Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tấm bia Ấn Sơn tự ký minh

Tấm bia Ấn Sơn tự ký minh

111
0

Thích song tổ ấn tập chép: “Lê thần Vĩnh Thịnh thập nhất niên, Lâm Tế phái tam thập lục, húy Pháp Hóa hiệu Phật Bảo hòa thượng trác tích vu Quảng Ngãi tỉnh thủy kiến Thiên Ấn tự. Nhất nhật vô thủy dĩ tế tư chi dụng. Hòa thượng tức nhật bình minh thủy khai long tỉnh chi hữu thủy. Hoàng triều Minh Mệnh niên gian sắc tứ Thiên Ấn tự kỳ hữu bi ký2. Nghĩa là: Năm Vĩnh Thịnh thứ 15 triều Lê, hòa thượng húy Pháp Hóa hiệu Phật Bảo phái Lâm Tế đời thứ 36 chống gậy đến tỉnh Quảng Ngãi lập chùa Thiên Ấn. Lúc đó, không có nước để chi dùng. Sáng ra, Hòa thượng mới khai long tỉnh thì có nước. Khoảng niên hiệu Minh Mệnh hoàng triều ban sắc gọi là Thiên Ấn tự có bia ghi chép.

Thiền sư Trừng Diệu Tịnh Hạnh trụ chùa Thiền Lâm (Phan Thiết) đã dựa vào cứ liệu thời trước ghi chép vài dòng về ngôi chùa, đôi chỗ có sự lệch lạc sử liệu, như cho tổ khai sơn thuộc đời 36 phái Lâm Tế, nghe ra nhầm. Tổ khai sơn thuộc đời 35 mới đúng trong truyền thừa cũng như long vị chép. Đoạn sau nói việc chùa được sắc tứ đời Minh Mệnh cũng nhầm. Hiện tổ đình còn bức hoành có ghi: “Sắc tứ Thiên Ấn tự. Quốc chúa ngự đề, Lê triều Vĩnh Thịnh thập nhất niên cúc ngoạt cốc đán. Duy Tân cửu niên liên nguyệt, tăng cang Phạm Hoằng Phúc hiệp chư sơn đồng tái tạo. Thạch Trì toàn dinh phụng cúng”. Nghĩa là: chùa sắc tứ Thiên Ấn, Quốc chúa ngự đề, ngày lành tháng hoa cúc niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) triều Lê. Tháng hoa sen năm Duy Tân thứ 9 (1915), Tăng cang Phạm Hoằng Phúc cùng chư sơn làm lại. Toàn dinh Thạch Trì phụng cúng. Biển chùa hiện nay được làm lại năm 1915, còn tấm biển Quốc chúa ngự đề năm 1715 thì đã bị mất từ lâu. Năm đó thuộc đời chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa rất sùng Phật pháp, thường đi du sơn thủy, ban biển sắc tứ cho các chùa ở Nam Hà.

Chùa còn có long vị và bia tháp của Thiền sư Phật Bảo Pháp Hóa (?-1754)3, khai sơn bổn tự. Ngài phải khai sơn trước đó một thời gian rồi mới được ban biển sắc tứ. Từ đó chùa thuộc dạng chùa công, được miễn thuế dịch. Tổ khai sơn còn có kì tích là đào giếng mà nay giếng đó vẫn còn.

Theo bản Tông đồ họ Trịnh4 trân tàng tại chùa Tây Thiên được lập năm Bính Tý niên hiệu Bảo Đại thứ 11 (1936), mục “Sắc tứ Thiên Ấn tự hưng dương liệt tổ lưu hạ” chép: “Võ tộc đệ nhất khai sơn tổ húy Pháp Hóa Phật Bảo hòa thượng. Nguyên Tư Cung nhân, tại tỉnh binh xuất gia”. Có ba dòng sau ghi về họ tộc, quê quán, lí lịch xuất gia của tổ đệ nhị, đệ tam, đệ tứ chùa Thiên Ấn. Ba vị trên cách ghi khá chuẩn xác. Do đó, tính chính xác của dòng trích dẫn đáng trân trọng. Trước hết, xác định tổ khai sơn húy Pháp Hóa Phật Bảo khá chính xác với long vị và bia tháp tổ tại chùa Thiên Ấn. Các tư liệu viết bằng tiếng Việt đều cho tổ khai sơn họ Lê, húy Duyệt, người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ta chưa thấy văn bản chữ Hán nào đề cập đến những sử liệu đó. Nay, tông đồ họ Trịnh tại chùa Tây Thiên ghi tổ họ Võ (có nơi phiên họ Vũ) người Tư Cung, tại Tỉnh binh xuất gia (思 恭人。在省兵出家). Cứ liệu nghe ra khó hiểu, hay ngài xuất thân từ quân đội rồi phát tâm xuất gia? Người Tư Cung thì ta chưa rõ, lí lịch này cần phải có thêm văn bản chữ Hán khác bổ trợ.

Chùa có kiến trúc hình chữ khẩu, ngôi tiền đường ăn nhập với chánh điện, phía trước có lầu chuông, trống. Phía sau là ngôi nhà tổ, thờ lịch đại tổ sư. Hai bên có nhà đông, nhà tây.

