Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Mở thoáng tầm nhìn từ đỉnh Linh Thái

Mở thoáng tầm nhìn từ đỉnh Linh Thái

119
0

Không những Đào Duy Từ là một nhà chiến lược tài hoa mà còn là nhà thơ Nam Hà đầu tiên nổi tiếng. Có thể xem TƯ DUNG vãn là những trang sử lung linh miêu tả cảnh trí thiên nhiên kỳ vỹ cửa Tư Dung với nhiều tên gọi theo dòng lịch sử mà tên gọi ngày nay là Tư Hiền, ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc , tỉnh Thừa Thiên Huế

Khéo ư thay cảnh Tư Dung
Cửa thâu bốn biển, nước không trăm ngòi
(Câu 5-6, Tư Dung vãn)

Hoặc:

Đoái  nhìn nọ tháp kia chùa
Trinh măng một đỉnh cổ cò khá khen
Biển đông nên một hồ thiên,

Trăng thiền soi tỏ, rừng thiền rạng thanh
Lạ thay tạo hóa đúc hình,
Đất bằng nổi một đỉnh xanh trước trời

(Câu 121-126, Sđd)

Nay đọc Hải Ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thạch Liêm viết năm Ất Hợi 1695 tại trang 199, người đọc nhận biết được một nét tinh khôi : "… ra đến chùa Thiên Mụ, chùa này tức Vương phủ ngày xưa, chung quanh có trồng nhiều cổ thụ, xoay mặt ra bờ sông…" Thì ra, không những chùa Thiên Mụ ngày xưa là Vương phủ, mà chùa tháp uy nghi trên đỉnh núi thiêng Quy Sơn nổi trội lên một Vương đình nữa: 

Thời lành cả mở hội lành
Reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà
Vầy đoàn yến múa oanh ca,
Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh.
Phật đình nào khách vương đình
Ngũ vân tán lớn, cảnh tinh thoại tường
Tiên nga nâng chén quỳnh tương
Tiêu thiên nhạc múa, thái dương khí hoà

(Câu 173-180, Sđd)

Từ năm 1627 trở đi, Đào Duy Từ được vương triều xứ Đàng Trong trọng dụng. Chưa biết đích xác thời điểm Tư Dung vãn ra đời, nay chỉ phỏng chừng thi phẩm nổi tiếng ấy được sáng tác trong 9 năm chấp chính (1627-1634) của danh nhân ấy.Nghìn nghe chẳng bằng một thấy, có một thực thể lịch sử – văn hoá kỳ vỹ ở cửa biển Tư Dung, một danh thắng vừa thiên tạo lẫn nhân tạo kết hợp hài hòa, mà sách Ô châu cận lục tại quyển I, mục núi sông  và quyển V, mục đền chùa lại không nhắc đến (1). Có thiếu sót không ? Phải chăng từ những năm trước năm 1553 đời Mạc Kính Tông (1546-1561) ứng với  hai niên hiệu Vĩnh Định (1546-1547) và Cảnh Lịch (1548-1553) đều ứng với những năm cuối niên hiệu Nguyên Hoà và những năm đầu niên hiệu Thuận Bình đời Lê Trung Tôn (1548-1556),  nước Đại Việt rơi vào tình trạng qua phân Nam Bắc triều.Lẽ nào tác giả sách Ô châu cận lục thiếu thực tiễn vốn sống về một danh lam ở núi Quy Sơn bên cửa biển Tư Khách, do kỵ huý tên Mặc Đăng Dung nên đổi thành Tư Dung Chùa tháp cổ có từ thời Champa bị thời gian và binh hỏa tàn phá, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai Thủ bạ Trần Đình Ân tôn tạo như sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quí Đôn viết năm 1776 đã từng ghi :

"Năm thứ 4 niên hiệu Cảnh Trị (năm Bính Ngọ) [tức năm 1666 sau công nguyên] Chúa Nguyễn Phúc Tần đi chơi cửa biển Tư Dung , và cho xây cất chùa Hòa Vang [Hòa Vinh] tại núi Quy Sơn . Chùa này rất rộng lớn và tráng lệ (2).

