Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Trúc Lâm trong ký ức tôi

Trúc Lâm trong ký ức tôi

143
0

 và là người duyệt lại bộ Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu, một quyển sử quan trọng của Quốc Sử Quán triều Nguyễn).

Ở hậu tổ Chùa Trúc Lâm hiện nay vẫn còn hai câu đối của ông nội tôi đề tặng khi Thiền sư Giác Tiên viên tịch:

     Học hạnh khiêm ưu bình tố năng linh nhơn cảnh mộ
     Tử sanh vô ngại tu trì định hoạch Phật siêu thăng.

    (Nghĩa: Học hạnh khiêm ưu thường được người ta mến mộ . Sống chết không ngại tu trì kết quả Phật siêu thăng).

    Vị kế Đông sơn phi cụ nhãn yên minh tổ ý
    Pháp khai Nam lĩnh thị mê nhơn bất khế Phật tâm.

    (Nghĩa : Ngôi nối núi Đông, không mắt tỏ sao rõ ý tổ . Pháp mở rừng Nam, nếu người mê, không hiễu tâm Phật).

Năm 1942 Hòa thượng Mật Hiển đại trùng kiến chùa theo hình chữ khẩu, đưa chánh điện lên phía trước, hai bên là đông đường dùng làm nhà khách và tây đường làm thiền thất. Chánh điện cũ dùng làm nhà hậu để thờ chư vị tiền bối hữu công và hương linh thiện nam tín nữ (trong đó gian giữa có khán thờ ông bà nội và cha tôi).

Năm lên 6 tôi được mẹ cho đi học ở một trường do các linh mục dòng Thiên An lập ra ở ngã ba Cầu Lim. Để đến trường có hai con đường, một là đi băng qua chùa Trúc Lâm và hai là phải đi qua một cánh đồng.

Nhà tôi ở là cơ ngơi dinh thự của bác tôi ông Hồ Đắc Khải, thượng thư bộ hộ để lại tọa lạc trên một đỉnh đồi kế cận với đồi Thiên An, đó là một biệt thự to lớn bề thế chiếm gần hết đỉnh đồi. Dưới chân đồi là một cái hồ Vọng Nguyệt đường kính khoảng 40 m và một cái hồ hình chữ nhật sen nở xanh tươi. Con đường thoai thoải dốc chạy giữa  hai cái hồ lên đến bãi đổ xe, dinh thự nằm khuất sau những tán thông già phủ kín cả ngọn đồi. Mỗi ngày tôi phải đi qua chùa ít nhất là 2 lần, nên cảnh trí của ngôi chùa đã in sâu trong tâm hồn tôi từ thuở còn ấu thơ. Tôi thuộc từng viên đá trên con đường mòn đó, thuộc từng bụi sim móc màu tim tím trĩu đầy trái, từng đám hoa ngũ săc, gốc bứa gốc thông cổ thụ….

Cuối những năm của thập niên 40 và đầu những năm 50 của thế kỷ trước, chiến tranh khốc liệt tràn tới khu vực này, một biến cố làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi là khi một chiếc máy bay “Bà Già” bị bắn rơi  xuống sườn đồi. Xác máy bay  rơi vãi bên lăng mộ cụ Băng Tá sau lưng dinh thự của bác tôi, viên phi công bị giết ngay tại chỗ. Sau đó quân đội viễn chinh Pháp gồm có nhiều lính da trắng da đen lùng sục suốt ngày đêm, trả thù tàn bạo. Chúng lấy đi hết gia sản và lùa đi đàn gia súc, bẻ hái cả một vườn cam mấy mẫu của mẹ tôi tan hoang… dân chúng vùng Cư Chánh phải bồng bế nhau tản cư lên Tu viện Thiên An để tránh giặc vì ở đó quân Pháp không được vào đến.

Rồi một tối cuối mùa hè vào khoảng 23 giờ xuất hiện một toán người bịt mặt khoảng 50 người trang bị cưa, dao, búa, câu liêm, thang. Chúng tôi được đánh thức dậy, tất cả được dồn trong một phòng nhỏ, người cầm đầu trao đổi với mẹ tôi một điều gì đó, mẹ tôi đi vào đóng cửa lại ôm hai anh em tôi và khóc. Bên ngoài toán người hoàn toàn yên lặng, tôi không nghe tiếng người nói chuyện với nhau mà chỉ nghe thấy tiếng gạch ngói đổ ầm ầm , tiếng sập của các bức tường.. . Tôi ngủ thiếp đi trong cái âm thanh hỗn độn đó, sáng mai thức giấc tôi hốt hoảng khi thấy khu dinh thự của mình chỉ còn là một đống gạch đổ nát ngoại trừ căn phòng chúng tôi đang tá túc.

Mẹ tôi gom lại một ít vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của hai anh em chúng tôi, cùng một ngừơi vú em đi qua chùa Trúc Lâm, những gia nhân khác thì  ở lại để dọn dẹp đống đổ nát.

