Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Thăm chùa cổ Viên Giác

Thăm chùa cổ Viên Giác

613
0

Nhân dịp Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế tổ chức Đại giới đàn Minh Hoằng vào cuối tháng 3-2010, chúng tôi vui mừng về sự hoàn viên mãn của Đại giới đàn Minh Hoằng, có niềm tin mạng mạch Phật pháp được tồn tại dài lâu. Càng nghĩ càng thấy được công quả vô lượng của các vị tổ sư Minh Hoằng, Liễu Quán…, chúng tôi lại “hành hương” những nơi các vị tổ sư từng lưu dấu bước chân hoằng pháp trên đất Thừa Thiên Huế. Phần lớn những tổ đình đã được trùng tu to lớn, trang nghiêm nhưng chỉ có chùa Viên Giác, tương truyền do tổ sư Liễu Quán khai sơn, là chưa được Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế quản lý, lại thuộc về quyền sở hữu của tư nhân. Tất nhiên phải ghi nhận công đức của chủ nhân, đã tốn nhiều công của để mua lại ngôi chùa hoang tàn từ một chủ nhân khác. Chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận lịch sử chùa Viên Giác ở Huế một cách đầy đủ, chỉ mạo muội điểm qua vài nét lịch sử ngôi chùa.

Tòa Phật điện của chùa Viên Giác, có bức hoành “VIÊN GIÁC TỰ”(Năm Minh Mạng thứ 5) 

Tìm kiếm trên mạng, được Web Vietgle cho biết: “Chùa Viên Giác thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chùa do Hoà thượng Liễu Quán dựng. Vốn xưa chùa có tên là Cát Tường, sau mới đổi là Viên Giác. Những năm 1848-1883, có lần công chúa Diệu Phúc đã cúng tiền để trùng tu chùa. Chùa đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Trong mục CHÙA QUÁN, Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi chép vài dòng về chùa Viên Giác: “Ở ấp Bình An. Tương truyền chùa do Liễu Quán hòa thượng dựng, trước gọi là chùa Cát Tường, sau đổi tên hiện nay; đời Tự Đức Diên Phúc công chúa bỏ của ra sửa lại” (sđd, tr.202). Đọc ghi chép của Đại Nam Nhất Thống Chí thì biết ngay người viết giới thiệu chùa Viên Giác trên Web Vietgle hoàn toàn dựa vào ghi chép của ĐNNTC. Tuy nhiên khi viết lại bị nhầm lẫn danh tính của vị công chúa có công đức trùng tu chùa Viên Giác và nhầm khoảng thời gian trùng tu. Thật vậy, không có việc Diệu Phúc công chúa đã dâng cúng tiền của để trùng tu chùa trong khoảng từ năm 1848 đến năm 1883. Người từng dâng cúng của cải để trùng tu chùa Viên Giác là Diên Phúc công chúa, con vua Thiệu Trị, chị cùng cha cùng mẹ với vua Tự Đức. Nguyễn Phúc tộc thế phả, chép: “NGUYỄN PHÚC TĨNH HẢO”. Diên Phúc Công chúa. Bà là trưởng nử của Hiến Tổ, mẹ là Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu, bà là chị cùng mẹ với vua Dực Tông. Bà sinh năm Giáp Thân (1824). Thuở nhỏ bà thông minh dịu dàng, thường được vào hầu Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu và Hậu rất vừa ý.

 

Long vị các tổ và tượng gỗ khá cổ của chùa Viên Giác

Năm Bính Ngọ(1846) bà lấy chồng là Phò mã đô úy Nguyễn Văn Ninh người Bảo Hựu, vĩnh Long (con trai của Thái Bảo Chưởng Phủ Sự Hoàng Trung Hầu Nguyễn Văn Trọng). Mùa hè năm ấy bà được sắc phong là Diên Phúc công chúa. Sau khi vu qui vợ chồng bà tâm đầu ý hợp.

Bà mất năm Mậu Thân (1848), lúc 25 tuổi, thụy là “Đoan Nhã.” (sđd, tr. 359). Qua đoạn tư liệu này có thể đoán định bà Diên Phúc Công chúa dâng cúng tiền của để trùng tu chùa Viên Giác trong khoảng thời gian từ 1846 đến 1848.

Chùa Viên Giác là danh lam cổ tự một thời, từng được Tùng Thiện Vương “vịnh” một bài thơ đề “Quá Viên Giác tự”,  in trong Thương Sơn thi tập quyển 9. Nguyễn Phước Bảo Quyến, tác giả sách Tùng Thiện vương Đời và Thơ,  phiên âm và dịch thơ bài thơ chữ Hán :

Quá Viên Giác tự.
Thủ ảo mai hoa thướng tiểu kiều,
Kiều nam loa kính táp hàn tiêu.
Lão tăng bất xuất sơn môn yểm.
Phật hỏa trai chung dũng hải triều.

 Qua chùa Viên Giác
Hoa mai tay bẻ bước lên cầu,
Đường nhỏ quanh co gió thổi ào.
Cửa đóng sư già không xuống núi,
Chuông đèn nhà Phật sóng kinh trào.
                                                                         (sđd, tr. 212)

 

Tượng Quan Âm trong vườn chùa 

  Chùa Viên Giác đầu thế kỷ XIX chắc chắn đã được trùng tu, là chốn thiền môn thâm nghiêm, ấn tượng nên nhà thơ Tùng Thiện Vương mới tức cảnh đề thơ. Bức hoành phi cổ, có niên đại “Minh Mạng ngũ niên trọng xuân…” sơn son thếp vàng, các tượng la hán nhỏ, cùng các long vị của các sư trụ trì qua các thời, những chậu hoa cổ tráng men đã ngã màu…là những di vật còn được tôn trí ở chùa, như gợi nhớ về một thời vang bóng của ngôi cổ tự. Dẫu hôm nay chùa mới trùng tu sơ khởi, do một tư nhân [có yêu cầu giấu danh tính], nhưng chùa không còn uy nghiêm như xưa nữa. Chúng tôi hằng mong ngày  nào đó có nhiều đạo hữu hằng tâm hằng sản, phát tâm bồ đề, cúng dường nhà chùa tôn tạo ngôi cổ tự Viên Giác theo lối xưa thì đẹp biết mấy.

N.T.H.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here