Núi Linh Thái                                                               Đầm Cầu Hai nhìn từ đỉnh núi Linh Thái

Cảnh trí chùa xưa ấy có tráng lệ thật như sách vừa dẫn không ? Đào Duy Từ viết danh phẩm Tư Dung vãn bằng cách đưa bài Đường luật thất ngôn bát cú chèn vào giữa hai câu 190-191 của thể tài vãn, một loại hình sáng tác nghệ thuật thịnh hành vào thế kỷ 17 và 18, để tán thán công đức của tiền nhân và cảm tạ đất trời non nước :

Một bầu chi cũng thú yên hà,
Nghi ngút hương bay cửa Thái – La
Ngày vắng vang reo chuông Bát-Nhã,
Đêm thanh dóng dọi kệ Di Đà.
Nhật khoan đờn mối ban mưa tạnh,
Réo rắc ca chùm thuở bóng tà.
Há đạo đâu xa mà nhọc kiếm
Bồ đề kết quả ở lòng ta.

Bằng nhiều thư pháp nghệ thuật tả cảnh, tả tình tác giả đã dựng thành một bức tranh hoạ đồ ngợi ca cảnh dẹp thiên nhiên của mây trời non nước cửa biển Tư Hiền và hình ảnh của ngôi phạm vũ vừa là vương phủ dưới thời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) Thơ vịnh cảnh được ký gởi trong Tư Dung vãn đã biểu lộ thế giới quan của tác giả toát lên cái phong cách và thân giáo của một bậc thiện tri thức.

Cả một quần thể di tích chùa tháp, đền miếu, tam quan uy nghiêm tráng lệ một thời như thế. Rồi thời gian đong đưa bằng những đến non 7 thập kỷ, cảnh tượng nhà chùa ấy đã dần phôi pha và tàn lụi, rồi như rơi vào quên lãng. Tùy thời, tuỳ duyên mà bị huỷ hoại theo lẽ vô thường : "Hữu hình hữu hoại".

Nay tìm đọc đi đọc lại các biên niên của Đại Nam thực lục tiền biên và Phủ biên tạp lục3 mới hay rõ ngôi quốc tự danh tiếng trên đỉnh Quy Sơn huy hoàng vào thời (Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến  giữa đời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã  xuống cấp nghiêm trọng: chỉ còn lại cái tháp cổ linh thiêng.

Quốc sử cho biết : Đinh Mùi , 1667 mùa hạ, tháng 4, chúa đi chơi chùa Hòa Vinh. Trước là chúa đi chơi cửa Tư Dung thấy núi Quy Sơn (nay là Linh Thái) phong cảnh đáng yêu, trên đỉnh núi có một cây tháp cổ, nổi tiếng linh thiêng, sai thủ bạ Trần Đình Ân đốc suất quân dân dời cây tháp ấy đi nơi khác để lấy đất dựng chùa Phật, công việc xong, gọi tên chùa là chùa Hoà Vinh. Đến  đây Chúa ra chơi, mở hội chùa lớn 7 ngày đêm. (3)

Đối chiếu sự kiện "chúa đi chơi" ở sách Phủ Biên Tạp Lục,vào năm Bính Ngọ , 1666 ở cửa Tư Dung thì mới hiểu rõ và xác định được nằm từ trong nhóm từ "trước là chúa đi chơi" là năm tháng nào.Từ  đó mới hiểu một cách quả quyết là chùa được tôn tạo từ năm Bính Ngọ (1666) đến tháng 4 năm sau; nhân mùa Phật Đản, Triều đình tổ chức trọng đại lễ khánh thành với Hội chùa kéo dài  đến 7 ngày.

