niệm theo tiếng xướng, tán, đọc kinh, trì chú của vị Tăng chủ sám. Phần này thì hiện giờ Phật tử Huế hầu như đã làm đồng bộ, tạo nên một nếp sống thuần nhã, có ý nghĩa. Chỉ nhìn thái độ và nếp sống tôn giáo của Phật tử Thừa Thiên Huế là rõ. Trở lại thời gian trước năm 1945, phải kiên trì lắm mới làm cho người dân hiểu thế nào là “chánh tín” và thế nào là “mê tín” để thoát khỏi thần quyền, thoát khỏi cái mơ màng “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” mà cả một thời gian dài trước đó đã xô đẩy người dân vào mê tín, cầu đảo van xin tha lực phù hộ.

Tuy nhiên, Phật giáo Huế cũng hòa nhập, tương tác với phong tục, tập quán của từng địa phương vào những nghi lễ của mình như lễ “đám chay” ở các phái, các họ tại nông thôn chẳng hạn. Không bắt buộc ai vào lạy Phật thì cũng phải đầu tròn áo vuông, người dân vẫn mang áo đen, khăn đóng, thậm chí cả áo rộng xanh vào làm lễ Phật ở đàn tràng, đám chay. Truyền thống của người dân Thuận Hóa cũng như cộng đồng dân tộc Việt Nam, rất biết trọng ơn nghĩa tổ tiên theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; điều này rất khế hợp với giáo lý “báo tứ trọng ân” của Phật giáo. Phật giáo Huế tổ chức lễ Vu Lan rất trang trọng để nhà chùa, tư gia Phật tử tưởng niệm công đức tổ tiên ông bà, cha mẹ quá cố; và “mùa Báo hiếu” trở thành mùa lễ hội lớn của toàn dân tộc.

2. Hội nhập trong kiến thức và mỹ thuật

Nói đến kiến trúc và mỹ thuật của Phật giáo thì phải nói đến chùa, tháp, tượng, chuông, mõ v.v…

Chùa Huế được cấu tạo theo phong cách nhà vườn truyền thống Huế. Ở Huế có tất cả khoảng 200 ngôi chùa, mỗi ngôi chùa là một khung cảnh đặc sắc đầy màu xanh của cây lá. Khi đến chùa, người ta có cảm giác thư thái, thanh bình về cảnh đẹp, về không khí trong lành, về vùng cây lá tươi mát và cung cách sinh hoạt trang nghiêm của Tăng Ni.

Đại thể, chùa Huế có nét tương đồng trong kiến trúc. Trước hết là cổng tam quan; bên trên có lầu để thờ Hộ pháp; qua khỏi cổng tam quan đến sân chùa. Ngôi chùa chính thường có hai phần: Tiền đường và Đại điện. Nhìn lên cách trang trí trên nóc chùa thường có rồng chầu hồ lô, hoặc chữ “Vạn”, hoặc chữ “Phật”. Trong đại điện, thờ tự rất giống nhau. Chính giữa có biển đề trên cao “Đại Hùng Bửu Điện”, bên dưới là bàn thờ; ngoài hết là bàn kinh, có chuông mõ … Chính giữa: tượng Phật Thích-ca; trên cao và trong khám có ba pho tượng Tam Thế Phật; gian tay trái (nhìn ra) thờ tượng Quan Âm, gian tay phải thờ tượng Địa Tạng; bên sau: chính giữa có bàn thờ Tổ; hai gian hai bên thờ linh. Tương đồng là vậy, song cũng có chùa cách bài trí thờ tự có khác hơn, nhưng không quá khác biệt. Chùa nào cũng có Đại hồng chung, trống lớn. Chuông trống hoặc là bài trí trong lầu chuông, lầu trống hai bên tả hữu Tiền đường; hoặc để ngay trong Tiền đường nếu chùa chưa có lầu chuông, lầu trống.

Phía sau chùa có nhà hậu; hai dãy nối chùa chính với nhà hậu ở phía trái và phía phải để làm nhà tăng và nhà khách, toàn bộ tạo nên một phong cách kiến trúc đặc trưng của chùa Huế: kiến trúc hình “chữ Khẩu” ( ). Xét về hình thức này có phảng phất ảnh hưởng kiến trúc cung đình Huế: nhất là các dãy điện chính như điệnThái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành… với các nhà Tả vu, Hữu vu hai bên. Cách xây nhà “trùng lương” cũng ảnh hưởng phần nào kiến trúc cung đình. Các mô-típ trang trí trên mái, nhất là hai con rồng quay đầu chầu mặt trời ở giữa. Có lẽ hai ngôi quốc tự Thiên Mụ và Diệu Đế do nhà vua cử người kiến thiết và trang trí nên về sau các chùa Huế cũng ảnh hưởng dần theo.

