Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Văn bản phú pháp của Thiền sư Pháp Chuyên trao cho đệ...

Văn bản phú pháp của Thiền sư Pháp Chuyên trao cho đệ tử Toàn Tri Thành Lý

193
0

Phú pháp (còn gọi là phó Pháp) nghĩa là chọn người để trao truyền giáo pháp để giáo pháp được gìn giữ và tiếp nối mãi mãi. Theo thứ tự truyền trao giáo pháp cho người, gọi là phó pháp tương thừa. Phật giáo không chấp nhận sự độc đoán của cá nhân, cho nên từ thời đức Thế Tôn đến nay vẫn coi trọng việc tương thừa chính pháp[1]. Đối với Thiền tông, việc phú pháp được chú trọng. Theo thiền sư, vào thời đức Phật, ngài đã phú pháp cho ngài Ca Diếp qua điển tích “Niêm hoa vi tiếu”. Từ đó, các bậc đại sư đã phú pháp cho khá nhiều đệ tử đắc pháp. Trước thời Lục tổ Huệ Năng, các bậc tổ sư thường chọn một đệ tử chính để truyền y bát. Vì sợ sự tranh giành trong chốn thiền môn, ngài Huệ Năng đã bỏ tục lệ này mà truyền tâm ấn cho đệ tử. Tại Việt Nam, không biết việc phú pháp được tổ chức như thế nào. Giai đoạn các tổ sư phái Lâm Tế đến truyền đạo tại Đàng Trong, các ngài đã trao truyền cho đệ tử qua văn bản phú pháp. Có nhiều nhà nghiên cứu gọi văn bản này với các tên như pháp quyến, chính pháp nhãn tạng, phú bản. Chúng tôi gọi chung là phú pháp cho đúng theo tinh thần nội dung của văn bản.

   Bản phú pháp xưa nhất còn được biết đến là văn bản do tổ Thiệt Vinh Bảo Hạnh trao cho đệ tử Tế Cảm Thiệt Ứng vào năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748)[2]. Chúng tôi hiện chưa tiếp xúc được văn bản này nên đành để nghiên cứu sau. Nhân chuyến đi Phú Yên năm ngoái, đoàn chúng tôi viếng thăm một số tổ đình thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại đây và phát hiện một số bản phú pháp khá xưa. Bản chúng tôi muốn giới thiệu trong bài viết là một văn bản ra đời khoảng đời Tây Sơn do thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền (1738-1810) trao cho đệ tử Toàn Tri Thành Lý. Hai thầy trò đã có công phát triển Phật giáo tại Phú Yên, nhất là ngài Pháp Chuyên. Do đó, công việc công bố văn bản có ý nghĩa trong việc tìm hiểu về ngài cũng như sự truyền thừa dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại đây[3].

   Bản phú pháp được viết trên giấy bản khổ lớn, có 30 dòng, mỗi dòng chữ viết không đều, có dòng chỉ vài chữ, có dòng lên đến hai mươi mấy chữ. Chữ viết chân phương, rõ, đẹp. Trong văn bản có 5 con dấu son, một con bị mất khi đóng ở phần niên đại[4]. Hai con dấu cỡ vừa đóng bên trái dòng ghi về thiền sư Pháp Chuyên. Một con dấu khắc 15 chữ ghi “Lâm Tế chính tông tam thập lục thế sa môn húy thượng Pháp hạ Chuyên” và con dấu phía dưới có bốn chữ “Diệu Nghiêm chi ấn”.  Dòng đầu tiên viết bốn đại tự “chính pháp nhãn tạng[5]. Văn bản bị rách mất phần cuối nên hai dòng sau bị khiếm khuyết, nhất là dòng niên đại bị mất, chỉ còn lại đường viền bên trái của con dấu đỏ. Dòng kề bên bị mất vài chữ ở đầu và cuối dòng. Dòng này có thể đoán định được mấy chữ mất. Hai chữ đầu bị mất là chữ “Lâm Tế”, chữ “Tế” bị rách còn thấy dấu mực ở góc trái phía dưới. Hai chữ sau là “chính tông” thì hai chữ đầu của nó phải là “Lâm Tế”, tức đi theo kết cấu “Lâm Tế chính tông”. Cuối dòng cũng rách nên biết được tên vị được trao là Toàn Tri Thành Lý và có thể phía dưới tên vị đó là hai chữ “đệ tử”. Như thế, dòng này có thể phục hồi như sau “Lâm Tế chính tông tam thập thất đại, húy pháp danh Toàn Tri, hiệu Thành Lý đệ tử”.