Hoà Thượng Thạch Liêm viếng cảnh chùa thiêng ấy vào ngày 29 tháng 5 năm Ất Hợi, 1695 đã miêu tả thành một bức tranh toàn cảnh có hình là chùa và nền là cây cối, trời mây, non nước:

"Đến chân núi, phu lính nghỉ xả hơi để trèo đèo, theo đường quanh co đi lên, đường đèo làm tuỳ theo chỗ đất chỗ đá, ở triền núi dốc có trồng lan can để đề phòng nguy hiểm, đều quét dọn sạch sẽ. Bộc phụ làm mồ hôi thở hào hễn. Trong rừng cây đã nghe tiếng chuông trống rất gần , nhưng đi quanh mất hàng giờ mới đến. Chùa Vĩnh Hòa cất trên chóp núi, tuy không mấy tráng lệ nhưng cũng kiên cố chỉnh tề, khuôn khổ chùa ở núi chỉ phải làm như vậy. Các quan mời vào, bày trà xong, các ông đạo ra sơn môn mời mọc. Thửa đất bằng phẳng chừng vài mươi mẫu, cây cối xanh tốt, có thể ngồi nghỉ mát dưới bóng cây. Lúc ấy vừa đúng ngọ, khí trời trong sáng ; buông mắt trông ra, trời nước mênh mông, muôn khoảnh ba đèo như núi bạc non vàng, rất đáng kinh hãi, nhưng biết đâu ở đây còn cách biển mấy dặm vậy" (4).

Hòa thượng là vị quốc khách viếng thăm chùa, đã để lại lưu niệm  ba bài thơ tức cảnh.Xin dẫn chứng bài thứ ba vì có liên quan đến tên chùa, tên núi đã gợi lên tính hiếu kỳ của độc giả : Xưa nay có sách viết Vĩnh Hoà, sách viết Vinh Hoài, sách viết Hòa Vinh khiến cho người dịch, người chú là "Hoà Vang" và độc giả trở nên hoang mang (5).

Đỉnh xưa khắc chữ "Vĩnh Hoà niên"
Bên mé biển xanh, mở cửa chiền.
Mặt đất mù sa non gơn sóng,
Lưng trời mây bủa nóc như thuyền.
Tre xanh nghìn xóm màu thu rạng,
Khe đá một bầu bóng nhật xuyên
Ham ngắm dáng chiều bên đỉnh núi
Phiên tăng lễ bái thỉnh khô thiền.

Khô thiền là khô tọa tham thiền để như quên hết, xả bỏ mọi sự. Ngẫm nghĩ về niên hiệu Vĩnh Hoà thì không có trong Nam sử. Tìm về niên hiệu ấy, dịch giả Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột cùng các thành viên của Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam , năm 1963 tại Đại học Huế cho biết Vĩnh Hoà là niên hiệu đời Thuận Đế tức năm 345 và cũng là niên hiệu thời Ngũ Đại Mân Vương Diên Quân tức năm 935 (6).

Trở lại với tác phẩm Tư Dung vãn để đọc kỹ nhiều lần thì có thể hình dung ra được lối kiến trúc của chùa Quy Sơn trên núi Rùa ở cửa biển Tư Dung vào những năm 1627 trở đi.Toàn thể một tổng thể xây dựng gồm nhiều hạng mục mà ngôn từ xưa gọi là nơi "từ vũ nghiêm trang" (câu 51); "Am ta kiệt lập non Vu/Đêm khuya chuông dóng gọi chùa Bà – Viên" (câu 55-56) ; "Đoái nhìn nọ tháp, trên chùa" (Câu 121), "Tam quan trông thấy uy linh động người" (câu 151); "Rằng chuông hải tự kết vời huyền đô" (câu 154); "Từ bi nọ các, tiêu diêu ấy đền" (câu 16a) ; "Phật đình nào khác Vương đình" (câu 177)…

Những hạng mục ấy tạo thành một tổng thể kiến trúc chùa tháp hài hòa với cảnh trí thiên nhiên ở cửa biển Tư Dung có núi chắn đâm ra sát biển :

Kíp thâu thế giới ba nghìn
Danh sơn có một, danh chiền đâu hai.
Rửa thanh bán điểm trần ai.
Nghĩ xem tiên cảnh đã ngoài phàm ai.