Tháp: Nguyên lai, chỉ Phật giáo mới có. Vua Thiệu Trị (1840-1847) đã xây tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ không phải thuần ý hướng truyền bá đạo Phật, mà lại để trấn yểm kinh thành (Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển Kinh Sư), điều này làm cho tháp chùa Thiên Mụ trở nên đặc sắc hơn, đó chính là nét hội nhập văn hóa Phật giáo về mặt kiến trúc vào văn hóa dân tộc.

Tượng Phật: tượng các vị Bồ-tát; tượng La-hán, Thập Điện Minh vương… là những nét độc đáo về mỹ thuật điêu khắc, nắn tượng… làm nên sắc thái riêng mà hầu như ngoài các chùa ở Huế thì không ở đâu có các hình thức điêu khắc như thế. Mỗi tượng một vẻ đã đành, chất liệu tạo tượng cũng rất phong phú: đồng, đá, sành, thạch cao, gỗ v.v… Nói về nghệ thuật tạo tượng, chắc chắn Phật giáo Huế đã làm giàu cho kho tàng nghệ thuật dân tộc không ít.

Chuông: thì có Đại hồng chung và chuông gia trì. Riêng về Đại hồng chung hiện có chuông Nguyễn Phúc Chu, chuông Gia Long ở chùa Thiên Mụ; chuông chùa Thuyền Tôn (đời Lê Cảnh Hưng); chuông chùa La Chữ (đời Tây Sơn, niên hiệu Quang Trung); chuông chùa Hạ Lang (thời Cảnh Thịnh)… đều là những bảo vật vô giá cho lịch sử, triết học, nghệ thuật trang trí cho đến nghệ thuật đúc đồng… Chuông gia trì, hiện tại ở Thừa Thiên Huế có hai chuông: chuông đời Cảnh Thịnh ở chùa làng Hạ Lang và chuông đời Minh Mạng ở chùa Khánh Vân, làng Lựu Bảo rất đáng quý.

: Cách đục mõ, nghệ thuật trình bày cái mõ bằng hình con cá gáy; mõ có thếp hoặc chỉ sơn đỏ; mõ có đủ kích cỡ, chỉ đục bằng gỗ mít cũng có thể là một chương đặc biệt về nghệ thuật Huế.

Ngoài ra còn có câu đối, văn bia và nghệ thuật điêu khắc trình bày các mô-típ: rồng, hoa sen cách điệu chính diện, hoa sen hình cánh phượng ở dưới bia, thể hiện sự tinh tế của nghệ thuật điêu khắc đa dạng của Phật giáo Huế.

3. Thế ứng xử với các tôn giáo và tín ngưỡng khác

Nói đến ứng xử cũng là nói đến nhân sinh quan của Phật giáo. Suốt 2.500 năm, Phật giáo chưa hề làm mất lòng một dân tộc nào, chứ đừng nói là cưỡng ép người khác theo đạo đến nỗi gây ra đổ máu. Trái lại, Phật giáo đi đến đâu cũng hòa nhập với các truyền thống tư tưởng, học thuyết, tín ngưỡng vốn có ở nơi đó. Tại Thuận Hóa thì cách sống đó của Phật giáo lại càng rõ hơn.

Nói về tín ngưỡng truyền thống, tự thân Phật giáo là một tín ngưỡng truyền thống của dân tộc; là văn minh, văn hóa và nếp sống của dân tộc trong suốt hai thiên niên kỷ nay. Bên cạnh đó, Nho giáo – nhất là ở Huế, chốn kinh đô của triều Nguyễn – có lúc đã giữ địa vị độc tôn; Lão giáo cũng đã ăn sâu vào tâm thức người dân.

Cho đến đầu thế kỷ XX, Nho giáo đã đi vào con đường bế tắc khi triều đình bỏ kỳ thi chữ Nho vào năm 1918. Phật giáo Thừa Thiên Huế cũng có chiều suy đồi vào giai đoạn nói trên. Thế nhưng, Phật giáo đã nhanh chóng phục hưng và đổi mới để phát triển vào năm 1932. Hội An Nam Phật Học ra đời đã kết tụ được nhiều nhà Nho như Phan Khôi (viết báo Tràng An), Huỳnh Thúc Kháng (báo Tiếng Dân), Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bình Thúc Dạ Thị … hoặc cổ vũ, hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động chấn hưng Phật giáo, trong đó có đông đảo các nhà Nho.