Hòa thượng Trú trì tiếp chúng tôi trong gian nhà khách phía đông, ngài nói một vài điều gì đó với mẹ tôi và sai người dọn cơm cho hai anh em tôi ăn. Vừa ăn xong là Hòa thượng cho chúng tôi vào lễ Phật và ông bà nội tôi rồi sai người dẫn đường đưa ngay chúng tôi đi quanh sườn đồi phía sau lưng chùa ra ngả cầu Lim, đi về phía lăng Thiệu Trị ra bến Than. Ở đó có một chiếc đò dọc đón sẵn và đưa ba mẹ con tôi về làng Phú Lương cách khoảng hơn 20km. Khi đò đi ngang qua dưới chân cầu Trường Tiền lúc nửa đêm, tôi nghe thấy tiêng súng nổ vang trời phía thành phố, những vệt đạn như sao băng trên bầu trời đen thẳm từ hướng An Hòa – Kim Long

Tôi trở lại Trúc Lâm lần cuối vào năm 1952 khi cha tôi qua đời, lúc ấy quân Pháp đóng đồn ở Nam Giao. Chúng ngăn con đường cấm dân chúng không được đi lại qua đồn. Từ Huế muốn lên chùa Trúc Lâm hay lăng Khải Định dân phải đi vòng núi Bân, Ba Đồn, Tây Thiên  hoặc phải đi vòng qua Long Thọ. Mẹ tôi phải xin phép viên sĩ quan Pháp để xe chở quan tài của cha tôi được đi ngang qua.

Sau tang lễ chúng tôi rời Huế vào Sài Gòn và 4 năm sau khi hòa bình tái lập, chúng tôi trở lại Huế và kể từ đó cuộc sống của tôi gắn liền mật thiết với ngôi chùa này hơn bởi nhiều lý do.

Lần đầu tiên tôi khám phá những điều kỳ diệu của đạo Phật là ở nơi lầu chuông, trong chùa lúc bấy giờ có mấy chú điệu cùng trang lứa với anh em tôi là Lưu Ân và Lưu Phương. Ngày nọ, họ nói với tôi là “sáng mai mồng một Tết rán thức dậy thật sớm, tui sẽ dẫn anh Thiện (tên tôi) lên lầu cho anh gióng chuông, hay và vui lắm”.

Đó là đêm 30 tết, tôi ra đứng ngoài sân chùa nhìn về hướng thành phố Huế thấy sáng rực lên một góc trời. Pháo của nhà ai đó ngoài xóm nổ đi đùng vang tới cảnh chùa khiến lòng tôi cũng nao nao. Tôi thầm giận mẹ đã không cho mình ở nhà, đón giao thừa cùng với mấy anh chị em cô cậu thì vui biết bao (từ khi cha mất chúng tôi về ở chung với anh mẹ tôi là cậu Lê đình Phu).

Hậu Tổ

Tối đó trằn trọc mãi, vừa giận mẹ vừa mong đến sáng để được lên lầu chuông và tôi thiếp đi cho tới khi bị lay dậy bởi một trong hai chú điệu, nhưng Lưu Ân hay Lưu Phương tôi không nhớ rõ. Chú ấy suỵt môi ra dấu cho tôi đi rửa mặt và thay áo quần, chú kia đi trước cầm cái đèn hột vịt. Ngang qua nhà khách, leo một bậc cấp dọc theo phía đông của nhà Tổ và chánh điện. Lầu chuông có hình vuông. ba mặt tường có hoa văn nhìn ra phía ngoài, lối đi vào ăn thông với hành lang của chánh điện. Một quả chuông rất to màu xám xanh được treo trên một giá đỡ bằng gỗ. Mặt ngoài chuông trơn láng gờ lên những hoa văn, so với thân hình của tôi lúc đó thì quả chuông thật vĩ đại. Trên giá đỡ có một sợi dây căng ngang để móc các thẻ tre, cứ mỗi lần dộng chuông thì kéo một thẻ từ phía nam qua bắc. Chày dộng bằng gỗ rất đơn sơ được treo lên nóc bằng một sợi dây thừng, nghe nói là Hòa thượng đã cho thay cả chục cái chày, cho đến khi lựa được một cái chày vừa ý mà sau này tôi cho là cái chày của sự tỉnh thức vì chỉ có cái chày đó khi dộng chuông mới tạo ra một âm thanh vô cùng huyền diệu. Một âm sắc có khả năng đưa con người trở về với thanh tịnh tâm.

Tiếng chuông phát ra từ cái dộng dầu tiên đã làm cho máu huyết trong cơ thể tôi muốn đảo ngược lên sau đó điều hòa một cách nhẹ nhàng êm ái, tâm hồn trở nên vắng lặng hư không. Tôi không còn ham muốn, ray rứt hoặc giận hờn mẹ tôi nữa (vì đã không cho tôi ở lại dưới thành phố để đón giao thừa mà bắt buộc tôi phải lên chốn sơn lâm cùng cốc này ăn tết). Hình như mọi chuyện đều trở nên đơn giản và thân thiện khi nghe tiếng ngân….(bạn sẽ tự cảm nhận được điều đó khí cố lắng nghe những âm vang gần cuối cùng của tiếng ngân) mơ hồ như từ một cõi ta bà nào đó vọng tới, một thông điệp cuộn tròn trong những tiếng ngân cuối cùng. Tâm hồn thơ ấu của tôi đang theo sau bước hành thiền của tiếng chuông, tôi đang được tách rời ra khỏi với thế giới hiện tại thì có tiếng thúc giục của Lưu Ân báo cho tôi biết là đến lúc phải dộng tiếng chuông kế tiếp làm tôi ra khỏi trạng thái “hôn mê” đó.

