Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tọa đàm khoa học về “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”

Tọa đàm khoa học về “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”

191
0

 

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều phát biểu của các nhà khoa học chuyên môn về văn hóa, sử học, kiến trúc văn học, tôn giáo, dân tộc học…

1.jpg
Tọa đàm khoa học “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”

Theo đó, ĐĐ.Thích Không Nhiên trình bày tổng quan kết quả nghiên cứu về Phật giáo Ngũ Hành Sơn qua các bảo vật còn lại như: bia ký, di sản Chăm-pa, chuông, tượng, pháp khí, hoành phi – đối liễn, các danh tăng xuất thân tại Ngũ Hành Sơn… với các thông tin có giá trị. Đây là kết quả sau nhiều lần nghiên cứu thực địa, điền dã nhằm thực hiện chuyên đề cho ấn phẩm Liễu Quán: “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn” (số 10). 

4.jpg
ĐĐ.Thích Không Nhiên trình bày tổng quan “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày những giá trị về mặt lịch sử-văn hóa  Phật giáo Ngũ Hành Sơn. Ông cho rằng Phật giáo Ngũ Hành Sơn đã phát triển qua các triều đại từ thời chúa Nguyễn kéo dài đến thời nhà Nguyễn, đây luôn được xem là thủ phủ Phật giáo được nhà vua quan tâm.

Ông Sơn mong rằng các nhà quản lý chuyên môn cần kết hợp với Giáo hội địa phương phát triển du lịch văn hóa tâm linh, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử nhằm bài trừ mê tín dị đoan.

5.jpg
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Qua các tư liệu như Châu bản triều Nguyễn, Ngũ Hành Sơn lục và các tài liệu của các tác giả nước ngoài như Bá tước Macartney, John Brrow, James Bean… trong đó, chú ý nhất là tác phẩm Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Thạch Liêm Đại Sán và Ngũ Hành Sơn (Les Montagnes des Marbre) của bác sĩ Albert Sallet đã miêu tả về địa danh, thổ dưỡng, sinh hoạt Phật giáo… do nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trình bày. Các tài liệu cho thấy sự quan trọng của địa danh Ngũ Hành Sơn và sự phát triển của Phật giáo trên mảnh đất này.

6.jpg
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn

Buổi tọa đàm đã có nhiều nội dung trao đổi của các nhà nghiên cứu với mong muốn xác định giá trị các bảo vật hiện còn, cần có sự quan tâm hơn nữa nhằm thẩm định, lập hồ sơ để có hướng bảo vệ, trùng tu.

Tọa đàm đã làm rõ vị trí của trung tâm Phật giáo Ngũ Hành Sơn trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam, đánh giá đúng mức hệ thống các di sản Phật giáo hiện còn và cần có những giải pháp hữu hiệu đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của trung tâm Phật giáo Ngũ Hành Sơn – mảnh đất mà các vương triều nhà Nguyễn quan tâm kiến tạo ngày một quang rạng, xứng danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”.

7.jpg
Ông Lê Ngọc Nhất, Phó ban quản lý di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn

8.jpg
HT.Thích Hải Ấn tổng kết tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, HT.Thích Hải Ấn kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu sâu rộng di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn, không chỉ riêng ngọn Thủy sơn mà kể cả di tích Phật giáo các ngọn núi còn lại, song song với việc lưu khảo tư liệu làng xã có liên quan tới các ngôi làng nằm trong quần thể di tích. Hệ thống bia ma nhai trong các động ở Thủy sơn với tình trạng ngày càng bị bào mòn cần sớm được nghiên cứu đầy đủ, thực hiện các bản dập hoặc ghi lại bằng hình ảnh. Từ đó tiến đến khảo sát, phân loại, thống kê, dịch-chú.

Theo Hòa thượng, cần có sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan tại thành phố Đà Nẵng, Ban Văn hóa Phật giáo tại Đà Nẵng, Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn để thực hiện bộ sách về di sản Ngũ Hành Sơn. Cần có hướng hợp tác lâu dài trong tương lai trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Phật giáo về các mảng như: Phả hệ truyền thừa và sự phát triển của thiền phái Chúc Thánh; Di sản mộc bản Phật giáo Quảng Nam – Đà Nẵng; Di sản Phật giáo tại thị cảng Hội An và Cù Lao Chàm; Di sản Phật giáo Chăm-pa tại Phật viện Đồng Dương…

2.jpg
Chủ tọa buổi tọa đàm

3.jpg
Các nhà khoa học tham dự

Quảng Điền

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here