Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Nghệ thuật Phật giáo

Nghệ thuật Phật giáo

247
0

 

Hiện nay không ít nhà làm nghệ thuật nghĩ rằng: “Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Phật giáo sẽ không trở lại vị thế như thời hoàng kim trước đây. Cũng giống như ở châu Âu, Ki-tô giáo sẽ không còn đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển văn hóa nghệ thuật như thời Trung cổ hay Phục hưng trước đây nữa…Một nguyên do nữa, người nghệ sĩ hôm nay, không chỉ ở Việt Nam mà khắp trên thế giới đều trong xu hướng nỗ lực khẳng định con người cá nhân. Họ không muốn sáng tác của họ phụ thuộc, phục vụ, minh họa trức tiếp cho một tôn giáo, một triết thuyết, nếu có cũng chỉ là gián tiếp. Xã hội hiện nay cũng nên ‘khai thác’ xu hướng tự do cá nhân trong sách tác ấy của họ”.

Có hay không một sự ly dị tôn giáo (ở đây là Phật giáo) và nghệ thuật? Nếu có thì đó có phải là điều tốt cho con người không? Và nếu có thì do sự yếu kém của bên nào hay của cả hai? Đâu là một quan niệm sâu sắc về tương quan của Phật giáo và nghệ thuật? Tính cách như nước hòa với sữa của Phật giáo và nghệ thuật đã tạo ra nền văn minh châu Á có còn nữa không? Hay sự đứt rách giữa thế giới thiêng liêng và thế giới phàm tục (‘thiêng liêng và phàm tục’là chữ của Emile Durkheim),giữa Đạo và đời, đã không còn có thể hàn gắn như đó là một định mệnh tất yếu va cũng là sự khổ đau tất yếu của con người, trên dòng lịch sử tiến hóa của nó?

Chúng ta có thể tham khảo thêm ý kiến của hai nhà dự đoán học John Naisbitt và Patricia Aburdene trong Các xu thế Lớn năm 2000: các cửa vào thế kỷ XXI. Trong 10 dự đoán có sự Phục hưng trong nghệ thuật (số 2) và sự hồi sinh của tôn giáo trong Thiên niên kỷ mới (số 9). Hẳn là hai sự phục hưng này có liên quan với nhau. Chỉ trích ra một đoạn là có thể thấy mối liên quan đó. Chương 2, sự Phục Hưng trong Nghệ Thuật: “Phần lớn nhân loại được tự do hơn để mà cân nhắc, khám phá những gì là có ý nghĩa cho việc làm người. Đây là một vấn đề có tính chất tâm linh, nhưng những ẩn ý về mặt kinh tế của nó lại đáng kinh ngạc”.

1.    1. Cái đẹp và nghệ thuật

Con người cả Đông lẫn Tây, từ những triết gia như Platon cho đến người bình thường, hiện nay chúng ta đã có những quan niệm chung, tổng quát về cái đẹp. Một cái gì đẹp có nghĩa là cái đó có một trật tự nào đó, đa dạng mà thống nhất, có những tương quan và hài hòa. Có thể có một số người trong chúng ta không thích lối vẽ của Picasso, vì nó ‘gồ ghề’ quá, ‘góc cạnh’ quá, ‘lập thể’ quá. So với Picasso, thì Chagall thơ mộng hơn, mềm mại hơn, lãng mạn hơn. Nhưng những bức tranh của Picasso vẫn nói lên một trật tự nào đó, một đa dạng mà thống nhất nào đó, những tương quan hài hòa nào đó. Người ta có thể vẽ hay sắp đặt một cái được xem là xấu, là dơ, như một đống rác chẳng hạn, nhưng nếu đống rác đó không có trật tự, đa dạng mà thống nhất, một mối hài hòa, thì đó không là nghệ thuật, đó là một đống rác cần phải để cho sở vệ sinh thanh toán.

Điều chúng ta đang nói về cái đẹp, trật tự, đa dạng mà thống nhất, tương quan mà hài hòa thì không chỉ dành cho hội họa, mà chúng ta còn thấy cái đẹp ấy trong những bản văn triết học, trong truyện ngắn, tiểu thuyết, cho đến một định lý vật lý…nói rộng ra, nghệ thuật và cái đẹp có trong mọi cái gì tự nhiên và nhân tạo.

