Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Truyện ngắn: Làm lại từ đầu

Truyện ngắn: Làm lại từ đầu

174
0

Câu chuyện kể về một chú tiểu sống ở chùa từ nhỏ. Lên 9 tuổi duyên lành đã đưa đẩy chú đến với mái già lam Phước Huệ này. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, chú tinh cần học tập, vâng lời Thầy dạy. Bản chất chú tiểu ngoan hiền, lanh lợi và rất thông minh, được quý phật tử thương yêu, giúp đỡ và hay cho chú quà vặt, coi chú như con mình. Sống trong tình thương, sự chở che, giúp đỡ của sư phụ, cô bác xa gần, ngồi một mình dướng bóng mát của gốc đa chùa, chú cảm thấy hạnh phúc và không lo nghĩ gì về ngày mai…

Năm 16 tuổi, vì trường làng không đủ điều kiện nên thầy gởi chú xuống trường THPT dưới xã để học. Ở lại nhờ chùa Huynh đệ của Thầy, một tuần về chùa mình một lần. Phố xá tấp nập, đèn đường sáng lạng, xe cộ đông đúc, những tòa nhà cao tầng, công viên đẹp và thoáng… tất cả làm chú choáng ngợp. Đến môi trường mới, chú tiếp xúc nhiều bạn bè mới, buồn một chút là không có bạn đồng tu nào cả. Chú chơi với các bạn cùng trang lứa. Và thế là… thế giới công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông tốc độ cao, nhanh chóng được chú bắt kịp. Không biết cái đó có sức hút ghê gớm (có giống như thuốc phiện hay ma túy hay không?) mà khiến chú không làm chủ mình, không thể kiểm soát bản thân, chú đã say đắm trong Internet, game, chat… bỏ qua tất cả những lời khuyên của những người bạn tốt. Chú trốn học, nói dối Sư Phụ, tất cả tiền Thầy cho và quý Phật tử cúng để chú trang bị học tập, theo các lớp học thêm chú đều ném vào quán Net.

Thời gian đến lớp ít hơn, không còn thiết tha việc học, mệt mỏi hơn vì kết quả học tập càng giảm sút, chú cảm thấy chán nản và nghĩ mình cần có một thế giới riêng mà không bị quấy rầy bởi những thời khóa công phu, tụng những bài kinh dài, học tất cả các bài tự nhiên đến học thuộc lòng, những điều bình thường mà trước đấy chú từng thực hành như cơm bữa, như chính hơi thở của mình!.

Ôi chú suy nghĩ sao kỳ vậy??

Trong một đêm thức khuya, không ngủ được chỉ vì tức mình thua đối thủ trong thế giới ảo chỉ có 0,5 giây. Bỗng chú nghe đâu đó cuối góc phòng của những chú điệu có tiếng khóc. Đó là giọng của một chú tiểu, 10 tuổi, mới tập xuất gia vài tháng, là đệ của chú. Chú bước xuống đơn, tò mò lại hỏi vì sao thì điệu khóc to hơn thành tiếng và thưa: “Đệ nhớ mẹ quá huynh à!”. Một phút suy nghĩ thoáng qua trong đầu chú, lần đầu tiên kể từ ngày chú mê game, những trận đánh nhau, những lần vấp ngã, cả thắng lợi hay thất bại trên chiến trường màn hình ảo, lâu nay cứ tưởng là bạn thân của mình, nhưng giờ đây sao chú thấy cô đơn quá, chú nhớ về những kỷ niệm ngọt ngào, đầm ấm bên mẹ, bên chị và gia đình thân yêu. Chú nhớ về những lời dạy của Sư Phụ, nhớ tiếng mõ, câu kinh thân quen…