   Về niên đại, chỉ có thể đoán định vì dòng này bị rách mất. Công việc tìm niên đại có thể dựa trên văn bản gốc và các tư liệu hỗ tương thì may ra tìm được khoảng thời gian ra đời của văn bản. Theo Từ Quang tự sa môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí có một dòng ghi chép long vị như sau: “Lâm Tế chính tông tam thập lục thế Từ Quang đường thượng húy Pháp Chuyên tự Luật Truyền hiệu Diệu Nghiêm hòa thượng chi vị. Sinh ư Mậu Ngọ niên tứ nguyệt sơ nhị nhật; tịch ư Canh Ngọ niên lục nguyệt thập thất nhật. Thử long vị kiến tại Khánh Sơn tự[6]. Theo dòng chép, thiền sư Pháp Chuyên sinh ngày 2 tháng 4 năm Bính Ngọ, tịch ngày 17 tháng 6 năm Canh Ngọ. Năm Bính Ngọ, tra vào niên biểu Việt Nam là năm 1738, tịch năm Canh Ngọ là năm 1810, thọ 73 tuổi. Theo hành trạng, sư xuất gia với tổ Ân Triêm, học đạo với ngài Thiệt Kiến Liễu Triệt chùa Thập Tháp. Dấu ấn có liên quan tới bản phú pháp là những năm sư sống tại Phú Yên, tức những năm sư đã cao niên mới phú pháp cho đệ tử.

   Dựa vào truyện ngài có ghi một đoạn khá lý thú, giúp cho công việc tìm ra niên đại văn bản. Truyện cho biết, ngày 22 tháng 7 năm Bính Thìn (1796), đệ tử ở am Khánh Sơn thỉnh sư lập giới đàn, và nhân đại lễ này, sư đã phú pháp cho 28 đệ tử. Trong danh sách đó có ngài Thành Lý[7] mà bản phú pháp có ghi lại tên là Toàn Tri Thành Lý. Do đó, có thể năm 1796, sư Pháp Chuyên lập bản phú pháp cho đệ tử Thành Lý. Với lại, văn bản không viết theo cách viết húy của các vua triều Nguyễn. Các chữ “chủng”, “tông”, “thời” viết bình thường như chữ “chủng” trong câu “Thiệu Long Phật chủng”; chữ “tông” trong “Lâm Tế chính tông”; chữ “thời” trong vế “Như Lai tương nhập niết bàn thời”. Vì thế, văn bản phải ra đời trước các vua nhà Nguyễn. Do đó, năm 1796 chính là năm thiền sư Pháp Chuyên lập bản phú pháp và nó nằm trong thời gian nhà Tây Sơn trị vì.

   Khi nói phú pháp nghĩa là trao truyền chính pháp cho nhau nên trong văn bản có ghi danh sách các đời tổ sư, từ đức Phật Thích Ca cho đến ngài Pháp Chuyên. Cách ghi chép ở các tổ Ấn Độ và Trung Hoa được tỉnh lược, chọn vài ngài tiêu biểu. Các tổ Ấn Độ chỉ chép được bốn vị là ngài Ca Diếp, A Nan Đà, Thương Na Hòa Tu và Bồ Đề Đạt Ma. Tổ Bồ Đề Đạt Ma được tôn xưng là sơ tổ Trung Hoa. Phần chư tổ Trung Hoa chép đơn cử có ba vị là Nam Nhạc Hoài Nhượng, Lâm Tế Nghĩa Huyền và Thiên Đồng Viên Ngộ. Bản chép những vị có quan hệ khá lớn với dòng Lâm Tế phái Thiên Đồng.