Nghệ thuật, với Platon và Aristote, là mô phỏng lại (mimesis, imitation). Dĩ nhiên chúng ta không ngây thơ mà cho rằng mô phỏng là sao chép lại đúng như các giác quan mình tri giác. Nếu thế thì chụp ảnh đơn giản đã loại bỏ hội họa truyền thống rồi. Mô phỏng là mô phỏng cái trật tự, cái đa dạng mà thống nhất, những tương quan hài hòa, nghĩa là mô phỏng cái đẹp. Và nếu nói đến cái mà Đông phương thường nhấn mạnh, cái tâm của mình, bản chất và sự biểu hiện của cái tâm ấy.

Chức năng lớn nhất, sứ mệnh của hội họa là khai mở (khai thị) cho chúng ta thấy một cái gì đó, và rốt ráo là thấy được thực tại. 

Chúng ta có thể nói phác lược thêm về tương quan giữa cái đẹp và cái thật và cái tốt.

Ở bình diện cảm thức thông thường, chúng ta thấy cái đẹp bao giờ cũng gắn với cái thật. Khi nói rằng bài thơ ấy giả tạo, bức tranh ấy giả tạo có nghĩa là bài thơ ấy, bức tranh ấy không đẹp, không hay. Trong tác phẩm nghệ thuật có thể tha hồ tưởng tượng, thậm chí đến mức siêu thực, nhưng nó luôn luôn là cái thực, cái có ý nghĩa, không thể là cái giả, mà cái giả cũng đồng nghĩa với cái không có giá trị.

Mặt khác, cái gì đẹp thì luôn luôn gắn liền với cái tốt (do đó mà chúng ta thường gắn liền thành hai chữ ‘tốt đẹp’). Cái tốt ở cấp độ bình thường đối với con người là cái hữu ích. Một cái gì không hữu ích cho thân tâm, thậm chí có hại thì hẳn không thể nói là đẹp. Uống một ít bia, cho vui, cho có không khí gặp mặt, thì đó là một việc đẹp. Nhưng nếu uống say be bét, không còn tự chủ được, thì đó hẳn là một điều không đẹp, không tốt. Tác phẩm của nhà văn có thể tả những điều hư hỏng, tệ hại ở tận đáy xã hội. Nhưng nếu tả thực chỉ để người ta tiếp tục trầm mình trong bản năng thôi, thì hẳn là cuốn sách ấy không đẹp và không tốt. Sự vươn lên của con người là một điều vừa đẹp và vừa tốt. 

Chúng ta không đi xa hơn để nói về mối tương quan khắng khít của cái đẹp (Mỹ), cái thật (Chân) và cái tốt (Thiện). Ở cuối con đường làm người, thành tựu được mức độ cao tột mà con người có thể tự hoàn thiện cho chính mình, có lẽ ba cái đó sẽ hợp nhất được.

Thật ra, qua nghề nghiệp của mình, các họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, các nhà làm nghệ thuật muốn tìm kiếm, muốn làm rõ điều gị? Picasso đã nói: “Tôi có thể hãnh diện mà nói điều này: Tôi chẳng bao giờ coi hội họa như là một nghệ thuật chỉ đơn thuần để gây thú vị, để giải trí. Tôi muốn dùng nét vẽ và màu sắc, bởi lẽ đây là vũ khí của tôi, để càng đi sâu hơn vào việc hiểu biết thế giới và con người, để sự hiểu biết đó càng ngày càng giải phóng thêm cho chúng ta. Phải, tôi có ý thức là bấy lâu tôi vẫn chiến đấu bằng hội họa của tôi như một người cách mạng thật sự”. (Dẫn theo Phùng Văn Tửu, trong Mỹ học, của Diderot, NXB Khoa học và Xã hội, trang 42, in nghiêng để nhấn mạnh la do nguòi viết bài này).

Thế giới thực sự là gì, đó không chỉ là một bí mật đối với họa sĩ, mà đối với tất cả mọi người, dù người ấy dùng nghệ thuật hay khoa học hay cái gì nữa để khám phá. Chẳng hạn trong bài diễn từ nhận giải Nobel năm 1987, nhà thơ Joseph Brodsky nói “Thi ca là nhận thức, tư duy, cảm nhận thế giới” và đi “ xa hơn” vào trong bí mật của thế giới,  “nơi chưa từng ai đến”:

“Như chúng ta đã biết, có ba phương thức nhận thức: phân tích, trực cảm và phương thức thứ ba mà các nhà tiên tri trong Kinh Thánh sử dụng: mặc khải. Điểm khiến thi ca khác biệt với các loại hình văn học khác là ở chỗ ngay lập tức nó sử dụng cả ba phương thức (thiên chủ yếu về phương thức thứ hai và thứ ba), bởi vì cả ba đều có trong ngôn ngữ, và không hiếm khi chỉ bằng một từ, một vần, người viết bài thơ có thể đến được nơi mà trước đó chưa ai từng đến, và có thể còn xa hơn cả nơi chính anh ta mong ước. Nhà thơ viết trước hết vì bài thơ là một cỗ máy gia tốc khổng lồ đối với nhận thức, tư duy, cảm nhận thế giới” (Đoàn Tử Huyền dịch từ tiếng Nga).

