Trang chủ Thiền môn xứ Huế Giai thoại Một góc nhìn về cuộc đời

Một góc nhìn về cuộc đời

203
0

Trước phút lâm chung, trên giường bệnh, phần lớn người ta thường ít khi nghĩ đến những ham muốn của riêng bản thân mình chưa được đáp ứng, và ngay cả những người lúc khỏe mạnh luôn theo đuổi những mục tiêu về vật chất, danh vọng, họ cũng không nghĩ “Giá như mình mua được chiếc xe này, xây được cái nhà lầu kia, mình được là ông này bà nọ”… Khi đối diện với cái chết, người ta thường rộng lượng hơn, hướng thiện hơn, muốn “cho đi” nhiều hơn. Ngay cả những tội phạm tử tù trước khi bị hành quyết cũng muốn được một cái vuốt ve cuối cùng của người mẹ, viết di chúc để lại muốn được mọi người tha thứ. Những người giàu có thường làm từ thiện trước khi chết. Một số người bị bệnh nan y thường chiến đấu với cái chết bằng những việc thiện cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Khi đã gần đất xa trời, hình như mỗi con người đều muốn được trở về với cái tính “bổn thiện” của mình, và hình như ai cũng muốn cuộc ra đi của mình có hậu!.

Một doanh nhân thành đạt nói: “Nếu bạn muốn điếu văn (trong đám tang của bạn sau này) tốt như thế nào, thì hãy sống như thế ấy”. Đây là một suy nghĩ có phần phiến diện trong việc tìm ra một động cơ sống tốt, nhưng không phải là không đáng để chúng ta suy ngẫm.

Khi sắp từ giã cõi đời, người ta thường nghĩ về những điều tốt mà đáng ra mình nên làm lúc còn sống khỏe mạnh. “Giá như mình làm được việc này việc kia cho ba mẹ già, đối xử tốt hơn với vợ hoặc chồng mình, chăm sóc các con mình tốt hơn, không quá hẹp hòi gay gắt với người này, người kia”.

Terry Fox, một thiếu niên yêu thể thao người Canada, sau khi phát hiện bị bệnh ung thư xương khi mới 18 tuổi, bị cắt chân phải, đã khởi xướng cuộc chạy mang tên “Cuộc chạy Marathon hy vọng” để gây quỹ nghiên cứu về cách trị bệnh ung thư. Anh chạy được 42 km mỗi ngày, trong vòng gần 2 năm trời với một cái chân giả, lướt quan những đau đớn đang hành hạ thân xác anh, xuyên qua các bang của Canada, một đất nước rất rộng lớn, để xin mỗi người dân chỉ 1 đô la để có thể thực hiện được điều mà mình muốn làm. Nhiều năm sau khi anh mất đi, cuộc chạy bộ mang tên anh vẫn còn tiếp tục, và số tiền hiện nay mà Quỹ Terry Fox quyên góp được lên đến 400 triệu đô la (thông tin từ www.terryfox.org). Những tấm gương của những người này về cách chọn lấy những cái chết có ích cho đời quả thật đáng khâm phục.

Tương tự như vậy, khi vừa mất đi một người thân, người ta thường ân hận, hoặc nuối tiếc, về việc lúc người ấy còn sống mình đáng ra đã nên làm điều này, điều kia, hoặc không nên thế này, thế kia với người ấy.

Dù nhìn từ khía cạnh chủ quan hay khách quan , kỳ lạ thay, hình như chính cái chết đã đưa người ta đến gần với nhau hơn, làm cho người ta trở nên nhân ái hơn- “Hơn thua với nhau làm gì, cuộc sống ngắn ngủi, ai rồi cũng phải chết”.

Tại sao lại như vậy? Bởi nếu tin rằng, mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, và nếu nghĩ rằng cái chết là sự ra đi vĩnh viễn, thì người ta sẽ phải trân trọng, yêu quý nó hơn, và cố gắng làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn, ít nhất là vào đoạn kết của cuốn phim cuộc đời. Và nếu bạn tin theo triết lý Phật giáo, rằng có rất nhiều cuộc đời, nhiều duyên kiếp, thì bạn phải sống làm sao cho mỗi cuộc đời ấy thật tốt, thật có ý nghĩa, vì mỗi cuộc đời là một phần hệ quả của một hoặc nhiều cuộc đời tiếp theo.

                          Tường Nhi: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 27

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here