   Tông Lâm Tế bắt đầu từ thiền sư Nghĩa Huyền nhưng bản phú pháp có truy lên đến thiền sư Nam Nhạc. Lục tổ Huệ Năng truyền khá nhiều đệ tử, nổi trội và truyền thừa liên tục lập nên các tông phái sau này, chỉ có hai vị: Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng. Từ ngài Nam Nhạc truyền xuống cho Mã Tổ Đạo Nhất. Từ Mã Tổ truyền cho Bách Trượng Hoài Hải. Hoài Hải truyền cho Qui Sơn Linh Hựu và Hoàng Bá Hi Vận. Hoàng Bá có đệ tử Nghĩa Huyền lập tông Lâm Tế. Do đó mà bản phú pháp chỉ ghi về hai ngài đầu phái là Nam Nhạc và Nghĩa Huyền.

   Bản chép ngài Nghĩa Huyền là tổ thứ 27 và thiền sư Viên Ngộ đời thứ 32. Theo các thiền sử Trung Hoa, có mấy cách ghi chép về các đời truyền thừa. Có quyển lấy tổ Ca Diếp làm đời thứ nhất và chép liên tục đến các tổ sau này. Có nơi cũng thế nhưng đến tổ Bồ Đề Đạt Ma thì cho ngài làm sơ tổ bên Tàu và từ các vị này ghi theo thế thứ lại. Có sách lấy vị tổ đầu của phái mình đề ghi các đời. Nếu như lấy tổ Ca Diếp làm đời thứ nhất thì Ngài Nghĩa Huyền thuộc đời pháp thứ 42. Nếu lấy ngài Đạt Ma làm đời thứ nhất thì ngài mới đến đời thứ 11. Còn về tông Lâm Tế thì ngài tôn làm tổ đệ nhất. Do đó, bản ghi ngài đời thứ 27 có thể chép nhầm.

   Ở miền Trung, Nam, các long vị có ghi chép thế thứ phái Lâm Tế. Các ngài thường thuộc đời 33, 34 như ngài Nguyên Thiều (đời 33), ngài Minh Hoằng Tử Dung (đời 34), Minh Hải Pháp Bảo (đời 34)…Cách tính này lấy ngài Nghĩa Huyền làm sơ tổ dòng Lâm Tế. Riêng đến hòa thượng Thiên Đồng Viên Ngộ thì cho thuộc đời thứ 32 là nhầm. Thực chất, thiền sư Viên Ngộ phải thuộc đời thứ 30 mới đúng. Vì theo sự truyền thừa trước ngài Nguyên Thiều được các tư liệu ghi chép như: Mật Vân Viên Ngộ, Đạo Mân Mộc Trần, Bản Quả Khoáng Viên, Thọ Tông Nguyên Thiều. Lấy ngài Nguyên Thiều đời 33, thì ngài Bản Quả đời 32, Đạo Mân đời 31 và Mật Vân Viên Ngộ đời 30 là hợp lý.

   Từ thiền sư Nguyên Thiều truyền đến cho thiền sư Diệu Nghiêm thì nằm hẳn về phía tư liệu của Việt Nam. Theo thứ tự: Nguyên Thiều Thọ Tông (đời 33), Minh Hải Đắc Trí (đời 34), Thiệt Dinh Ân Triêm (đời 35) và Pháp Chuyên Diệu Nghiêm (đời 36). Cách ghi này có thể hiểu là các vị có quan hệ pháp phái, vị trước chính là thầy của vị sau hoặc vị sau cầu pháp với vị trước. Do đó, thiền sư Minh Hải Đắc Trí (chùa Chúc Thánh, Hội An) phải là đệ tử của ngài Nguyên Thiều và chi phái Lâm Tế Chúc Thánh bắt nguồn từ Thiên Đồng pháp phái (Trung Quốc) mà phái đó, do thiền sư Nguyên Thiều mang sang nước ta.