2. Phật giáo và nghệ thuật.

Nghệ sĩ tìm kiếm gì, muốn tiếp cận với cái gì trong công cuộc sáng tạo của họ? Đó là; “Càng đi sâu vào việc hiểu biết thế giới và con người, để sự hiểu biết đó càng giải phóng thêm cho chúng ta. Nghệ sĩ là những nhà cách mạng thật sự”.

Khi nói về âm nhạc của Mozart, Einstein cho rằng “Âm nhạc của Mozart đẹp va tinh khiết đến độ tôi xem nó như chính vẻ đẹp nội tâm của vũ trụ”.

Tóm lại, mục tiêu của nghệ thuật là nỗ lực nhìn thấy, nghe thấy…thế giới và con người trong thật tướng của chúng, hiểu biết thực sự chúng và do đó đem lại mục đích của sự việc làm người: Thấy biết, “giải phóng” và an vui. Thấy biết được thực tại, thấy biết đời sống như thực, đúng như đời sống đang là, đó là mục tiêu của tất cả các loại nghệ thuật.

Chúng ta thấy triết học cũng cùng mục tiêu đó, có thể bằng những phương tiện khác. Heidegger dịch chữ chân lý, sự thực từ tiếng Hy Lạp là sự vén màn che. Phật giáo là những con đường đưa đến một cái thấy đúng đắn, như thực về thế giới và con người (chánh kiến) và chính nhờ cái thấy này mà con người được giải thoát, tự tại, an vui. Con người không giải thoát, an vui vì vô minh, tức là sự thấy sai của nó, chứ chẳng phải ai trừng phạt nó. Vô minh là thấy sai, và thấy sai ắt sẽ đưa đến khổ đau, hỗn loạn và hư hoại. Hơn nữa, ở cấp độ rốt ráo, Phật giáo không chỉ là những con đường đưa đến mục đích, mà còn là chính mục đích ấy: Pháp tánh, pháp giới tánh, thật tướng, Phật tánh…Va nếu có cái gì thực sự là đẹp, cái gì thực sự là thật, cái gì thực sự là tốt thì cái đó phải ở trong thực tại tối hậu, ở trong thật tướng, ở trong pháp giới tánh.

Chính ở đây Phật giáo có thể giúp đỡ cho nghệ thuật. Phật giáo không giúp đỡ những hình thức thể hiện, những đề tài, những thị hiếu thẩm mỹ…những cái ấy thay đổi theo thời đại, theo lịch sử, theo tính cách và tài năng của con người. Sự giúp đỡ của Phật giáo cho hội họa và nghệ thuật nói chung là thiết lập một sự tương thông giữa chủ thể và đối tượng, giữa tâm và cảnh, và do đó mở đường cho hội họa tiến đến thực tại. Phật giáo giúp các nhà nghệ thuật nhìn thấy thực tại (bằng rất nhiều phương pháp thanh lọc thân tâm), cái nhìn mà kinh Pháp Hoa gọi là “thật tướng của tất cả các hiện tượng” (chư pháp thật tướng). Và nếu nghệ thuật là đi tìm và thể hiện sự trật tự, thống nhất trong đa dạng, những tương quan hài hòa thì thực tại, cái hiện thực tối hậu hẳn phải mang những tính cách ấy. Cũng trong kinh Pháp Hoa, cái thật tướng của tất cả các hiện tượng được gom thành mười cái như vậy (như thị): “Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột thật tướng của các pháp, nghĩa là các pháp: Tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, cả thảy trước sau đầu cuối rốt ráo như vậy.” 

Chúng ta thấy “cái thật tướng của tất cả các pháp” này không những bao gồm tất cả mọi nghệ thuật mà còn tất cả mọi khoa học. 

