Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Sông Hương – bao giờ tới biển: Kỳ 1: Hương ơi từ...

Sông Hương – bao giờ tới biển: Kỳ 1: Hương ơi từ đâu?

166
0

Sông Hương ngàn triệu năm lặng lẽ với hành trình từ nguồn ra biển. Nhưng sông Hương mãi mãi là thời sự, khi văng vẳng êm xuôi khi ồn ã thịnh nộ, tùy theo nguồn cơn tác động vào số phận dòng sông, cũng là số phận của cố đô Huế. Chúng tôi gửi đến bạn đọc loạt bài  "Sông Hương bao giờ tới biển" với nhiều tác giả, nhiều góc nhìn, nhưng liền mạch một dòng về dòng sông mang tải lịch sử – dòng sông thơ – dòng sông tâm linh – dòng sông nạn nhân của những ứng xử vụ lợi thiển cận thời kinh tế mở… Mở đầu là chuyến ngược dòng, dòng sông và dòng lịch sử, của Nhà văn Vĩnh Quyền

Với sông Hương quê nhà, tôi nghiệm mình như con cá chình hoa vào kỳ tức trứng, phải một lần từ biển ngược đầu sông, như bươn bả tìm về nguồn cội, để thực hiện mùa sinh hạ đớn đau hạnh phúc. Và phải đến năm 2006, trước khi diễn ra festival Huế một tuần, tôi mới trả được món nợ tinh thần tự vay ấy, khi theo chân một đoàn khảo sát lâm nghiệp.  Để có cảm giác "từ nguồn tới biển", chúng tôi ngược thượng nguồn bằng đường bộ rồi mới xuống thuyền, thả về xuôi. Trước chuyến đi tôi tìm đọc một số tư liệu liên quan đến lai lịch sông Hương mà tôi không ngần ngại trích dẫn nhiều trong bài viết này, là nhằm gửi đến những bạn đọc bận rộn.

Tác phẩm địa lý sớm nhất có thông tin về sông Hương còn lưu truyền là Ức Trai Dư địa chí của Nguyễn Trãi biên soạn năm 1438. Sông Hương lúc ấy có tên gọi là Linh Giang. Thực ra sách chỉ đề cập đến quãng sông từ thành Hóa Châu, Ngã ba Sình, chảy ra cửa Thuận An. Năm 1552, Dương Văn An viết Ô Châu cận lục, trong đó lai lịch sông Hương được cung cấp rõ hơn, cụ thể hơn.

Kỹ sư lão thành Nguyễn Hữu Đính đã có những suy đoán lý thú khi ông đọc tới đoạn sau đây trong Ô Châu cận lục:  "Thành (Hóa Châu) ở địa phận huyện Đan Điền, sông cái Đan Điền chảy qua phía tây, lại có một dòng sông con chảy vào trong thành, phía hữu con sông ấy la liệt những trường học, nha môn đô thừa phủ Triệu Phong. Sông cái Kim Trà rót vào phía nam, đập lớn, chằm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm nhận (mỗi nhận chừng 6,5 mét) sừng sững như đám mây dài. Đó là nơi địa hình kết hợp, thiên tạo đặt bày vậy".

Theo ông, thời bấy giờ có thể người ta gọi tên sông theo tên huyện nó đi qua, nên một con sông đã có nhiều tên. "Sông cái Đan Điền" là quãng sông Linh Giang khi đi qua huyện Đan Điền (Quảng Điền ngày nay). Cũng thế, "Sông cái Kim Trà" là quãng sông Linh Giang khi đi qua huyện Kim Trà. Lý giải này có căn cứ thực tế lịch sử. Rằng người xưa có thói quen gọi tên sông theo tên làng, xã, huyện, tỉnh nó đi qua. Như sông Hồng có những đoạn mang tên Mê Linh, Bạch Hạc, Việt Trì… Hai huyện Đan Điền và Kim Trà đều thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, xuất hiện ít nhất từ thời Lê sơ.

