Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Tính nhân dân của Phật giáo Việt Nam

Tính nhân dân của Phật giáo Việt Nam

200
0

Chính vì nguồn gốc nhân dân này mà đạo Phật đi sâu vào lòng người, trở thành tôn giáo của đại chúng mặc dù giai cấp thống trị các thời đại tìm cách biến nó thành công cụ thống trị của mình.

Phật giáo được truyền bá vào nước ta từ rất sớm. Theo lời Đàm Thiên (thế kỉ VI) thì “xứ Giao Châu có đường sang Thiên Trúc. Phật giáo vào Trung Quốc chưa phổ cập đến miền Giang Đông mà xứ ấy đã xây ở Luy Lâu (Thuận Thành – Hà Bắc) hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi” (theo Thiền Uyển tập Anh ngữ Ngữ Lục). Khi truyền bá vào Việt Nam và trong quá trình tồn tại, cũng như ở các nước khác, Phật giáo đã hoà vào cuộc sống tinh thần, xã hội của nhân dân.

Trước hết, sau khi nhà nước thoát khỏi ách đô hộ nghìn năm của phong kiến phương Bắc, Phật giáo trong buổi đầu cực thịnh đã góp phần hình thành nền văn hoá dân tộc, giáo dục và đào tạo nhân tài. Dưới thời Bắc thuộc, vào những thế kỉ VI – IX ở nước ta đã có nhiều chùa lớn (riêng ở Giao Châu có 88 chùa), mỗi chùa có vài trăm sư. Một tầng lớp sư sãi hình thành và là tầng lớp trí thức trọng yếu trong xã hội bấy giờ. Đã xuất hiện nhiều cao tăng người Việt, có nhiều sư đã vượt biển sang Thiên Trúc cầu đạo, thỉnh kinh và sang Trường An giảng kinh cho vua Đường. Song cho đến khi nước nhà đựơc độc lập, nhất là trong thời nhà Lý, Phật giáo mới truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, in rõ dấu ấn trong mọi lĩnh vực văn hoá. Số tín đồ đạo Phật và sư sãi thời Lý chiếm một tỷ lệ khá đông; theo nhà sử học Lê Văn Hưu (đời Trần)  thì “nhân dân quá một nửa làm sãi”. Như vậy, có thể phỏng đoán rằng, phần đông người có học vấn trong xã hội đều là sư sãi hay tín đồ đạo Phật. Nhiều nhà sư có học vấn cao, đạo trọng, tham gia tích cực các hoạt động chính trị, xã hội và giữ những cương vị quan trọng trong triều đình. Sư Vạn Hạnh đã góp phần không nhỏ trong việc lập ra triều Lý. Sư Đa Bảo và Viên Thông được vua tin dùng trong bàn bạc việc nước, như những cố vấn của triều đình. Bên cạnh đó, cũng cần phải thấy rằng, dù trong thời thịnh đạt nhất, Phật giáo ở Việt Nam vẫn không giữ vai trò độc tôn, mà còn có Nho giáo. Nho giáo đã dần dần có vị trí quan trọng trong xã hội. Tầng lớp Nho sĩ được đào tạo theo ý thức hệ Nho giáo đã trở thành tầng lớp trí thức mới, thay thế cho lớp trí thức cũ ở nhà chùa. Không giống như ở Lào, chùa chiền ở Việt Nam không giữ mãi chức năng trường học của xã hội, song Phật giáo vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhân dân. Hơn nữa, vào thời Lý và các triều đại sau đã diễn ra sự xâm nhập vào nhau của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo cũng như sự kết hợp của những giáo phái này với tín ngưỡng, tập tục dân gian, tạo nên nền văn hoá dân tộc phong phú, độc đáo.

Trong xã hội Việt Nam, nhà chùa không những là nơi giảng đạo cầu kinh, thờ cúng Phật mà còn là nơi hội họp, di dưỡng tinh thần, tham quan vãn cảnh. Bởi vì, kiến trúc nhà chùa thường hoà hợp với cảnh trí thiên nhiên, tạo thành một kiến trúc hài hoà với ngoại cảnh. Khung cảnh ấy phù hợp với những phút nghĩ nghơi sau giờ lao động nhọc nhằn và di dưỡng tinh thần của tuổi già. Song điều quan trọng nhất là sự hoà hợp giữa nội dung và hình thức của đạo Phật với nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của quần chúng. Nhân dân tìm thấy ở nhà Phật đạo đức cao nhất  là lòng từ bi bác ái không những đối với con người mà đối với cả sinh linh muôn loài. Nhân dân hiểu rằng, tu nhân tích đức ở kiếp này, không phải chỉ mong để có hạnh phúc ở kiếp sau, để được lên Niết bàn, mà còn là để “làm phúc cho muôn người”. Do đó, tính thần bí của tôn giáo xích lại gần với nguyện vọng, tâm tư của quần chúng, cái thiêng liêng hoà lẫn cái trần tục, sự huyền bí hoà lẫn sự bình dị tự nhiên của cuộc sống đời thường. Đạo Phật do vậy, đã đi vào lòng người một cách tự nhiên.