   Sau phần danh sách các tổ sư là đến lời văn ghi lại những lời dặn dò của vị thầy cho đệ tử. Lời văn khá hay, ghi chép những điều cốt yếu của Thiền tông. Mục đích là vị thầy tìm người kế thừa dòng pháp và khêu gợi vị đệ tử cầu đạo phải có chí nguyện “trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh” và làm cho dòng pháp phát triển, không bị lu mờ ở thế gian. Hết phần “Thị” tức lời dặn dò là bài kệ bốn câu, tóm yếu nội dung cần trao truyền. Sau đó, vị thầy đã chỉ ra các hạnh nguyện mà đệ tử cần nắm bắt như tứ hoằng thệ nguyện, bi trí song hành, nhất là đừng quên pháp nhũ, tức những lời dặn dò. Đây chính là cơ sở để vị đệ tử sau khi nhận pháp ra sức hành đạo cho đúng chính Pháp của đức Phật. Phần cuối ghi lại vị thầy thuộc dòng pháp Lâm Tế đời thứ mấy trao cho đệ tử để thụ trì và phụng mệnh tuân hành. Cuối văn bản là niên đại và có nhiều bản ghi lại nơi truyền pháp.

   Bản phú pháp này là mẫu cho các văn bản thuộc thế kỷ sau. Chính trong dòng Chúc Thánh ở Phú Yên đều lấy mẫu này sao chép ban cho các thế hệ sau như bản phú pháp của thiền sư Toàn Đạo Viên Đàm ban cho thiền sư Chương Từ Quảng Thiện vào năm Bính Thân (1836); bản phú pháp của thiền sư Chương Từ Quảng Thiện ban cho đệ tử Ấn Chứng Viên Mãn (mất lạc khoản niên đại);  bản phú pháp của thiền sư Chương Như Từ Ý ban cho đệ tử Ấn Thiên Huệ Nhãn vào năm Canh Ngọ (1870); bản phú pháp của thiền sư Ấn Thiên Huệ Nhãn ban cho đệ tử Chơn Chánh Pháp Tạng năm Nhâm Ngọ (1882); bản phú pháp của thiền sư Ấn Thiên Huệ Nhãn ban cho đệ tử Chơn Minh Pháp Đăng năm Quí Mùi (1883). Không chỉ ở Phú Yên mà tại Bình Định cũng chịu ảnh hưởng của bản phú pháp này. Trong tập sách Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, tập thượng quyển thượng[8] của Đặng Quí Địch có giới thiệu hai bản phú pháp có lời văn khá giống bản này, chỉ sai khác các thế thứ pháp phái của mỗi vị. Bản thứ nhất do thiền sư Chơn Tâm Phước Quang ban cho đệ tử Như Huệ Hoằng Thông vào năm Bính Thìn (1916), bản nữa do thiền sư Chơn Luận Phước Huệ chùa Thập Tháp cũng ban cho ngài Hoằng Thông vào năm Kỷ Tị (1929)[9]. Từ đây có thể tạm qui kết cách viết bản phú pháp có sự ảnh hưởng trong các sơn môn, pháp phái xưa. Từ một bản gốc được các thế hệ kế thừa sao tả cho hợp với thế thứ của mình, chỉ có chép thêm bài kệ do vị đại sư đó soạn ra. Do đó, chúng trở thành một mẫu chung cho các tờ phú pháp thời sau. 

   Tóm lại, đây là một văn bản ra đời khá lâu, được trao truyền và cất giữ tại các chùa Phú Yên. Văn bản do vị tổ sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm đứng lập và vị đó có quan hệ khá rộng lớn. Sư được xem như vị tổ đầu tiên mang dòng Lâm Tế Chúc Thánh truyền vào Phú Yên. Hiện các tổ đình dòng phái đều bắt nguồn từ chính ngài. Ngài cũng là tác gia văn học trong giai đoạn Tây Sơn với nhiều văn phẩm, chú thích kinh điển khá đặc sắc. Thông qua bản phú pháp, chúng ta hiểu được sự truyền thừa phái Lâm Tế Chúc Thánh và một góc cạnh về hai đại sư Pháp Chuyên Diệu Nghiêm và Toàn Tri Thành Lý. Văn bản thuộc loại cổ cần trân trọng và giữ gìn làm tư liệu nghiên cứu về sự truyền thừa phái Lâm Tế tại miền trung, nhất là thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên. Sau đây, xin phiên âm, dịch nghĩa toàn văn bản để làm tư liệu nghiên cứu. 