Trong cuốn  Đất nước Việt Nam qua các đời  (NXB Thuận Hóa, Huế 1996), học giả Đào Duy Anh viết: "… thời Lê sơ là Kim Trà, chúa Nguyễn đổi làm Hương Trà. Huyện Hương Trà bấy giờ là tương đương với đất huyện Hương Trà và một phần huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay" (tr.198). Vì vậy, theo kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, khi huyện Kim Trà được đổi tên thành huyện Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà. Yếu tố Hương của sông Hương có lẽ xuất hiện từ đó.

Đến nay ít nhất có bốn cách lý giải nguồn gốc tên gọi của sông Hương.

Loan tin rộng rãi mình đã nhận được sự phò trợ của thần linh là một trong những "chiêu" tuyên truyền của các nhân vật có hoài bão dựng nghiệp lớn thời phong kiến. Chuyện nén hương (nhang) của người đàn bà nhà trời (Thiên mụ) trao cho chúa Nguyễn Hoàng để tìm đất định đô là một "chiêu" như thế, về sau trở thành huyền thoại dựng đô của triều Nguyễn. Cũng như giấc mơ rồng bay (Thăng Long) của vua Lý Thái Tổ khi ra chiếu dời đô từ Hoa Lư ra La Thành. Căn cứ vào thời điểm xây dựng chùa Thiên Mụ thì có thể định được thời gian xuất hiện chuyện nén hương của chúa Nguyễn Hoàng. Ấy là chuyến tuần du phương nam của chúa vào năm 1601. Chuyện kể rằng chúa Nguyễn Hoàng từ Dinh Cát thuộc tỉnh Quảng Trị vào nam, dọc đường hạ trại nghỉ ngơi cạnh dòng sông (Hương), trong giấc ngủ mơ thấy một người đàn bà nhà trời hiện ra, trao cho chúa một nén hương, dặn: Hãy thắp hương rồi đi xuôi theo dòng sông xinh đẹp này, khi nào hương tàn hết thì dừng lại, đấy là đất thiên thu vạn đại đế vương.

Tỉnh giấc, nén hương trong mộng vẫn còn trên tay, chúa Nguyễn Hoàng cả tin bèn nghe theo lời dặn của người đàn bà nhà trời mà chọn được thủ phủ Phú Xuân sau này. Câu chuyện liên quan đến tên của hai hạng mục có thực và quan trọng trên đất thần kinh: Chúa Nguyễn Hoàng nhân nén hương linh mà đặt tên cho dòng sông dẫn đường chọn đất đế nghiệp là Hương. Và tạ ơn người đàn bà nhà trời mách bảo, ngay trong năm 1601, chúa cho xây quốc tự nơi đã được báo mộng bên sông, đặt tên là Linh Mụ, hay còn gọi là Thiên Mụ. Như vậy, theo chuyện kể, người đặt tên cho sông Hương là chúa Nguyễn Hoàng.

Tuy nghiên, chúa Nguyễn Hoàng vẫn đóng thủ phủ ở Dinh Cát (Quảng Trị) cho đến khi mất, năm 1613. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên kế vị, 14 năm sau, năm 1626 mới dời dinh từ Dinh Cát vào Phước Yên (Quảng Điền, Thuận Hóa). Đến năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan, con chúa Nguyễn Phúc Nguyên, lần đầu tiên xây dựng dinh cơ tại Kim Long, cạnh bờ sông Hương. Nguyễn Phước tộc thế phả, NXB Thuận Hóa, 1995, tr. 123, ghi theo sử cũ: "Kim Long rộng rãi, cảnh trí xinh đẹp, phủ chúa và các nhà quan lại còn lan ra các làng chung quanh. Kim Long đã mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mãi trong đời ngài (chúa Nguyễn Phúc Lan). Các thuyền buôn từ Hội An, Trung Hoa ghé Thuận An, đi dọc theo sông Hương lên Huế.

