Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Tìm cái thật tĩnh trong cái động

Tìm cái thật tĩnh trong cái động

178
0

Tuấn gốm, 31 tuổi, người Hải Dương, đã “mài” 14 năm tuổi trẻ để tạo nên một dòng gốm độc đáo mang âm hưởng Phật giáo, như một thứ “kinh Việt Nam” theo cách gọi của nhà phê bình, hoạ sĩ Lê Thiết Cương. 

Cơ duyên nào “cột” anh vào gốm Phù Lãng, và chọn ở lại làng cả một thời tuổi trẻ?

Đất và người Phù Lãng mị hoặc tôi ngay từ lần đầu tiên đến nơi này. Lúc ấy, tôi là sinh viên đi thực tập. Phù Lãng ngày ấy trù phú lắm. Cảnh gồng gánh kẽo kẹt của các bà/chị trên đồng, những chàng trai lực lưỡng đưa gốm vào lò, mang gốm ra chợ bán, những lò gốm nung bằng củi nồng mùi đất, chất liệu sành khoẻ mạnh và rắn chắc, những chiếc thuyền chạy tấp nập trên sông Cầu, rồi củi đất, hàng hoá… tất cả cho mình cảm giác phấn khích. Ngày xưa thời trẻ con chỉ mong có một nắm đất sét để nhào nặn, giờ ngoài đồng kia cả đống đất khổng lồ để nghịch… thế là bén duyên, rảnh là mấy chục cây số đạp xe về làng…

Những ngày hoá thân thợ gốm để thành “thầy” gốm, anh nhớ nhất kỷ niệm nào?

Thường xuyên bỏ trường về làng học nghề nên tôi suýt bị đuổi học, may mắn là thầy trực tiếp dạy tôi đã đánh giá cao cách học bằng thực hành. Chính thầy đã đứng ra bảo vệ cho tôi được thi tốt nghiệp bằng một sản phẩm thật.

Suốt 14 năm qua thực sự chỉ đơn giản là để học nghề, nhiều người gặp tôi vẫn tưởng là trai làng nghề. Thừa hưởng gen chơi đồ cổ của ông ngoại, tình yêu gốm đã lậm vào mình từ bé.

Ngày ấy đường vào các lò gốm lớn trong làng còn chưa có, ngày ngày tôi phải bơi qua sông Cầu để đến từng lò. Ở mỗi nhà một thời gian, cùng ăn, cùng ngủ với người thợ gốm, cuộc sống cơ cực. Có những bữa đang ngồi ăn con gà chạy qua cả bát canh, vẫn múc ăn như chẳng có chuyện gì. Đổi lại, mình được yêu thương như người làng, được truyền dạy bao bí quyết.

Chất liệu sành hiện rất hiếm trên thế giới, có tuổi thọ vài ngàn năm, nhưng từ xưa đến giờ, dân làng chỉ làm chum vại tiểu quách, ít đưa tạo hình vào. Để học được nghề và đưa sáng tạo vào, để biến thành thứ của mình là hai điều ám ảnh tôi suốt thời trẻ. Ý tưởng làm những tác phẩm lớn đã gây không ít bất ngờ cho những người thợ. Chỉ đến khi tôi gặp anh Phạm Thắng, chủ một lò gốm nhiều đời, người thấu hiểu sự huyền bí của đất, nước và lửa. Anh đã bắt nhịp với tôi, chấp nhận mọi thách thức để nung những tác phẩm ngoại cỡ với nhiều chi tiết. Khối gốm khác với điêu khắc đòi hỏi phải rỗng, điều kiện để đúc khuôn, tìm chất liệu đưa vào lò nung… là cả một quá trình dài trải nghiệm những bài học thất bại, đau đớn, phát hiện…

Thực tế của các làng gốm hiện nay, điều gì khiến anh lo nhất? Phải chăng nó thôi thúc anh tạo sức sống mới cho gốm Phù Lãng?

Phật mình chim như đang hoá thân để di cư đến hành tinh khác; bởi, trái đất dưới chân ta như đang dần kiệt sức trước cuộc đua với con người, dự báo về một ngày loài người sẽ tự ghi danh vào Sách đỏ.

