Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trung tâm Phật giáo Phù Nam

Trung tâm Phật giáo Phù Nam

206
0

Chứng cứ là trong sử thi Ramayana (hoàn thành vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch) đã có những ghi chép về đảo Kim Ngân (Java) và Kim Địa (Suvarnadvipa). Trong bộ Đại Sử của Sri Lanka có ghi lại chi tiết về đoàn truyền giáo do vua Asoka phái đi, nhắc đến hai vị trưởng lão là SonaUttara, những người đã đặt chân đến Kim Địa để truyền bá lời Phật dạy và đã thành công.

Về phương diện truyền bá văn hóa, so với văn hóa Trung Hoa, thì văn hóa Ấn Độ đến với Đông Nam Á hoàn toàn bằng con đường hòa bình thông qua buôn bán, trao đổi thương mại, và cư dân Đông Nam Á tiếp nhận văn hóa Ấn Độ một cách tự nguyện. Do đó, cùng với tôn giáo, nhiều lĩnh khác như ngôn ngữ, chữ viết, nghệ thuật, kiến trúc v.v… dễ dàng được du nhập, không những không làm ảnh hưởng gì đến văn hóa bản địa mà còn làm cho yếu tố văn hóa bản địa thêm phong phú và đa dạng hơn. Có thể nói, văn hóa du nhập được văn hóa bản địa nuôi dưỡng đồng thời văn hóa bản địa cũng được văn hóa du nhập làm cho phong phú và đa dạng. Và tuy sự tiếp nhận Phật giáo tùy theo từng nền văn hóa phát triển, nhưng nhìn chung nó vẫn tạo cho Phật giáo một mạch sống mãnh liệt trên thửa ruộng màu mỡ Đông Nam Á và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị – văn hóa – xã hội tại Đông Nam Á.

Sức sống đó chúng ta có thể tìm hiểu qua một số trung tâm Phật giáo vang bóng một thời từ cổ đến trung đại ở Đông Nam Á. 

1. Trung tâm Phật giáo Phù Nam 

Phù Nam là một vương quốc cổ ở Đông Nam Á, theo sử sách Trung Quốc và các tài liệu khảo cổ của Campuchia thì quốc gia này lập quốc muộn nhất cũng không thể sau thế kỷ I Tây lịch. Đến thế kỷ III, Phù Nam mới có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Sau khi dựng nước, từ thế kỷ III đến thế kỷ VI (từ cuối đời Đông Hán đến hết đời Bắc Triều), Phù Nam là một vương quốc lớn mạnh bá chủ cả vùng. Theo Tấn thư  q. 49, cho biết nước Phù Nam cách Lâm Ấp (tức Cham Pa) hơn 3000 dặm về phía Tây, nằm trong vùng biển lớn (tức chỉ vịnh Thái Lan), lãnh thổ của nước này rộng 3000 dặm, có thành ấp. 

Tình hình Phật giáo ở Phù Nam lúc bấy giờ, Tục Cao Tăng truyện của Huệ Hạo, vào cuối triều Huệ Đế nhà Tần (290-306) cho biết có một nhà sư Ấn Độ tên Ma Ha Kỳ Vực chu du Đông độ đã có đến Phù Nam, nhưng không ghi rõ là sư lưu lại đây bao lâu, đã làm gì và sinh hoạt Phật giáo ở Phù Nam như thế nào. Rất may trong bi ký Võ Cạnh ở Nha Trang Việt Nam có nói đến một người tên là Sri Mara mà các học giả người Pháp là BarthBergaigne cho là Phạm Sư Man, một vị vua Phù Nam thời xưa đồng thời là một Phật tử sùng tín, bảo vệ Phật pháp. Bi ký được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ II sau Tây lịch. Qua tư liệu bi ký, có thể đoán vào thế kỷ II Tây lịch, đạo Phật ở Phù Nam đã vượt qua giai đoạn truyền bá. 