Nhờ đó mà phẩm vật của người Âu và Trung Hoa (tơ sống, thuốc Bắc, bút chỉ…) đều được mang bán tại Huế. Khách phương xa ghé đến Kim Long không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng huy hoàng của phủ chúa và các nhà quan lại. Mỗi khi ngài ngự đi đâu đều có hơn hai nghìn thị vệ theo hầu, tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời, oai vệ khác thường". Và mãi đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái, con chúa Nguyễn Phúc Tần, mới dựng thủ phủ ở Phú Xuân, điểm chọn của chúa Nguyễn Hoàng theo lời khuyên của người đàn bà nhà trời trong mộng.

Liên quan đến tên sông, một mẩu dã sử chưa có điều kiện kiểm chứng nhưng thú vị: Năm 1792, trong chuyến tuần du Phú Xuân, vua Quang Trung hỏi sông đang đi thuyền tên là gì. Đáp rằng đoạn vừa đi qua tên Đan Điền, đoạn này tên Hương Trà, trước đây lại có tên Kim Trà. Vua không hài lòng, bảo sao lại lấy địa danh hữu hạn, thường thay đổi để đặt tên cho sông dài là thiên nhiên muôn thuở, và phán rằng từ nay thống nhất gọi là Hương Giang, từ nguồn cho tới biển. Vua còn lệnh cho Tổng tài Quốc sử quán Ngô Thì Nhậm đưa ý tưởng của vua thành điển lệ. Như vậy, theo chuyện dã sử này, người đặt tên cho sông Hương là vua Quang Trung.

Thoát khỏi cách lý giải tên sông Hương gắn với các nhân vật lịch sử, Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951) đi theo một hướng khác, thiên về yếu tố tự nhiên. Sổ tay địa danh (NXB Giáo Dục, 2001) cũng chọn cách lý giải của ông: "Hai bên bờ tả, hữu trạch có giống thạch xương bồ là một vị thuốc trường sinh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương Giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy" (tr.130).

Cũng trong xu hướng văn nghệ, năm 1981, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết ở đoạn kết bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông: "Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy; trong đó, tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi. Tôi lĩnh hội ý nghĩa của truyền thuyết ấy như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hoá và lịch sử".

Tôi là một trong số đông bị thuyết phục bởi cách giải thích của Vân Bình Tôn Thất Lương. Nên khi đặt chân đến vùng phát tích sông Hương, tôi liền đi tìm loài cỏ thạch xương bồ. Trước đó tôi đã có dịp cầm thạch xương bồ trong tay, do bạn tôi là một thầy thuốc Đông y trao cho. Nhưng là thạch xương bồ đã phơi khô, trải qua chế biến để trở thành một vị trong những bài thuốc nam.

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi hái được một bó thạch xương bồ. Một kỹ sư  lâm nghiệp trong đoàn khảo sát cho biết người xưa từng đánh giá dược tính của thạch xương bồ rất cao, gần như một vị thuốc trường sinh. Thạch xương bồ còn có tên dân gian là bồ bồ, bồ hoàng. Tên khoa học là Acorus Gramineus Soland. Điều thú vị là thạch xương bồ cũng là một loại… Viagra. Trong sách thuốc cổ Biện chứng lục đã có bài thuốc chữa cho người bị suy yếu năng lực tình dục, mà thạch xương bồ là một vị quan trọng.

Tôi và những người bạn trong chuyến ngược dòng Hương chia nhau uống bát nước sông Hương ngâm thạch xương bồ. Chẳng qua là muốn "đi tới cùng" để có thêm kỷ niệm sau mỗi chuyến đi mà thôi, vì trong chúng tôi chẳng ai chờ đợi sẽ được thưởng thức một thứ nước ngọt thơm khác thường. Và cũng bởi trong thâm tâm, từ lâu tôi vẫn thiên về ý kiến cho rằng tên sông Hương là do rút gọn từ tên cũ: sông Hương Trà. Mà "tác giả" của sự rút gọn chính là thói quen gọi tắt của cộng đồng trong ngôn ngữ hàng ngày. Như "Phòng" của Hải Phòng chẳng hạn, chứ không nhất thiết phải có vua Quang Trung chỉ dụ.

 Vĩnh Quyền (Báo Lao Động)
(Kỳ 2 Soi bóng 700 năm Thuận Hóa- Phú Xuân – Huế)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here