Chùa chỉ có một tấm bia, gắn vào trước ngôi tháp phía trước chùa. Bia thuộc loại bia dẹp, chế tác bằng đá trắng, thuộc loại đá Non Nước của tỉnh Quảng Nam. Xung quanh bia chạy diềm trang trí hoa văn, trán bia có hình mặt nhật, đôi rồng dây lượn chầu. Phía dưới có một đôi rồng chạy dài xuống gần đấy bia, mặt dưới trang trí hoa dây mà ở giữa có một hoa cúc cỡ vừa. Lòng bia có 14 dòng chữ Hán, có 6 dòng có 44 chữ, còn các dòng khác thì lượng chữ ít hơn. Dòng đầu tiên ghi “Ấn Sơn tự ký minh” dạng tiêu đề của tấm bia. Bia được lập năm Tân Hợi (1911) niên hiệu Duy Tân thứ 5. Bia do trụ trì hiệu Hoằng Phúc cùng chư sơn toàn tỉnh lập. Ngôi chùa thuộc loại cổ tự nhưng tư liệu văn khắc ở đây chỉ độ được khoảng 100 năm, chưa phản ánh đúng quá trình hình thành cũng như phát triển của tổ đình Thiên Ấn. Sau đây, xin dịch nghĩa tấm bia.

BÀI MINH GHI CHÉP CHÙA ẤN SƠN

Đèn thiền nối tỏ, ấn tổ trùng quang, Phật pháp đống lương, qui mô rộng lớn, lời dạy dấy lên từ đó. Bổn tự trước năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), sơ tổ đến núi đào giếng được nước, Quốc vương sắc tứ biển ngạch hiệu chùa. Nhiều đời tu hành truyền đến bổn sư là Hòa thượng Giác Tánh trải 12 đời, hết sức vun bồi, chùa Phật thí công, xây dựng tổ đình, đã qua nhiều năm. Nếu điện vũ có bị lậu dột, ngày nghĩ tu sửa, chỉnh lý. Bỗng nhiên liễu ngộ (viên tịch) trà tì ba lần, tri sự trụ trì chưa được đảm đang. Qui mô đến nay, hư hoại ngày càng rõ. Chúng tuy vui hòa mong được khâm mông Diên Lộc Quận Công Cần Chánh Đại Học Sĩ, Thạch Sơn Lâu nhàn hưu chính sự, thương đến nhà Phật, kinh doanh thọ lãnh ngôi chùa. Nay thời bảo hộ núi Ấn cổ tích danh lam. Chư sơn tăng chúng trí cử giáo thọ chùa Phước Quang làm trụ trì chùa Thiên Ấn, văn phê khải giáo phụng hành. Trên hợp chư sơn tu bổ, ân tứ 100 quan tiền, quyên thêm bổn đạo thập phương, cùng Yết-ma Hoằng Nghị chùa nước Cao Miên khuyến khắp giao hồi. Lại chức sự chư sơn các huyện, chúng tăng phân hạng, điện cúng tu bổ tiền đường, chánh điện, hậu viện, lầu chuông, biểu trụ kỳ lân. Chư sơn viện nhà vui được công đức thành tựu, tổ đình trang nghiêm, nghìn năm chúc tụng, đáp đền muôn năm, khắc bài minh báo đức lấy đó dạy cho người sau vậy.

Ngày lành tháng 6 năm Tân Hợi niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911).
Bổn tự trụ trì hiệu là Hoằng Phúc giáo thọ hòa thượng. Mộ Đức, Đức Phổ Hoằng Tịnh thiền sư; Bình Sơn, Sơn Tịnh Hoằng Nhiếp thiền sư; Chương Nghĩa, Nghĩa Hành Hoằng Chương thiền sư; tăng chúng chư sơn sáu huyện cùng lập minh chí. •■

Chú thích:

  1. Đại Nam nhất thống chí (bản Việt ngữ), tập 2, tỉnh Quảng Ngãi, NXB KHXH, H. 1970, 386.
  2. Tịnh Hạnh, Thích song tổ ấn tập, bản in năm Quí Hợi (1923), Thiền Lâm tự tàng bản, tờ
  3. Long vị đề:“Lâm tế chính tông tam thập ngũ thế húy Pháp Hóa thượng Phật hạ Bảo giác linh đại sư chi vị”. Bia tháp đề: “Tự Lâm tế chính tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo hòa thượng chi tháp”. Tổ khai sơn thuộc phái Lâm Tế đời thứ 35, với pháp danh chữ “Phật” ngài thuộc kệ phái của Thiền sư Đạo Mân Mộc Trần qua câu kệ“Đạo bản nguyên thành Phật tổ tiên…”. Các vị sư ở tổ đình còn thống nhất tổ khai sơn Thiên Ấn với Tổ Minh Hải Pháp Bảo là một, gây nên nhầm lẫn đáng tiếc.
  4. Họ Trịnh nguyên quán xã Tráng Liệt, tổng Tây Bạn, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa thừa tuyên. Cụ tổ vào Quảng Ngãi lập xã Tráng Liệt, tổng Nghĩa Hà, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Các địa danh được ghi lại sau này. Họ Trịnh có vị xuất gia nổi tiếng là Tổ Toàn Chiếu Bảo Ấn, khai sơn chùa Viên Quang, trụ trì chùa Tây Thiên, đệ tam tổ Thiên Ấn. Trong tộc có ngài Chương Nhẫn Từ Nhơn và ngài Hoằng Nhiếp đều trụ trì chùa Tây Thiên nên sau lập tông đồ thờ tại chùa Tây Thiên.tam-bia-an-son-tu-kyTạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 195

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here