Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Một bảo tàng nghệ thuật tinh hoa của dân tộc

Một bảo tàng nghệ thuật tinh hoa của dân tộc

239
0

Khi tham gia làm các từ mục mỹ thuật Việt Nam cho một cuốn bách khoa nghệ thuật của CHDC Đức (cũ), tôi đã đưa vào đó các mục từ Meister Trương (người làm tượng Phật Bà chùa Bút Thap, Meister von Dâu (Master of Dâu), Meister von Thầy, Meister von Tây Phương v.v…, là vì nhà điêu khắc Trương chỉ để lại họ, không có tên, còn các nhà điêu khắc làm các pho tượng ở chùa Dâu, chùa Thầy, chùa Tây Phương… không ai để lại tên họ. Đó là những nghệ sĩ khuyết danh. Đối với các kiến trúc sư cũng vậy. Có sự nhầm lẫn lớn khi các nhà nghiên cứu cứ liệt mọi thứ “khuyết danh” vào nghệ thuật dân gian.

 

 Nhiều khảo cứu về kiến trúc cho thấy các kiểu nhà dân giàu có cũng là các kiểu nhà của quan lại, vương hầu và chùa chiền. Kiến trúc đình làng còn quy mô hoành tráng hơn cả vương phủ và thuộc loại công trình gỗ lớn. Ở các công trình đó, ta đều thấy những nguyên lý kiến trúc và tạo hình nhất quán. Cụ thể hơn, chính là các hiệp thợ – các bậc thầy kiến trúc, điêu khắc – vừa làm nhà dân, đình, chùa… vừa làm nhà quan, vương phủ và cung điện. Hơn nữa, trong kiến trúc cung đình, điêu khắc rất mờ nhạt, chỉ có chạm trổ trang trí là tinh vi, trong khi các chùa thuộc dòng Đại thừa ở đồng bằng Bắc Bộ đúng là các bảo tang điêu khắc độc đáo.


Thật sai lầm khi coi mỹ thuật ở làng và mỹ thuật  Phật giáo Việt Nam là nghệ thuật dân gian! Khó có thể nói rằng chùa Thiên Mụ là nghệ thuật dân gian còn phủ Tuy Lý Vương là nghệ thuật “bác học”, cung đình! Tôi tin là về đẳng cấp trí thức cũng như sự đóng góp cá nhân vào sự thịnh vượng của văn hóa dân tộc thì những người như Trương tiên sinh, các nghệ sĩ bậc thầy đã dựng nên chùa Dâu, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Keo, đình Bảng, đình Chu Quyến… không hề thấp kém hơn các thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương; nếu không nói là có khi còn vượt trội. Họ thuộc lớp trí thức tinh hoa trong lịch sử văn hóa dân tộc. Mặc dù do ảnh hưởng của Khổng giáo và chế độ khoa cử, dân ta có thói quen trọng văn thơ hơn mỹ thuật thì mỹ thuật vẫn là đóng góp văn hóa lớn nhất của Việt Nam cho kho tàng văn hóa nhân loại. Chúng ta khẳng định điều này và khơi dậy niềm tự hào, cũng như thay đổi một cách căn bản quan điểm giáo dục về di sản văn hóa cho các thế hệ trẻ.


Vì vậy, tôi thiết nghĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần giúp Tăng Ni Phật tử hiểu rõ về di sản mỹ thuật Phật giáo nước nhà, đồng thời có những biện pháp phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra các biện pháp gìn giữ các di sản này.


Nếu như có một bảo tàng mỹ thuật Phật giáo để sư tập, bảo quản và trưng bày giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật Phật giáo một cách hệ thống thì tốt biết bao! Mặt khác, cũng có thể kêu gọi sự cung tiến của các cá nhân mà tôi tin rằng sẽ rất được hưởng ứng. Một việc cấp bách nữa là quy tập các di sản “trôi nổi” hoặc đang nằm rải rác ở các địa phương khó bảo vệ, bảo quản. Làm được những việc này sẽ là một đóng góp văn hóa rất quý giá.

                                                                                                                                                           

NGUYỄN BỈNH QUÂN| Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 42 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here