Xét về mặt kiến trúc thì chùa Quy Sơn, chùa Vĩnh Hòa hoặc Hòa Vinh được tôn tạo trên nền tháp cổ linh thiêng của chùa cũ với nhiều hạng mục và chùa mới chỉ được tôn tạo trong thời gian hơn 1 năm thì khó lòng nói là "rất rộng lớn và tráng lệ". Hòa thượng Thạch Liêm đã từng phát biểu nhận định của mình :"Chùa Vĩnh Hoà cất trên chóp núi, tuy không mấy tráng lệ nhưng cũng kiên cố chỉnh tề, khuôn khổ chùa ở núi chỉ phải làm như vậy" (7).

 
Tháp cổ linh thiêng trên đỉnh Quy Sơn với nhiều tên gọi hòa theo cùng với bóng dáng chùa cổ xưa do người chàm dựng lập ít nhất từ năm 935 đến năm Đinh Mùi, 1667 đời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần. Nhưng tàn tích của tháp Chăm ở miền hải cương xứ  Thuận Hoá  xưa, phần thì bị tẩu tán những tượng đá, những hồi văn ; phần thì ở phòng trưng bày ở  phòng khảo cổ học trong nước ; phần ít ỏi một tượng Chàm được thờ ở chùa Hải Triều Âm còn tồn tại cái cổng Tam quan cổ kính rêu phong và dáng dấp thời xưa xa vắng ở cách chân núi phía tiếp giáp với bờ biển chẳng bao xa ; phần còn lại là những vở còn lăn lóc hoặc bị vùi lấp phía trên núi Rùa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết trong tác phẩm 700 năm Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế xuất bản năm 2009 thì một số hiện vật gồm : 2 bức tượng giáo sĩ Ấn Độ, 1 chim thần Garudas, 2 tượng nữ công, 1 đầu bò thần Nandin… đang dược lưu giữ ở bảo tàng điêu khắc Chàm Đà Nẵng và phòng trưng bày của khoa lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế.

Những di vật thiền viện Quy Sơn

Nguồn tư liệu quý hiếm này đã được học giả Do Quiere phát hiện  và lập bản đồ. Nhà nghiên cứu lịch sử – văn hoá Léôpol Cadière đã nhắc lại trong B.E.F.E.O (8).Năm 2005 , Đại đức Thích Pháp Trí ở chùa Từ Đàm Huế cùng với một số phật tử cao tuổi ở xã Vinh Hiền và Huế đã viết thành thiên phóng sự thâu vào đĩa CD sau những ngày dài vất vã phát quang cây cối để tìm đường quanh co leo lên nền tháp cũ cũng là nền chùa xưa được khánh thành năm 1667 mà tính cho đến hôm nay thì tàn tích của chùa cổ trên nền tháp xưa đã đến 1075 năm. Còn chút duyên muộn màng thì sẽ nghe tiếng chuông Hải Tự :

Xưa kia ba chữ tốt tươi,
Rằng chuông Hải Tự kết vời huyền đô
(Câu 153-154, Tư Dũng vãn)

Liên quan đến việc chăm lo bảo tồn di tích thì các đời chúa có chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyên Phúc Nguyên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã tôn tạo và trùng tu caá chùa Thiên Mụ, Sùng Hóa, Hòa Vinh; các đời vua Nguyễn có vua Gia Long, vua Minh Mạng vua Thiệu Trị và Tự Đức.

Quốc sử cho biết vào khoảng tháng 5 ,vua Thiệu Trị đi chơi ở biển Hà Trung và núi Linh Thái, nhà Vua đã chỉ bày 3 điều hay và lý thú từ lịch sử trị nước an dân (9)

1. Vào đời Thái Tông, Thái Hiếu Triết Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Tần) nhân đi chơi xem xét biển Hà Trung, nhà vua sai thuỷ sư đem đại bác đến đánh giết được 2 con yêu máu chảy đỏ sông, còn một con chạy ra ngoài biển.Từ đấy không làm hại người nữa (9a).

Các vua chúa tiên triều lấy việc đi chơi để có phương kế đề phòng những chuyện bất trắc xảy ra ở ngoài biển.Việc đốt lửa ở đài Hỏa phong làm hiệu là một kế sách.Vì vậy mà núi Quy Sơn có tên là Lệch Sơn.