Từ năm 287 đến 357, sử sách Trung Quốc không thấy ghi chép gì về tình hình nước Phù Nam và cũng không thấy chép gì về Phật giáo, có thể thời gian này trong nước Phù Nam gặp rối ren. Đến năm 484 triều Vĩnh Minh thứ 2, vua Phù Nam tên Jayavarman đã sai một đạo nhân người nước Thiên Trúc tên là Thích Na Già Tiên dâng biểu văn, xin Hoàng đế Trung Quốc xem xét phong tục văn hóa mà giúp cho Phật pháp hưng thịnh vì rằng hiện tăng chúng tu tập ngày càng đông, pháp sự ngày càng được mở rộng… Và vua Jayavarman hiến dâng cho Hoàng đế Trung Quốc một pho tượng long vương bằng vàng, một pho tượng Phật bằng bạch đàn. Trong Tục Cao Tăng truyện, q. 1 cho biết thời bấy giờ nước Phù Nam có tín ngưỡng Phật giáo. Trong thời gian vua Jayavarman (484-515) ở ngôi, có 2 nhà sư người Phù Nam đến Trung Quốc dịch kinh, đó là Sànghapàla (Tăng Già Bà La) và Mandr (Mạn Đà La). Hai nhà sư Phù Nam này không chỉ dịch được nhiều bộ kinh mà còn mang nhiều kinh tiếng Phạn từ Phù Nam đến Trung Quốc. Những sự thực này chứng minh rõ ràng lúc bấy giờ ở Phù Nam Phật giáo rất thịnh hành.

Theo Lương thư, q. 54, Phù Nam truyện, ghi chép đến năm 519 Rudravarman – con trai thứ của Jayavarman sai sứ giả dâng cho Trung Quốc tượng Phật gỗ chiên đàn của Thiên Trúc. Rudravarman là một vị vua Phật tử, tuân phụng Phật pháp, tín thành Tam Bảo. Năm 539, sứ giả cuối cùng của Phù Nam đến Trung Quốc, nói rằng ở nước Phù Nam có tóc Phật, dài một trượng hai thước. Nghe vậy, Lương Vũ đế xuống chiếu sai Thích Vân Bảo theo sứ Phù Nam về nước để rước tóc Phật. Theo Tục Cao Tăng truyện, q. 1 thì khoảng năm Đại Đồng (535-545) có sắc chiếu bảo Trương Phạm đến nước Phù Nam xin thỉnh các bộ kinh luận của các bậc danh tăng… Nước Phù Nam nghe tin liền cho Chân Đế (Gumrata) tuyển chọn những bộ kinh luận bổ ích để đưa sang Trung Quốc. Đoàn người đến kinh đô Trung Quốc bấy giờ vào tháng 8 nhuận năm Thái Thanh 2 (548).

Theo Lịch Đại Tam Bảo Kỷ, q. 11 và Tục Cao Tăng Truyện, q. 1 đều ghi chép số kinh luận mà Chân Đế đưa đến Trung Quốc, toàn bộ sách kinh phiên dịch gồm hơn 2 vạn quyển, phần lớn là kinh sách chưa truyền đến Trung Quốc. Điều đó chứng minh rằng lúc bấy giờ Phù Nam là một cường quốc về văn hóa ở vùng Đông Nam Á. Và cũng là một trung tâm Phật giáo ở phương Đông, ngay cả Trung Quốc phải sang đây để thỉnh kinh và các bậc danh tăng về hoằng pháp. 

 Tài liệu của Tịnh Hải pháp sư cho biết, nước Phù Nam lập quốc từ khoảng thế kỷ I sau Tây lịch, đến thế kỷ V, VI, giai đoạn đất nước đạt đến mức cực thịnh. Trong khoảng trên, Phù Nam là một vương quốc giàu mạnh ở vùng Đông Nam Á, và cũng là một nhà nước Ấn Độ hóa đầu tiên và quan trọng nhất ở vùng này. Về mặt tôn giáo, đầu tiên nước Phù Nam theo đạo Bà la môn về sau theo đạo Phật. Thế kỷ V, VI là giai đoạn thịnh đạt của đạo Phật, Phù Nam bấy giờ giữ vai trò trung tâm chuyển dịch lớn của Phật giáo về phía Đông. Kể từ vua Rudravarman về sau, sử sách Trung Quốc không thấy ghi chép một vị vua Phù Nam nào khác. Vào khoảng năm 540 trở về sau, thủ đô Phù Nam bị Chân Lạp công phá và trở thành thuộc quốc. Đến năm 627 mới hoàn toàn bị Chân Lạp tiêu diệt.

