Trang chủ Phật giáo khắp nơi Trường Sa hôm nay: Những quà tặng linh thiêng gửi đảo xa...

Trường Sa hôm nay: Những quà tặng linh thiêng gửi đảo xa (16/05/2012)

100
0

 

Cây Bồ Đề 

Đoàn Phật giáo trồng tặng cây Bồ Đề
trong khuôn viên chùa Trường Sa Lớn 
 
Đây là quà tặng của Đoàn Phật giáo, vốn gây chú ý chúng tôi ngay từ khi tàu HQ-571 chuẩn bị rời cảng Cát Lát đi Song Tử Tây. Tổng cộng có hơn 10 cây giống Bồ Đề đã được các nhà tu hành dùng bao nilông quấn quanh chậu và thân cây để tránh xây xước trong quá trình vận chuyển từ đất liền ra Trường Sa.
 
Theo Vụ trưởng Vụ Phật giáo Bùi Hữu Dược, cây Bồ Đề được Đoàn Phật giáo đem ra trồng tại xã đảo Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa Lớn – những đảo lớn có chùa, ngoài ra món quà ý nghĩa này cũng được Đoàn gửi tặng cho các đảo nổi, nơi có thổ nhưỡng phù hợp. Cây Bồ Đề đã được Đoàn Phật Giáo chọn từ 3 nguồn để gửi tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa. Cụ thể, một số cây do Phật tử từ đất liền gửi tặng; số cây khác được ươm tại Việt Nam và lấy hạt giống từ cây Bồ Đề ở Ấn Độ và nguồn thứ 3 là cây mang trực tiếp từ đất Phật, được Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mang theo về nước.
 
Để tìm hiểu về ý nghĩa tâm linh của cây Bồ Đề, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với Thượng tọa Thích Tâm Hiện – Trụ trì chùa Song Tử Tây, được thầy cho biết: Bồ Đề là linh vật biểu tượng của đất Phật, chính vì vậy khi đem cây giống từ Ấn Độ ra trồng tại Trường Sa có ý nghĩa tượng trưng cho hành trình mà Ngài (Phật tổ) đi độ trì cho chúng sinh. Ngoài ra, về cấu trúc sinh học thì Bồ Đề còn là cây xanh có độ che phủ tán rộng, do đó tạo bóng mát và giao tâm lành đến với chúng sinh của đảo.
 
 
Lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ Hải quân 
chan chứa xúc động của đại diện 6 tôn giáo 
khi đi qua các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
 
Cát sông Hằng, muối Hy Mã Lạp Sơn
 
Trong hải trình lần này, ngoài Bồ Đề, Đoàn Phật giáo còn mang theo hai cây Sala Song Thọ (tặng riêng đảo Nam Yết), hơn 100 cây thuốc quý và đặc biệt có cát sông Hằng và muối mỏ được lấy dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) của đất Phật Ấn Độ.
 
Theo ông Bùi Hữu Dược, cát sông Hằng và muối mỏ dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn tượng trưng cho tinh thần hòa hợp, hướng tâm từ bi đến với tất cả chúng sinh, không chỉ ở đất liền, mà cả trên những biển đảo biên cương của Tổ quốc. Đặc biệt, những món quà còn truyền đi thông điệp của Giáo hội Phật giáo về triết lý "Tâm hòa hợp thì thế giới hòa – Tâm an lạc thì thế giới an – Tâm bình thì thế giới bình”. "Khi cát của sông Hằng hòa vào cát của Trường Sa, chúng tôi hi vọng sẽ mang lại mưa thuận, gió hòa, giúp cho cuộc sống của quân và dân Trường Sa luôn được bình yên, hạnh phúc viên mãn” – ông Dược chia sẻ.
 
Không chỉ được trộn lẫn với đất của đảo, cát sông Hằng còn được Đoàn công tác rải xuống biển để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ Hải quân đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa và Nhà giàn DK1, với thông điệp lan tỏa năng lượng tâm linh về biển, cũng như nhân lên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự ủng hộ về tinh thần của đất liền đối với vùng trời, vùng biển đảo biên cương của Tổ quốc.
 
 
Thượng tọa Thích Thanh Huân đang rải cát sông Hằng
 xuống chậu cây giống Bồ Đề gửi tặng Nhà giàn DK1-14 
Ảnh: HỒNG PHÚC
 
Những nghi thức tâm linh xúc động
 
Trong hải trình cùng Đoàn công tác số 6, chúng tôi cũng đặc biệt xúc động khi tham dự các buổi hành lễ trên tàu HQ-571 cầu nguyện, cầu siêu độ cho các anh hùng, liệt sĩ Hải quân đã ngã xuống vì Trường Sa thân yêu.
 
Trong niềm xúc động vô bờ, Đầu sư Thái Tăng Tinh (Trần Đức Tăng) – Trưởng đoàn các phái Cao Đài phía Nam đã khóc nức nở. Buổi hành lễ của đại diện các chức sắc Cao Đài đã ngưng lại trong giây lát để ông bình tĩnh trở lại.
 
Trong lần đầu tiên đọc kinh cầu nguyện cho các liệt sĩ Hải quân giữa mênh mông sóng nước, Mục sư Ngô Thanh Hưng – Phó Chủ tịch Tổng hội Thánh Tin lành Báp Tít Việt Nam cũng không giấu được cảm xúc dạt dào. Ông cho biết: "Qua các buổi hành lễ, chúng tôi thấy được sức sống mãnh liệt nơi đảo xa – Nơi những người lính đang ngày đêm chiến đấu, chống chọi với bão tố, khắc nghiệt của đại dương mênh mông để bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo biên cương”. Cùng cảm xúc như Mục sư Hưng, Linh mục – Giuse Vũ Duy Bảo – Đại diện Giáo hội Công giáo Việt Nam cho biết: chuyến đi của đoàn các tôn giáo ra thăm Trường Sa lần này có 2 cái được lớn nhất: Đầu tiên là thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo; thứ hai là qua chuyến đi các tôn giáo cũng đã ý thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Là đại biểu của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, ông Nguyễn Văn Lượng cũng bày tỏ với chúng tôi những cảm xúc khó thổ lộ hết bằng lời. Ông nhấn mạnh: "Phật giáo Hòa hảo trước đây đã từng đóng góp một phần công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì nay, với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng tôi nguyện cùng nhau chung tinh thần, quyết một lòng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.”
 
Khi chứng kiến đại diện 6 tôn giáo thành kính thực hiện các nghi lễ tôn nghiêm cầu nguyện cho hương hồn các liệt sĩ Hải quân, trong lòng ai cũng chợt dâng trào một cảm xúc khó tả. Chính tại nơi đây, nơi những người lính đã không quản thân mình, hi sinh cho lý tưởng của dân tộc. Họ xứng đáng là "tượng đài” bất khuất của dân tộc này, đất nước này, không chỉ hôm nay mà cho các thế hệ mai sau…
 
Thành Luân (Đại Đoàn Kết)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here