Đau đớn nhất là họ không tin vào vẻ đẹp ngàn đời giản dị. Chỉ có bùn bên bồi ở dưới sông này, trộn với tro củi đốt cháy trong rừng, thêm vôi hoặc tro trấu, trộn chung với nhau theo một tỉ lệ mà chỉ có người làm gốm mới cảm nhận được, để có màu Phù Lãng… Cũng dòng sông này nhưng lấy bùn nơi khác sẽ rmột tinh thần hoàn toàn khác. Nhưng có người được học hành đàng hoàng lại về đây bắt thợ gốm vẽ lên một cách sống sượng và đưa vào những thứ màu hoá chất loè loẹt, giả tạo… làm hỏng hết vẻ đẹp thẩm mỹ của gốm Phù Lãng. Phải hiểu máu, xương, da của mình mới tạo nên con người thật của mình được.

Đưa Tây gần lại với Đông, đưa Phật pháp vào đời, đưa con người về bản thể nguyên sơ… tạo hình những dòng gốm của anh phải chăng là một thứ  “Kinh Việt Nam”?

Dùng ngôn ngữ tạo hình Phương Tây, mượn chất liệu gốm Phù Lãng và ngôn ngữ nhà Phật để kể câu chuyện của mình. Đó là những câu chuyện hôm nay, đời sống xã hội hôm nay với bao mất mát, đổ vỡ của tâm hồn…

Sau 14 năm im lặng, trải nghiệm, lang thang biết bao nhiêu làng gốm, được bay nhảy, phá phách, đập vỡ truyền thống… triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mang tên Di cư là một cuộc hành hương trở về với phật tính. Những hình hài đầu Phật mình chim, Phật nằm trong hình hài giấc ngủ trưa của đứa bé co ro, chân dung những thiếu nữ, trích đoạn những cánh rừng, những cây đời… 108 vị Phật đang di cư đến nơi ở khác của tôi mang vẻ đẹp gần gụi, trần trụi, không quá ồn ào…

Tôi đã tìm thấy sợi dây vô hình bền chặt giữa Phật với chúng sinh qua ba tổ hợp “Phật mình chim”, “Hồn cây”, “Rừng Phật”. Phật mình chim hoá thân để di cư đến hành tinh khác; bởi, trái đất dưới chân ta như đang dần kiệt sức trước cuộc đua với con người, dự báo về một ngày loài người sẽ tự ghi danh vào Sách đỏ. Hồn cây, Rừng Phật không ở đâu xa như người đời vẫn hằng tìm kiếm qua chiêm bái và thờ cúng.

Phật không chỉ ở ngay trong bản thể mỗi con người, mà còn hiện hữu nơi cỏ cây hoa lá…

Anh có thể tiết lộ một chút về kỹ thuật, để có thể nung những bức tượng gốm lớn với rất nhiều chi tiết và khắc hoạ những thần thái vừa trầm tĩnh, vừa ngây thơ?

Ý tưởng này ban đầu được cho là rất điên! Nhưng chúng tôi đã làm được. Đó là cách suy nghĩ ngược, thay vì đưa gốm qua miệng lò đã có từ ngàn đời, chúng tôi phá hẳn một khoang rộng của lò, đặt tác phẩm vào trước, rồi mới trát gạch làm cửa sau. Để tạo ra hàng trăm cánh chim bằng gốm lớn đòi hỏi cả vật chất, tiền bạc, sức khoẻ và lòng đam mê. Phải thật động mới có thể làm nên những tác phẩm thật tĩnh.

Mơ ước lớn nhất của anh là gì?

Cuối đời có một triển lãm mà mỗi làng gốm là một bức tượng. Tôi muốn gốm Việt tấn công vào những công trình kiến trúc nổi tiếng của thế giới. Khi đến Garden by the bay (Khu vườn trong vịnh) ở Singapore, tôi chỉ nghĩ đến những bức tượng thật lớn. Tôi hình dung trên bãi cát trắng muốt của vịnh như một sân vận động có mái che, những bức tượng sành Thổ Lãng trùng điệp sẽ gây ấn tượng rất mạnh về thị giác.

 

Kim Yến thực hiện (TGTT)

Hoàng Tường hoạ chân dung

Tốt nghiệp khoa Gốm đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 2006, liên tục từ năm 2008, anh đã có các triển lãm cá nhân ấn tượng: Bản thảo người (2008), Bữa tiệc nghệ thuật (2009), Gốm Nguyễn Tuấn (2010), Di cư (2013)… Ngày 10.4 tới, trong chương trình Davines Art Series, anh sẽ góp mặt cùng đại diện các dòng gốm Việt Nguyễn Khắc Quân, Lê Quốc Việt, Nguyễn Quang Thu, Phạm Anh Đạo…

 Chương trình do Lê Thiết Cương làm giám tuyển, hướng tới chủ đề Nghệ thuật gốm Việt tại Tràng Tiền Plaza Hà Nội.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here