Phật giáo không xa lạ với hội họa. Hội họa Đông phương đã chứng minh cho điều đó trên một ngàn năm nay. Hơn nữa, Phật giáo là cốt tủy của hội họa, là cái hội họa của nền tảng, hội họa của bước thứ nhất, hội họa ở ngay tâm của mỗi chúng ta:

               Ví như nhà họa sư

               Phân bố các màu sắc

                          Hư vọng lấy dị tướng

                         Bốn đại không sai khác.

                         Trong bốn đại không sắc

                         Trong sắc không bốn đại

                        Cũng chẳng ngoài bốn đại

                        Mà có được màu sắc

                        Trong tâm không màu vẽ

                        Trong màu vẽ không tâm

                        Nhưng chẳng rời nơi tâm

                        Mà có được màu vẽ

                       Tâm như nhà họa sư

                       Vẽ nên những thế gian

                       Năm uẩn từ tâm sanh

                       Không pháp gì chẳng tạo,

                       Như tâm, Phật cũng vậy

                       Như Phật, chúng sanh đồng

                       Tâm, Phật và chúng sanh

                       Cả ba không sai khác.

                    Kinh Hoa Nghiêm, phẩm 20

Một người có một mức độ nào đó trong sự hiểu biết thế giới (cảnh của tâm) và con người (tâm vẽ cảnh) như vậy, hẳn có thể làm một họa sĩ hàng đầu, đưa người ta tiếp cận với sự thấy biết thật tướng của đời sống. Theo Picasso, đó là một người cách mạng. Người cách mạng ấy, nói theo Phật giáo, làm thay đổi quan kiến vô trật tự. Không thống nhất, không hài hòa (những cái gây ra hỗn loạn khổ đau) để đưa cái thấy sai lầm ấy (tà kiến) trở về với “phán nhãn thanh tịnh”, con mắt pháp trong sạch.

Đối với Phật giáo, người ta chỉ bắt đầu thấy đúng, thấy biết được thật tướng (chánh kiến) khi đạt được “con mắt pháp trong sạch”, như thường được diễn tả sau một thời thuyết pháp của Đức Phật trong các kinh Đại thừa. Cái thấy rõ suốt này là bước căn bản của con đường Phật giáo, nó được diễn tả bằng nhiều từ ngữ: Thông đạt vị, hay kiến đạo vị, hay cái thấy (the view, TT lta-ba) của Đại Toàn Thiện Dzogchen, hay thấy Tánh của Thiền tông, hay con đường thấy (the path of seeing) trong năm con đường hay năm cấp độ của Đại thừa…

Chữ “quán” hay “chánh quán” của Phật giáo có nghĩa là thấy đúng như thực. Chính qua cái thấy đó mà con người thấy được cái đẹp, cái hài hòa, cái thống nhất trong đa dạng, mà kinh điển gọi là “cõi nước thanh tịnh của Phật”.

“Ngài Xá Lợi Phất nói: Tôi thấy cõi này toàn là gò nổng, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, đất đá lổn ngổn, đây là các thứ dơ bẩn, xấu xí.

Loa Kế Phạm vương nói: Tâm ngài có cao thấp, chẳng y nơi trí tuệ giác ngộ nên thấy cõi đây chẳng thanh tịnh.

Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: Như vậy đó, Xá Lợi Phất! Nếu tâm người tịnh, liền thấy cõi này đầy đủ công đức trang nghiêm”. Kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật quốc.

Thấy được thật tướng của tất cả các hiện tượng, thấy được tất cả các hiện tượng xưa nay vốn thanh tịnh, đó là cái thấy căn bản và rốt ráo của Phật giáo. Và đó cũng là cứu cánh của hội họa nói riêng và tất cả mọi nghệ thuật khoa học nói chung. Cái thấy đó là thấy được cái Đẹp (mà Phật giáo gọi là thanh tịnh va vô ngại như vũ trụ được gọi là Hoa Nghiêm, trang nghiêm bằng hoa), cái Thật (thật tướng) va cái Tốt (mục đích của Đại thừa là trở thành Phổ Hiền, vì Phật nguyên sơ của các tông phái Ấn-Tạng, mà danh hiệu được dịch ra tiếng Anh là All Good, có nghĩa là toàn thiện, hoàn toàn tốt).

Nghệ thuật và Phật giáo có cùng mục tiêu: tìm kiếm Thực Tại; thấy, nghe, biết, nếm, xúc chạm…cái thực tại của đời sống là gì, và đó không phải là một thực tại lưng chừng mà là thực tại rốt ráo tối hậu.