Phiên âm:

CHÍNH PHÁP NHÃN TẠNG

Nam mô bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Đệ nhất tổ Ma Ha Ca Diếp tôn giả

Đệ nhị tổ A Nan Đà tôn giả

Đệ tam tổ Thương Na Hòa Tu tôn giả

Nãi chí:

Đệ nhị thập bát tổ Bồ Đề Đạt Ma tôn giả. Thử độ vi sơ tổ. Nãi chí:

Đệ thất tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư. Nãi chí:

Đệ nhị thập thất tổ Lâm Tế Nghĩa Huyền thiền sư. Nãi chí:

Đệ tam thập nhị thế Thiên Đồng Viên Ngộ thiền sư

Đệ tam thập tam thế Nguyên Thiều Thọ Tông hòa thượng

Đệ tam thập tứ thế Minh Hải Đắc Trí hòa thượng

Đệ tam thập ngũ thế Thiệt Dinh Triêm Ân hòa thượng[10]

Đệ tam thập lục thế Pháp Chuyên Diệu Nghiêm hòa thượng

Thị viết:

   Tích ngã Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai tương niết bàn thời, dĩ chính pháp nhãn tạng niết bàn diệu tâm phú chúc Ma Ha ca Diếp tôn giả vi đệ nhất tổ, tục Phật tuệ mệnh, hóa độ quần sinh, tiếp dẫn đại thừa, truyền Phật diệu đạo, vi giáo ngoại biệt truyền, trực hạ thừa đương, kiến tính thành Phật, đại đại tương thừa, truyền đăng pháp nhãn, tự hành hóa tha, thiệu long Phật chủng. Nãi chí ư ngã, thân thừa tổ đạo, tông chỉ diệu tâm, sự lý duy dung, tính tướng vô ngại, truyền trì thừa đạo, hoằng pháp lợi sinh. Kim nhữ: cụ hữu thử tâm, hội Đại thừa đạo, cầu Phật chính nhân, đương lai giác quả, hóa vật độ sinh, đồng vi Phật chủng, quảng lợi nhân thiên, tề thành chính giác. Thị cố, ngã tương thử pháp phú chúc dữ nhữ, đế thính kệ viết:

Pháp thị như như pháp

Tâm sinh Phật giai như

Bản lai thường thanh tịnh

Thủy chứng Phật bồ đề.

   Nhữ kim thụ trì thử pháp, tắc thành Phật quả, phi dao phất đại thừa tâm, tứ hoằng thệ nguyện, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa hữu tình, bi trí song hành, tự tha giác mãn, dĩ thù phật chi thâm ân, bất vong pháp nhũ, hộ trì Tam Bảo, truyền Phật diệu tâm, thế thế sinh sinh, như Phật tổ học, như thị tôn trọng, thừa mệnh phụng hành.

   Truyền Lâm Tế chính tông tam thập lục thế sa môn húy thượng Pháp hạ Chuyên hiệu Diệu Nghiêm bản sư. Phú thụ:

…chính tông tam thập thất đại húy pháp danh Toàn Tri hiệu Thành Lý… 

Dịch nghĩa[11]:

CHÍNH PHÁP NHÃN TẠNG

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Tổ thứ nhất: tôn giả Ma Ha Ca Diếp

Tổ thứ hai: tôn giả A Nan Đà

Tổ thứ ba: tôn giả Thương Na Hòa Tu.

Truyền đến:

Tổ thứ 28: tôn giả Bồ Đề Đạt Ma. Đến đất này làm sơ tổ.

Truyền đến:

Tổ thứ 7: thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng

Truyền đến:

Tổ thứ 27: thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền

Truyền đến:

Đời thứ 32 hòa thượng Thiên Đồng Viên Ngộ

Đời thứ 33 hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông

Đời thứ 34 hòa thượng Minh Hải Đắc Trí

Đời thứ 35 hòa thượng Thiệt Dinh Triêm Ân

Đời thứ 36 hòa thượng Pháp Chuyên Diệu Nghiêm.