Lão giáo tôn trọng thiên nhiên, sống phóng khoáng gần như Thiền. Phật giáo cũng rất tôn trọng tinh thần yêu thiên nhiên nên đã hòa hợp và làm cho người có tinh thần Lão Trang ưa chuộng; Như Như đạo nhân ở Đào Hoa Trang là một ví dụ, ông vẫn cưỡi ngựa trắng, mặc áo vỏ cây, rong chơi trên núi Thiên Thai; vẫn ở tại Đào Hoa Trang ở vùng gần núi Ngự Bình; nhưng lại cùng vị Trú trì chùa Diệu Đế tục biên bộ Hàm Long Sơn Chí của Điềm Tịnh Cư sĩ – bộ sách nói về chùa chiền, cao Tăng ở Huế.

Năm 1940, Hội An Nam Phật Học đã mở lớp học đặc biệt dạy cả Phật học, Khổng học và Lão học cho thanh niên tân học thời bấy giờ; lớp thanh niên này về sau có nhiều người nổi danh trong Phật giáo xứ Huế.

Bên cạnh đó, ở Huế còn có Thiên chúa giáo. Đối với nhà Nho ngày trước, vì thấm nhuần tinh thần “trung quân” của họ, nên khi vua chúa Sắc dụ cấm Thiên chúa giáo thì nhà Nho gọi tín đồ Thiên chúa giáo là người “đàng đạo” và tự xưng mình là “người lương”. Trái lại, Phật giáo và tín đồ Phật giáo ở Thừa Thiên Huế chưa bao giờ dùng hai chữ đó cả; thái độ ứng xử với Thiên chúa giáo rất tự nhiên. Trong năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm tàn sát Phật tử, hạ cờ Phật giáo, đánh vào các chùa chiền. Phật giáo đồ đứng dậy đấu tranh với chế độ Diệm với châm ngôn “bất bạo động”; không hề chỉ trích đến tín đồ Thiên chúa giáo; đến nỗi nhiều Linh mục cảm kích, đã đứng dậy chống chế độ Diệm, theo hàng ngũ Phật giáo. Nói chung, thế ứng xử với Thiên chúa giáo là đoàn kết.

Những thuần phong mỹ tục của dân gian vẫn được Phật giáo trân trọng giữ gìn, không hề bác bỏ: thờ cúng tổ tiên, kỵ chạp, đám chay, ăn Tết Nguyên Đán v.v… nhưng chỉ trọng tinh giản, không xa hoa đình đám.

4. Sách, báo, nhà xuất bản, nhà in của Phật giáo ở Huế

Từ xưa, Phật giáo Huế là nơi phát xuất việc soạn sách, khắc kinh với tư cách thể nhân, không thuộc cơ quan văn hóa của triều đình như Quốc Sử Quán chẳng hạn. Hiện nay còn bộ Hàm Long Sơn Chí của hai soạn giả Điềm Tịnh Cư sĩ và Như Như Đạo nhân, là một bộ sử Phật giáo Huế của thế kỷ XIX. Đến năm 1942, Hội An Nam Phật Học ra đời, lấy chữ quốc ngữ để truyền bá đạo Phật. Năm 1942, sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Thầy Mật Thể được xuất bản, đánh dấu bước tiến mạnh của Phật giáo Huế.

Báo chí là phương tiện hoằng pháp hữu hiệu nên từ năm 1935, Phật giáo Huế đã cho ra mắt Nguyệt san Viên Âm; trong tạp chí này đã có nội dung bài trừ mê tín dị đoan và phần nghị luận ngoài những Kinh, Luật, Luận dịch từ chữ Hán ra. Báo này được truyền bá rất mạnh ở cả miền Nam lẫn miền Bắc.

Năm 1946, có báo “Giải thoát” của Thầy Mật Thể và một số Tăng sĩ trẻ chủ trương. Báo này có tiêu đề nêu rõ chủ đích: “Nghiên cứu và áp dụng đạo Phật vào đời sống mới”. Năm 1947, có “Phật giáo văn tập” của Cư sĩ Tráng Đinh. Năm 1949 có báo “Giác Ngộ”. Năm 1950, “Viên Âm tục bản” do Cư sĩ Chơn An Lê Văn Định chủ nhiệm. Những báo này đều có khuynh hướng áp dụng và cải cách Phật giáo Huế cho khế hợp với tinh thần dân tộc trong giai đoạn mới khi dân trí đã cao, khoa học đã tiến bộ.