2.Cửa biển rộng 8 trượng, nước triều lên thì sâu 3 thước, nước triều xuống thì sâu 2 thước. Nước nông, thuyền to không vào được, cho nên không làm thành , đài, chỉ đặt trạm canh giữ, đóng quân tuần phòng ngoài biển. Hành cung thuỷ vận ở phía Tây cửa biển ấy. Năm Minh Mệnh thứ 6, làm đền thờ thần cửa biển (9b).

 3.Non sông hiểm cố, hai người chống được trăm người. Miền hải cương ngày càng đẹp đẽ, các nước ngoài đâu dám hỏi đến nông sâu (9c).

Với chủ trương trị nước theo Vương đạo, tuy không thẳng thừng tuyên cáo Phật giáo là quốc giáo như các triều đại Lê, Đinh, Lý, Trần. Hơn 100 trị vì các vua đời Hậu Lê lấy Nho giáo làm học thuyết chủ đạo trong thuật trị nước an nước; các triều đại vua chúa nhà Lê Trung Hưng, chúa Trịnh ở Bắc Hà và chúa Nguyễn ở Nam Hà giữ vai trò như phó vương. Họ Trịnh lấn lướt uy quyền của Lê và họ Nguyễn ở phía Nam một khi đã vững vàng thế đứng cũng không thần phục Lê – Mạc, Lê – Trịnh và tìm cách khôn khéo trong bang giao để mong  đất phương nam có quyền uy như một vương triều tự chủ.

Hai mặt của một sự vật hoặc sự kiện.Lợi thế về phía đông đất nước tiếp giáp với bể Đông, các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đặc biệt quan tâm đặt một đội thủy binh  tuần tra cẩn mật dọc miền duyên hải  với nhiều cửa khẩu, đóng quân và khai thác các nguồn lợi hải sản ở  các quần đảo từ Bắc chí Nam. Xứ Đàng Trong là đất mở cõi, chính sách nhu viễn trong đường lối trị nước mang tính cách uyển chuyển theo lối kinh quyền, chớ không cứng nhắc. Khôn khéo trong quốc sách dung hợp các nền văn hoá mới ở từng miền đất hứa trù phú và giàu triển vọng : dung hóa mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.Hiển lộ rõ nét nhất là việc đặt tên làng, tên huyện, tên phủ, tên trấn. Cụ thể như các địa danh : Hội An, Bình Khang, Thanh Hoá, Hướng Hoá, Minh Hoá, Thuận Thành, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tân Bình, Định Tường, An Giang …

Vì an ninh quốc gia, phòng chống thiên tai địch hoạ, gió chướng, gió độc; các chúa Nguyễn đặt chức Khám lý, Tấn thủ, Sơn phòng sứ … là những vị quan văn võ song toàn hoặc quan võ  uy dũng. Vua Minh Mạng là thực hiện quốc sách ấy; cho dù thời ấy là thời thịnh trị; nhà vua đã từng theo vua cha trong những ngay lao đao  bôn tẩu để mong ngày trở lại kinh thành Phú Xuân , và từ đó làm bàn đạp để vua Gia Long thu giang sơn về một mối. Sơn hà xã tắc được đặt lên hàng đầu trong những tháng ngày trước khi  vua Minh Mạng chưa lên ngôi vua. Bậc trượng phu đã từng nhận biết kiếp trước của mình là "thầy tăng", cho nên có con mắt quán chiếu, bao giờ cùng lo nghĩ xa đến vận mệnh của đất nước.

Tháng tư năm Bính Dần, 1836, vua Minh mạng ra lệnh cho triệt bỏ các đài Hỏa phong (còn gọi là đài Hỏa hiệu) ở các tấn phận Tư Dung, chu Mãi và Đà Nẵng vì hiệu quả thực tiễn của những đài này kém hiệu qủa cấp báo nhanh và lại tốn kém. Nếu có việc quan trọng khẩn cấp thì ngựa trạm phi báo. Từ tấn Thuận An trở vào đến Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam, trở ra Bắc đến cửa Việt Yên thuộc tỉnh Quảng Trị lo việc tuần tiểu trên biển và cấp báo về Kinh sư (10a).