Dạy rằng:

   Xưa đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Như Lai sắp nhập niết bàn, bèn đem chính pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm trao cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm vị tổ thứ nhất nối tiếp tuệ mệnh của đức Phật mà hóa độ quần sinh, dắt dẫn lên Đại thừa, truyền đạo vi diệu của Phật, truyền riêng ngoài giáo pháp, thẳng xuống lĩnh nhận để thấy tính thành Phật, đời đời nối nhau truyền thừa mắt pháp, tự mình hành trì và giáo hóa kẻ khác, nối dòng và phát triển giống Phật. Cho đến ta, thân thừa đạo tổ, tông chỉ diệu tâm, sự lý dung thông, tính tướng chẳng ngại, truyền trì đạo này, hoằng pháp lợi sinh. Nay ngươi có đủ lòng gánh vác đạo Đại thừa, cầu chính nhân Phật, tương lai quả giác, hóa vật độ sinh, cùng làm giống Phật, lợi rộng khắp trời người, đều thành chính giác. Vì vậy, ta đem pháp này phú chúc cho ngươi, lắng nghe kệ rằng:

Pháp là pháp như như

Tâm sinh Phật đều như.

Xưa nay thường thanh tịnh,

Mới chứng quả bồ đề.

   Nay, ngươi thụ trì pháp này thì thành quả Phật chẳng xa, phát tâm đại thừa, bốn thề nguyện rộng, trên cầu đạo Phật, dưới hóa độ hữu tình, bi và trí song hành, tự tha giác mãn, để báo đáp ơn sâu của Phật tổ, không quên pháp nhũ, gìn giữ Phật tổ, truyền diệu tâm Phật, đời đời kiếp kiếp theo học Phật tổ, như thế là tôn trọng, vâng mệnh phụng hành.

    Bổn sư húy Pháp Chuyên hiệu Diệu Nghiêm truyền đời thứ 36 chính tông Lâm Tế trao cho: đệ tử pháp danh Toàn Tri hiệu Thành Lý đời 37 chính tông Lâm Tế.     

Thích Đồng Nhưỡng: nguồn:dacsansuoinguon.org                                                               


[1].  Theo Phật Quang đại từ điển (bản Việt ngữ), tập 4. 

[2]. Nguyễn Hiền Đức là người đầu tiên sử dụng tư liệu này để nghiên cứu về ngài Thiệt Vinh Bảo Hạnh và Tế Cảm Thiện Ứng. Xem Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của tác giả. 

[3]. Thiền sư Pháp Chuyên là người truyền thừa đầu tiên dòng Chúc Thánh tại Phú Yên. Hiện pháp phái do ngài truyền xuống khá mạnh và có sự ảnh hưởng lớn đến các tỉnh lân cận. Thiền sư Toàn Tri Thành Lý chưa thấy tư liệu nào ghi chép về ngài, chỉ ghi được tên pháp hiệu trong truyện thiền sư Pháp Chuyên. Không biết sau này, thiền sư hành đạo tại chùa nào trong bản tỉnh. 

[4]. Con dấu mất chỉ còn lề màu đỏ có thể là loại dấu lớn khắc bốn chữ triện “Phật pháp tăng bảo”. Thông thường, các văn bản loại này hay đóng con dấu đó vào dòng niên đại. 

[5]. Có nhiều bản ghi dài hơn như Chính Pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn. 

[6]. Từ Quang tự sa môn Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí, Thị giả biên tập, Chơn Thuật chùa Phước Lâm chép lại năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896), tờ 11a. Phần chép long vị này được người sau ghi thêm vào, chứ nguyên bản không có. Do cuối truyện không chép năm viên tịch nên người sao tả đã y cứ long vị chùa Khánh Sơn chép thêm vào một đoạn trống để bổ sung cứ liệu hành trạng ngài.