Năm 1959 có tạp chí “Liên Hoa” của Giáo hội Tăng già Trung Việt, báo do Thầy Đôn Hậu chủ nhiệm; Thầy Đức Tâm chủ bút, quy tụ khá đông trí thức ở Huế cộng tác.

Cũng lấy chữ Quốc ngữ làm chính, sách Nghi thức tụng niệm ra đời; sách này đã in nhiều lần, cung cấp hàng vạn cuốn cho tín đồ khắp nơi hành trì, truyền bá “chánh tín” theo nghi lễ Phật giáo, góp phần bài trừ mê tín dị đoan. Năm 1960, các Tăng sĩ ở Huế đã soạn quyển Phật pháp để dạy đạo đức cho Gia đình Phật tử, sách này truyền bá đến cả người không theo Phật giáo. Ngoài kinh sách chính thức còn có thể truyện, thơ, ca, hò, vè, nhất là Ca Huế. Âm nhạc cũng được truyền bá rất rộng. Có bài “Từ Đàm quê hương tôi” hiện nay vẫn được mọi người ưa thích. Trước đây, ở Huế có nhà in Liên Hoa, in nhiều sách báo của Giáo hội Phật giáo Huế; và cả sách báo Phật giáo ở các tỉnh đưa về thuê in. Nhà in này cũng đã góp phần với ngành in ở Huế một thời, để đẩy mạnh việc in ấn văn hóa phẩm Phật giáo.

III. Tổng luận

Hiện nay, Huế đang đi lên theo chủ trương: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; thì trong bản sắc văn hóa dân tộc, Phật giáo Huế có phần đóng góp rất sâu sắc trong lãnh vực đời sống văn hóa, thái độ ứng xử giữa con người với con người và giữa con người với mội trường sinh thái, đáp ứng được du lịch xanh với mẫu nhà vườn kiểu Huế, qua phong thái kiến trúc vườn, nhà và cách bố trí nhà ở các chùa. Thiết thực nhất, món chay nấu theo lối Huế, do người phụ nữ Phật tử Huế nấu, cũng có thể là một đáp ứng về văn hóa ẩm thực hiện nay.

Hiện tại, nói về phương diện vật chất, văn hóa Huế còn có một mảng lớn là kiến trúc chùa, tháp với phong cảnh thanh u của cây xanh, bóng mát thì hình như người ta chưa nói đến. Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ ta cần bổ sung ngay mới kịp.

Về văn hóa phi vật thể, chúng tôi thấy tinh thần Phật giáo của xứ Huế, người Phật tử với những nét đặc trưng, đã làm thuần hòa thêm cho tinh thần người xứ Huế; vẫn là một kho báu tinh thần mà ta cũng chưa nói đến.

Trong sự phát triển của Phật giáo trong Nam ngoài Bắc thì Phật giáo Huế vẫn có nhiều nét đặc trưng riêng về tôn giáo học, dân tộc học, phong tục học… nên rất cần sự lưu ý của các học giả chuyên môn để đưa ra những nghiên cứu mới về bản sắc riêng của văn hóa Huế, trong đó có phần hội nhập và hình thành do văn hóa Phật giáo đã thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện.

Hiện tại, Phật giáo đang có hai ngành đang đóng góp nhiều với văn hóa dân tộc ở Huế là ngành y tế với Tuệ tĩnh đường Diệu Đế và ngành giáo dục với các lớp Mầm Non từ thiện, Trường Cơ bản Phật học Báo Quốc và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Nhưng, chúng tôi thấy vẫn chưa đủ để hội nhập với xã hội.

Chúng tôi mong Chính quyền các cấp quan tâm đến Phật giáo Huế hơn nữa, để Phật giáo có thể làm tròn chức năng truyền thống của mình trong việc hội nhập với văn hóa dân tộc.

Về vấn đề văn hóa, lối sống, phong cách hội nhập, chúng tôi mong về phần Giáo hội và tín đồ phải gạt bỏ những sai lệch, cũ kỹ, lạc hậu để đoàn kết, cùng giữ gìn, trân trọng và phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có, cho phù hợp với bước tiến nhanh của dân tộc và theo kịp sự biến đổi của văn hóa dân tộc.

NGUYÊN ANH | Tạp Chí Văn Hóa Phật giáo 4 |

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here