Đặc điểm của Phật giáo nói chung và Phật giáo ở Việt Nam nói riêng là sự gần gũi nhân dân, sự gặp gỡ của sư sãi với nhân dân ở việc tu nhân tích đức. Vì vậy có sư tu ở chùa, có dân tu ở nhà và bất cứ ở đâu cũng có Phật trong lòng mọi người.  Đối với một phần không nhỏ trong nhân dân cuộc sống và mọi sinh hoạt thường ngày của họ gắn liền với nhà chùa, với tiếng mõ câu kinh, niệm Phật. Một số đứa trẻ mới ra đời khó nuôi được “bán” cho chùa để “nuôi dưỡng”, nhờ sư đặt tên, cho bùa hộ mệnh đeo ở cổ. Trẻ em biết đi, biết chạy đã cùng bà cùng mẹ lên chùa cúng Phật. Khi đau ốm người ta lập đàn cúng Phật, cầu mong qua tai, khỏi nạn, diệt trừ bệnh tật. Đến lúc qua đời, người ta cũng làm lễ cầu siêu cho người chết, sớm được siêu sinh Tịnh độ. Một trong những ngày hội lớn của dân tộc là hội chùa. Nếu nhân dân nô nức đi hội đền Hùng để tìm về nguồn gốc dân tộc, đi hội đền Trần, giỗ trận Đống Đa để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến các anh hùng giúp dân cứu nước thì những cuộc trẩy hội chùa Hương diễn ra hằng năm trong thời gian mấy tháng liền là cuộc hành hương về chốn Cực Lạc để tìm sự yên tĩnh, mong thực hiện ước vọng trong lời cầu nguyện đồng thời cũng để thưởng ngoạn non nước kỳ vĩ mà thêm yêu tổ quốc.

Tính nhân dân cao nhất của Phật giáo Việt Nam thể hiện trong sự quan tâm, tham gia vào cuộc đấu tranh cho hạnh phúc con người, cho độc lập tự do của tổ quốc. Giai cấp thống trị các thời đại mưu đồ biến các tôn giáo trong đó có đạo Phật làm công cụ thống trị nhân dân, ru ngủ mọi người nhẫn nhục, an phận để chờ đợi một kiếp sau tốt đẹp hơn. Tuy nhiên các tín đồ của đạo Phật khi hiểu triết lý của đạo Phật “đời là bể khổ”, “nguồn gốc của mọi khổ cực là do dục vọng gây nên”, thì cũng nhận thức đúng đắn, tích cực theo lời răn của Phật Tổ về diệt dục, làm điều thiện, tránh điều ác, càng tu lâu phúc đức càng dày. Và như vây, không phải xa lánh cõi trần, tách rời nhân dân, mà cần phải gắn với cuộc sống, với quần chúng. Ý nghĩa tích cực của quan niệm có tính chất triết lý này làm cho không ít sư sãi và tín đồ Phật giáo nhập thế cuộc, tham gia các cuộc đấu tranh xã hội. Đạo đức “giết một kẻ ác để cứu vạn dân lành” của đạo Phật phản ảnh mục tiêu đấu tranh, và cái nhân đạo cao cả của nhân dân. Có lẽ, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Việt Nam và nhiều nước phương Đông giương cao ngọn cờ tôn giáo (thế thiên hành đạo) chủ yếu không phải lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân để huy động lực lượng, mà còn tìm thấy ở tôn giáo những yếu tố tích cực cho cuộc đấu tranh hiện tại. Ý thức giai cấp, ý thức dân tộc, kết hợp với đạo lý làm người tạo nên sức mạnh trong các cuộc đấu tranh chống áp bức. Chính vì vậy mới có thể giải thích vì sao các tín đồ Phật giáo và sư sãi đã tham gia cá nhân hoặc có tổ chức ngày càng đông đảo vào phong trào cứu nước. Nhà sư Phạm Sư Ôn cầm đầu cuộc khởi nghĩa lớn thời Trần, “giặc thầy chùa”, do Võ Chí tổ chức chống Pháp ở Phú Yên đầu thế lỷ XX, sự tham gia đông đảo của Sư sãi, các tín đồ Phật giáo và các tổ chức yêu nước, các phong trào đấu tranh chống thực dân cũ và mới trước năm 1970… là những minh chứng rõ rệt.

Điều quan trọng hơn là, Phật giáo Việt Nam sớm hoà nhập với lý tưởng xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam, đã tìm thấy ở Hồ Chủ tịch những nét đức độ của nhà Phật và đã tận tình ủng hộ cho các chiến sĩ cách mạng thành công, cũng như trong sự nghiệp xây dựng tổ quốc. Bởi vì Phật giáo Việt Nam đã hiểu rõ một chân lý mà chủ tịch Hồ Chi Minh đã nêu trong bức thư “Gửi hội Phật tử Việt Nam” nhân ngày rằm tháng bảy âm lịch 1947: “Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang… Đức Phật là đại từ bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sanh ra khỏi khổ nạn, Ngài phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ma…”

Gắn liền với nhân dân, sống trong lòng dân tộc, thực hiện lý tưởng của đức Phật, các tín đồ Phật giáo Việt Nam đã hoà nhập vào cuộc đấu tranh cho độc lập, tư do của Tổ Quốc. Họ sẽ mãi mãi cùng với đồng bào và nhân loại phấn đấu đạt đến cõi cực lạc trên thế giới này. Cũng chính vì vậy mà từ trước đến nay đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (nghĩa là đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác). Lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi Hội nghị đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (1964) nêu trên luôn luôn chỉ đạo mọi hành động và suy nghĩ của giới Phật giáo Việt Nam hiện nay và sau này.

P.N.L-T.T.L
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here