Nghe tiếng sụt sùi của đệ, chú trấn an mình, khuyên đệ: “Đệ ngoan ngủ đi, mai huynh sẽ dẫn đệ lên bạch Sư phụ cho đệ gọi điện gặp me cho đỡ nhớ nhé!” Chú khẽ kéo mền đắp cho đệ. Sau phút đó, trở về đơn mình, ngồi giữa không gian nhỏ, màn đêm đã khuya, chú thấy nhớ lắm những điều gần gũi, bình dị, thân thương. Nhớ hình ảnh Thầy gầy gầy dắt chú ra vườn làm cỏ, trồng cây, dì vải hiền từ nấu cháo cho chú lúc đau thế mà chú chẳng chịu ăn để mặc mọi người lo lắng… Chú nhớ lắm nụ cười hiền hậu và bàn tay ấp áp của mẹ dẫn chú đến gởi Thầy ngày ấy. Chú nhắm mắt lại, nước mắt chảy dài, chú thầm gọi: “Mẹ ơi!” Giọt nước mắt nhỏ xuống tay chú nóng hổi. Chú khóc, thấy mình tội lỗi và hổ thẹn vô cùng. Hổ thẹn với chính mình, có tội bất hiếu với Sư phụ, với ba mẹ, với tất cả mọi người mà chú mang ơn. Chú tự hỏi “Có bao giờ chú nghĩ cho ba mẹ một chút” Ba Mẹ tần tảo vất vả, lo lắng cho cả nhà, cho ấy chị em ăn học, trang trải cuốc sống gia đình, vậy mà vẫn giành dụm, có ai trong họ hàng ghé thăm chú là ba mẹ tranh thủ gởi ít quà, nào khoai, ớt dầm, vài trái bí và một số tiền nhỏ được gói cẩn thận. Ôi! Có lần chú đã buồn và thấy dị với các huynh đệ vì những món quà “quê” của mẹ gởi. Chú nhắn là Mẹ đừng gởi nữa mà quên mất việc hỏi thăm sức khỏa Ba Mẹ và cảm ơn người một lời. Chú thấy mình lạnh buốt. Ngoài kia, trăng sáng vằng vặc, bầu trời lung linh các vì sao, chú chạy ra khỏi phòng, ngồi tựa dưới cột trụ bên hiên chùa, chú ôm mặt khóc, khóc thật nhiều. Khóc và cảm thấy hối hận cho sự ngỗ nghịch, khờ dại của mình, thương cho tình Thầy, tình Mẹ bao la… Chú chẳng biết Sư phụ đến bên lúc nào mà dã ngồi bên cạnh chú nhẹ nhàng đặt đôi bàn tay to lớn nhưng ấm áp lên vai chú: “Nín đi con! Hãy mạnh mẽ lên!” Giật mình, bị phát hiện bởi sư phụ, chú sợ và cúi mặt không giám nhìn Thầy. Sao Thầy bao dung, tình thương Thầy rộng lớn và cao cả vậy, dù chú đã hành động thô lỗ, vỗ lễ, làm Thầy giận, nói dối và không nghe lời Thầy. Tận sâu thẳm trong trái tim, chú cảm ơn Thầy thật nhiều. Thời gian quan, chú cứ nghĩ rằng không còn ai thương chú mà chỉ xem chú là người lì lợm, ngang tàng, hư hỏng… Thế mà! Chú vẫn còn may mắn, chú vui sướng và hạnh phúc vì tình người! Im lặng vài phút, chú lau nước mắt, nhìn Thầy và thốt lên trong nghẹn ngào: “Thưa Sư phụ: con xin lỗi Thầy! Con sẽ làm lại từ đầu”.

Một lần nữa Thầy cười, nụ cười hiền hậu và nói: “Thầy luôn ủng hộ con! Không bao giờ là quá muộn, hãy cố gắng lên con!”. Chú sà vào lòng Thầy như đứa con thơ lâu ngày gặp mẹ, nước mắt trào ra nhưng chú cười – nụ cười hạnh phúc.

Hôm nay, đón bình minh mới chú thất rất khác. Bầu trời xanh, gió nhẹ thổi, không khí trong lành. Chú hạnh phúc quá. Cầm chổi quét sân chùa mà lòng chú vui như chưa bao giờ được như vậy. Cũng là công việc quen thuộc ngày nào chú cũng làm thế mà hôm nay chú có cảm giác như ban đầu và vẫn còn vẳng bên tai như in lời Kệ chú đã được Thầy dạy:

“Cần tảo già lam địa

Thời thời phước huệ sanh

Tuy vô tân khách chí

Diệt hữu Thánh nhơn hành”

Chú đã quét được một ít bụi trần lao trong đống phiền não của trần thế bám trong con người chú thời gian qua, chú vươn vai mình đón lấy ánh mặt trời. Thật sự là chưa bao giờ cảm thấy thoải mái như thế này. Từ nay, có thể khó khăn một chút để xa lìa những ham muốn mà chú từng luân lập nhưng chú tự tin, chú biết mình phải làm gì, học gì và sống như thế nào để không phí thời gian và góp phần nhỏ của mình báo đáp ân đức Thầy Tổ, Ba Mẹ và tất cả chúng sanh. Sáng nay, cất bước ra khỏi chùa đi học, dưới hàng cây xanh bóng mát ven vỉa hè có chú chim nhỏ cất tiếng hát như muốn chào mừng chú và chia sẽ niềm vui với chú. Chú mỉm cười và thấy cảm ơn cuộc đời, cảm ơn tình người, cảm ơn tất cả… Nhờ vậy mà chú nghiệm thấy rằng câu nói:

“Hạnh phúc là khi ta cho đi rất nhiều mà chẳng mong cầu đáp trả, là sống hết mình và cống hiến hết mình cho hiện tại”, thật đúng vô cùng.

Cầu chúc cho chú Bồ Đề tâm kiên cố, tinh tấn, siêng năng và vững bước trên con đường học đạo, đóng góp sức mình vào sự nghiệp tư lợi và lợi tha theo dấu chân của Đức Thế Tôn.

H.Ý

                                                                        Ni sinh Trường Trung Cấp Phật học tỉnh Thừa Thiên Huế

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here