Tuy nhiên, với nghệ thuật thì có những điều như sau:

– Trên con đường của mình, phải khá lâu các nhà nghệ thuật mới nhìn ra con đường mình hướng đến cái gì, tức là mục đích của mình là đi tìm thực tại và thể hiện thực tại theo con người hữu hạn của mình. Các nhà Phật giáo thì thấy điều ấy ngay từ đầu: họ tự nhận ra mình là những hành giả.

– Nghệ thuật bị giới hạn vào một số ít giác quan (hội họa: mắt, âm nhạc: tai, thơ văn:ý…) Trong khi Phật giáo, công cuộc khám phá thực tại huy động toàn bộ thân tâm cho nên sự khám phá ấy trở nên dễ dàng hơn và lớn lao toàn bộ hơn.

 – Con đường Phật giáo có chủ ý hơn, khoa học hơn, rõ ràng minh bạch hơn. Cũng do đó mà đối với Đông phương, các ngành nghệ thuật đều được gọi là đạo (con đường), đó là ảnh hưởng lớn của Phật giáo.

3. Nghệ thuật là đời sống

Nghệ thuật là công cuộc tìm kiếm sự hài hòa, sự mới lạ và bí ẩn còn che giấu; đó cũng là những tính chất căn bản của đời sống. Có thể diễn tả một cách phác lược: Sự hài hòa nhấn mạnh vào chiều không gian, chiều kích tĩnh; sự mới lạ nhấn mạnh vào chiều thời gian, chiều kích dộng; và sự bí ẩn là chiều kích rộng và cao còn chưa nhìn thấy.

Tính chất của nghệ thuật cũng là tính chất của đời sống, đơn giản vì nghệ thuật là nghệ thuật của đời sống. Nghệ thuật là đời sống được thể nghiệm và thể hiện nơi tâm thức nghệ sĩ; và phương tiện và mục dích của nghệ thuật cũng là phương tiện và mục đích của đời sống. Nói cách khác, nghệ thuật là một cách sống. Phật giáo cũng thế, cũng là phương tiện để đi đến thực tướng của đời sống và mục đích của no là đời sống như thực, thật tướng của đời sống. Thế nên, Phật giáo là một cách sống, một nghệ thuật sống.

Phật giáo là nghệ thuật sống, nghệ thuật sống với toàn bộ thân tâm và toàn bộ thế giới va con người. Hẳn nhiên con đường Phật giáo sẽ đưa đến cái mà nghệ thuật và cả cuộc sống nhắm đến. Sự trật tự hài hòa, thống nhất trong tương quan, đưa đến hạnh phúc và tự do, những ý nghĩa còn che khuất của đời sống vô lượng vô biên. Phật giáo là nghệ thuật sống với toàn vẹn thân tâm bấy lâu vẫn bị che khuất của mình.

Nghệ thuật của cuộc đời bình thường là một thứ nghệ thuật thân tâm bị che khuất cho nên vẫn nhiều mập mờ, nhiều ước ao, nhiều phóng tưởng. Con người Phật giáo thấy đạo, ngộ đạo (nghĩa là thấy, ngộ cái thựctướng của đời sống) thì thấy toàn bộ đời sống là nghệ thuật, và do đó cảm nghiệm, hưởng thụ đầy đủ đời sống ở mức độ rộng lớn và cao sâu của nó. Khi Phật giáo giải thoát thân tâm con người ra khỏi sự bị che lấp thì đồng thời nó cũng đưa người ấy vào đời sống đích thực và rốt ráo mà Phạt giáo gọi là “pháp giới” hay “nhập pháp giới”.

Chúng ta trích hai bài thơ của Xuyên thiền sư trong Kim Cang Chư Gia (Trần Văn Minh, Trần Huỳnh dịch, 1934) để thấy rằng một người thấy đạo là một nghệ thuật, một nghệ sĩ của giải thoát như thế nào, và thực tướng của đời sống thì phong phú như thế nào:


          Lóng nghe nước phẳng lặng

              Xa thấy núi xanh xanh

              Xuân hết hoa còn lại

              Người gần chim chẳng kinh

              Đầu đầu bày lộ rõ

              Vật vật thể đều bình

              Sao lại còn chưa tỏ

              Sự sự vốn rất minh

     Và:

                 Trên là trời, dưới là đất

                           Trai thật trai mà gái gái thật

                           Thằng mục đồng cùng đứa chăn trâu

                           Hát “la la lý” cười ngân ngất.

                           Ấy, khúc ca gì mà vui khoái cả muôn năm?

 

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 62 Vu lan:   Nguyễn Thế Đăng

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here