Sau lần được gióng chuông, tôi bắt đầu tìm hiểu những điều bí ẩn trong gian chánh điện là nơi mà tôi ít khi được lên đó một mình hay nói cách khác là tôi không dám lên khi không có ai. Lúc đó tôi chỉ thích cái sàn nhà của chánh điện, nó mát lạnh tuyệt vời mà không phải bất cứ chùa nào ở Huế cũng có được. Chỉ cần nằm lăn lên trên cái sàn nhà đó là hạnh phúc và bình an đến với tôi, tôi không còn sợ hãi ma quỉ hù dọa, cảm giác như được mẹ ôm vào lòng, che chở và từ đó thỉnh thoảng nếu thấy không có ai thì tôi lén chạy lên nằm lăn lên đó cho “đã thèm”! Một lần tôi bị Hòa thượng bắt gặp, có lẽ Hòa thượng thấy hêt hành động của tôi từ đầu chí cuối, tôi lăn lộn như một chú chó con mừng chủ đi xa trở về, ngụp lặn hạnh phúc trong cõi bình an một cách tột độ trước mặt hình tượng im lặng trang nghiêm của đức Thế Tôn đang ngự trên tòa sen. Tôi đã hốt hoảng biết chừng nào khi nhận ra là Hòa thượng đang nhìn mình nằm lăn ra như vậy.

Tôi chưa bao giờ kể chuyện Hòa thượng bắt gặp tôi nằm lăn ra sàn nhà  chánh điện với ai. Đó là ảo ảnh, hư cấu hay là một giấc mơ tẩu hỏa nhập ma trong thời thơ ấu của mình để mà suy nghiệm lời của đức Thế Tôn dạy “ Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào ảnh như lộ, diệc như điểu, ưng tác như thị quán ”

Bình bát chu sa của HT. Thạch Liêm

Hòa thượng đã viên tịch cách đây 10 năm, nhục thân của Ngài không biết bây giờ ra sao, duy chỉ có đôi mắt và thần cách của Hòa thượng là vẫn còn sống mãi trong tâm hồn tôi. Cho đến bây giờ đã qua tuổi 60 tôi vẫn còn “mơ hồ” về đôi mắt ấy, sự im lặng thiêng liêng ấy, bàn tay âm áp của Ngài khi cầm bàn tay nhỏ bé đang run rẫy của tôi và cái “mật hiển” mà Hòa thượng chỉ cho tôi hình của ngài Bồ Đề Đạt Ma là gì tôi cũng đang còn “mơ hồ” !

Một năm trước khi Hòa thượng viên tịch, tôi có gặp Ngài tại Quảng Hương Già-lam và đôi mắt ấy sáng hơn, mạnh mẽ và dữ dội hơn. Những tia sáng từ mắt ngài xuyên thủng mọi mầm mống ác độc, nghi ngờ và đọc dò cả một quá khứ ẩn chứa trong tiềm thức của tôi. Hình như trước đôi mắt của Hòa thượng, tôi không thể dấu diếm, che đậy, ma mãnh được bất cứ điều gì và cũng trong tia sáng từ đôi mắt ấy tôi tìm được sự bình an vĩnh cửu, thảnh thơi và hình như Hòa thượng cũng “mơ hồ” không muốn giải mã về hành động của Ngài khi chỉ tay về phía hình của ngài Bồ Đề Lạt Ma…

Giếng nước trước và sau chùa, khóm trúc, con suối vòng vèo, tiếng ngân cuối cùng trong lầu chuông, sàn nhà trước chánh điện, đôi mắt của Hòa thượng và kỷ niệm của những đêm trừ tịch là tất cả những gì về chùa Trúc Lâm trong tâm trí tôi.

“Đảnh lễ hay là quỳ lạy thì cũng vậy thôi, sửa làm chi anh cứ để nguyên như vậy” lời của thầy Trí Quang nói với tôi khi mẹ tôi qua đời lúc bà 92 tuổi, mẹ tôi đã có lần nói “ngồi bên mộ ba tôi, me vẫn còn nghe được tiếng chuông chùa Trúc Lâm vọng đến, âm vang của tiếng chuông bay qua núi đồi khe suối len vào những tàng thông già cỗ thụ, vỗ về những tia nắng cuối cùng của buổi chiều tĩnh lặng….”

Còn đối với tôi chùa Trúc Lâm là hóa thân của đôi mắt của vị Hòa thượng mà tôi hằng kính yêu.

H.Đ.D

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here