Trang chủ Phật học Giới thiệu về Nghiệp: Bài 2: nghiệp liên hệ với hành vi...

Giới thiệu về Nghiệp: Bài 2: nghiệp liên hệ với hành vi nhân quả

118
0

Khi chúng ta nói về nghiệp thì nó là một giải thích cơ bản về lý do và cách những kinh nghiệm vui buồn của chúng ta lên xuống ra sao – đó là tất cả những gì thuộc về nghiệp.

Nói cách khác, làm cách nào tâm vô minh của ta sản sinh ra sự thăng trẩm vui buồn, ra những kinh nghiệm thoải mái và khó chịu? Nói cách khác, nó liên quan đến nhân và quả, và nhân quả là một chủ đề vô cùng phức tạp. Như Đức Phật đã nói, một chậu nước không đầy vì giọt nước đầu tiên hay giọt nước cuối cùng, mà do sự tích lũy toàn bộ các giọt nước. Tương tự thế, những gì chúng ta kinh nghiệm trong đời sống là kết quả của không chỉ một nguyên nhân – nguyên nhân không chỉ là một điều mà ta chỉ tạo ra ngay tức thì trước khoảnh khắc này, hay những gì ta đã làm hàng a tăng kỳ kiếp về trước. Nó là kết quả từ một khối lượng lớn của các yếu tố nhân duyên.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm khoa học, vì nó cho rằng các sự kiện không xảy ra một cách cô lập, mà mọi việc thật sự phụ thuộc lẫn nhau. Chỉ cần có một thí dụ rất đơn giản, tất cả chúng ta sẽ không hiện diện nơi đây, trong phòng này để nghe bài thuyết trình này nếu người Tây Ban Nha đã không đến nước Mỹ, phải không? Đó chỉ là một nguyên nhân để chúng ta hiện diện ở đây. Giống như vậy, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trực tiếp và gián tiếp, góp phần vào sự việc mà ta đang trải nghiệm ngay bây giờ, hay bất cứ khoảnh khắc nào.

Tuy nhiên, nghiệp đang giải thích những nguyên nhân liên hệ một cách đặc biệt với tâm thức của chúng ta, nhưng có nhiều nguyên nhân khác góp phần cho những gì ta trải qua – các nguyên nhân vật lý, thí dụ như thời tiết và v.v… Nhiều điều tác động đến ta không chỉ xuất phát từ tâm thức của chính mình, mà còn bắt nguồn từ tâm thức của người khác nữa. Hãy cho thí dụ về các chính trị gia, những người quyết định nhiều chính sách khác nhau và chúng ảnh hưởng đến ta, và những điều này cũng có thể bị pha trộn với sự nhầm lẫn nào đó, phải không?

Nghiệp không nói về đức tin, nó không nói về định mệnh hay sự tiền định và những điều như thế, mà đúng hơn, nó nói về cách ta kinh nghiệm sự việc và thái độ của ta sẽ ảnh hưởng cách ta trải nghiệm đời sống ra sao. Chữ nghiệp (karma) được sử dụng một cách rất bao quát để chỉ mọi thứ liên hệ đến hành vi nhân quả; nói cách khác, mối liên hệ nhân quả xuất phát từ thái độ và hành vi của chúng ta. “Nghiệp” có thể nói đến toàn bộ chủ đề hành vi nhân quả một cách tổng quát, hay nó có thể nói riêng về một khía cạnh của toàn bộ quá trình ấy. Vì vậy, nếu muốn thấu hiểu cơ chế của nghiệp, chúng ta phải xem xét nó một cách chính xác hơn, chi tiết hơn.

Một số hệ thống giải thích nghiệp:

Khi khởi sự xem xét những giải thích chính xác hơn trong Phật giáo, ta sẽ sớm khám phá ra rằng không phải chỉ có một sự giải thích. Một số người Tây phương thấy điều này hơi bất tiện, nhưng nếu có một sự rắc rối hay một cảnh ngộ khó khăn, chúng ta có thể giải thích nó bằng một vài cách khác nhau, tùy theo quan điểm của mình.

Ở phương Tây, chúng ta làm như thế, chúng ta có thể giải thích sự việc từ quan điểm xã hội, từ quan điểm tâm lý, quan điểm kinh tế – điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Những sự giải thích đa dạng giúp ta thấu hiểu những gì đang xảy ra một cách đầy đủ hơn. Và mỗi một cách giải thích về những gì đang diễn ra căn cứ trên một hệ thống tư tưởng nào đó – hệ thống tâm lý học, hệ thống chính trị học, kinh tế học và v.v…

Chúng ta có điều gì tương tự ở đây trong Phật giáo, vì thế, ta thấy rằng có một vài sự giải thích từ những hệ thống giáo điều triết học khác nhau về cách nghiệp hoạt động ra sao. Chúng ta cũng có điều này ở phương Tây, ngay cả trong một môn học như tâm lý học – có thể có một sự giải thích từ quan điểm tâm lý của trường phái Freudian, một sự giải thích theo quan điểm của trường phái Jungian; người ta có thể giải thích sự việc theo đường lối của xã hội chủ nghĩa, hay chủ nghĩa tư bản.

Chúng ta thấy điều này trong Phật giáo, và nó thật sự là điều hữu ích khi ta xem xét một vài hệ thống này, vì chúng cung cấp cho ta những sự thấu hiểu khác nhau về cách nghiệp vận hành như thế nào. Đối với mục tiêu của mình, ta không cần đi sâu vào chi tiết về những sự khác biệt giữa các hệ thống này, nhưng điều hữu ích là ta biết rằng có một vài hệ thống trong Phật giáo.

Dĩ nhiên, điều đó ám chỉ rằng chúng ta cũng có những hệ thống Tây phương giải thích về những gì đang xảy ra đối với những điều chúng ta đang trải qua. Điều này không nhất thiết mâu thuẫn với những gì ta nói về nghiệp.

A.B

Kỳ 3: Ảnh hưởng về hành nghiệp

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here