[7]. Nguyên văn:“Chí Bính Thìn niên thất nguyệt nhị thập nhị nhật, Khánh Sơn am đệ tử chúng đẳng thỉnh lai khai đàn thuyết giới. Cập cung thỉnh Qui Nhơn phủ Hoa Nghiêm Hoa, Huy đại sư, Đức Lâm đại sư đẳng, cập Phú Yên phủ Thiên Mãn hòa thượng đẳng. Đại chúng đồng lai khai Chúc Thọ giới đàn, cập thuyết Địa Tạng kinh thập nhật, thụ giới tăng ni nhị bách dư nhân. Thì chủ trấn Đoàn Luyện quận công quan cập chư đô đốc quan liêu đẳng phát tâm hộ vệ, đồng lai cung phụng. Kỳ cầu pháp tự truyền đăng giả: Thiệu Long, Chiếu Huyền, Giác Quả, Viên Đàm, Chơn Thường, Linh Nguyên, Đức Hoằng, Chơn Như, Giác Liên, Đức Thành, Tịnh Đổ, Đạo Nghị, Chiếu Hưng, Thành Nhân, Phổ Chiếu, Ứng Cơ, Đức Bổn, Nghĩa Tường, Giác Lâm, Quang Đài, Khánh An, Lương Tri, Thiên Cơ, Nghĩa Hoằng, Thành Lý, Tự Nhâm, Nghĩa Y, Trung Quán đẳng”. Tạm dịch: Đến ngày 21 tháng 7 năm Bính Thìn (1796), các đệ tử ở am Khánh Sơn thỉnh ngài khai đàn truyền giới, có mời các đại sư Đức Lâm, Hoa Nghiêm, Hoa Huy ở phủ Qui Nhơn và hòa thượng Thiên Mãn phủ Phú Yên cùng đại chúng đến khai Chúc Thọ giới đàn. Thỉnh ngài thuyết kinh Địa Tạng mười ngày, tăng ni thọ giới hơn hai trăm vị. Lúc đó, chủ trấn Đoàn Luyện quận công cùng các đô đốc, quan liêu phát tâm hộ vệ, cùng đến cúng dường. Các đệ tử được truyền pháp như Thiệu Long, Chiếu Huyền, Giác Quả, Viên Đàm, Chơn Thường, Linh Nguyên, Đức Hoằng, Chơn Như, Giác Liên, Đức Thành, Tịnh Đổ, Đạo Nghị, Chiếu Hưng, Thành Nhân, Phổ Chiếu, Ứng Cơ, Đức Bổn, Nghĩa Tường, Giác Lâm, Quang Đài, Khánh An, Lương Tri, Thiên Cơ, Nghĩa Hoằng, Thành Lý, Tự Nhâm, Nghĩa Y, Trung Quán. 

[8]. Do Nxb Đà Nẵng in năm 2012, mục chùa Bạch Sa. 

[9]. Tất cả các bản phú pháp trên đều có gốc từ thiền sư Pháp Chuyên truyền xuống, ngay bản của ngài Hoằng Thông chùa Bạch Sa, Bình Định cũng thuộc về dòng pháp của ngài. Còn bản do ngài Phước Huệ trao cho Hoằng Thông thì không thuộc pháp phái mà nó nằm về chùa Thập Tháp. Chúng tôi hiện chưa tìm được các bản phú pháp của chùa Thập Tháp để biết pháp phái này có cách ghi giống với các bản trên không?

[10]. Theo long vị và văn bia tháp tại chùa Phước Lâm (Hội An) thiền sư Thiệt Dinh tự Chánh Hiển hiệu Ân Triêm, chứ không phải Triêm Ân. Có thể bản chép đảo tên hiệu ngài. Từ đó, các phú pháp, điệp thế độ ở Phú Yên và Bình Định đều ghi là Triêm Ân. Còn tên pháp danh ngài là Thiệt Dinh, đúng đọc phải Thiệt Doanh (Thật Doanh) nhưng ở vùng Trung Nam hay đọc âm Doanh thành Dinh nên chúng tôi phiên âm theo cách đọc ở vùng này.

[11]. Bản dịch có tham khảo lời dịch của ông Đặng Quí Địch trong sách Những ngôi chùa tiêu biểu trong tỉnh Bình Định, tập thượng quyển thượng, mục chùa Bạch Sa.

 

                                                                            

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here