Nhà vua sai dựng chùa, các , lầu , tháp ở núi Thuý Hoa và núi Linh Thái. Trước kia, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, Hiếu Minh Hoàng đế vì mưu cầu phúc cho dân đã từng lập chùa trên hai núi thiêng ấy. Trên núi Thuý Hoa xây chùa Thánh Duyên, tháp Điều Ngự ; trên đỉnh Linh Thái dựng chùa lấy tên gọi "TRẤN HẢI TỰ", lầu được đặt tên "VỌNG HẢI LẦU".

Còn 1 toà cổ tháp ở gò núi Linh Thái , ở phía dưới có la liệt tượng đá, lâu ngày đổ gảy phủ rêu cỏ hoang vu nhuốm vẻ tang thương. Còn bức bình phong quân sự cũng đợi ngày sửa sang. Một hành cung khác ngoài hành cung ở dưới chân núi Thuý Hoa, ở dưới núi Linh Thái để làm chỗ dừng chân cho nhà vua đến chơi. Đến khi làm xong, phái Vũ lâm cấm binh đến canh giữ (10b).

Trần Hải Tự đã vang vọng uy danh lẫm liệt từ thời danh thần Đào Duy Từ viết Tư Dung vãn:

Xưa kia ba chữ tốt tươi
Rằng chuông Hải tự kết với huyền đô.

Trong cơn binh lửa vào cuối ba thập kỷ thế kỷ 18 và năm đầu thế kỷ 19 chiến tranh đã nhiều lần bị chà đi xát lại quá nhiều lần ở vùng biển và đất liền của cửa Tư Hiền, cùng với sự xâm hại của con người và sức tàn phá của thiên nhiên khiến cho ngôi quốc tự được tôn tạo lần thứ hai, dưới thời vua Minh Mạng bị tàn rụi trở thành mất hết dấu tích.

Người xưa xây chua tháp, đền, miếu, đài và bình phong quân sự ở núi Linh Thái mà ý nghĩa thâm hậu trội hơn tên  gọi Quy Sơn về mặt văn hóa tâm linh để cầu phúc, mưu cầu cho nhân dân an cư lạc nghiệp, quốc thái dân an. Truyền thống tốt đẹp ấy ngày nay đang được phát huy, hưng dậy từ đầu xuân Canh Tý 2010, non sông cẩm tú nước ta mỗi ngày lại được thế giới nhìn nhận và cấp bằng thừa nhận Việt Nam có thêm di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá. Người Việt nào nghe tin mà không sảng khoái tâm hồn và bừng sáng niềm tự hào dân tộc con Rồng cháu Tiên (11) Như ý  nghĩ của đối cổ:

Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu,
Thốn hân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương

  L.Q.T

Chú thích

[1] Vô Danh Thị, Ô Châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc, Bùi Lương Dịch.Nxb Văn hoá Á châu – Sài Gòn 1961,tr.10-19,tr69-70.
[2] Lê Quý Đôn,Phủ biên tạp lục, Lê Xuân Giáo dịch, Nxb Phủ Quốc Vụ Khanh – Đặc Trách Văn Hoá, Sài Gòn, 1973,tr .91
[3] Quốc sử quán, Đại Nam thực lục tiền biên, Tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.81.
[4]. Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch sử hiệu Việt Nam, Nxb Viện Đại học Huế, 1963 – tr.135.
[5] Có xã Hoài Vinh theo sách Ô châu cận lục, sđd,tr.37;làng thứ 64 trong 67 xã của huyện Tư Vinh.
 Thích Đại Sán dựa trên đỉnh để đặt trước chùa để gọi tên chùa.
[6] Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, Sđd, tr.136
[7] Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, tr.135
[8] Nguyễn Đắc Xuân, 700 Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế, Nxb Trẻ , Thành phố Hồ Chí Minh,2009,tr.692
[9a,9b,9c] Quốc Sử Quán, Đại Nam thực lục chính biên, Tập 6, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007,tr.738
[10a,10b] Quốc sử quán, Đại Nam thực lục chính biên, tập 4. Viện sử học dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội,2007, tr.922 -923
[11] Trần Trung Viên sưu tập, Văn  Đàn bảo giám, quyển 4; Nxb Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968, tr.207.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here