2. Trung tâm Phật giáo Sri Vijaya và Kalinga

Vương quốc Sri Vijaya và vương quốc Kalinga là hai quốc gia sơ kỳ của quần đảo SumatraJava. Sau khi vương quốc Phù Nam suy sụp, đường thương mại quốc tế trên biển chuyển qua eo biển Sunda. Sri Vijaya là một quốc gia mới xuất hiện ở khu vực này vào cuối thế kỷ VII. Chính nhờ nằm trên địa bàn trù phú và chiến lược thương mại nên đã mau chóng làm chủ được eo biển quan trọng này. Đây là điều kiện thuận lợi để Sri Vijaya phát triển nhanh chóng và trở thành một quốc gia hùng mạnh, một trung tâm kinh tế, văn hóa đồng thời là một trung tâm Phật giáo quan trọng khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Sau sự sụp đổ của vương quốc Phù Nam, trung tâm Phật giáo của khu vực cũng đã chuyển ra hải đảo. Theo Nghĩa Tĩnh pháp sư – người đã học được chữ Phạn và lưu lại đây mấy năm để dịch kinh Phật kể lại, kinh đô Sri Vijaya có hàng nghìn nhà sư hành đạo và pháp sư đã khuyên mọi người rằng, nếu như có một nhà sư Trung Quốc nào muốn sang Ấn Độ thì trước hết hãy lưu lại đây vài năm để học hỏi những điều cần thiết rồi hãy đi (1). 

Tình hình trên đảo Java cũng tương tự, một số quốc gia sơ kỳ đã hình thành. Nổi bật nhất là vương quốc Kalinga. Thời kỳ hưng thịnh nhất của Kalinga là thời kỳ trị vì của vương triều Sailendra (khoảng năm 750-860). Sailendra là một tộc người Mã Lai di cư từ đất liền ra đảo vào khoảng giữa thế kỷ VII. Họ là những người có kinh nghiệm trồng lúa, buôn bán trên biển gặp, gặp được điều kiện thuận lợi lúc bấy giờ nên họ mau chóng đưa Kalinga trở thành một quốc gia hùng mạnh và ưu thế hơn cả Sri Vijaya về quân sự (thế kỷ VII-VIII)(2). Thời kỳ này, những con thuyền của họ tung hoành ngang dọc phía Nam biển Đông, chuyên chở những khát vọng chính trị lẫn giao lưu văn hóa của người Java

Vương triều Sailendra cũng là vương triều rất sùng đạo Phật. Vào thế kỷ VII-VIII, Kalinga đã trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng. Điều có thể chứng minh sự phát triển của Phật giáo và cũng là việc làm lớn nhất mà vương triều này đóng góp cho Phật giáo đó là công trình Borobudua. Nơi giữa đồng bằng Kêdu trù phú, Borobudua thách đố với thời gian để khắc ghi một thời kỳ huy hoàng của Phật giáo ở xứ đảo quốc Kalinga.

Thật đáng tiếc, không giống như những quốc gia lục địa, cũng từng là trung tâm Phật giáo khu vực một thời, những tư liệu về tình hình Phật giáo ở hai đảo quốc sơ kỳ này cho đến nay cũng chỉ là thánh tích Borobudua và một chút ghi chép rời rạc của một số nhà nghiên cứu. Không hiểu có phải vì sự thay thế bằng vai trò của Hồi giáo hay không mà những gì đạo Phật đã tạo nên cũng bị chôn vùi theo “cái chết tự nhiên” của nó.

 (1, 2) Lương Ninh – Hà Bích Liên 1998: Lịch sử các nước Đông Nam Á . Đại học Mở-Bán công Tp. Hồ Chí Minh Xuất bản, tr 186 – 188.

Văn Thoàn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here